Đau lòng mẹ bỏ con lại trên võng, lạnh lùng bỏ đi không ngoái lại một lần
Khoảnh khắc một người mẹ từ bỏ chính đứa con mình mang nặng dứt ruột sinh ra, để nó bơ vơ giữa cuộc đời không biết sống chết ra sao, lẽ nào lòng họ không đau?
Hà Nội một sáng sớm trời mưa bay, có một cậu bé đứng một mình bên đường, bên cạnh là chiếc túi đựng bộ quần áo, vài chiếc bỉm, một bình sữa còn ấm và vài món đồ chơi cùng với mảnh giấy ghi tên và ngày tháng năm sinh của con.
Hình ảnh cậu bé kháu khỉnh cười khoe những chiếc răng nhỏ xíu được chia sẻ ngập tràn trên các trang mạng khiến lòng người mẹ như tôi quặn thắt.
Khi tôi đọc tin ấy, cậu con trai hai tuổi của tôi còn cuộn tròn trong chăn, thỉnh thoảng quơ tay tìm vòng ôm của mẹ. Và tôi tự hỏi, khi người thân của con pha cho con bình sữa cuối cùng rồi quyết định bỏ rơi con giữa phố, họ đã nghĩ gì, có đau đớn lắm không?
Dứt ruột sinh con ra xin đừng bỏ con (Ảnh minh họa: Getty Images).
Vài hôm sau, cũng ở Hà Nội, lại có thêm hai bé gái mới chỉ hơn một tháng tuổi bị bỏ rơi. Trên hai chân nhỏ xíu của các con vẫn còn vòng đeo của bệnh viện ghi tên tuổi mẹ. Trong thư để lại, người mẹ trẻ viết: “Tôi chưa lập gia đình, chẳng may lỡ dở, sáng 25.8 sinh ra hai cháu lại sinh non nên không thể nuôi được. Tôi đành từ bỏ các cháu. Mong ai nhặt các cháu sẽ cưu mang nuôi nấng các cháu nên người”. Hai đứa trẻ, hai cuộc đời, có mẹ mà trong phút chốc không khác gì trẻ mồ côi.
Và vừa rồi, trên mạng lại xuất hiện clip ghi lại cảnh một phụ nữ bế con (được cho là ở Sóc Trăng) vào quán nước ngồi, đợi khi quán vắng khách, bà chủ vào trong đã đặt bé lên võng rồi quay lưng bỏ đi mà ko hề ngoái đầu lại nhìn con lấy một lần. Cho tới khi em bé khóc quá lớn thì mọi người mới tá hỏa nhận ra mẹ em bé đã bỏ con lại quán nước mà không để lại bất cứ một thông tin gì.
Chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Những trách móc rất nhiều, những cảm thông cũng có. Vẫn biết, cuộc đời này có muôn vàn nỗi éo le, có những lựa chọn trong cuộc đời là bất đắc dĩ. Thế nhưng, khoảnh khắc một người mẹ từ bỏ chính đứa con mình mang nặng dứt ruột sinh ra để nó bơ vơ giữa cuộc đời không biết sống chết ra sao, lẽ nào lòng họ không đau? Hay nỗi đau ấy không đủ lớn để có thể khiến họ giữ con ở bên mình, cho mình quyền làm một người mẹ đúng nghĩa.
Cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng công nhân quê ở Thái Nguyên, người dân tộc. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh chị lên Hà Nội làm công nhân, thương nhau rồi nên duyên chồng vợ. Sinh con gái đầu lòng, vì không có ai trông con, chị quyết định cai sữa sớm gửi con về quê cho ông bà nội. Lúc đó chị nghĩ “chỉ cần vợ chồng có thể đi làm, có thể kiếm tiền để nuôi con và trang trải cuộc sống, thì con ở đâu cũng được”.
Một lần, con gái bị ốm, chị về đưa con lên Hà Nội khám. Cô bé ba tuổi thường ngày ít nói, nhưng gặp mẹ thì bi bô tíu tít không ngừng. Đến bữa cơm, cô bé chỉ đòi ăn mì tôm. Cô bé nói: “Bà nội bảo con ngoan để bố mẹ đi làm kiếm tiền mua thịt, nếu không thì chỉ ăn mì tôm suốt ngày thôi. Con không cần ăn thịt. Mẹ cho con ở với mẹ, con ăn mì tôm cũng được”.
Giây phút ấy, chị không thể kìm nén cảm xúc mà ôm con vào lòng, vừa ôm vừa khóc. Giờ chị mới nhận ra, đối với một đứa trẻ, không có gì quan trọng hơn mẹ. Sau hôm đó, anh chị để con ở luôn Hà Nội, cho con đi học mẫu giáo. Nhà có con nhỏ, mỗi giờ tan ca, mỗi tối bữa cơm sum vầy, có ba người mà vui như hội.
