Đau lòng những vụ án trẻ vị thành niên phạm tội
TAND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tiếp đưa ra xét xử hai vụ án cướp tài sản, trong đó các bị cáo tuổi đời còn rất trẻ.
Có bị cáo phạm tội khi đang khoác áo học sinh, do một phút nông nổi mà lầm đường lạc lối; có bị cáo lại đi cướp xe máy của các học sinh để lấy tiền ăn xài. Để các em sa vào vòng lao lý, vai trò của các bậc làm cha, làm mẹ ở đâu?
Huỳnh Hữu Hải (SN 1995, ngụ xã Bàu Chỉnh, huyện Châu Đức) và Trần Đức Thái (SN 1995, ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức) là đôi bạn thân, cùng học lớp 11 trường huyện. Do mê chơi, hết tiền nên Hải bốc đồng rủ Thái đi cướp giật tài sản. Mặc dù đang đi chữa bệnh thận hư nhưng Thái lại dễ dãi chấp nhận yêu cầu của bạn. Chập tối 27/10/2012, Thái điều khiển xe mô tô chở Hải đi từ thị trấn Ngãi Giao vào xã Bình Giã. Chạy đến gần chợ Bình Giã, Hải phát hiện có chị Nguyễn Thị Kim Loan điều khiển xe mô tô lưu thông ngược chiều, trên cổ có đeo sợi dây chuyền vàng dạng hạt. Ngay lập tức, Hải nói Thái quay đầu xe đuổi theo chị Loan. Khi Thái áp sát xe chị Loan, Hải liền giật mạnh sợi dây chuyền, sau đó cả hai tăng ga tẩu thoát. Tuy nhiên, từ biển số xe, cơ quan điều tra phát hiện ra Thái.
Nếu như Hải, Thái là những học sinh đi cướp thì nhóm Huỳnh Hữu Nhân (SN 1991), Lê Anh Hòa (SN 1995), Trần Anh Tú (SN 1996), Huỳnh Thanh Long (SN 1997) lại là những đối tượng đi cướp tài sản của học sinh. Cùng với lý do cần tiền tiêu xài, nhóm Nhân rủ nhau dàn dựng tình huống đánh cướp khá tinh vi. Chiều 28/12/2012, cả nhóm từ TP Bà Rịa lên huyện Châu Đức, khi đến khu vực Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc xã Bàu Chính thì phát hiện có em Linh Phương Nam điều khiển xe mô tô Yamaha chở em Linh Phương Xuân và Tòng Tấn Cảnh đi về hướng TP Bà Rịa. Lập tức cả nhóm quay lại đuổi theo và ép xe Nam vào lề đường. Hòa và Nhân giả vờ quát: “Tụi bay đánh em tao phải không?” Nam trả lời: “Tụi em là học sinh, trước giờ ở trường nội trú không đánh ai cả”. Hòa bịa chuyện: “Vậy tụi bay đi theo, gặp em tao để nhìn mặt”. Do lo sợ bị đánh nên Nam lên xe để Tú chở đi. Trên đường đi, bọn chúng yêu cầu Nam phải đưa điện thoại di động. Khi đến bệnh viện tâm thần Bà Rịa – Vũng Tàu, bọn chúng rẽ vào một con hẻm vắng người, tiến hành lục soát cặp của các em học sinh để chiếm đoạt tài sản, sau đó cướp chiếc xe Yamaha rồi tẩu thoát.
Video đang HOT
Qua hai phiên tòa xét xử công khai, có thể thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo đều ít nhiều bị ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình, các bị cáo thiếu bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của những người sinh thành ngay từ tấm bé. Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng, bào chữa cho ba bị cáo chưa thành niên trong vụ cướp tài sản các em học sinh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình các bị cáo rất khó khăn, cha mẹ các em lại ly hôn, để lại những vết thương tâm hồn rất nặng nề. Các em không được dạy dỗ và học hành đến nơi đến chốn dẫn tới nhận thức cuộc sống và nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Để rồi bản thân các em đã không tự ý thức được những việc mình đang làm có mối nguy hiểm lớn cho gia đình và xã hội. Do đó, cần tạo cho các em cơ hội trở về hòa nhập cộng đồng”.
Khác với hoàn cảnh gia đình ly tán của các bị cáo cướp tài sản học sinh, hai em Hải và Thành có điều kiện hơn. Được cha mẹ cho đi học đầy đủ nhưng các em lại được sống quá tự do. Các bậc phụ huynh mải lo làm ăn, mà quên nhiệm vụ quan tâm chăm sóc trẻ. Khi xảy ra vụ án, họ mới ngã ngửa vì không ngờ con mình lại sa ngã như vậy. Họ vội vàng bồi thường, xin lỗi và được người bị hại làm đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt và xin các cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho các em tiếp tục được đi học.
