Đau khổ vì chồng sa đọa, ngoại tình
Anh ta chẳng những sa ngã vào những cuộc vui trác táng mà còn phản bội vợ, đi ở với nhân tình. Tôi kết hôn 12 năm, có hai con. Những năm đầu mới cưới, tuy vất vả, thiếu thốn nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Không như bây giờ, dù gia đình khá giả hơn nhưng người chồng phụ bạc khiến tôi đau khổ rất nhiều!
Rồi chồng tôi chuyển việc làm, dần trở thành quản lý cấp cao của một công ty. Đồng tiền kiếm được dễ dàng đã làm anh sa ngã. Những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm, những màn tăng hai, tăng ba… Tôi đã cố dịu ngọt khuyên nhủ chồng rất nhiều nhưng anh không hề thay đổi. Vì thế, vợ chồng cứ chiến tranh lúc nóng, lúc lạnh với tần suất ngày càng dày hơn. Cuối cùng, anh có người đàn bà khác. Tôi biết chuyện khi mang thai đứa con thứ hai ba tháng. Anh hứa cắt đứt, trở về với gia đình, nhưng chỉ một thời gian ngắn là công khai đi lại với người tình. Tôi rất đau đớn nhưng không dám làm ra lẽ, phần vì danh dự nghề nghiệp (tôi là giáo viên), phần vì mình tôi không chèo chống nổi gia đình lúc đó, nên đành im lặng.
Khi con sáu tuổi, tôi quyết định giải quyết dứt khoát với anh. Anh nộp hồ sơ sang công ty khác cùng người tình nhưng bị từ chối vì xét nghiệm máu cho thấy anh bị nhiễm bệnh. Người tình của anh bỏ chạy theo người khác. Lúc đó, tôi gác việc ly hôn lại để chăm sóc anh. Hai năm sau, anh hết bệnh, tôi chưa kịp mừng thì phát hiện anh nối lại quan hệ với người tình cũ, dù cô ấy đã có chồng con.
Anh ta lao vào những thú vui sa đọa, ngoại tình với người đàn bà khác, bất chấp đã có vợ, có con (Ảnh minh họa)
Tôi đau vì chồng phụ bạc thì ít mà vì sự dối trá của anh ta thì nhiều. Anh lại cầu xin tôi tha thứ. Tôi để anh dọn ra ngoài ở một thời gian để suy nghĩ xem mình có đủ bao dung mà tha thứ không. Sau ba tháng ly thân, tôi quyết định để anh trở về, hy vọng sẽ làm lại từ đầu. Thế nhưng, tôi lại bắt quả tang anh lén lút có người phụ nữ khác. Chẳng lẽ tôi cứ “sống mòn” thế này mãi để giữ cha cho con?
Hà (Q.6)
Trả lời:
Em Hà mến,
Video đang HOT
12 năm chịu đựng, có lẽ em đã cố gắng hết sức mình rồi, không thể chịu đựng người chồng phụ bạcđó thêm nữa. Đã không thiếu những lời khuyên, đã ly thân rồi quay trở lại; thậm chí đã ký đơn ly hôn nhưng trước cảnh ngộ đáng thương của chồng lúc đó, em vẫn không buông bỏ. Bao dung cho nhau vậy là đã quá đủ. Cái chất trăng hoa đã nằm trong máu của chồng em. Anh ta không bỏ gia đình vì vẫn còn muốn có chỗ để quay về, vì biết em vẫn cần anh ta – cần cha cho con, nhưng cũng không thể từ bỏ những cuộc vui với người khác.
Cam chịu một người chồng tệ bạc không phải là một cách sống có thể mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người thân yêu (Ảnh minh họa)
Em đã hiểu một cách cay đắng là “anh không bao giờ thay đổi”, thì làm sao giữ được anh ta? Em có cố, cũng chỉ là giữ được những nỗi đau, những ê chề, những cố gắng đến mỏi mòn, tuyệt vọng. Đợi đến ngày anh ta chịu quay về cho “yên nơi, ấm chỗ” có lẽ phải đến lúc anh ta chỉ còn là cái xác vật vờ, không cô nào thèm ngó tới, về để có chỗ bấu víu, về khi đã thành gánh nặng cho vợ con. Cho dù anh ta có thương con như em viết, nhưng với tính cách như thế, anh ta có bao nhiêu thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con; còn bao nhiêu tâm sức để dành cho con? Giữ cho con một người cha “khiếm khuyết” kiểu đó thì có cũng như không.
Em cố sống mòn mỏi cảnh một người vợ bị người chồng phụ bạc, bị lừa dối hết lần này đến lần khác để giữ lấy cái vỏ gia đình là không đáng chút nào. Hãy can đảm và dứt khoát làm việc phải làm, người chồng đó không xứng đáng với những gì em đã dành cho anh ta. Giải phóng được mình khỏi những khổ đau, em sẽ sống thanh thản hơn, chăm sóc con được tốt hơn. Đừng tiếp tục yếu đuối nữa.