Video đang HOT
Bà cụ cạnh nhà tôi khi đọc những tin này thì chép miệng: “Con không chê cha mẹ khó”, chỉ có cha mẹ vì lý do này nọ mà “chê” con thôi. Ngày xưa các cụ đói nghèo là thế, đông con là thế mà có bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ rơi con đâu. Sao bọn trẻ bây giờ nó lại bỏ con mình dễ dàng như thế”. Câu hỏi của cụ thực ra không cần trả lời, nghe chỉ để buồn thôi.
Nhiều người nghĩ rằng mình sinh con ra, không lo cho con được cuộc sống đủ đầy thì thôi cho người khác nuôi. Biết đâu người ta giàu có hơn, người ta thương con mình thì đời con đỡ khổ. Nhưng với một đứa trẻ, có gì quan trọng hơn việc được sống với mẹ cha. Có gì bất hạnh hơn cảm giác bị bỏ rơi để rồi một ngày nhận ra mình đã bị chính những người thân bỏ rơi như trút bỏ một gánh nặng.
Thật thương khi nghĩ rằng, không phải đứa trẻ nào cất tiếng khóc chào đời cũng khiến bố mẹ dâng trào niềm hạnh phúc. Nhưng con đâu có quyền lựa chọn được sinh ra, đâu có quyền được chọn mẹ cha cho mình. Con đến với cuộc đời này, dù vì tình yêu hay vì lầm lỡ thì con vẫn có quyền được ấp yêu trong vòng tay mẹ, được lớn lên bằng dòng sữa ngọt lành, được chăm sóc và chở che như tất thảy những đứa trẻ khác.
Hóa ra không phải cứ sinh ra một đứa trẻ là đủ tư cách làm cha, làm mẹ. Hóa ra có những người vì bản thân mình mà không màng đến tình thân máu mủ. Đành rằng “mỗi cây mỗi hoa”, nhưng nếu nhận thức được mình không đủ trách nhiệm để sinh ra một đứa trẻ và nuôi chúng nên người thì đừng để điều đó xảy ra, đừng để mình rơi vào tình thế định đoạt cuộc đời con mình một cách tàn nhẫn đến thế.
Mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi hầu như đều được những vòng tay bao dung của người đời đón nhận. Các con, nếu may mắn, có thể có một gia đình chăm sóc yêu thương mình, cho mình một gia đình, một mái ấm. Càng nghĩ lại càng buồn biết bao nhiêu, đến người dưng còn có thể mở rộng lòng cưu mang, sao bố mẹ lại có thể nhẫn tâm bỏ con mình giữa đường giữa chợ?
Chồng đóng sập cửa bỏ đi khi vợ lên tiếng và bài học về "quyền tranh luận" của phụ nữ trong hôn nhân
Sự tranh cãi thật sự rất có lợi. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra toàn bộ những khúc mắc, những uất ức để nói. Hai bên lắng nghe nhau, giải quyết nó rồi đâu lại vào đấy.
01
"- Vậy anh có nghĩ việc làm của mình sẽ khiến cho tất cả mọi người đều không vui không?
- Em đừng nói nữa. Anh không muốn nghe"...
Sau câu nói đó, Hưng sập cửa bỏ đi để Thương đứng một mình. Cái cảm giác lúc nào cần tranh cãi đều là cô độc thoại như thế này, Thương trải qua đã quá đủ.
***
Ban đầu khi quyết định cưới Hưng, Thương có nằm mơ cũng chưa từng nghĩ thứ tưởng chừng như ưu thế của anh lại gây bất lợi cho cuộc hôn nhân của cả hai. Ngày đó, Thương có nhiều người theo đuổi nhưng cô yêu Hưng bởi tính tình của anh ít nói, hiền lành và không bao giờ để bụng.
Thương là người hoạt bát, nói nhiều. Bởi vậy, cô nghĩ mảnh ghép mình còn thiếu là người ít nói.
"Gia đình người nói phải có người nghe chứ", cô thường trả lời như vậy khi đám bạn hỏi vì sao lại cưới Hưng.
Hưng hiền lành, quá mức hiền lành, đến nỗi suốt hành trình yêu đương, cưới xin anh để Thương quyết cả. Hưng thế nào cũng được, anh không quan tâm. Ban đầu, Thương mừng thầm, cho rằng mình cưới được người đàn ông như thế này thì "đáng" quá, có thể "cầm đầu chồng".
Nhưng dần dần, cô lại thấy cuộc sống của mình trôi qua quá mức ủ ê, bế tắc. Tất cả chỉ vì chồng Thương không thích đối thoại, không muốn tranh cãi và trốn tránh toàn bộ những cuộc tranh luận về nhiều vấn đề trong gia đình. Từ chuyện đối nội đối ngoại, vay nợ làm ăn đến vài vấn đề liên quan khác, anh không thích can thiệp và cũng chẳng muốn trao đổi. Kể cả khi hai vợ chồng xích mích, Thương chưa kịp hỏi anh để giải quyết thì Hưng đã sập cửa bỏ đi.
