Đấu tranh mạnh với tội phạm về môi trường
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều vụ chôn lấp chất thải nguy hại với quy mô lớn do các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện.
Những cách làm ăn theo kiểu tàn phá môi trường này không chỉ thể hiện ý thức kém trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp mà còn cho thấy sự quản lý lỏng lẻo (hoặc làm ngơ) của chính quyền địa phương khi để việc chôn lấp chất thải trên diện tích lớn diễn ra trong thời gian dài mà không phát hiện, xử lý…
Ngày 13/9, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, xử lý một cơ sở sản xuất muối có hành vi chôn lấp, đổ thải hơn 2.100 tấn chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Theo điều tra, cơ sở sản xuất muối trên nằm trên địa bàn ấp 7, xã Tân Long, huyện Phú Giáo (Bình Dương) do bà Dương Thị Vân (ngụ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) quản lý, điều hành. Khu vực mà bà Vân dùng để đổ và chôn lấp chất thải rộng 933m2, được phân thành 9 điểm với 3 điểm chôn chất thải dưới đất và 6 đống chất thải lộ thiên. Cơ quan Công an xác định tổng trọng lượng chất thải đổ, chôn lấp tại cơ sở của bà Vân là hơn 2.100 tấn. Bà Vân cho biết, từ khoảng tháng 9/2020 đến nay, bà Vân sử dụng chất thải công nghiệp (vải vụn, giấy vụn, simili, băng keo, tem giấy thải, bọc nilon…) để đốt lò sản xuất muối.
Số chất thải này bà Vân mua lại từ các tài xế xe tải vận chuyển rác thải cho các công ty sản xuất giấy, giày da trên địa bàn. Tuy nhiên, đối với chất thải còn ướt không đốt được thì bà Vân cho công nhân chôn lấp hoặc để lộ thiên. Qua kiểm tra, bà Vân không cung cấp được hồ sơ giấy tờ liên quan đến công tác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình chôn, lấp, đổ chất thải.
Bãi rác thải lộ thiên ở cơ sở sản xuất muối của bà Dương Thị Vân.
Trước đó, cũng tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, ngày 24/8/2022, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phát hiện Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) chôn lấp chất thải trái phép quy mô lớn.
Bãi chôn lấp có diện tích hàng chục ngàn m2, chứa đủ các rác thải, trong đó có những rác thải nguy hại thùng phuy đựng hóa chất, bao bì nhiễm dầu… gây ô nhiễm nghiêm trọng cho một con suối gần đó. Vào thời điểm kiểm tra, có khoảng 25.000 tấn chất thải chưa qua xử lý được chôn lấp tại đây…
Video đang HOT
Từ các vụ việc trên, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu đơn vị, địa phương phụ trách quản lý đất đai, xây dựng, môi trường có liên quan đến vụ việc vi phạm về kinh doanh, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép và quản lý chất thải không đúng quy định. Đồng thời, ban hành công văn về việc đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh.
Theo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bình Dương, qua thực tế kiểm tra cho thấy, khá nhiều doanh nghiệp là chủ nguồn thải dùng chiêu đối phó là ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý rác thải, nhưng thực tế không giao chất thải cho các đơn vị đã ký hợp đồng mà giao cho các cơ sở thu mua phế liệu đem đi đổ hoặc tự chôn lấp tại công ty để giảm chi phí xử lý.
