Đâu là tiêu chí tuyển chọn HLV cho tuyển Việt Nam?
Cựu danh thủ Desailly (Pháp) hay cựu HLV đội tuyển Malaysia Rajagobal đều nằm trong danh sách ứng cử viên cho ghế HLV đội tuyển Việt Nam. Nhưng rốt cuộc chúng ta dường như vẫn sẽ quay lại với phương án chọn HLV Nhật Bản?
AFF từng dẫn lời TTK VFF Lê Hoài Anh, tuyên bố ghế HLV ĐTVN có 16 ứng cử viên ngoại
Ghế HLV đội tuyển thực sự có giá?
Không lâu sau khi có thông tin mình nằm trong danh sách ứng cử viên cho ghế HLV đội tuyển Việt Nam, chính HLV Rajagobal cũng bất ngờ về chuyện này, bởi theo vị HLV người Malaysia thì ông không hề nộp đơn ứng cử vào vị trí ấy.
Sau đó, ông Rajagobal phát biểu trên các phương tiện truyền thông xứ Mã rằng ông sẵn sàng, nếu được mời. Nhưng phải tách bạch chỗ này: Trước đó, vị HLV người Malaysia chưa được mời chính thức, cũng chưa hề được dạm hỏi, còn nếu có lời mời, HLV Rajagobal dại gì không làm, vì đằng nào ông cũng chưa có công việc gì ổn định.
Chúng tôi cũng không tin rằng một cựu danh thủ nổi tiếng hàng đầu thế giới như Marcel Desailly thuộc dạng bạ đâu cũng nộp đơn. Đành rằng cựu ngôi sao của bóng đá Pháp chưa có “số” trong làng huấn luyện bóng đá đỉnh cao, nhưng tên tuổi của Desailly không phải là yếu tố mà anh dễ dàng đem ra đánh đổi, đến mức sẵn sàng sang Việt Nam – vùng trũng của bóng đá thế giới, hành nghề.
Video đang HOT
Trước đó nữa, trang chủ của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) từng dẫn lời một quan chức VFF tiết lộ có đến 16 ứng cử viên ngoại muốn ngồi vào ghế HLV đội tuyển Việt Nam, dù danh sách cụ thể những cái tên này ra sao, thì ngay những người quan tâm đến bóng đá nội còn chưa biết.
Ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam có giàu sức cạnh tranh đến mức có đến 16 ứng cử viên nộp đơn ứng tuyển, trong đó có cả những cái tên đáng được gọi là ngôi sao như Desailly hay Rajagobal hay không, có lẽ là điều mà người trong cuộc rõ nhất?
Chỉ có điều không lâu sau khi vẽ ra hàng loạt ứng cử viên cho chiếc ghế nóng nhất của làng cầu nội vào lúc này, chính những người đang điều hành bóng đá nội cũng nhanh nhẩu không kém trong việc tuyên bố “rút gọn” chuyện sẽ ưu tiên cho HLV châu Á. Điều này có cái gì đấy gần khớp với tuyên bố của ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không lâu sau khi nhậm chức, rằng đội tuyển sẽ có HLV người Nhật.
Đâu là tiêu chí tuyển chọn?
Quốc tịch của HLV không quan trọng bằng chất lượng của HLV. Rồi chưa làm việc trực tiếp với HLV mới thì cũng khó đánh giá rằng người sẽ được chọn giỏi hay không giỏi. Duy chỉ có điều đáng thắc mắc, là trong quá trình tuyển chọn HLV, VFF có đặt ra các tiêu chí bắt buộc cho các ứng cử viên hay không? Rằng người đang được VFF nhắm đến có ưu điểm chỗ nào, dễ dàng phù hợp với đội tuyển Việt Nam ở điểm nào? Có thể nâng tầm đội tuyển đến đâu?…
Chọn người dựa vào những tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc thù của nền bóng đá và phù hợp với định hướng phát triển thì tính rủi ro sẽ giảm bớt. Nhưng thật lạ là chuyện này cũng ít được nhắc đến. Người ta chỉ nhắc nhiều đến chuyện VFF từng cử ông Phó Chủ tịch (PCT) chuyên môn lẫn ông Tổng thư ký (TTK) sang Nhật để làm việc với ứng cử viên ở gần với VFF nhất.
Câu chuyện ông PCT và ông TTK VFF sang Nhật, rồi chuyện VFF sau khi xáo tung danh sách ứng cử viên đội tuyển Việt Nam chỉ để gút lại một câu là ưu tiên cho HLV người châu Á, càng khiến cho người ta liên tưởng đến phát biểu mang tính định hướng ngay từ đầu của ông Chủ tịch VFF, là đội tuyển sẽ có HLV người Nhật.
Đấy không phải là tiêu chí tuyển chọn, những phát biểu kiểu đấy giống cách người ta “cầm đèn chạy trước ô tô” nhiều hơn là vạch lộ trình sẵn rồi thực hiện lộ trình. Một lần nữa chúng tôi không bàn đến quốc tịch của HLV, bởi mỗi nền bóng đá có thế mạnh và điểm yếu riêng, đồng thời khi chưa làm thì chưa thể nói hợp hay không hợp. Tuy nhiên, thói quen một người phát biểu trong lúc cao hứng, rồi cả bộ máy chạy theo thực hiện cho bằng được có thể làm hại công tác chuyên môn của VFF.
