Đau mắt đỏ, cả xóm trọ nhìn nhau qua kính đen
Dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, số lượng người mắc vẫn còn rất đông khiến không ít chuyện dở khóc dở cười phát sinh.
Đeo khẩu trang đi ngủ
Bác sỹ Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tính đến thời điểm này, dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu chững lại với số bệnh nhân đến khám giảm nhẹ (giảm khoảng 30-50 người/ngày so với những ngày trước đây).
Sợ lây đau mắt đỏ, mẹ cho con đeo khẩu trang đi ngủ. (Ảnh minh họa: TS)
Theo bác sỹ Cương, nguyên nhân vừa do dịch đã đến đỉnh và bắt đầu thoái trào, vừa do tác động của gió mùa đông bắc khiến sự lưu hành của virus gây bệnh giảm đi.
Tuy bắt đầu “hạ nhiệt” song tới thời điểm hiện tại, bác sỹ Cương cho biết, số người mắc vẫn còn rất đông, những ca mắc trong cùng gia đình vẫn rất phổ biến. Điều này đã khiến sinh hoạt của người dân tiếp tục gặp khó khăn.
Chị Lan, nhân viên thu ngân siêu thị BigC cho biết, dịch đau mắt đỏ đã lan đến cả khu nhà trọ của chị ở huyện Từ Liêm, khiến tất cả xóm trọ đều nghỉ làm, ở nhà ngồi nhìn nhau qua cặp kính đen.
Có con nhỏ chưa bị lây, chị Lan tìm hiểu được biết bệnh này lây qua đường tiếp xúc, hô hấp nên chị cách ly con bằng cách đeo khẩu trang cả ngày, kể cả khi đi ngủ! Từ hôm bị bệnh, chị không ôm hôn con như mọi khi. Song kết cục là cháu không lây từ chị thì cũng lây từ bạn. Khi chị sắp khỏi bệnh thì cũng là lúc con mắc bệnh.
Khốn khổ nhất là những nhà có 2-3 con nhỏ cùng mắc bệnh. Các cháu chưa biết cách giữ vệ sinh, mắt đau nhức nên càng khó chịu, quấy khóc suốt ngày. Trong khi đó, mọi biện pháp “giải tỏa” như cho đi chơi, xem tivi, … hầu như không thể áp dụng do đều có hại cho mắt.
Theo bác sỹ Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương, thì vấn đề vệ sinh, tiếp xúc rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Càng ở những nơi có mật độ dân số cao, đi lại và ô nhiễm môi trường nhiều thì nguy cơ dịch bùng phát và lây lan càng nhanh. Do đó, tới thời điểm này, dù dịch đã lan rộng song những nơi có nhiều người mắc nhất vẫn là các quận nội thành.
Cô giáo cũng bị đau mắt đỏ
Video đang HOT
Hiện nay, trung tâm y tế các quận trong địa bàn thành phố Hà Nội đều đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến các trường học. Dịch đã ở giai đoạn lây lan mạnh trong cộng đồng nên việc ứng phó hiện tập trung chủ yếu vào khâu xử trí.
Ông Ngô Văn Giá, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên cho biết, hàng ngày phòng kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm đều có cán bộ theo dõi, ghi nhận từ phòng khám của các bệnh viện, trạm y tế trong quận để nắm được tình hình.
Theo ông Giá, dịch đau mắt đỏ ở Long Biên hiện không quá nóng, không có ổ dịch lớn với ồ ạt người mắc song đến nay, các trường học đều được hướng dẫn đầy đủ về cách xử trí khi có học sinh mắc bệnh.
Trường học là một trong những nơi dễ bùng phát và lây lan dịch đau mắt đỏ nhanh nhất. Chị Nguyễn Nguyệt Minh (quận Cầu Giấy) cho biết, con chị đang học lớp 2, lớp có 50 cháu thì đã có tới 38 cháu lần lượt bị đau mắt đỏ.
Chính vì thế, vào lúc cả lớp có tới 15-20 cháu cùng mắc bệnh, những cháu được gia đình cho nghỉ học lại là các cháu … chưa mắc bệnh!
