Dấu tích thời vua Minh Mạng còn lại ở thành Đồng Hới
Qua 200 năm, thành Đồng Hới (Quảng Bình) được xây dựng bằng gạch từ thời Minh Mạng, nay còn 1.087 m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế, cổng phía Đông…
Thành Đồng Hới được vua Gia Long xây dựng bằng đất vào năm 1812. Đến năm 1824 thời Minh Mạng, thành được xây dựng lại bằng gạch theo lối kiến trúc vô băng, thành luỹ quân sự, do một sĩ quan Pháp thiết kế, và còn tồn tại một phần cho đến ngày nay. Ảnh: Google Map
Kiểu thành vô băng có dạng hình học rõ ràng, có những phần nhô ra góc cạnh, phù hợp với điều kiện quân sự đã phát triển. Ở đây, thành Đồng Hới có hình múi khế, 4 múi to và 4 múi nhỏ. Ngoài thành là hào sâu và rộng. Thành được kết hợp kiến trúc quân sự châu Âu với tinh hoa bản địa, thể hiện ở việc xây bằng gạch, vữa mật mía trộn cát, không tô trát, gạch có độ nung cao.
Chu vi thành khoảng 1.860 m, cao khoảng 4 m, có 3 cổng lớn Bắc – Nam – Đông, trên cổng có vọng canh 8 mái. Cổng thành xây cuốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch.
Thành Đồng Hới có thiết kế đặc biệt, chỉ có 3 cửa. Ở phía Tây, nơi đối đầu trực diện với quân thù nên chỉ có thành cao, hào sâu cùng với cạm bẫy chặn địch…
Video đang HOT
Cửa Đông sát với sông và cửa biển Nhật Lệ, góp phần chặn mũi tấn công đường thủy, đồng thời nhận quân tiếp viện và là nơi lui quân. Trong hình là cầu bắc qua hào và cổng phía Đông sau khi được tôn tạo.
Thành xây ngay tuyến đường xuyên Việt, trấn ải ở vị trí hiểm yếu. Quốc lộ 1A hiện đi bên trong lòng thành cổ. Hai cổng phía Bắc – Nam đổ sập hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thành Đồng Hới bị bom đạn hủy diệt với ý đồ ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong những ngày gian khổ ấy, nhiều người con của Đồng Hới đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, như mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông, em bé Bảo Ninh tiếp đạn cho bộ đội, các cụ lão dân quân Đức Ninh bắn cháy máy bay Mỹ…
Nhiều lô cốt, ụ pháo, hầm ngầm… được xây dựng trên tường thành và bên trong thành Đồng Hới. Trong ảnh là một ụ pháo ở trên đoạn tường phía Nam thành.
Trong lịch sử hơn 200 năm tồn tại, thành Đồng Hới trở thành cứ điểm quân sự chính trị quan trọng từ thời phong kiến cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ngày nay, bên trong thành là các cơ quan chính quyền, quân sự, công an… của tỉnh Quảng Bình.
Giai đoạn 2002-2009, cổng và cầu phía Đông, các đoạn tường thành còn sót lại được ngành văn hóa Quảng Bình trùng tu, tôn tạo. Có thể thấy rõ những đoạn tường thành mới qua màu sắc của những viên gạch.
Bên ngoài hào đoạn phía Nam và Đông được trồng cỏ xanh mướt, trở thành công viên xanh. Những phía còn lại, nhà cửa mọc lên san sát, cho thấy sức sống của một đô thị trẻ.
Thành Đồng Hới là địa điểm tham quan, nghiên cứu của nhiều du khách, người dân. Nhiều đôi trẻ đã đến đây để chụp ảnh cưới bởi khung cảnh đẹp.
Hoàng Táo
Theo VNE
Hoàn tất trùng tu tháp Chăm E7 ở Mỹ Sơn
Sau 4 năm trùng tu dựa trên phương pháp của chuyên gia Italia, Viện Bảo tồn di tích đã hoàn tất tu bổ tháp Chăm E7 tại Mỹ Sơn với tổng kinh phí 9 tỷ đồng.
Ngày 3/8, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết dự án trùng tu tôn tạo tháp E7 tại Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), vừa hoàn tất sau 4 năm được Viện Bảo tồn di tích tiến hành khảo sát, gia cố và xử lý phục hồi.
