Dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung
Cổ tử cung (CTC) đóng vai trò rất lớn trong quá trình sinh sản và sinh lý bình thường của phụ nữ. Ung thư CTC là loại ung thư thường gặp nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới.
Cổ tử cung và ung thư CTC
CTC dài khoảng 5cm, nằm giữa tử cung và âm đạo. CTC là bức tường phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến vô sinh. Không gì có thể vào được tử cung mà không đi qua CTC.
CTC là cửa ngõ và làm nhiệm vụ đưa tinh trùng vào tử cung. CTC có tính đàn hồi tuyệt vời. Khi phụ nữ mang thai, CTC mỏng đi, mở rộng, báo hiệu bắt đầu thời kỳ mang thai. Ngay cả khi phải mở rộng đến 10cm để chị em vượt cạn. Nhưng sau đó, cổ tử cung có thể phục hồi lại tình trạng ban đầu một cách nhanh chóng.
Trong hơn 20 năm trở lại đây, y học đã phát hiện mối liên hệ mật thiết giữa ung thư CTC và virut gây u nhú ở người (human papillomavirus- HPV). Gần như 99% trường hợp bị ung thư CTC đều liên quan đến việc nhiễm HPV trước đây. Trong đó, týp 16 và 18 chiếm gần 70% trường hợp. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV đều sẽ bị ung thư CTC. Ít nhất là HPV cần một thời gian tương đối trước khi có thể gây chuyển biến tiền ung thư và ung thư trên tế bào CTC. Virut này có thể thay đổi các tế bào của CTC và qua nhiều năm, những thay đổi này có thể dẫn đến ung thư nếu không được phát hiện và điều trị.Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư định kỳ.
Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư định kỳ.
Các chất độc hại trong khói thuốc góp phần phá hủy các tế bào bình thường và đẩy nhanh quá trình phát triển của tế bào ác tính. Quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, sinh đẻ nhiều lần, quan hệ với nhiều người cũng giữ vai trò gây ung thư CTC. Tình trạng viêm CTC mạn tính, thói quen vệ sinh cá nhân kém… là yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư CTC.
Ung thư CTC ít gặp ở độ tuổi 20-30, 60% là khoảng 35-55 tuổi, 20% là khoảng 55-65 tuổi, 8% khoảng 65-75 tuổi. Do vậy mà bệnh xuất hiện cả trước và sau mãn kinh.
Ung thư CTC gồm hai thể là ung thư biểu mô dạng biểu bì hoặc ung thư biểu mô tuyến. Các ung thư biểu mô dạng biểu bì gần như là phổ biến nhất, chiếm 90-95% các trường hợp.
Một số dấu hiệu nhận biết sớm ung thư CTC
Khi chị em mắc ung thư CTC ở giai đoạn đầu hoặc có những tổn thương về tiền ung thư thì thường không có hay có ít các triệu chứng đặc hiệu nào về bệnh. Dấu hiệu ung thư CTC chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Khi hiện tượng này xảy ra, các triệu chứng ung thư CTC bao gồm:
Video đang HOT
Đau vùng chậu: Tự dưng chị em thấy những cơn đau bất thường ở vùng chậu hoặc đau khi giao hợp… Những cơn đau này có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư CTC cao.
Dịch âm đạo có màu bất thường: Dịch âm đạo bỗng dưng có màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn màu hồng của máu và gây ra mùi khó chịu, trường hợp này có thể phụ nữ đang gặp một số bệnh, có thể là do ung thư buồng trứng hay viêm vòi trứng, ung thư CTC…
Chảy máu bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh hoặc kỳ kinh kéo dài bất thường. Một số trường hợp bệnh nhân chảy máu sau khi thụt rửa âm đạo hoặc khám vùng chậu. Lưu ý, mức độ chảy máu ở mỗi người là khác nhau, có người chảy nhiều, có người chảy ít.
Thiếu máu: Thiếu máu có thể xảy ra với bệnh ung thư CTC vì số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị giảm và được thay thế bằng các bạch cầu để đẩy lùi bệnh. Thiếu máu thường khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng.
Bất thường trong tiểu tiện: Khi bạn hắt hơi mà bị són tiểu hay khi đi tiểu có máu, đau thì nên đi khám ngay lập tức. Rất có thể bạn bị ung thư CTC. Trường hợp này rất nguy hiểm. Nếu đung là ung thư CTC thì các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trên cơ thể.
Lời khuyên của thầy thuốc
Chị em phụ nữ cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress bởi chúng là yếu tố khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, định kỳ 3-6 tháng nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư. Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến CTC… thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
Tâm Anh
Theo Tâm Anh/Suckhoedoisong.vn
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng vắc-xin HPV
Việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh lý do nhiễm HPV gây ra là một trong những vấn đề được quan tâm rất lớn hiện nay của xã hội.