Đối với chất thải nguy hại cũng vậy, cũng được ký hợp đồng xử lý hẳn hoi nhưng cuối cũng chất thải cũng được đưa vào vựa phế liệu và đem đi chôn lấp trái phép. Mặt khác, một số đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, sau khi tiếp nhận chất thải không vận chuyển về nhà máy để xử lý mà tập kết tại một kho chứa (được thuê lại, chưa được đăng ký trong giấy phép) để phân loại, những loại chất thải còn tái sử dụng được sẽ bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu (thùng phuy dính dầu mỡ, dầu nhớt thải, linh kiện điện tử…), những loại chất thải không còn giá trị thì mới vận chuyển về nhà máy để xử lý. Quá trình xử lý chưa đúng quy trình này cũng đã gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Công an tỉnh Bình Dương cho biết sẽ phát động phong trào quần chúng tham gia phát hiện và tố giác hành vi vi phạm đổ, đốt, chôn lấp chất thải nguy hại không đúng quy định, nhất là các khu vực có cơ sở phế liệu hoạt động. Tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là trong công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, lên danh sách các doanh nghiệp có nguồn chất thải lớn, nguy hại khó xử lý; rà soát và thường xuyên bổ sung thông tin, tài liệu phản ánh tình hình của các đối tượng có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, các chủ cơ sở mua bán phế liệu…
Công an Bình Dương cũng đang nghiên cứu xây dựng, chỉnh sửa bổ sung các quy chế phối hợp, đề ra hình thức, nội dung cụ thể, rõ ràng, xác định vai trò của các cơ quan trong quan hệ phối hợp để đảm bảo xử lý triệt để, đồng bộ, mang tính giáo dục, răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Bắt quả tang cơ sở vận hành lò đốt chất thải điện tử nguy hại quy mô lớn
Một cơ sở vận hành lò đốt chất thải điện tử nguy hại quy mô lớn vừa được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường Bộ Công an phát hiện tại K15 thôn Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Không chỉ xây dựng lò đốt trái phép trên đất rừng, cơ sở này còn đổ xỉ thải với khối lượng hàng trăm tấn trực tiếp ra môi trường, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Các chất thải nguy hại được tập kết tại địa điểm lò đốt trái phép.
Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về môi trường
Trước đó, qua công tác trinh sát nắm tình hình, ngày 24/8, Phòng phòng, chống tội phạm (PCTP) môi trường trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và đa dạng sinh học (Phòng 4) - Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, Bộ Công an bất ngờ ập vào bắt quả tang cơ sở đốt chất thải nguy hại trái phép có địa chỉ tại K15, thôn Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang hoạt động đốt các loại bản mạch điện tử thải, bản mạch điện thoại, tivi, roto có dây đồng thải, dây điện thải loại. Đáng chú ý, lò đốt này được xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất. Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an đã khẩn trương phối hợp các Cơ quan chức năng địa phương kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở vận hành lò đốt chất thải nguy hại trái phép này.
Qua xác minh xác định, địa điểm lò đốt chất thải trên là dây chuyền luyện sten đồng thuộc Xưởng tận thu Chế biến Kim loại và Sản xuất vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Cao Bắc có địa chỉ tại K15 thôn Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn do bà Dương Thị Đào (SN 1969) làm giám đốc. Tuy nhiên, ngày 1/7/2022, DNTN Cao Bắc đã cho Công ty TNHH Thảo Nguyên BN thuê toàn bộ nhà xưởng, tài sản gắn liền tại nhà xưởng với thời hạn 4,5 năm. Hiện tại, toàn bộ dây chuyền, nhà xưởng luyện sten đồng đã được bàn giao cho Chi nhánh Công ty TNHH Thảo Nguyên BN Bắc Kạn toàn quyền quản lý và sử dụng.
Qua kiểm tra hiện trường xác định, tổng số nguyên liệu là linh kiện điện tử, bản mạch vi tính, bản mạch điện thoại, dây đồng, đồng, xi măng, xỉ đồng, than cacbon... được tập kết tại địa điểm vận hành lò đốt trái phép này có tổng khối lượng khoảng 300 tấn. Trong đó, riêng kiểm tra xe ôtô tải BKS 99H - 005.10 do tài xế Nguyễn Duy Diễn điều khiển được Chi nhánh Công ty TNHH Thảo Nguyên BN Bắc Kạn thuê chở chất thải gồm dây đồng, dây điện đồng, sắt vụn, thùng tôn từ kho tại Bắc Ninh lên đây để xử lý đã có trọng lượng gần 19 tấn.
