Đau lòng vì chồng ác miệng
Em sững sờ nhìn anh, nỗi hụt hẫng dâng nghẹn trong lòng. Suốt đường về, anh thao thao kể những thủ đoạn rọc túi của kẻ cắp, rồi kết luận: “Rút kinh nghiệm đi nhé, lần sau đừng ngu thế”. Anh chẳng để ý gì đến những giọt nước mắt uất ức của em…
Cả nhà đang xem ti vi, bỗng ngửi thấy mùi khét lẹt. Anh hét lên: “Có cái gì bị cháy”. Hai vợ chồng theo hướng khói lao vào bếp, phát hiện ấm nước bị cháy đen thui, đang tỏa khói mù mịt.
Thì ra lúc nấu nước, nắp ấm em đậy không kín nên lúc nước sôi, không hú còi như mọi ngày. Nước sôi cạn nên cháy ấm, cháy lan cả ổ điện. Anh liền chạy đi cúp cầu dao. Vừa mở tung cửa để bớt khói, anh vừa quát tháo: “Nấu có ấm nước cũng không xong. Ăn gì mà ngu thế. Suýt nữa cháy cả nhà”. Em đang lo sốt vó, nghe câu nói của anh lòng chợt lạnh ngắt. Không biết đây là lần thứ mấy anh nặng lời với em.
Lần đầu tiên em nghe những lời thô lỗ từ anh là sau đám cưới khoảng một tháng. Lần đó, hai vợ chồng về quê anh để ra mắt họ hàng. Xe ra khỏi bến một đoạn, em mới phát hiện túi xách bị rọc, tiền bạc mất sạch. Trước đông người, anh đã cáu kỉnh: “Có cái túi cũng giữ không xong, em đúng là hâu đâu”. Em sững sờ nhìn anh, nỗi hụt hẫng dâng nghẹn trong lòng. Suốt đường về, anh thao thao kể những thủ đoạn rọc túi của kẻ cắp, rồi kết luận: “Rút kinh nghiệm đi nhé, lần sau đừng ngu thế”. Anh chẳng để ý gì đến những giọt nước mắt uất ức của em. Những ngọt ngào của tháng trăng mật và cả tâm trạng háo hức trong lần đầu về quê chồng đã theo nước mắt trôi đi. Trong em, hình như có cái gì đó đã rạn nứt…
Lỗi tại em, anh nổi nóng nên quát mắng đa đanh, ngay cả khi lỗi do anh, anh cũng giận lây em. Như lần anh làm mất chiếc xe máy, thấy anh buồn bực, em an ủi: “Thôi kệ đi anh, xem như của đi thay người”. Anh chợt hét um: “Thay người cái gì? Chiếc xe cả mấy chục triệu, tích góp cả năm cũng chưa sắm lại được. Em giỏi thì “đi” thay chiếc xe giùm anh”.
Không ngờ lúc nổi nóng thì câu gì anh cũng nói. Nhiều lần khuyên anh không được, em khóc, quá thất vọng về người chồng em rất mực thương yêu. Anh năn nỉ em, bảo tính nóng trước giờ không bỏ được. Anh biện minh mình khẩu xà tâm Phật, nói mạnh miệng cho đỡ tức vậy thôi chứ lòng không nghĩ vậy. Cơn giận qua rồi anh lại ngọt ngào với em, lăn ra lau nhà, chùi bếp, đùa tếu để chọc em cười. Cũng vì vậy mà em buông xuôi, chấp nhận “sống chung với lũ”, nhưng lòng rất buồn.
Bữa em vào máy ATM rút tiền, vừa ra khỏi cửa đã bị kẻ gian giật túi xách, té đập mặt xuống đất. Anh vừa rửa vết thương cho em vừa càu nhàu: “Em đúng là đồ ăn hại”. Bữa cơm tối em nuốt không trôi, bỏ vô phòng nằm. Biết em giận, anh lại theo năn nỉ, kéo cả con gái vào cuộc: “Mẹ giận ba kìa Nhím, Nhím năn nỉ mẹ giùm ba đi. Mai mốt Nhím phải dịu dàng giống mẹ, đừng thô lô cộc cằn như ba thì không ai thương”.
Cả đêm em nằm thao thức. Vết thương trên cơ thể không đau bằng vết thương lòng. Nhìn anh bình thản ngủ say, trong em giằng xé với ý nghĩ còn thương anh không, còn co thê chung sống với anh được nữa không? Quay sang con, khuôn mặt ngây thơ càng khiến em đau lòng. Vì con, em sẽ ở lại bên anh, nhưng không biết một ngày nào đó khi sức chịu đựng trong em đã cạn, chuyện gì sẽ xảy đến với gia đình mình?
Theo VNE