Tuy nhiên, càng ngày càng nhận thấy không thể cho con nghỉ học để phòng bệnh vì người lớn đi làm cũng bị lây, kiểu gì cũng lây sang con nên chị Minh lại cho con đi học trở lại và chấp nhận “sống chung với lũ”, đồng thời tìm hiểu cách xử trí khi bị mắc bệnh để chủ động ứng phó.
Ngoài học sinh, chị Minh cho biết, ngay cả cô giáo chủ nhiệm cũng bị đau mắt đỏ. Không thể nghỉ thoải mái như học sinh nên cô giáo vẫn phải lên lớp, đeo kính đen và nhỏ thuốc mắt liên tục.
Dịch chững lại nhưng không được chủ quan Bác sỹ Cương cho biết dịch tuy có dấu hiệu chững lại nhưng người dân không được chủ quan do đây đang là thời kỳ giao mùa, thời tiết thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao nên virus có thể lưu hành mạnh trở lại. Ngoài ra, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần (do virus có thể tồn tại tới 35 ngày trên bề mặt dụng cụ gia đình, dụng cụ y tế). Ngay cả với người mắc cũng có thể bị mắc lại vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch ngắn (2 tháng). Vì thế, một người có thể mắc bệnh 2 lần trong 1 đợt dịch. Bác sỹ Cương tiếp tục khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, làm việc sạch sẽ, … để phòng bệnh triệt để.
Cần cách ly ngay học sinh có biểu hiện bất thường
Trước diễn biến phức tạp của dịch đau mắt đỏ trong các trường học, chiều 25/9, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã có văn bản yêu cầu toàn bộ các trường học trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng chống. Cụ thể: Cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên loa, bảng tin nhà trường, các buổi sinh hoạt tập thể về cách phòng chống dịch, tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh cho giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các trường cần tổ chức vệ sinh môi trường, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học có tổ chức ăn trưa, bếp ăn tập thể. Các trường cần theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường học. Khi có các trường hợp có biểu hiện sốt, đau mắt phải cách ly ngay học sinh có biểu hiện bất thường. Thông tin thường xuyên với gia đình học sinh, các học sinh bị đau mắt đỏ không nên đến trường. Sở cũng lưu ý nhân viên y tế trường học không tự điều trị đau mắt đỏ cho học sinh tại trường, khi chưa có hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo Vietnamnet
Dịch đau mắt đỏ tiếp tục lan rộng
Dịch đau mắt đỏ xuất hiện đã một tuần nay và vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn ngoại thành Hà Nội ghi nhận sự bùng phát của dịch này. Nhiều học sinh phải nghỉ học, nhiều người phải nghỉ làm để tránh lây lan cho cộng đồng. Các cửa hàng thuốc đều "cháy" loại thuốc nhỏ mắt chữa bệnh này.
Bệnh lan rộng, "cháy" thuốc chữa trị
Dịch đau mắt đỏ bắt đầu xuất hiện từ cách đây khoảng một tuần và đến thời điểm này vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày ghi nhận khoảng trên 300 ca đến khám vì có những triệu chứng của bệnh như ngứa, đau, khó chịu, mắt nhiều ghèn, ...
Khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương
Không chỉ xuất hiện ở khu vực nội thành, đến thời điểm này, nhiều địa bàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng đã có bệnh nhân bị đau mắt đỏ.
Bác sỹ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết nguyên nhân do sự dịch chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác nên virus gây bệnh phát tán nhanh.
Đặc biệt, đã có những bệnh nhân đứng trước nguy cơ bị mù mắt do nhầm đau mắt đỏ với bệnh viêm nội nhãn.
Bác sỹ Cương cho biết bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận 5 trẻ bị viêm nội nhãn nhưng thị lực suy giảm trầm trọng, khó có khả năng hồi phục do gia đình tự chữa trị ở nhà vì nghĩ bị đau mắt đỏ, khi đưa đến viện thì đã chậm trễ.
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan nên tính đến thời điểm này, nhiều gia đình cả nhà đều thay nhau mắc bệnh, thậm chí có gia đình mọi người cùng mắc bệnh ở một thời điểm khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn, cuộc sống đảo lộn.
