Dấu hiệu tuyển lao động đi Nhật Bản trái phép tại Tracimexco
Mặc dù đơn hàng tuyển thực tập sinh đi Nhật Bản làm việc không rõ ràng và chưa được cơ quan chức năng thẩm định, chấp thuận nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải ( Tracimexco) đã cố tình cho phép chi nhánh tiến hành thi tuyển, thu tiền của hàng chục lao động một cách trái phép.
Lao động vừa mất thời gian, vừa mất tiền đặt cọc
Theo đơn của ông Nguyễn Văn Thắng ( xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), ngày 10/7/2019, qua mạng xã hội, ông quen người tên là Nguyễn Thị Oanh, giới thiệu là người của Tracimexco. Bà Oanh nói là Tracimexco có đơn hàng cần tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản 3 năm, thời gian thi tuyển ngày 20/7/2019.
Ông Thắng giới thiệu cho bà Oanh 4 người (đều ngụ Nghệ An) có nhu cầu quan tâm đến đơn hàng mà Tracimexco đang tuyển và ông Thắng nhận là người đại diện làm việc trực tiếp với bên có đơn hàng. Sau khi thỏa thuận, ông Thắng chuyển khoản số tiền đặt cọc 10 triệu đồng/người cho bà Oanh. Ngày 20/7/2019, 4 lao động ông Thắng giới thiệu ra Hà Nội trực tiếp thi tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường và được Tracimexco thông báo trúng tuyển.
Video đang HOT
Sau khi về địa phương hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, 4 lao động này làm thủ tục nhập học. Ngoài số tiền đặt cọc ban đầu, theo yêu cầu, mỗi lao động trúng tuyển còn phải đóng thêm mỗi người 50 triệu nữa cho Tracimexco (cũng qua hình thức ông Thắng chuyển khoản cho bà Oanh).
Ông Thắng cho biết: Sau 2 tháng học nhưng không thấy phía Tracimexco thông báo rõ ràng với người lao động về đơn hàng, cấp tư cách lưu trú, thời gian xuất cảnh… từ phía Nhật Bản nên các lao động có thắc mắc. “Khi đó Tracimexco đưa ra hợp đồng lao động nhưng không thấy có công ty tiếp nhận bên phía Nhật Bản. Lao động phản ứng thì Tracimexco còn yêu cầu lao động nên chấp nhận học nếu không sẽ phạt tiền”, ông Thắng nói.
Thấy bất thường, ông Thắng tìm hiểu thì được thông tin là đơn hàng mà Tracimexco tuyển dụng lao động chưa được cơ quan chức năng thẩm định chấp thuận. Ông Thắng thông báo với 4 lao động nói trên quyết định dừng học và yêu cầu phía bà Oanh cùng Tracimexco hoàn lại số tiền 4 lao động đã đóng. Sau nhiều lần đôi co, gây sức ép, 4 lao động mới được nhận lại số tiền 45 triệu đồng/người thay vì 60 triệu đồng họ đã đóng.
Dấu hiệu tuyển lao động trái phép
Theo tìm hiểu, Tracimexco được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ giữa năm 2015. Ngày 10/6/2019, Tracimexco có quyết định thành lập Văn phòng tiếp nhận hồ sơ tại Trường Cao đẳng Công nghệ và môi trường. Văn phòng (nơi 4 lao động Nghệ An nộp hồ sơ) có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về tiếp nhận hồ sơ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, điều kiện để đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, doanh nghiệp phải có thỏa thuận hợp tác (hợp đồng) về phái cử và tiếp nhận thực tập sinh với tổ chức tiếp nhận hợp pháp của Nhật Bản. Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã đăng ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho phép thực hiện, số lượng tuyển chọn không vượt quá số lượng đã đăng ký.
Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh. Nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với thực tập sinh.
Bà Bùi Thị Thu Hà, đại diện Tracimexco cho rằng Công ty có đơn hàng đi Nhật Bản làm cơm hộp và có tuyển dụng 4 lao động ở Nghệ An như đơn ông Thắng phản ánh để đào tạo. Tuy nhiên, bà Hà phủ nhận bà Nguyễn Thị Oanh là người của Tracimexco và việc Tracimexco thu 240 triệu với 4 lao động trên. “Nếu có việc thu tiền thì Công ty phải thu và có hóa đơn chứ văn phòng tiếp nhận hồ sơ cũng không có thẩm quyền. Còn bà Oanh thu tiền của người lao động nói trên là quan hệ cá nhân”, bà Hà nói.
Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp hợp đồng về phái cử đã được ký với nghiệp đoàn Nhật Bản và văn bản chấp thuận cho phép thực hiện đơn hàng của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH thì đại diện Tracimexco thừa nhận, đơn hàng này chưa được thẩm định, chấp thuận từ phía Cục Quản lý lao động ngoài nước. Còn đơn hàng ký giữa Tracimexco với Nhật Bản thì bà Hà cũng không xuất trình được. Đại diện Tracimexco nói “chưa thể cung cấp do bên Nhật Bản đang thẩm định”.
Phi Hùng
Theo baophapluat.vn
6 thuyền viên Việt Nam mất tích tại Hàn Quốc đều là lao động hợp pháp
Bộ LĐTB-XH xác minh thông tin 6 thuyền viên Việt Nam bị mất tích sau khi tàu cá Hàn Quốc bị cháy ngoài khơi đảo Jeju.
Bộ LĐTB-XH xác minh thông tin 6 thuyền viên Việt Nam bị mất tích sau khi tàu cá Hàn Quốc bị cháy ngoài khơi đảo Jeju
Trước thông tin 6 thuyền viên Việt Nam bị mất tích sau khi tàu cá Hàn Quốc bị cháy ngoài khơi đảo Jeju sáng 19/11, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) đã chính thức có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng và gia đình lao động kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý các công việc có liên quan.
Cũng theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cả 6 thuyền viên Việt Nam đều là lao động đi làm việc theo hợp đồng hợp pháp tại Hàn Quốc. 4 công ty phái cử được xác định đưa 6 lao động này sang Hàn Quốc làm việc là Công ty Letco, Công ty Sona, Công ty TTLC, Công ty Trancimexco.
Trước đó, theo báo cáo nhanh của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về, khoảng 7h sáng 19/11 (theo giờ địa phương), hỏa hoạn bùng lên trên tàu đánh cá 29 tấn ở ngoài khơi, cách đảo Jeju khoảng 76km về phía tây.
Danh tính và số hộ chiếu của các thuyền viên Việt Nam mất tích gồm Nguyễn Văn Công (sinh năm 1987), Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1995), Nguyễn Tiến Ninh (sinh năm 1987), Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1994), Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1988) và Nguyễn Văn Viễn (sinh năm 1974). Trong đó, có 5 lao động quê Quảng Bình, một lao động quê Hà Tĩnh.
Thông tin từ cảnh sát Hàn Quốc, một thuyền viên người Hàn Quốc được cấp cứu đưa vào đảo nhưng các bác sĩ xác nhận người này đã tử vong. Còn lại 11 thuyền viên, trong đó có 6 thuyền viên Việt Nam vẫn đang mất tích.
Hoàng Ngân
Theo baogiaothong.vn
Vùng biển đang bị xâm phạm, không miễn thị thực dễ dãi cho người nước ngoài Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển chứa đựng nhiều rủi ro, có thể dẫn đến nguy cơ cao về sự xâm nhập của người nước ngoài "núp" dưới danh nghĩa du lịch....