Đau nửa đầu: Bệnh thường gặp ở phụ nữ
Đau nửa đầu thường xuất hiện có tính chất chu kỳ, với biểu hiện: cơn đau khu trú ở bên đầu, đau theo nhịp mạch đập (đau giật giật), có thể kèm theo nôn, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Đây là căn bệnh tương đối phổ biến, chiếm khoảng 10% dân số, nữ thường mắc nhiều hơn nam, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.
Cơn đau khó chịu
Tùy cơ địa mà mức độ cũng như thời gian đau của mỗi người khác nhau, nhưng triệu chứng điển hình của bệnh như sau: Cơn đau đầu: Cơn đau chỉ khu trú ở một nửa đầu, đôi khi đau đầu có thể xuất hiện luân phiên từ bên nọ lại chuyển sang bên kia, cứng cơ cổ. Trong cơn đau, người bệnh có cảm giác đau nặng đầu rất khó chịu, đau giật giật theo nhịp mạch đập, mức độ từ vừa phải đến dữ dội, có thể nối tiếp từ cơn này đến cơn khác. Thời gian của mỗi cơn đau kéo dài trung bình từ 4 – 12 giờ (nếu không được điều trị). Kèm theo người bệnh có thể buồn nôn, nôn, sợ tiếng động và ánh sáng, dễ bị kích thích và cáu gắt… Sau cơn đau đầu, nếu được nghỉ ngơi và có được một giấc ngủ sâu, sức khỏe sẽ phục hồi tốt. Ngược lại, nếu người bệnh không ngủ được hoặc ngủ không sâu sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu âm ỉ và nặng đầu sẽ kéo dài một vài ngày.
Cơn đau nửa đầu làm người bệnh rất khó chịu.
Tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu có thể là 1-2 lần/tháng, nhưng cũng có thể cao hơn: 4-5 lần/tháng. Trong một số trường hợp có xuất hiện triệu chứng báo trước cơn đau như thay đổi tâm lý, rối loạn thị giác, rối loạn tiêu hóa..
Video đang HOT
Nguyên nhân không rõ ràng
Nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có nhiều yếu tố sinh bệnh như: co giãn mạch máu ở đầu (đau do co mạch, sau đó giãn mạch), các chất trung gian hóa học (trong đó có vai trò của serotonin – một chất có chức năng truyền tải các tín hiệu thần kinh lên não), sự tích tụ bất thường calci bên trong tế bào thần kinh. Chứng đau nửa đầu còn hay xảy ra đối với rất nhiều phụ nữ do sự thay đổi hormon thời kỳ kinh nguyệt, trưởng thành, mang thai và mãn kinh. Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng gây đau nửa đầu như: căng thẳng, thay đổi thời tiết, giấc ngủ thất thường,…
Điều trị như thế nào?
Khi bị đau nửa đầu cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh đau nửa đầu thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các cơn đau tái diễn liên tục nếu không được điều trị tốt sẽ làm suy giảm nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, khả năng lao động cũng như chất lượng sống của người bệnh.
Không có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh đau nửa đầu, nhưng có thể kiểm soát bằng cách cắt cơn đau và dự phòng cơn đau đầu. Để điều trị cơn đau đầu, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc giảm đau thông thường đối với những người bị đau nhẹ hoặc vừa phải, cơn đau thưa, nhanh chấm dứt. Đối với các trường hợp đau nặng, cơn đau dày dùng thuốc chống viêm giảm đau và thuốc dự phòng cơn đau. Việc dùng thuốc tuyệt đối phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo Sức khỏe đời sống
Thuốc trị đau nửa đầu
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên nhức nửa đầu như: stress, thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hành kinh, uống rượu, dùng thuốc... Điều trị nhức nửa đầu bao gồm điều trị cơn đau cấp và điều trị dự phòng.
Thuốc điều trị cơn đau cấp bao gồm:
- Thuốc giảm đau thông thường nên dùng paracetamol. Cần uống ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau. Tuy nhiên không tự ý dùng paracetamol giảm đau quá 10 ngày (ở người lớn), 5 ngày (ở trẻ em).
Phần lớn nhức nửa đầu đáp ứng với paracetamol. Trong cơn nhức nửa đầu, nhu động ruột thường giảm, do đó nên dùng thuốc ở dạng sủi để làm tăng hấp thu. Nhưng nếu khi dùng kéo dài thuốc giảm đau cũng có thể dẫn đến nhức đầu do thuốc.
- Ergotamine tertrat: Chỉ dùng ergotamin khi cơn đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường trên và dùng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn. Khi người bệnh không dùng thuốc được theo đường uống hoặc đường uống kém tác dụng có thể dùng thuốc đặt trực tràng.
Khi dùng thuốc, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn (ADR) do thuốc gây ra như buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, chuột rút, đau vùng trước tim, thiếu máu cục bộ cơ tim hay hoại tử ở các đầu chi (do ergotamine gây co mạch ngoại vi mạnh). Do có nhiều tác dụng phụ nên không được dùng thuốc vượt quá liều khuyến nghị để điều trị một cơn đau và khoảng cách giữa các lần điều trị kế tiếp bằng ergotamine phải cách nhau ít nhất là 4 ngày. Không được dùng thuốc này để dự phòng nhức nửa đầu.
Đối với người mang thai, cho con bú, trẻ em, người mắc các bệnh mạch ngoại vi, tắc mạch máu và hội chứng Raynaud, tăng huyết áp nặng không được dùng thuốc... Thận trọng với người cao tuổi, nhức đầu tái diễn hàng ngày có biểu hiện phụ thuộc ergotamine; phải ngừng thuốc ngay khi thấy các đầu chi có cảm giác bị kim châm hoặc tê mất cảm giác hoặc đau thắt ngực và phải đi khám.
Thuốc dự phòng: Đối với các trường hợp bệnh nhân đã dùng các thuốc giảm đau hoặc bằng ergotamin mà không hiệu quả hoặc bệnh nhân bị đau trên 1 cơn mỗi tháng hoặc cơn đau thưa hơn nhưng nặng hoặc kéo dài hơn cần điều trị dự phòng nhức nửa đầu. Các thuốc điều trị dự phòng có thể dùng là các thuốc chẹn beta giao cảm (propranolon, atenolon... ), các thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin hoặc thuốc chẹn calci như verapamin...
Việc điều trị dự phòng không thể chữa dứt điểm được hoàn toàn các cơn nhức nửa đầu mà chỉ có thể làm giảm mức độ nặng và mật độ các cơn đau, do đó vẫn cần bổ sung bằng điều trị triệu chứng khi có cơn đau. Tuy nhiên, không nên điều trị dự phòng kéo dài và cần xem xét lại 6 tháng/lần.
BS. Nguyễn Bích Ngọc
Theo SK&ĐS
"Bắt mạch" và điều trị cảm giác buồn nôn cho teen Cảm giác buồn nôn có thể ập đến với teen bất cứ lúc nào trong ngày vì đây là tình trạng phổ biến được gây ra bởi nhiều bệnh và điều kiện sức khỏe khác nhau. Vì sao teen có cảm giác buồn nôn? Ngoài lý do lỡ dính bầu khi XXX không áp dụng biện pháp tránh thai an toàn như nhiều...