Theo Eva
Gia tăng chuyện "chồng nện vợ" vì tâm lý ngại "vạch áo cho người xem lưng"
Tôi cũng muốn nhờ gia đình và chính quyền nhưng lại không dám chắc chồng có thể từ bỏ ma men. Chỉ sợ khi gia đình và cán bộ hòa giải về rồi, ông ấy lại cho rằng tôi bêu xấu chồng chắc đánh tôi không còn đường sống mất...
Trong rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra nghiêm trọng dưới những nếp nhà và gây khó khăn cho cán bộ hòa giải xuất phát từ tâm lý tự ti, cam chịu, ngại "vạch áo cho người xem lưng" của nạn nhân - những người phụ nữ - là một trong những nguyên nhân cơ bản. Họ muốn giữ bộ mặt êm ấm cho gia đình nhưng lại không hề biết rằng, "căn bệnh" bạo hành cần được chữa trị bằng "liều thuốc" chia sẻ, giúp đỡ của các cấp chính quyền và cộng đồng.
"Cái nhọt bọt" nhức nhối
Phải khó khăn lắm tôi mới gặp được chị V.T.L (xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất) trong căn nhà cấp bốn xây được khoảng 5 năm của gia đình chị. Ngôi nhà nhỏ trống hoác, không có đồ đạc gì có giá trị ngoài một bộ bàn ghế đã cũ, một cái tủ và hai chiếc giường. Như đoán được suy nghĩ của tôi, chị bảo: "Hồi trước khi chồng tôi chưa nghiện rượu và phá phách thì trong nhà cũng đầy đủ lắm, chỉ thiếu mỗi cái điều hòa thôi. Thế mà khi hết tiền mua rượu, ông ấy bán hết cô ạ". Sự tiếc nuối hiện rõ qua cái chép miệng thở dài của chị.
Chị kể, chị sinh ra và lớn lên ở xã Sài Sơn, đến năm 1989 thì quen và kết duyên cùng anh N.V.T ở Dị Nậu qua một thời gian dài tìm hiểu. Tuy chỉ là những người làm ruộng nhưng anh chị sống với nhau rất hạnh phúc. Căn nhà nhỏ luôn rộn tiếng cười con trẻ, khi ba đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống khó khăn nhưng với tình yêu và sự cố gắng vì gia đình, cả hai anh chị đều chịu khó miệt mài làm việc. Ngoài công việc làm nông, anh đi làm thợ gỗ, còn chị cũng đan thêm cái rá, cái rổ đi bán, kiếm thêm thu nhập dư dả cho gia đình. Hơn chục năm hạnh phúc êm đềm trôi qua, những tưởng cuộc sống gia đình cứ bình yên như thế.
Càng im lặng, bạo hành càng có đất phát triển. Ảnh minh họa
Nhưng chị đâu biết, cũng xuất phát từ sự dư dả ấy, chồng chị bắt đầu sinh tật uống rượu. Lúc đầu chỉ thỉnh thoảng rồi dần dần ngày càng nhiều. Chất men ngấm dần vào cơ thể, chồng chị chuyển hẳn sang trạng thái nghiện rượu. Đi làm chểnh mảng rồi bỏ hẳn, ngày nào anh ta cũng tìm người uống rượu, tìm cớ uống rượu. Chỉ trong vong mấy năm, tất cả đồ đạc, tiền của trong nhà dành dụm được đều lần lượt đội nón ra đi. Từ một người đàn ông yêu thương vợ con, chỉ vì làm nô lệ của ma men mà chồng chị biến thành một người chồng vũ phu.
Chị không nhớ nổi bao nhiêu lần bị chồng đánh bắt đưa tiền cho đi uống rượu. Loại "thuốc độc" chết người đó đã bào mòn lương tâm, con người anh. "Mỗi khi say rượu về, anh ấy lấy cớ chửi bới tôi, giật tóc, tát tôi, rồi đập cả ti vi, bát đũa đồ đạc, nếu tôi có khuyên anh uống ít đi. Có những lần tôi đi làm, anh ấy ở nhà gọi cả người đến bán lúa, bán gà lấy tiền". Không chỉ bị đánh đập, khi đêm về, chồng chị lại bắt ép chị quan hệ tình dục, rồi mắng chửi, nhiếc móc chị "vô dụng" vì không biết chiều chồng.
Cay đắng, đau đớn và mệt mỏi nhưng chị luôn giấu nhẹm đi, không chia sẻ với ai. Nhiều khi chị đi làm đồng, mắt thâm tím, nhiều người hàng xóm hỏi thăm thì chị bảo bị ngã ngoài giếng. Chị xấu hổ, chẳng dám kể chuyện nhà mình với bất kỳ ai, sợ người làng cười chê, sợ mang tiếng và sợ chồng đánh nhiều hơn khi chị nhờ cậy sự giúp đỡ. Thế là chị cứ im lặng, cứ chịu đựng, cứ che đậy việc mình bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, dưới vỏ bọc của ngôi nhà tưởng bình yên. Và chồng chị, vẫn tiếp diễn những ngày tháng rượu chè, đánh đập vợ.
