Đầu mùa nóng cảnh giác với bệnh dại do chó cắn
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm vì khi bệnh dại đã lên cơn thì vô phương cứu chữa cho dù là tây y hay đông y.
Có thể phòng ngừa
Bệnh dại do chó cắn là một trong 4 bệnh dịch mà hiện nay chính phủ, ngành y tế quan tâm nhất vì đang có nguy cơ bùng phát, nhất là ở phía Bắc. Từ đầu năm 2012 đến nay tại 21 tỉnh thành đã có 74 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Nên lưu ý là bệnh dại có thể phòng ngừa được.
Bệnh dại là một bệnh do virus dại gây nên. Bệnh được xếp vào loại bệnh từ động vật lây sang cho người. Ngoài chó, mèo, chuột, dơi còn có một số gặm nhấm và động vật khác có thể truyền virus dại cho người và gây bệnh.
Bệnh dại hay gặp nhất là do chó dại cắn. Bản chất của bệnh dại là gây viêm não cấp tính. Bệnh dại do virus dại từ tuyến nước bọt của chó lây sang cho người.
Chó trưởng thành mắc bệnh dại hay chó con mang mầm bệnh dại khi cắn hoặc liếm vào vết thương (da xây xát) hoặc người giết mổ chó dại thì virus dại sẽ chui qua da, niêm mạc rồi vào máu, đi đến các tổ chức não (thần kinh trung ương).
Cần tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn. Ảnh minh họa.
Tại đây virus dại theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt, lan ra khắp hệ thống thần kinh và tổ chức não gây viêm não cấp tính, thể hiện là rối loạn tâm thần hoặc bị liệt.
Thời kỳ ủ bệnh rất khác nhau từ 10 ngày đến 1 năm, trung bình từ 20 – 60 ngày, nếu vết cắn ở gần thần kinh trung ương thì thời kỳ ủ bệnh còn nhanh hơn các vị trí khác. Trước khi xuất hiện viêm não cấp có thể có các triệu chứng như lo lắng, thay đổi tính tình, đau ở vết cắn.
Thời kỳ toàn phát thông thường có 2 thể bệnh: thể hung dữ hoặc co cứng và thể liệt. Do sự kích thích tâm thần thể hiện hung dữ, điên khùng, đập phá và nhanh chóng đi đến hôn mê, rồi tử vong.
Video đang HOT
Có loại bệnh chỉ kích thích vận động là chủ yếu như co cứng, run rẩy, giật, co thắt họng, khí quản. Bệnh nhân sợ nước, sợ gió. Người bệnh khi lên cơn rất khát nước mà không dám uống, chỉ cần nghe thấy tiếng nước chảy róc rách cũng đã lên cơn co thắt thanh, khí quản, họng gây khó thở mạnh và rất đau đớn.
Các triệu chứng tâm thần sẽ được tăng lên khi có các kích thích như gió thổi, mùi vị, ánh sáng. Người bệnh luôn luôn trong trạng thái sợ sệt, hoảng hốt, mắt đỏ ngầu, sáng long lanh. Bệnh nhân rất thính chỉ cần có tiếng động nhẹ hay ai đó nói gì đều có thể nhận biết và lên cơn tiếp. Sốt cũng tăng lên và tăng tiết đờm dãi. Bệnh nhân dần dần bị rối loạn tim mạch và hô hấp. Xuất hiện ảo giác. Bệnh tiến triển càng ngày càng xấu đi và có thể tử vong trong trong vòng từ 3- 5 ngày.
Thể liệt ít gặp hơn và cũng ít gặp triệu chứng sợ nước, gió. Lúc đầu đau cột sống thắt lưng sau đó liệt cơ vòng (đái, ỉa không tự chủ) rồi bị liệt chi trên. Khi tổn thương lan đến hành não bắt đầu xuất hiện liệt thần kinh sọ.
Bệnh nhân sẽ tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn. Bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh tâm thần hoang tưởng, sau khi bị chó cắn (không phải chó dại) một quãng thời gian thì lên cơn giống như bệnh dại nhưng không phải bệnh dại.
Cần làm gì khi bị chó cắn?
Khi bị chó cắn thì trước tiên cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng cách dội nước xà phòng, rồi rửa lại thật sạch vết thương bằng nước sạch, sát trùng bằng cồn hoặc cồn iốt hoặc bêtadin.
Sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khâu vết thương (nếu bị rách nhiều), tiêm phòng vắcxin và kháng huyết thanh kháng uốn ván.
Nếu nghi là chó dại cắn, để cứu sống người bệnh thì bằng cách là tiêm huyết thanh kháng dại và vắcxin dại càng sớm càng tốt ở Trung tâm y tế dự phòng. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu sống người bệnh.
Vậy như thế nào là chó cắn nghi dại? Nếu chó liếm vào vết thương (chó con hoặc chó trưởng thành) hoặc chó (chó con và chó trưởng thành) cắn vào vùng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ) hoặc chó cắn xong chạy mất hoặc bị đánh chết hoặc chó đang ốm thì người bị cắn phải tiêm huyết thanh chống virus dại và vắcxin phòng dại ngay.
Tuy vậy, nếu sau khi chó cắn (chó trưởng thành) mà con chó vẫn bình thường thì cần theo dõi chó (nhốt chó lại) và chăm sóc cho cẩn thận.
Sau 10 ngày chó vẫn bình thường thì không cần thiết tiêm vắcxin. Tốt nhất là không nên nuôi chó, mèo. Nếu không thể không nuôi thì phải nhốt và quản lý chó, mèo, không thả rông. Chó, méo cần được tiêm phòng vắc xin dại đúng quy cách và triệt để.