HĐXX nhận định bị cáo Thành đi học và bị bệnh thận hư cần tiếp tục điều trị lâu dài nên xét thấy chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. HĐXX tuyên phạt Thành 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, còn Hải nhận 20 tháng tù giam, cơ hội đến trường đã khép lại với bị cáo. Đối với vụ án Huỳnh Hữu Nhân và đồng phạm, HĐXX phạt các bị cáo từ 18 tháng đến 4 năm tù.
Hai phiên tòa đã gióng lên nhiều cảnh báo, các gia đình, đoàn thể, cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách, pháp luật cho trẻ…
Theo Công lý
Thua cá độ, lừa "sổ đỏ", lĩnh 23 năm tù
Thua cá độ bóng đá với số tiền lớn, Hoàng Văn Đạo và một người tên Tạ Xuân Chiến liền góp số tiền 20 triệu đồng để đưa cho một đối tượng làm giả 3 "sổ đỏ" và 1 "sổ hồng" để đi vay tiền, sau đó bỏ trốn.
Ngày 26/7, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Đạo (SN 1973, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) 23 năm tù về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2010, Tạ Xuân Chiến, Hoàng Văn Đạo (SN 1973, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đưa 20 triệu đồng cho đối tượng tên Hoàng (không rõ lai lịch) làm giả 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 Giấy nhận quyền sử dụng nhà ở mang tên Hoàng Văn Đạo do UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp.
Có được những loại giấy tờ trên, Đạo được Chiến dẫn đến nhà bà T (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) để hỏi vay tiền. Do không biết đây là "sổ đỏ", "sổ hồng" giả, lại không có tiền nên bà T giới thiệu cho bà M (ngụ TPHCM) để cho Đạo vay tiền.
Bị cáo Nguyễn Văn Đạo lĩnh 23 năm tù
Bà M đưa sổ đỏ này cho ông Q (ngụ TPHCM) xem lại. Cho là sổ thật, ông Q đồng ý cho bà T vay tiền với điều kiện là bà T phải viết giấy vay tiền với mình, tài sản thế chấp là những "sổ đỏ", "sổ hồng" mang tên Đạo. Về phần Đạo, Đạo tự viết giấy vay tiền với bà T, ông Q không có trách nhiệm với giấy vay tiền của Đạo với bà T. Bà T đồng ý.
Từ 13/8 đến 13/12/2010, bà T đã 5 lần viết giấy vay tiền của ông Q với tổng số tiền là 2,45 tỉ đồng. Còn Đạo sau 5 lần viết giấy vay tiền với bà T với tổng số tiền là 2,95 tỉ đồng.
Đến hạn, ông Q tìm đến nhà bà T để đòi. Bà T tìm Đạo để yêu cầu trả tiền thì Đạo viết lại giấy vay của bà T với số tiền 2,95 tỉ đồng. Đến thời gian hẹn trả ghi trong giấy, bà T đi tìm thì Đạo rồi bỏ trốn. Biết là mình bị lừa, bà T mang những sổ đỏ mà Đạo thế chấp cho mình đi kiểm tra thì phát hiện là sổ giả.
Do chỉ biết là bà T vay tiền của mình nên ông Q kiện bà T ra tòa để đòi số tiền 2,45 tỉ đồng đã ký giấy nhận nợ với ông. Tòa tuyên ông Q thắng kiện, buộc bà T phải trả số tiền trên cho ông Q. Sau bản án, bà T làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm, đồng thời tố cáo hành vi lừa đảo của Đạo với Cơ quan CSĐT- Công an TPHCM.
Về phần Đạo, sau khi bỏ trốn khỏi địa phương thì gây ra một vụ án khác, sau đó bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt. Sau thời gian tạm giam, Đạo bị TAND huyện Hòa Thành tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù vì tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Với bản án 23 năm tù bị TAND TPHCM tuyên phạt, tổng cộng hình phạt mà Đạo phải chấp hành là 25 năm 6 tháng tù.
Theo Dantri
Câu hỏi tuyệt vọng của cô gái trẻ có mẹ lĩnh án tử 22 tuổi nhưng nhìn Trâm chẳng khác nào trẻ vị thành niên. Dáng người to bè khiến bước đi của em thêm chậm chạp. Sau khi sắp xếp cho hai em ăn uống, Trâm vội vã đến toà, với mong ước một bản án nhẹ dành cho mẹ để bà có thế trở về với ba chị em cô. "Trượt chân" vì người...