Hay trường hợp của chị Đ.T.N (Sài Sơn - Quốc Oai) cũng tương tự. Chồng chị làm nghề lái xe, thu nhập khá nhưng anh ta lại ngoại tình, bao nhiêu tiền làm được đều mang cho cô tình nhân bé nhỏ. Biết chuyện, chị cằn nhằn vì nhà có bao nhiêu việc cần đến tiền, anh ta lại không vun vén cho nhà mà lại "biếu gái". Vừa mới cất lời, chị liền bị chồng thẳng tay tát bốp vào mặt. Không những không hối hận và sửa chữa lỗi lầm, anh ta ngày càng công khai với chị chuyện đi cặp bồ. Vừa bị chồng đánh, vừa bị phản bội nhưng chị chỉ im lặng vì sợ mang tiếng gia đình không hạnh phúc.
Tự ti, che đậy: Nuôi dưỡng nạn bạo hành
Tâm lý xấu hổ, cố gắng che đậy sự việc bởi quan niệm "xấu chàng hổ ai" của những người phụ nữ vô hình trung lại là nguyên nhân khiến "cái nhọt bọc" bạo lực gia đình ngày càng "mưng mủ" gia tăng mạnh hơn.
Trong câu chuyện với tôi và cán bộ hòa giải, chị V.T.L vẫn nơm nớp lo sợ chồng biết chuyện chị tâm sự chuyện nhà với người ngoài. Chị bảo: "Tôi cũng muốn nhờ gia đình và chính quyền nhưng lại không dám chắc chắn chồng có thể từ bỏ ma men. Chỉ sợ khi gia đình và cán bộ hòa giải về rồi, ông ấy lại cho rằng tôi bêu xấu chồng chắc đánh tôi không còn đường sống mất. Im lặng là vàng các chị ạ".
Ảnh minh họa
Hay khi chúng tôi đề cập đến chuyện chồng ngoại tình thì chị Đ.T.N lúc đầu còn giấu, còn chối nhưng khi cán bộ phụ nữ tâm sự thì chị òa khóc. Người phụ nữ bị phản bội, một mình chịu đựng sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong một thời gian dài chẳng dám nhờ ai giúp đỡ. Chị chịu đựng vì sợ hàng xóm láng giềng xấu miếng cười chê, sợ các con ra đường bị người làng bàn tán, chỉ chỏ tội nghiệp. Chị chẳng nghĩ việc chồng đánh, chồng tát là "bạo lực gia đình", mà chỉ nghĩ rằng vợ chồng xô xát, bực tức thì đánh thế thôi. Điều đó chứng tỏ, sự am hiểu những kiến thức pháp luật của những người phụ nữ nơi miền quê này còn nhiều hạn chế.
Qua khảo sát của những người làm công tác tư vấn ở các trung tâm phòng chống bạo lực gia đình thì trước khi xảy ra bạo lực, số người hi vọng được ứng cứu là 42,05%; tìm cách thoát thân là 25,61%; 15,92% sẽ không có hành động tự vệ và 16,43% sẽ có hành động tự vệ. Nhưng khi bạo lực xảy ra, những người phụ nữ muốn kêu cứu là 50%; muốn bỏ chạy là 19,08%; có hành động tự vệ chỉ có 6,94%; đáng ngạc nhiên là những người cam chịu bạo lực lại ở mức 23,98%.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thông thường người phụ nữ khi bị chồng đánh đập, chửi bới sẽ cam chịu, chờ đợi sự tỉnh ngộ của đức ông chồng, không muốn làm to chuyện. Suy nghi ấy sẽ không giúp họ cởi bỏ được nút thắt mâu thuẫn mà chỉ tạo đà cho người chồng lân tới và để lại hậu quả nặng nề. Trong những trường hợp xảy ra bạo lực gia đình, nếu hai vợ chồng giải quyết kín không có hiệu quả, người phụ nữ cần thẳng thắn, mạnh dạn nhờ tới sự giúp đỡ của các cấp chính quyền như hội phụ nữ, tổ hòa giải để bảo vệ chính bản thân mình khỏi bạo lực. Đồng thời, người phụ nữ nên tự tìm hiểu, trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân để tránh việc bị xúc phạm về cả thể chất và tinh thần.
Theo ANTD
Có nên nhường anh cho vợ cũ? Tôi chờ đợi anh 6 năm để làm đám cưới, giờ vợ cũ của anh đòi quay lại. Gửi chị Thanh Thúy! Tôi tình cờ đọc được những dòng tâm sự của chị trong bài viết Tôi chờ anh bỏ vợ suốt 4 năm được đăng trong mục Tình yêu giới tính của Eva và cùng là người phụ nữ, tôi muốn chia...