PGS. TS. BS Bùi Khắc Hậu Đại học Y Hà Nội
Theo Trí Thức Trẻ
Nghệ An: Báo động nguy cơ bệnh dại vì người dân thờ ơ tiêm phòng
Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến nguy cơ bệnh dại gây tử vong ở người lớn hơn bao giờ hết. Vậy nhưng, ở nhiều địa phương tại Nghệ An, đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều người dân thờ ơ với việc tiêm phòng dại cho chó.
Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn phổ biến tại Nghệ An.
Theo tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An, số ca phơi nhiễm với bệnh dại đến tư vấn và tiêm phòng dại tại các điểm tiêm phòng hàng năm vẫn khá cao. Trong đó, cao nhất là năm 2009 với 4.395 ca phơi nhiễm bệnh dại và năm 2011 với 8 người tử vong vì bệnh dại.
Ghi nhận số ca tử vong tính theo địa bàn từ năm 2009 đến nay, Quỳnh Lưu là địa phương có số ca tử vong vì bệnh dại lớn nhất tỉnh với 17 ca, tiếp đó là huyện Anh Sơn với 6 ca và huyện Nghĩa Đàn có 4 người tử vong do bệnh dại, các huyện khác có từ 1-2 ca tử vong do bệnh dại. Hầu hết các nạn nhân tử vong đều bị chó cắn nhưng không đến tiêm phòng hoặc tiêm phòng muộn.
Từ tháng 01 đến tháng 8/2013, toàn tỉnh Nghệ An có 2.286 ca phơi nhiễm và có 7 người trong số đó bị tử vong. Từ tháng 8/2013 đến nay, số ca phơi nhiễm và tử vong do bệnh dại ở Nghệ An vẫn có chiều hướng tiếp tục tăng lên.
Ứng phó với bệnh dại, trước mùa nắng nóng 2014, Chi cục Thú y Nghệ An đã chỉ đạo cấp phát vắc xin miễn phí về 21 điểm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại tại 21 huyện thành thị để kịp thời tư vấn, tiêm phòng cho người dân.
Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi, việc phòng chống bệnh dại ở một số địa phương hiện đang gặp không ít khó khăn, kết quả đạt thấp.
Một em nhỏ vẫn hồn nhiên chơi đùa với chó.
Trong 10 ngày cuối tháng 3/2014, Trạm thú y huyện Quỳ Châu đã tiêm 1.000 liều vắc xin phòng dại miễn phí cho đàn chó của 5 địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm tháp vào đâu so với tổng đàn khoảng 12.500 con chó trên địa bàn toàn huyện.
"Ngoài 5 địa bàn trọng điểm gồm thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Hội, Châu Bình đã tiêm phòng dại cho đàn chó, Trạm cũng đã yêu cầu các xã còn lại thống kê nhu cầu, đăng ký số lượng để trạm chuẩn bị vắc xin nhưng chỉ có mỗi xã Châu Hoàn đăng ký với số lượng rất hạn chế (40 liều)", bà Nguyễn Thị Vinh, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Quỳ Châu, cho biết.
Năm ngoái, huyện Quỳ Châu ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi bị chó cắn. Riêng từ đầu năm 2014 tới nay, huyện này ghi nhận có 30 người bị chó cắn, hầu hết ở vùng sâu, vùng xa. Bác sỹ Hủn Vi Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Châu, cho biết mấy năm nay không có bệnh nhân nào đến trung tâm để tiêm phòng dại dù công tác tuyên truyền đã được triển khai xuống tận xã.
Ở huyện Quế Phong, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2014, toàn huyện mới tiêm phòng được 1.000 liều vắc xin phòng dại cho chó trên tổng đàn 25.000 con. Nhiều xã không đăng ký tiêm phòng dại cho đàn chó trên địa bàn. Theo bác sỹ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong: "Trong năm 2013, huyện có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Vào đầu tháng 3 năm nay có thêm 1 trường hợp khác tử vong vì chủ quan không tiêm phòng sau khi bị răng chó va quệt gây xây xát".
Nhiều người dân vẫn chưa ý thức tầm quan trọng của việc tiêm phòng dại cho chó
Không chỉ người dân miền núi mới bàng quan với nguy cơ bệnh dại mà người dân ở khu vực TP Vinh cũng ít chú ý đến việc tiêm phòng cho chó. Cuối tháng 5, nhân viên thú y của từng xã đã đến từng địa bàn để tiêm phòng dại. Tuy nhiên, nhiều người dân không muốn tiêm phòng cho chó. Chị H.T.T (xóm 14, Nghi Kim, Tp Vinh) cho biết: "Chó nhà chị mới sinh con được 1 tháng. Tiêm phòng trong thời thời tiết nắng nóng như thế này sợ nó chết mất. Mấy năm rồi nuôi có bị sao đâu".
Theo tính toán của ngành thú y, một liều vắc xin phòng dại cho chó chỉ khoảng 10-15 nghìn đồng - cách rẻ tiền và hữu hiệu nhất và an toàn nhất đề phòng bệnh dại lây lan sang người. Tuy nhiên, ý thức phòng dịch chưa cao, người dân còn mang nặng tính chủ quan trong công tác phòng chống bệnh dại trong khi mùa nắng nóng đã bước vào cao điểm khiến nguy cơ bệnh dại đang ở mức báo động.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nào? Bệnh viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, các loại muỗi ở những nơi có nước, thấp trũng như ruộng lúa. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản bị di chứng nặng nề. Bệnh viêm não Nhật Bản có nguy cơ tử vong cao, di chứng nặng nề Mùa hè, mùa của viêm não Theo ông Trần Đắc Phu - Cục Y...