Đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm mua bán người
Thời gian qua, lực lượng công an tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó Công an Đồng Nai, đã vào cuộc mạnh mẽ, đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm, đường dây tội phạm hoạt động mua bán người.
Nhóm đối tượng trong đường dây mua bán người vừa bị Công an tỉnh triệt phá. Ảnh: Công an cung cấp
Vì lợi nhuận quá lớn, tội phạm mua bán người đã bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp đạo lý tìm cách lừa bán các nạn nhân là những trẻ sơ sinh, người dưới 16 tuổi để thu lợi bất chính.
Triệt phá đường dây mua bán trẻ em liên tỉnh
Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến vụ triệt phá đường dây mua bán trẻ em, chủ yếu là trẻ sơ sinh, tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, trong đó có Đồng Nai. Đây có thể nói là đường dây tội phạm mua bán người lớn nhất mà lực lượng công an nhiều tỉnh, thành triệt phá thành công, trong đó có sự góp sức của lực lượng Công an Đồng Nai.
Theo thông tin từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đường dây mua bán trẻ em xảy ra tại 32 tỉnh, thành trên cả nước, với thủ đoạn tinh vi là làm giả giấy tờ để hợp thức hóa những trẻ em bị bán lại.
Thông qua các nguồn tin báo của người dân và công tác nắm tình hình của lực lượng trinh sát từ các hội nhóm trên không gian mạng, xác định có một đường dây chuyên mua bán trẻ sơ sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xác lập chuyên án, huy động lực lượng trinh sát phối hợp với công an các tỉnh, thành liên quan tập trung đấu tranh làm rõ.
Sau một thời gian tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, ban chuyên án phát hiện và tiến hành bắt giữ Nguyễn Thị Ánh Đào (35 tuổi, ngụ xã Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) khi đối tượng đang chuẩn bị bán một cháu bé 3 ngày tuổi (con của một phụ nữ tại tỉnh Đắk Lắk) cho một gia đình hiếm muộn ở Thành phố Hồ Chí Minh để lấy 40 triệu đồng. Mở rộng điều tra, lực lượng công an tiếp tục bắt giữ: Hoàng Thị Nhung (42 tuổi, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa), Đỗ Thị Thúy Ngân (30 tuổi, quê Thành phố Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (41 tuổi, quê tỉnh Hải Dương)… là những đối tượng có liên quan đến đường dây này.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu, từ ngày 1-7-2024 đến ngày 30-9-2024, Công an tỉnh mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.
Ban chuyên án xác định, từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua các hội nhóm kín trên mạng xã hội, đường dây tội phạm này đã kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi) với số tiền từ 10-23 triệu đồng/trẻ. Sau đó, các đối tượng bán lại cho các gia đình hiếm muộn với số tiền từ 35-75 triệu đồng/trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho – nhận con nuôi, các đối tượng này đã móc nối với đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là Phan Phương Nam (35 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) để mua giấy chứng sinh giả. Quá trình bắt, khám xét nơi ở của Nam, lực lượng công an thu giữ máy tính, máy in, máy dập, máy photocopy, máy ép nhựa, mực in, các loại con dấu, các loại phôi… và hàng ngàn giấy tờ giả các loại, trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.
Theo cơ quan công an, qua chưa đầy một tháng vào cuộc điều tra, lực lượng công an đã triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hoạt động thông qua các hội nhóm kín trên không gian mạng.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 16 đối tượng trong đường dây để điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
“Đánh sập” đường dây bán người vào cơ sở massage
Trong khi Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục mở rộng đường dây mua bán trẻ sơ sinh diễn ra tại nhiều tỉnh, thành thì tại Đồng Nai, ngày 31-8, Công an tỉnh đã triệt phá thành công chuyên án, bắt 15 đối tượng về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo thông tin từ Công an tỉnh, đầu tháng 8-2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhóm đối tượng hoạt động mua bán người, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Các đối tượng trong đường dây này “núp bóng” danh nghĩa các cơ sở kinh doanh có điều kiện để hoạt động nhằm thu lợi bất chính.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với đối tượng trong đường dây mua bán người.
Sau một thời gian vào cuộc điều tra, vào tối 22-8, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với trinh sát Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An đồng loạt triển khai các tổ trinh sát bất ngờ ập vào các địa điểm tại thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An để khống chế, bắt giữ các đối tượng liên quan.