02
Lúc nào cũng thế, có vấn đề xảy đến giữa hai vợ chồng, Thương muốn tâm sự, giãi bày hay thậm chí muốn bùng nổ thì Hưng đều không nghe.
Thương cảm thấy lạ thật sự, vợ chồng với nhau có nhiều điều cần phải trao đổi, tại sao anh luôn trốn tránh. Khi hỏi đến, Hưng chỉ trả lời gọn lỏn: "Anh không thích đôi co".
Nhưng cuộc sống hôn nhân đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đôi khi người ta phải có chút tranh cãi để vấn đề nào cũng được giải quyết triệt để. Đằng này, Hưng không để Thương có quyền "được cãi vã" trong nhà.
Cảm giác của Thương lúc nào cũng như đang đấm vào một bịch bông. Cô tự đấm, tự hưởng thụ, đối phương chẳng màng đến.
Nhiều lần Thương muốn ngồi lại với chồng để cả hai cùng nói chuyện và bàn bạc song anh không muốn nghe. Hưng cho rằng vấn đề gì thì vấn đề, chỉ cần không nhắc đến, bỏ qua rồi sẽ thôi.
Anh không nghĩ rằng những bực bội, bức xúc của vợ dồn nén lâu dài sẽ dẫn đến rạn nứt. Thương hiểu điều đó, cô muốn đối thoại hay thậm chí cãi vã một trận tơi bời nhưng đáp lại là những lần bịt tai hay sập cửa bỏ đi của Hưng. Anh vẫn giữ nguyên quan điểm chuyện gì không nhắc tới thì thời gian sẽ khiến nó bị lãng quên đi.
Sinh nhật mẹ Thương, cả nhà bàn nhau ăn uống xong sẽ cùng đi xem phim. Vé mua đã đủ, khi biết chuyện, Hưng ngẩng đầu nói tỉnh bơ: "Cả nhà đi đi con không có ham".
Đến nghĩ một cái cớ nào đó như bận việc hay có lịch đột xuất anh cũng không màng. Sau buổi xem phim, Thương về nhà và muốn nói với chồng chuyện này. Thật sự Thương muốn bùng nổ nhưng vẫn bình tĩnh hỏi Hưng về cách hành xử. Đáp lại, anh sập cửa bỏ đi vì cho rằng chuyện nhỏ không đáng nhắc đến. Thương uất ức và lần đầu tiên cô nghĩ đến chuyện chấm dứt tất cả.
03
Kết hôn là một hành trình thật sự lâu dài. Hai con người từ xa lạ trở nên thân quen rồi về chung một nhà. Nhưng yêu và cưới là hai giai đoạn cực kỳ khác nhau. Bản thân nó cũng khác biệt về bản chất. Dù yêu nhau đắm say, cả hai chưa về chung một nhà thì cũng luôn gặp đối phương trong trạng thái tươm tất nhất, chưa chung đụng nhiều.
Tuy nhiên đã kết hôn rồi, cả hai sống cùng một nhà, nhiều vấn đề phải bàn, nhiều chuyện nảy sinh. Hai con người từ hai môi trường sống khác nhau, được dạy bảo khác nhau về sống chung ít nhiều sẽ có vấn đề và xích mích. Khi ấy họ có thể trao đổi thậm chí tranh cãi để giải quyết nó.
Sự tranh cãi thật sự rất có lợi. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra toàn bộ những khúc mắc, những uất ức để nói.
Hai bên lắng nghe nhau, giải quyết nó rồi đâu lại vào đấy.
Nó đương nhiên là cách giải quyết gọn gàng hơn là dồn nén tất cả uất ức để "tự tiêu biến", khỏi phải đụng chạm đến. Thế nhưng nhiều người đàn ông lại không cho phụ nữ cái quyền "được cãi vã". Họ đâu có hiểu tất cả những uất ức dồn nén lại có thể khiến cuộc hôn nhân rơi vào ngõ cụt bất cứ lúc nào.
Vợ chồng là phải được trao đổi với nhau và đôi khi tranh luận như một thứ gia vị giúp mối quan hệ hai bên thêm phần mặn nồng hơn, hiểu nhau hơn. Dồn nén, tự chịu đựng các vấn đề, không có tranh luận, không trao đổi sẽ chỉ càng khiến cả hai dày lên những mâu thuẫn. Cuối cùng, cái kết nhận về có thể bạn sẽ khó chấp nhận nổi!
Con trai mới 3 tháng tuổi, tôi bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà, ba năm sau bà phải đến cầu xin quay lại Kết hôn xong, chúng tôi ở chung với bố mẹ chồng. Bố chồng dễ tính nhưng mẹ chồng ngược lại, bà luôn soi mói tôi từng li từng tí. Sau khi ra trường, tôi và chồng đều về quê lập nghiệp rồi quen biết yêu thương nhau. Cuộc sống ở quê bình yên thoải mái, không khí trong lành khiến tôi rất thích....