Đấu trường tử chiến của voi và hổ trên đất Cố đô
Những cuộc tử chiến giữa voi và hổ lần đầu được tổ chức dưới thời chúa Nguyễn, vào các ngày lễ nhằm tế thần và phục vụ nhu cầu giải trí cho vua, quan lại và người dân ở cố đô Huế.
Hổ quyền được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng theo kiến trúc vành khăn. Ảnh: Võ Thạnh
Theo các tài liệu ghi chép, vào năm 1829, vua Minh Mạng cùng các quan đã ngự giá xem trận tử chiến giữa voi và hổ ở cồn Dã Viên (Huế). Trong lúc đang giao đấu, một con hổ bất ngờ bơi về phía thuyền vua, vua phải dùng sào đẩy hổ ra xa thuyền, quan quân kịp thời giết chết con hổ ngay trên sông.
Nhận thấy những trận đánh của voi và hổ tổ chức ở cồn Dã Viên không an toàn, năm 1830, vua Minh Mạng quyết định chọn thôn Trường Đá, phường Thủy Biều (Huế) ngày nay để xây dựng một đấu trường kiên cố dành cho những trận tử chiến giữa voi và hổ, được gọi Hổ Quyền.
Cấu trúc Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã, khi đấu trường lộ thiên có cấu trúc theo hình vành khăn, có hai vòng thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,8m, vòng thành ngoài cao 4,75m, dày trung bình 4,5m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m.
Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và triều thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.
Đối diện với khán đài có 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn.
Video đang HOT
Cổng chính, nơi voi đấu được dẫn vào. Ảnh: Võ Thạnh
Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có hai cánh cửa bằng gỗ, đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền”, voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An, trận đấu cuối cùng giữa voi và hổ diễn ra tại Hổ Quyền tổ chức vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Trận đấu voi và hổ này được nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An diễn tả lại trong cuốn “Quần thể di tích Huế” như sau: Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: “Con này can đảm lắm”.
Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết.
Năm chuồng nhốt hổ được thiết kế bên dưới thành của đấu trường. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, đấu trường Hổ Quyền là một một di tích có ý nghĩa lịch sử lớn, đã được đưa vào danh sách các di tích sẽ được trùng tu trong giai đoạn 2016 – 2020.
Võ Thạnh
Theo VNE
Lần đầu tiên sau 70 năm, kim ấn triều Nguyễn trở về cố đô
Chiếc kim ấn bằng vàng nặng gần 9kg cùng sách vàng đã trở về lại hoàng cung Huế sau hơn 70 từ ngày vua Bảo Đại thoái vị.
Ngày 23/4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trưng bày chiếc kim ấn nặng gần 9kg được đúc bằng vàng ròng nguyên khối, dưới thời vua Minh Mạng (1927). Chiếc ấn được nhà vua dùng đóng trên các văn bản để khuyến cáo dân chúng hoặc bằng khen tặng các nhân vật hiếu nghĩa (con cái có hiếu với cha mẹ) và những người tiết nghĩa.
Chiếc kim ấn (hay còn gọi là kim bảo tỷ) nặng gần 9kg, chế tác bằng vàng dưới thời vua Minh Mạng (1927) được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Đắc Đức.
Triển lãm còn trưng bày kim sách triều Nguyễn vốn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được chế tác bằng vàng hoặc bạc, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu, hoặc ghi công phong tước và dâng, ban tôn hiệu cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ấn tín và sách vàng được đưa ra khỏi hoàng cung Huế. "Sau hơn 70 năm, số bảo vật vô giá này mới được đưa về lại Huế để trưng bày, phục vụ khách tham quan. Đây được xem là bước khởi động cho một cuộc trưng bày Bảo vật hoàng cung sẽ tổ chức vào tháng 9 năm nay", ông Trung nói và cho hay xung quanh những kim ấn, sách vàng, có nhiều câu chuyện đặc biệt về hoàng cung triều Nguyễn xưa.
Những cuốn kim sách được biên soạn dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Ảnh: Đắc Đức.
Theo ông Trung, năm 1961, một cuộc triển lãm giới thiệu về sự xa xỉ của chế độ phong kiến xưa đã được tổ chức. Tại đây, một chiếc ấn của Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) đã bị kẻ gian đánh cắp rồi mang bán. Hai năm sau, kẻ này bị bắt và bị bỏ tù.
Năm 2010, tại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lần đầu tiên bộ hiện vật bằng vàng này được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mang ra trưng bày. Năm 1945, chính quyền cách mạng phát động chương trình tuần lễ vàng. Bấy giờ, ông Nguyễn Lân giữ vai trò là phó chủ tịch hội đã nêu ra ý kiến của nhiều người đứng ra phát động tuần lễ với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, nên mang số vàng đã tiếp quản từ triều đình nhà Nguyễn nung chảy để làm ngân lượng quốc gia, phục vụ cho kháng chiến.
Nhiều nhà nguyên cứu và du khách quốc tế đã đến chiêm ngưỡng những báu vật bằng vàng. Ảnh: Đắc Đức.
Bấy giờ, Bác Hồ không đồng ý và bảo: "Nếu sau này có một ngày đất nước ta thống nhất thì chúng ta lấy bằng chứng gì để khẳng định nước ta đã có lịch sử ngàn năm văn hiến", ông Hải Trung kể và cho hay nhờ quyết định đó mà giờ đây số ấn tín, sách vàng của Việt Nam đang lưu giữ hầu như là độc bản.
Chăm chú vào chiếc ấn tín và sách vàng, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, việc đưa ấn tín và sách vàng trở về lại cố cung là một điều đáng quý. "Thông qua nội dung của kim sách, kim ấn có thể chứng minh được nét văn hóa, bề dày lịch sử cũng như văn hiến hàng nghìn năm của dân tộc", ông Xuân chia sẻ và bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi tài hoa của những nghệ nhân đã chế tác ra những báu vật vô giá bằng vàng.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ 25 chiếc ấn bằng vàng; 7 chiếc ấn bạc mạ vàng và 12 chiếc ấn bạc của các bậc Hoàng đế triều Nguyễn. Bên cạnh đó, có 8 chiếc ấn vàng; 16 chiếc ấn bạc mạ vàng và 3 chiếc ấn bạc của các bậc vương hậu cùng 94 cuốn kim sách thuộc nhiều đời vua.
Đắc Đức
Theo VNE
Xuyên tạc lịch sử Việt Nam, đốt tiền Việt,... HDV Trung Quốc phải chịu khung hình phạt nào? Những ngày qua dư luận hết sức bất bình trước việc du khách người Trung Quốc đốt tiền Việt; HDV Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam ngay trên đất Việt và một số người Việt tiếp tay cho những hành động phi pháp trên,... Các đối tượng này sẽ phải chịu khung hình phạt nào trước luật pháp Việt Nam? Để...