Tháo E7 vừa được hoàn tất sau 4 năm trùng tu với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Ảnh. Tiến Hùng.
Với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, đây là tháp Chăm đầu tiên sử dụng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia kể từ khi thủ tướng phê duyệt dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Dự kiến tháp này sẽ được đưa vào tham quan trong vài ngày tới. Qua 4 năm trùng tu, lần đầu tiên tại Mỹ Sơn, các nhà khảo cổ khai quật được nhiều hiện vật kiến trúc Chăm quý, hiện đã được bàn giao cho Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cất giữ.
Tháp E7 cũng là tháp Chăm đầu tiên được đoàn chuyên gia Việt Nam trùng tu thành công kể từ khi công cuộc tôn tạo Mỹ Sơn bắt đầu từ sau năm 1975. Tháp được trùng tu dựa trên phương pháp của Italia đã tiến hành với tháp G1 trước đó bằng cách xây bổ khuyết các phần gạch đã bị hư hại. Gạch được mài nhằn rồi liên kết với nhau bởi dầu rái, thay các viên gạch cũ bằng gạch mới để tạo hình ảnh nguyên trạng.
Tuy nhiên, sau khi tháp được hoàn tất nhiều chuyên gia không đồng tình với phương pháp này. Họ cho rằng những viên gạch mới được mài nhẵn vô tình khiến lớp da bảo vệ bên ngoài bị mất, dễ bị mưa gió xâm thực dẫn đến hư hại. Phần gạch thay thế "vuông thành sắc cạnh", đường nét thẳng như kẻ chỉ làm mất đi tính mộc mạc của tháp Chăm. Ngoài ra việc vẫn chưa tìm ra kỹ thuật sản xuất gạch Chăm hay chất kết dính mà người Chăm đã sử dụng với dầu rái để xây dựng tháp khiến cho việc trùng tu gặp nhiều hạn chế.
Năm 2002, đoàn chuyên gia của Việt Nam cũng đã tiến hành trùng tu tháp F1 nhưng gặp thất bại. Ảnh. Tiến Hùng.
Trước đó, năm 2002, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa Thông tin cũ), cũng đã tiến hành trùng tu với nhóm tháp F tại Mỹ Sơn nhưng gặp thất bại. Đây là nhóm tháp bị hư hại nặng nhất sau chiến tranh, trong đó tháp F1 bị trùm kín bởi đất đá. Sau khi tiến hành bóc tách toàn bộ đất đá trùm trên tháp F1 xuống đã xảy ra hiện tượng gạch bị mất liên kết, bong ra vương vãi. Đoàn trùng tu đã phải vội vã dừng ngay dự án do không tìm được giải pháp tiếp theo đồng thời cấp kinh phí để dựng mái che và chống đỡ.
Tuy nhiên, được che chắn trong thời gian dài khiến độ ẩm ở tháp bị mất cân đối, cộng với sức nóng từ mái tôn làm gạch nhanh chóng bị đổi sang màu trắng và tơi bở, rời ra nằm vương vãi. Việc tu bổ vô tình khiến cho tháp bị xuống cấp với tốc độ nhanh trong hơn 10 năm qua. Mức độ hư hại lớn gấp nhiều lần so với khi chưa khai quật nhưng đến nay vẫn không có giải pháp để cứu chữa ngôi tháp này.
Ông Hồ Xuân Tịnh cho hay, sau nhiều năm tiến hành trùng tu, được cả nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài tham gia nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu nào để cứu tháp Chăm. "Rất nhiều tháp Chăm đang có nguy cơ bị xóa sổ nhưng đến nay, tất cả giải pháp trùng tu cũng chỉ mang tính thử nghiệm", ông Tịnh nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Cháu bé bị 3 giáo viên bạo hành phải nhập viện Chiều 6/10, gia đình cháu bé 15 tháng tuổi trong vụ bạo hành ở nhóm lớp mầm non Sơn Ca cho biết, cháu bé bị hoảng loạn tinh thần và sốt nên phải vào viện Việt Nam - Cu Ba để khám. Theo bố cháu Cù Hoàng Phi Long- cháu bé bị 3 giáo viên trói chân tay và nhét khăn vào miệng...