Chủ lô hàng chất thải tập kết tại địa điểm lò đốt trên được xác định của Công ty TNHH Thảo Nguyên BN, có địa chỉ: Phố Nguyễn Nghiêu Tá, Khu đô thị mới, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh do bà Lê Thị Thanh làm giám đốc, và cũng là giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thảo Nguyên BN Bắc Kạn, địa chỉ: K15 thôn Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Qua kiểm tra đều cho thấy Công ty Công ty TNHH Thảo Nguyên BN và Chi nhánh Công ty đều không có hồ sơ giấy phép về môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, xác định tổng số lượng công nhân viên làm việc tại cơ sở lò đốt chất thải này là 22 người, trong đó có 4 công nhân người Trung Quốc chuyên trách về kĩ thuật lò đốt.
Đêm 23/8, thời điểm lực lượng chức năng ập vào bắt quả tang, phát hiện 9 công nhân và 1 nhân viên kĩ thuật lò đốt người Trung Quốc đang vận hành lò đốt chất thải. Các công nhân này đang đưa các bản mạch điện tử thải, bản mạch điện thoại, tivi, roto có dây đồng thải, dây điện, than và chất thải có màu xám vào lò đốt.
Trả lời lực lượng chức năng về các hộp sắt tại lò đốt, đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Thảo Nguyên BN Bắc Kạn và DNTN Cao Bắc xác nhận, đây là các nguyên liệu phục vụ cho việc vận hành lò đốt, trong đó chất thải màu xám là xỉ chì được trộn lẫn với bản mạch điện tử thải, sau đó đổ vào thùng tôn, nén chặt rồi chuyển vào lò để đốt thu hợp kim. Không chỉ phát hiện sai phạm tại khu vực lò đốt chất thải, cơ sở này còn đổ xỉ thải thẳng ra môi trường. Tổng khối lượng xỉ thải đổ ra 2 bãi xỉ thải ước tính sơ bộ khoảng 150 tấn, trong đó 1 bãi gần ao, rơi ngấm vào nước.
Các chất thải nguy hại được tập kết tại địa điểm lò đốt trái phép.
Tự ý xây dựng lò đốt trên đất rừng sản xuất
Làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường làm rõ, DNTN Cao Bắc hoạt động theo Giấy đăng kí doanh nghiệp số 4700129140 do Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bắc Kạn cấp đăng kí lần đầu ngày 20/02/2001. DNTN này đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư, xây dựng xưởng tận thu, chế biến kim loại và sản xuất vật liệu xây dựng tại thôn Bản Tặc, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn và được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 1578/QĐ- UBND ngày 06/9/2019 và Giấy phép môi trường số 783/GPMT-UBND ngày 11/5/2022.
Theo Giấy phép môi trường DNTN Cao Bắc phải xây dựng bãi thải rắn 17.700 m2 theo kỹ thuật đáy bãi thải được lu nền chặt, lót vải địa kỹ thuật HDPE, chống thấm và thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này chưa thực hiện xây dựng bãi thải rắn và các công trình bảo vệ môi trường theo Giấy phép môi trường. Hiện, dây chuyền luyện sten đồng của doanh nghiệp này đang đổ xỉ thải trực tiếp trên nền đất được giao quản lý, sử dụng.
Đáng chú ý, địa điểm xây dựng và vận hành lò đốt chất thải trên thuộc DNTN Cao Bắc đã xây dựng trên diện tích đất rừng sản xuất khi chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác. Việc xây dựng lò đốt chất thải, luyện sten đồng là trái phép, chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Cụ thể, DNTN Cao Bắc thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn tại Văn bản số 4614/UBND-NNTNMT ngày 15/7/2022 với nội dung: yêu cầu DNTN Cao Bắc có trách nhiệm thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ cho dự án và lập hồ sơ đất đai đảm bảo theo quy định của pháp luật (không được tổ chức xây dựng khi chưa được giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Vụ việc xây dựng lò đốt chất thải trái phép trên đất rừng sản xuất và đốt chất thải điện tử nguy hại trái phép; đổ xỉ thải ra môi trường là hành vi vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Hiện Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an đang tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật
Quảng Trị: Khởi tố vụ án hình sự mua bán 2 chú rùa quý hiếm Công an Quảng Trị đã khởi tố vụ án liên quan đến vụ mua bán 1 con rùa hộp trán vàng miền trung, 1 con rùa sa nhân, đều nằm trong nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm. Sáng 10.8, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) đã có quyết định khởi tố vụ án...