Đâu là mảng tối của các HTX Vận tải?
Làm thủ tục để thu tiền, “bán” phù hiệu, không nắm bắt được xã viên hoạt động ra sao là mảng tối trong hoạt động của các hợp tác xã (HTX) vốn được đánh giá là nhiều ưu việt hiện nay.
Lập HTX để chạy thủ tục
Theo Bộ GTVT, hiện cả nước có 783 HTX vận tải, trong đó đến 738 HTX vận tải đường bộ. So với thời điểm Luật HTX có hiệu lực, toàn quốc tăng 101 HTX vận tải. Tổng số thành viên HTX hiện có 35.000 người, tăng 14.000 nghìn người so với năm 2013. Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho hay, mô hình HTX đang đóng góp lớn trong các phương thức vận tải đường bộ, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị sơ kết Luật HTX năm 2012, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá, vẫn tồn tại nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa, thực chất thành lập để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện.
“Phương tiện thế nào, hoạt động kinh doanh ra sao, nhân lực điều hành hoàn toàn do cá nhân thuê mượn. Trong quá trình hoạt động kinh doanh xảy ra vấn đề gì HTX không hay biết, không có trách nhiệm. Có những HTX không có tài sản chung, tiếng nói chung, tổ chức hoạt động vận tải chưa bài bản, phương pháp quản lý thủ công, hiệu quả kinh doanh thấp” – ông Ngọc nói.
Việc lập HTX chủ yếu để làm dịch vụ giấy tờ, đánh mất bản chất liên kết các xã viên để tạo ra năng lực tổng hợp của kinh tế tập thể đang diễn ra diện rộng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An thừa nhận, hiện phần lớn các HTX vận tải hành khách trên địa bàn chỉ lo làm thủ tục với Sở GTVT và kiểm soát dữ liệu thiết bị giám sát hành trình thay các hộ cá thể. “Chủ nhiệm HTX, nay là giám đốc HTX hầu như không có tiếng nói gì đối với xã viên”.
Đại diện Sở GTVT Bắc Giang phản ảnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ có các HTX vận tải hành khách, mà có rất ít HTX vận tải hàng hoá. “Nguyên nhân do Chính phủ quy định vận tải hành khách phải là đơn vị, cá nhân không được phép kinh doanh, xã viên vào chủ yếu để hợp thức hoá mô hình. Trong khi đó, sự ưu việt của mô hình HTX không được tập trung phát triển” – vị đại diện này nói.
Việc HTX làm thuê, “bán” phù hiệu vận tải đang xảy ra phổ biến nhất đối với loại hình “taxi công nghệ” như Uber, Grab và các loại hình xe dịch vụ dưới 7 chỗ ngồi gọi qua internet. (Bộ GTVT xếp loại hình là xe chở khách theo hợp đồng). Theo quy định, các xe này buộc phải thuộc HTX hoặc công ty vận tải. Vì vậy, để hợp thức hoá các thủ tục, cá nhân lái xe Grab hay Uber buộc phải gia nhập các HTX (gia nhập dễ dàng hơn mô hình doanh nghiệp) để được cấp phù hiệu.
Video đang HOT
Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều lái xe Grab tại Hà Nội cho hay, họ phải nộp tiền cho HTX mỗi năm khoảng 3-6 triệu đồng chi phí quản lý để cấp phù hiệu hợp đồng. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động hàng ngày của họ đều thông qua phần mềm Grab, không liên quan đến quản lý của HTX. Hầu hết các lái xe được hỏi đều không nhớ tên HTX mà mình là thành viên.
Anh NVP, một lái xe Uber tại Hà Nội cũng cho hay, mấy hôm nay, hiện anh đã có giấy phép hoạt động vận tải kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, hiệu Uber đang thúc giục các lái xe nộp thủ tục để đăng ký vào HTX. “Tôi cũng không biết gia nhập vào HTX nào, bên Uber cho biết đưa thủ tục giấy tờ, họ sẽ lo hết. Tất nhiên phải có đóng phí cho HTX” – anh này nói.
Cần hành lang pháp lý
Đại diện Sở GTVT Khánh Hòa phản ánh, vừa qua, HTX vận tải tại thành phố Nha Trang đã đấu thầu thắng các doanh nghiệp vận tải máu mặt nhất địa bàn tỉnh để vận hành tuyến xe buýt, tiết kiệm chi phí trợ giá cho ngân sách. “Điều đó cho thấy, ưu điểm nhất của HTX là liên kết một cách nhanh chóng, cơ động các thành viên có vốn, phương tiện tự có. Vì vậy, nếu vận hành thực chất, mô hình hợp tác xã vận tải sẽ rất mạnh, phát triển nhanh hơn doanh nghiệp”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Thọ cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần xem xét nhiều mô hình HTX vận tải, thậm chí không nên kỳ thị mà cần xem xét tính hiệu quả của mô hình HTX chỉ làm dịch vụ vận tải.
Một trong những mô hình phát triển theo mô hình này được ông Thọ nhắc đến là HTX Toàn Cầu với sàn giao dịch Thuê xe toàn cầu hoạt động trên nền tảng công nghệ mạng. Sàn giao dịch này có hơn 10.000 phương tiện với 1.000 thành viên tham gia dưới danh nghĩa xã viên của HTX vận tải Toàn Cầu. Ưu điểm của sàn là tạo ra môi trường để các xã viên nhận mời chào khách hàng, giới thiệu các đơn hàng thuận đường, giá rẻ cho nhau.