Có bệnh nhân đến khám ở bệnh viện mắt chia sẻ mấy ngày nay cả gia đình anh ai cũng đeo kính và dùng riêng mỗi người một lọ thuốc để chữa bệnh. Ngoài 2 đứa con nhỏ phải nghỉ học, bản thân vợ chồng bệnh nhân này cũng nghỉ làm để tránh lây lan.
Trước diễn biến này, một loạt các hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đều bị "cháy hàng" loại thuốc nhỏ mắt có chức năng chữa viêm kết mạc.
Hơn chục cửa hàng bán thuốc trên phố Ngọc Khánh đều thông báo không còn lọ thuốc nhỏ mắt nào (phổ biến là Tobrex, Tobrin).
Mỗi ngày các cửa hàng đều bán vài chục tới cả trăm lọ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu do dịch đau mắt đỏ gây ra. Nhiều người phải tìm đến các hiệu thuốc lớn cạnh các bệnh viện chuyên khoa để tìm mua thuốc.
Khuyến cáo học sinh nghỉ học nếu bị bệnh
Hiện nay, một loạt trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có thông báo đến phụ huynh và học sinh về dịch đau mắt đỏ để có biện pháp phòng tránh chủ động, hiệu quả.
Các trường học khuyến cáo cho học sinh nghỉ học nếu bị bệnh
Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) trong buổi chào cờ sáng thứ 2 tuần trước và tuần này đều có thông báo về dịch đau mắt đỏ.
Các học sinh bị đau mắt đỏ đều được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm khuyến cáo phụ huynh cho nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp khiến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp.
Các ĐH, CĐ, học viện trên địa bàn Thủ đô cũng ra thông báo đến sinh viên để chủ động phòng tránh. Học viện Tài chính đăng khuyến cáo về dịch bệnh này trên trang nhất để thu hút sự chú ý. Các trạm y tế phường, xã trên địa bàn Hà Nội cũng vào cuộc để tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh.
Bà Đỗ Thị Bích Hạnh, trạm trưởng trạm y tế phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) cho biết bệnh đau mắt đỏ là bệnh thường xuyên xảy ra nên công tác tuyên truyền năm nào cũng được thực hiện.
Tuy nhiên, đây đang là thời kỳ cao điểm nên trạm y tế phường đã triển khai các biện pháp tuyên truyền trực tiếp, cụ thể đến các cụm dân cư, người bệnh đến khám, các giáo viên trong các trường học.
Xác định trường học có thể là nơi khiến dịch bệnh dễ lây lan, các giáo viên được trạm y tế hướng dẫn cách xử trí như cho học sinh nghỉ học trong giai đoạn cấp tính, giặt khăn mặt bằng nước nóng rồi phơi ngoài trời nắng, phát tờ rơi đến toàn bộ các hộ gia đình trong phường để tuyên truyền.
Không tự ý mua thuốc chứa corticoid để tự chữa trị Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh. Đau mắt đỏ là bệnh lý nhẹ mặc dù gây lo lắng nhưng ít khi gây biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh thường lây lan giữa các cá nhân trong gia đình, cộng đồng nơi sinh sống và nơi công sở. Nơi phát bệnh nhiều khi lại là môi trường y tế, nơi giao lưu giữa người bệnh và người lành.
Đại đa số những trường hợp đau mắt đỏ là nhẹ không gây tổn thương nhãn cầu và không ảnh hưởng đến thị lực. Thế nhưng trong một số ít trường hợp có thể gây biến chứng cho nên nếu thấy trẻ bị đau mắt đỏ bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Đặc biệt, bệnh nhân không tự ý mua thuốc chứa corticoid để tự chữa trị. Cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch sẽ để tránh bệnh lây lan.
C.Quyên
Theo_VietNamNet
Nạn nhân kể lại phút đối mặt kẻ xả súng bắn 5 cán bộ Thấy người đàn ông hỏi phòng lãnh đạo, sau vài phút chỉ phòng, nghe tiếng súng nổ, anh Dương chạy sang thì cũng bị dính đạn... Là một trong số các nạn nhân bị dính đạn trong vụ nổ súng ở Thái Bình chiều 11/9, những gì phải chứng kiến khiến anh Nguyễn Thanh Dương (38 tuổi, thành phố Thái Bình) cán bộ...