Theo đó, lực lượng công an đã bắt giữ các đối tượng: Nguyễn Ngọc Duy (28 tuổi, ngụ huyện Định Quán), Huỳnh Ngọc Thuận (26 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Xuân Việt (30 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Thu Hà (31 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) khi đang có hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage. Cũng tại đây, lực lượng công an đã bắt giữ 10 đối tượng có hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng do Nguyễn Xuân Việt (35 tuổi) và Lê Thị Lanh (35 tuổi), đều ngụ huyện Vĩnh Cửu, cầm đầu.
Chủ động ngăn chặn từ sớm tội phạm mua bán người
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, Ban chỉ đạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới Phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7). Việc triển khai kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến địa bàn cơ sở. Qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người.
Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.
Để thực hiện tốt các nội dung này, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh) triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Lực lượng công an phải chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm có liên quan.
Tăng cường bảo vệ trẻ em trước tội phạm mua bán người
Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người.
Trong đó tập trung hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, từng bước đẩy lùi tội phạm này ra khỏi đời sống - xã hội.
Báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm mua bán người tại Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa trong công tác này, theo đó 6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người đang có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động "từ truyền thống sang hiện đại", các đối tượng lợi dụng nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Wechat... để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Ngoài ra, các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân...
Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Cụt Thị Mùi về tội "Mua bán trẻ em".
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng, triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, trong nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 247 nạn nhân. Điển hình, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào; tại tỉnh Nghệ An, vào tháng 7/2024, Công an huyện Tương Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Cụt Thị Mùi (SN 1991), trú tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) về tội "Mua bán trẻ em", đồng thời đã giải cứu thành công nạn nhân C.T.K. (SN 2002), trú tại huyện Tương Dương và 2 nạn nhân khác khi mở rộng điều tra vụ án.
Trước đó, chiều11/6, Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang Phạm Thị Hằng (SN 1986), trú tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) khi đang giao dịch và bán cháu gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, TP Thanh Hóa. Tiến hành kiểm tra nơi ở của đối tượng, cơ quan Công an phát hiện Hằng đang nuôi 3 phụ nữ mang thai, sau khi sinh, đối tượng sẽ liên hệ làm thủ tục cho con nuôi và trả mỗi người 10 triệu đồng.
Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân.
Việc hợp tác quốc tế tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và nhìn nhận khách quan hơn, thể hiện rõ nét ở việc Việt Nam được nâng lên nhóm 2 trong Báo cáo đánh giá tình hình mua bán người trên thế giới của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, để phòng ngừa tội phạm lợi dụng không gian mạng dụ dỗ nạn nhân, nhất là trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị tham gia xây dựng phần mềm: "Người trợ lý ảo" trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi cài trên App điện thoại. Ứng dụng phần mềm này được thiết kế các bộ câu hỏi liên quan đến lĩnh vực: Xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng, chống ma tuý, căn cước công dân, an toàn giao thông..., các hình ảnh hướng dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đặc biệt ứng dụng phần mềm được cài đặt chức năng tổng đài khẩn cấp, đường dây nóng của các đơn vị. Ví dụ: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Cảnh sát 113; Phòng cháy 114; Y tế 115 và những câu chuyện liên quan đến tình huống xâm hại trẻ em nhằm trực quan hoá các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa trước các loại tội phạm. Có thể nói, phần mềm "Người trợ lí ảo" là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam chuyên về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Cục Cảnh sát hình sự, đến nay đã có 20.000 lượt cài và truy cập.
Từ những kết quả nêu trên, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và toàn dân đối với công tác phòng, chống mua bán người. Qua đó, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu "bảo vệ an ninh con người" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thiết thực hưởng ứng chủ đề hành động của năm 2024 "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người".
Thời gian tới, dự báo cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng khi nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của người dân tăng cao; sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho việc trao đổi thông tin, song cũng là phương tiện để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động, lừa gạt dụ dỗ, mua bán, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em và người dưới 16 tuổi.
Do vậy, cần sự tiếp tục vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, các ban, ngành và toàn dân từ Trung ương đến địa phương cùng nhau cam kết và biến cam kết thành hành động. Để mỗi thành viên trong cộng đồng phải là một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống nạn mua bán người.
Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu kể từ năm 2013, cũng như chọn ngày 30/7 là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hoạt động kỷ niệm Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người"
Điều tra mở rộng vụ buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng Ngày 19/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số khởi tố vụ án hình sự "Buôn lậu" xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác để điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án...