Phòng ngừa bệnh bằng sử dụng vắc-xin là biện pháp có hiệu quả nhất.
Ung thư cổ tử cung ở phụ nữ được các nhà khoa học xác định do nhiễm loại vi-rút papilloma, viết tắt HPV (human papillomavirus). Loại vi-rút này cũng là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý ung thư khác ở cả nữ giới và nam giới.
Đặc điểm các loại vắc-xin HPV
Vắc-xin HPV lần đầu tiên được cấp phép sử dụng để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung cho phụ nữ thực hiện từ năm 2006 cho đến nay và đã có nhiều bước phát triển tốt.
Đầu tiên loại vắc-xin tứ giá Gardasil phòng ngừa HPV type 6, 11, 16, 18 và vắc-xin HPV nhị giá Cervarix phòng ngừa HPV type 16, 18 từ khi được nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng cho đến nay đã tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng.
Loại vắc-xin này không chỉ bảo vệ cho người phụ nữ khỏi bị ung thư cổ tử cung mà chúng còn giúp bảo vệ các bệnh lý khác do HPV gây ra như ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng...
Hiện nay đối tượng tiêm chủng loại vắc-xin phòng bệnh do nhiễm HPV không những chỉ tập trung ở phụ nữ mà còn được ứng dụng mở rộng sang cả nam giới như loại vắc-xin Gardasil.
Độ tuổi tiêm phòng vắc-xin thường quy cho cả trẻ em gái lẫn trẻ em trai được thực hiện ở tuổi 11 hoặc 12
Một bước phát triển rất lớn trong việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng được ghi nhận trong thời gian gần đây là loại vắc-xin HPV giúp phòng ngừa 9 type HPV gọi là vắc-xin cửu giá có tên thương mại là Gardasil 9 đã được Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA - Food and Drug Administration) phê chuẩn, đồng thời được phép lưu hành sử dụng vào tháng 12/2014.
Thực tế ngoài 4 type HPV 6, 11, 16, 18 mà hai loại vắc-xin Cervarix và Gardasil có thể phòng ngừa được; loại vắc-xin Gardasil 9 có thể phòng ngừa được thêm các bệnh lý ung thư do 5 type HPV có nguy cơ cao khác gây ra là các type 31, 33, 45, 52, 58. Cả ba loại vắc-xin Cervarix, Gardasil và Gardasil 9 đều đã được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ trong thời gian qua nhưng đến cuối năm 2016 chỉ còn loại vắc-xin Gardasil 9 đang được phân phối sử dụng tại quốc gia này.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, cả ba loại vắc-xin đều được sử dụng theo liệu trình 3 liều vào các thời điểm 0, 1 hoặc 2 tháng và 6 tháng sau khi sử dụng liều vắc-xin đầu tiên. Sau đó với những kết quả tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm trên lâm sàng ghi nhận được, Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ đã chính thức cấp phép cho loại vắc-xin Gardasil được sử dụng rộng rãi theo liệu trình dùng 2 liều ở các trẻ em gái và cả trẻ em trai trong nhóm tuổi từ 9 - 14. Đây là vấn đề tạo bước phát triển mới dẫn đến nhiều thay đổi trong khuyến cáo việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh.
Khuyến cáo sử dụng vắc-xin HPV phòng bệnh hiện nay
Hiện nay Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng ACIP (Advisory Committee on Immunization Practices) thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ CDC (Centers for Disease Control and prevention) đã đưa ra các khuyến cáo:
Độ tuổi tiêm phòng vắc-xin thường quy cho cả trẻ em gái lẫn trẻ em trai được thực hiện ở tuổi 11 hoặc 12, cũng có thể bắt đầu tiêm phòng khi trẻ lên 9 tuổi; đối với nữ giới có thể kéo dài thời gian tiêm phòng đến hết 26 tuổi và nam giới đến hết 21 tuổi nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ trước đó; đối với nam giới tuổi từ 22 - 26 vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin tùy theo từng trường hợp.
Liệu trình tiêm phòng vắc-xin phù hợp nhất theo các nhà khoa học là nên thực hiện bắt đầu trước khi trẻ em đủ 15 tuổi, Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng ACIP khuyến cáo cần tiêm 2 liều vắc-xin, liều thứ hai cách liều đầu tiên từ 6 - 12 tháng, đây là liệu trình 0, 6 - 12; đối với những trường hợp bắt đầu tiêm phòng vắc-xin được thực hiện sau 15 tuổi thì Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng ACIP khuyến cáo nên tiêm 3 liều với liệu trình 0, 1 - 2 và 6 tháng như các khuyến cáo trước đây.
70% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến nhiễm HPV
Tiêu chuẩn xác định các trường hợp tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cần căn cứ vào những trường hợp được bắt đầu tiêm phòng trước khi trẻ em đủ 15 tuổi với các loại vắc-xin cửu giá (9 type HPV), tứ giá (4 type HPV) hoặc nhị giá (2 type HPV) và đã tiêm 2 liều vắc-xin theo liệu trình 0, 6 - 12 tháng hoặc đã tiêm 3 liều vắc-xin theo liệu trình 0, 1 - 2, 6 tháng của bất kỳ loại vắc-xin HPV nào, tất cả đều được xem là đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; đối với những trường hợp bắt đầu tiêm phòng vắc-xin sau 15 tuổi với loại vắc-xin cửu giá, tứ giá hoặc nhị giá và đã tiêm 3 liều theo liệu trình 0, 1 - 2, 6 tháng của bất kỳ loại vắc-xin HPV nào đều được xem là đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ;
Lưu ý loại vắc-xin cửu giá có thể sử dụng thay thế các loại vắc-xin tứ giá, nhị giá để tiếp tục và hoàn thành đầy đủ liệu trình tiêm phòng vắc-xin; các trường hợp đã tiêm phòng đầy đủ bằng loại vắc-xin HPV tứ giá hoặc nhị giá thì không khuyến cáo tiêm phòng bổ sung vắc-xin HPV cửu giá.
Trong các trường hợp sử dụng liệu trình tiêm phòng vắc-xin bị gián đoạn, không cần phải khởi động lại từ đầu, số liều vắc-xin phải tiêm phòng tiếp tục còn lại phải căn cứ vào liệu trình khuyến cáo theo độ tuổi lúc bắt đầu tiêm phòng.
Đối với các nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ em có tiền sử bị lạm dụng tình dục hoặc bạo hành tình dục, khuyến cáo bắt đầu tiêm phòng vắc-xin HPV thường quy từ lúc lên 9 tuổi; nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin HPV thường quy giống như đối tượng nam giới nói chung và có thể kéo dài đến hết tuổi 26 nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ trước đó; trường hợp đối tượng chuyển giới, khuyến cáo tiêm phòng vắc-xin HPV thường quy và có thể đến hết tuổi 26 nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ trước đó.
Trong những trường hợp có điều kiện y khoa đặc biệt, Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng ACIP khuyến cáo nên tiêm phòng đủ 3 liều vắc-xin HPV theo liệu trình 0, 1 - 2, 6 tháng cho tất cả phụ nữ và nam giới ở trong độ tuổi từ 9 - 26 có tình trạng suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc mắc phải với đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào hay miễn dịch dịch thể kém như trong trường hợp thiếu kháng thể tế bào lympho B, khiếm khuyết một phần hay toàn phần tế bào lympho T, nhiễm HIV, có khối u tân sinh ác tính, ghép tạng, mắc bệnh tự miễn hay đang điều trị phác đồ ức chế miễn dịch.
Việc chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng vắc-xin HPV phòng bệnh cũng thực hiện giống như đối với các loại vắc-xin phòng bệnh khác gồm cả các trường hợp có liên quan đến thai kỳ. Lưu ý tất cả trường hợp có xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm phòng vắc-xin đều phải được báo cáo đầy đủ cho cơ quan chức năng theo quy định.
Lời khuyên của thầy thuốc Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 trở lên do quá trình viêm nhiễm kéo dài được gây ra bởi loại vi-rút nhóm papilloma gọi là HPV (human papillomavirus). Thực tế có khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến nhiễm HPV, chính việc bị nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây nên các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các yếu tố phối hợp ảnh hưởng có thể gây ung tư cổ tử cung là những đối tượng có hoạt động tình dục sớm, có nhiều bạn tình, vệ sinh sinh dục kém, hút thuốc lá, bị suy giảm miễn dịch... Vì vậy, việc tiêm phòng vắc-xin HPV để phòng bệnh ung thư cổ tử cung là một yêu cầu rất cần thiết hiện nay theo sự khuyến cáo của các nhà khoa học.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo Suckhoedoisong.vn
Hóa chất thực vật hy vọng thay thế mới cho 'các biện pháp tránh thai' Hai hợp chất thường tìm thấy ở các cây dại có thể trở thành lựa chọn thay thế tốt cho các thuốc ngừa thai khẩn cấp hiện nay - các nhà khoa học Mỹ vừa cho hay. Cụ thể, các nhà khoa học thuộc trường Đại học California, Berkeley phát hiện ra rằng các hóa chất được gọi là pristimerin và lupeo có...