Bởi, đã làm việc thì phải có lộ trình, đã tuyển chọn nhân sự thì phải có tiêu chí về nhân sự, đã là vấn đề trọng đại của cả nền bóng đá (chọn HLV đội tuyển quốc gia có phải chuyện đùa đâu!) thì phải có sự phản biện, phân tích thiệt hơn, trước khi quyết định. Chứ không thể làm việc theo kiểu chỉ cần một lời tuyên bố là cả bộ máy một hàng dọc trước thẳng được!
Theo VNE
Công Vinh: 'Tuyển Việt Nam cần một thầy Nhật'
Tiền đạo xứ Nghệ cho rằng HLV Nhật Bản sẽ rất thích hợp với bóng đá Việt Nam lúc này.
Cuối tuần trước, đại diện của VFF sang Nhật Bản để tham dự Hội thảo phát triển bóng đá giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Mục đích chính của VFF là nhờ Liên đoàn bóng đá Nhật Bản giới thiệu những HLV tài năng nhất có thể dẫn dắt tuyển Việt Nam. VFF đang rất quyết tâm tìm kiếm một HLV người Nhật Bản và nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, lễ ra mắt HLV tuyển quốc gia sẽ được tiến hành ngay trong tháng 4.
Công Vinh trong màu áo Sapporo ở J-League 2. Ảnh: CS.
Từng là cầu thủ đầu tiên thi đấu tại giải chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League 2), tiền đạo Công Vinh hoàn toàn ủng hộ kế hoạch tìm kiếm HLV của VFF. Theo chân sút đang khoác áo SLNA, ý tưởng thuê thuyền trưởng từ xứ sở mặt trời mọc của VFF là hoàn toàn phù hợp. Anh tin tưởng VFF sẽ tìm được một HLV ưng ý nhất. "Nhật Bản là một trong những nền bóng đá phát triển bậc nhất tại châu Á. Các CLB trong nước thường dùng HLV nội, bởi chất lượng HLV tại đây rất cao. Nhật Bản thi đấu rất thành công, từ các đội tuyển trẻ, bóng đá nữ tới đội tuyển quốc gia. Trong thành công ấy, vai trò của các HLV trưởng là rất lớn", Công Vinh chia sẻ.
Theo chân sút từng khoác áo CLB Sapporo, Việt Nam nên học theo cách làm của người Nhật. Sau thời gian ngắn, bóng đá Nhật Bản đã trở thành quốc gia hàng đầu châu lục. Họ luôn chú trọng công tác đào tạo trẻ, coi đó là cái gốc của sự phát triển. Muốn làm được điều này, trước tiên Nhật Bản phải có những HLV giỏi. "Tôi nghĩ bóng đá Nhật Bản thành công được như hiện nay thì bước đầu cũng phải đi học hỏi các nền bóng đá khác tiên tiến hơn. Bóng đá Nhật Bản đã chọn những lối chơi phù hợp với thể trạng con người, nên cầu thủ đều phát huy được hết sở trường, thế mạnh", Công Vinh nói.
Dùng "hàng nội", nhưng Nhật Bản rất khôn khéo khi đưa về những HLV ngoại, cầu thủ ngoại chất lượng để học hỏi. Tuy nhiên, những HLV và cầu thủ này đều có sự chọn lọc rất cao, chủ yếu đến từ Brazil, Argentina và các nước Nam Mỹ, ngoài ra còn có một số cầu thủ gốc châu Á. Nhật Bản không thuê các HLV và cầu thủ của châu Âu hay châu Phi, vì không phù hợp với lối chơi và thể hình của mình. Thực tế kể từ khi làm bóng đá chuyên nghiệp, Nhật Bản kiên trì với cách làm này và họ đã rất thành công. Đây là sự khác biệt rất lớn với bóng đá Việt Nam, từng sử dụng nhiều HLV với các trường phái khác nhau. Trong khi đó, ở giải V-League, ngoại binh cũng đủ thể loại và hầu hết là cầu thủ đến từ châu Phi, vốn có lối chơi thiên về sức mạnh, thể lực. Ngoài yếu tố con người, theo Công Vinh, gần như các CLB ở xứ phù tang và cả đội tuyển đều tuân thủ lối đá theo chiến thuật 4-2-3-1.
Từng khoác áo cho CLB Sapporo khoảng 4 tháng, nhưng Công Vinh đã học hỏi được rất nhiều từ cách làm bóng đá chuyên nghiệp của người Nhật. Tiền đạo sinh năm 1985 cho biết, mặc dù CLB Nhật Bản đều thuê cầu thủ ngoại nhưng trong thi đấu đều không phụ thuộc vào ngoại binh. Nhiều "ông Tây" không phù hợp với lối đá, họ sẵn sàng cho đá dự bị. Đó là lý do dù đến từ quốc gia có nền bóng đá không phát triển như Việt Nam, Công Vinh luôn được trọng dụng nếu như đạt phong độ cao nhất.
"Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam lúc này nên học hỏi nhiều hơn nữa từ bóng đá Nhật Bản. Và nếu có một HLV người Nhật Bản dẫn dắt đội tuyển quốc gia lúc này sẽ rất tốt", Công Vinh chốt lại.
Theo VNE