Tuy nhiên, Toàn Cầu cũng là một trong những đối tác cấp phù hiệu cho lái xe Grab. Việc liên kết với Grab là một trong những mảng mà HTX đang thực hiện, nằm trong lộ trình hoàn thiện sàn giao dịch vận tải nhiều loại hình. Trước khi tham gia Grab, lái xe trở thành xã viên của Toàn Cầu. Lái xe Grab có thể vừa lái cho Grab vừa có thể tham gia sàn giao dịch của Toàn Cầu (chủ yếu những chuyến chở khách dài, với mức phí duy trì 600 nghìn đồng/tháng).
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu tổng kết các mô hình HTX nổi bật, phù hợp với sự phát triển và phải được cụ thể hóa bằng hành lang pháp lý. “Các đơn vị cũng cần rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của các HTX, tập trung tháo gỡ ngay những vấn đề bất cập” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Qua tham gia các đoàn kiểm tra HTX, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Thị Thanh Hiền cho hay, ngoài các bất cập như nhiều HTX chủ yếu lo thủ tục, công tác quản lý vận tải, an toàn giao thông lỏng lẻo, năng lực của bộ máy quản lý chưa tốt…, phần lớn các HTX hiện nay chưa thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với người lao động tại HTX theo quy định của Luật.
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Nóng: Bộ GTVT "phanh gấp" cấp phép thí điểm Grab, Uber
Bộ GTVT vừa yêu cầu các địa phương đang tham gia phải thống kê, rà soát chính xác số lượng và dừng cấp phép thí điểm taxi công nghệ. Theo Bộ GTVT, yêu cầu này nhằm hạn chế bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác.
Theo Bộ GTVT, số lượng xe taxi công nghệ đang gia tăng vượt tầm kiểm soát, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và cạnh tranh thiếu công bằng với taxi truyền thống, gây khó cho quản lý.
Đồng thời, hiện các thành phố thí điểm taxi công nghệ cũng đang hướng tới xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng với khối lượng lớn như xe buýt, buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao mà không đặt trọng tâm vào taxi hay xe hợp đồng.
Do vậy, cần thiết phải khống chế số lượng xe và số doanh nghiệp tham gia kinh doanh taxi công nghệ - công văn của Bộ GTVT nêu.
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương tham gia thí điểm loại hình taxi công nghệ tiến hành thống kê, rà soát chính xác số lượng xe tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT cũng đã đưa loại hình taxi Uber, Grab vào đối tượng quản lý. Sau khi sửa đổi nghị định này, việc quản lý các loại hình taxi này sẽ bảo đảm công bằng hơn.
Được biết, theo đề án thí điểm taxi công nghệ của Bộ GTVT, tính đến tháng 4/2017, Bộ mới chỉ cấp phép cho khoảng 13.500 xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia, với 235 doanh nghiệp tại 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM và Khánh Hòa.
Tuy nhiên, thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, số lượng xe "taxi công nghệ" tại thành phố đã lên tới con số 7.000 xe, tại TP. HCM là hơn 22.000 xe, gấp đôi số lượng taxi truyền thống, vượt xa sức quản lý của địa phương.
Ngoài ra, với các ưu thế của mình, "taxi công nghệ" và taxi truyền thống đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Trong đó, phần lợi thế đang nghiêng về phía các hãng taxi công nghệ, với các đặc điểm hoạt động là công khai được giá tiền cước cho chặng đường, giá cước hợp lý, xe sạch sẽ, thuận tiện.
Tuy nhiên, đối với các hãng taxi truyền thống và đặc biệt với cơ quan quản lý, taxi công nghệ thực sự là điểm nóng nhức nhối. Các hãng taxi truyền thống bị taxi công nghệ xâm thực thị phần mạnh mẽ, trong khi các cơ quan quản lý chưa có căn cứ pháp lý để quản lý doanh thu và từ đó thu thuế đối với taxi công nghệ.
Hoạt động của taxi công nghệ còn mở rộng thành xe ôm công nghệ, và cạnh tranh thành công với xe ôm truyền thống.
Về quản lý, chiến dịch lobby do các hãng taxi truyền thống tung ra, nhằm hạn chế hoạt động của mô hình taxi công nghệ đã phần nào thành công. Khi các cơ quan quản lý liên tục tổ chức kiểm tra, giám sát, gây khó cho hoạt động của taxi công nghệ. Cao điểm nhất chính là công văn dừng cấp phép thí điểm taxi công nghệ lần này. Tuy nhiên, chưa rõ yêu cầu này có áp dụng với mô hình xe ôm công nghệ hay không.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Grabtaxi với ứng dụng Grabcar, Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội với ứng dụng Thanhcong Car, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh với ứng dụng Mailinh Car, Công ty hợp tác đầu tư và phá triển với ứng dụng Home Car, Công ty TNHH Uber Việt Nam với ứng dụng Uber, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang với ứng dụng LB.Car, Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao với ứng dụng Vic.Car.
Theo Ánh Dương (Vietimes)
Thứ trưởng Giao thông muốn siết quản lý thuế của Uber, Grab Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng việc quản lý tài chính của cơ quan nhà nước với Uber, Grab còn mật mờ, gây tranh cãi. Tại dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ Giao thông Vận tải muốn bổ sung quy định cho...