Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vòm mũi họng – loại ung thư hàng đầu vùng đầu cổ
Khi nhức đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, ngạt mũi kéo dài, sưng cổ, ù tai, khạc ra máu, hạch vùng cổ…, nên khám tầm soát ung thư.
Vòm mũi họng là phần trên cùng của hầu, nằm sau khoang mũi và dưới nền sọ.
Ung thư vòm mũi họng là sự phát triển ác tính của các tế bào ở vùng vòm mũi họng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất từ 30-55 tuổi (70%), nam nhiều hơn nữ.
Tại Việt Nam, bệnh ung thư vòm họng đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Tỷ lệ mắc bệnh cao như vậy, nhưng các triệu chứng của bệnh lại không điển hình.
Hầu hết bệnh nhân phát hiện ung thư vòm mũi họng trước đó đã đi khám rất nhiều chuyên khoa khác.
Các bác sĩ Bệnh viện K cho biết, ung thư vòm mũi họng là một trong những loại bệnh rất nhạy cảm với điều trị tia xạ. Sau điều trị, tỉ lệ sống 5 năm nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1-2 là 80-90%; giai đoạn 3 là 30-40%, còn nếu ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống trên 5 năm giảm còn 15%.
Điều đáng lưu ý là tại Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP HCM hay một số cơ sở y tế điều trị ung bướu khác, số bệnh nhân đến ở giai đoạn 3-4 chiếm khoảng 80-90%, điều này có nghĩa là cơ hội sống trên 5 năm của bệnh nhân không nhiều.
Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm mũi họng?
Những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm mũi họng bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vòm mũi họng
- Hút thuốc lá, thuốc lào
- Ăn nhiều thực phẩm bảo quản lâu ngày như cá muối…
- Nhiễm trùng virus Epstein-Barr (EBV)
- Phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi gỗ, formaldehyde và khí hơi hóa học
- Tiếp xúc thường xuyên với khói nhang
- Suy giảm miễn dịch
Các triệu chứng phổ biến nào của bệnh ung thư vòm mũi họng?
Giai đoạn sớm của bệnh thường không có triệu chứng và khó nhận biết.
- Sưng cổ, xuất hiện hạch cổ: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư vòm họng, chiếm tới 60 – 90% các trường hợp. Bởi vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú, vì vậy khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư ở đây sẽ lây lan nhanh chóng tới các hạch vùng cổ.
Video đang HOT
- Ngạt mũi một bên, chảy nước mũi có máu: Đây là một trong các triệu chứng sớm của bệnh ung thư vòm họng. Lúc đầu ngạt từng đợt về sau tắc liên tục có kèm tiết nhầy hoặc ra máu mũi lờ lờ như máu cá. Sự tắc này có thể gây ra viêm xoang thứ phát, đây là một nguyên nhân của chẩn đoán nhầm.
- Ho dai dẳng: Bệnh nhân ung thư vòm họng hay có triệu chứng ho dai dẳng, ho khạc ra đờm dính máu.
- Khàn tiếng, ù tai: Bệnh ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển có thể gây ảnh hưởng đến các dây thanh âm, khiến cho bệnh nhân bị khàn tiếng.
- Khó nghe, cảm giác bị vọng tiếng: Khi bạn nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường về khả năng nghe hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa ngay.
- Đau đầu: Thường là đau nửa đầu hoặc đau sâu trong hốc mắt, đây là một triệu chứng thần kinh hay gặp ở bệnh nhân ung thư vòm họng. Với những bệnh nhân đến muộn có thể có cảm giác tê bì vùng mặt cùng bên đau đầu do dây thần kinh tam thoa (còn gọi là dây thần kinh số V hay dây thần kinh sinh ba) bị chèn ép. Nhiều người đau đầu không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, một số người có thể có trạng thái nhìn đôi, tê bì vùng mặt, khó nuốt, lúc này bệnh đã muộn.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm mũi họng?
- Không hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động
- Không ăn các thực phẩm bảo quản lâu ngày như cá muối…
- Sử dụng bảo hộ lao động cho các nghề nghiệp phơi nhiễm với các chất gây ung thư
- Tránh hít khói nhang
Sàng lọc ung thư vòm mũi họng như thế nào?
- Khám lâm sàng vùng tai mũi họng và hạch vùng cổ
- Nội soi tai mũi họng
- Siêu âm vùng cổ
- Chụp cắt lớp điện toán CT scan hoặc cộng hưởng từ (MRI)
- Xét nghiệm tìm virus hoặc kháng thể kháng virus.
T.Nguyên
Theo giadinh.net
Dấu hiệu cảnh báo ung thư tai mũi họng
Khi nhức đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, nuốt vướng, ù tai, khạc ra máu, hạch vùng cổ..., nên khám tầm soát ung thư.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư vùng tai mũi họng là một trong 5 vị trí ung thư thường gặp nhất, đặc biệt ở nam giới. Mười năm qua Việt Nam có trên 80% trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ. Điều trị bệnh giai đoạn này rất khó khăn và hiệu quả không cao.
Bệnh nhân thường đến chuyên khoa ung bướu khám sau khi đã khám ban đầu tại các chuyên khoa liên quan như Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Ngoại khoa...
Các phương tiện chẩn đoán và điều trị ung thư hiện ngày càng phát triển, tỷ lệ bệnh nhân phát hiện sớm ngày càng cao, kết quả điều trị khả quan.
Ảnh: nearsay.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo một số dấu hiệu sớm:
- Nhức đầu kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Ù tai, nghe lùng bùng trong tai hoặc nghe kém.
- Nghẹt mũi một bên hoặc hai bên, nghẹt hoàn toàn hay không hoàn toàn.
- Ra máu mũi đỏ tươi hoặc nhày mũi lẫn máu lờ lờ như máu cá.
- Khạc ra máu hoặc ra đàm dính ít máu.
- Nuốt vướng hoặc nuốt đau như bị mắc xương.
- Nuốt đau lan lên tai.
- Khàn tiếng kéo dài, tăng dần.
- Phát hiện khối hạch vùng cổ khoảng vài phân, không đau, tăng dần.
Dấu hiệu báo động bệnh ở giai đoạn trễ
- Nhìn đôi (nhìn một thành hai), sụp mi, chảy nước mắt sống.
- Đau hoặc tê bì vùng mặt.
- Há miệng hạn chế hoặc khít hàm tăng dần.
- Giảm cử động của lưỡi (thè lưỡi, đưa lưỡi sang trái hoặc sang phải).
- Nuốt khó, nuốt nghẹn tăng dần với thức ăn đặc.
- Khó thở tăng dần.
Phương pháp phát hiện ung thư vùng tai mũi họng
Khám lâm sàng vùng tai mũi họng và hạch vùng cổ
Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh giai đoạn sớm, bệnh nhân cần đến các chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc chuyên khoa Ung bướu để khám lâm sàng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và khoanh vùng tổn thương nghi ngờ ung thư, từ đó chỉ định xét nghiệm phù hợp với từng vị trí tổn thương.
Không nên để đến khi có các dấu hiệu muộn mới đi khám và tầm soát vì kết quả điều trị sau 5 năm sẽ giảm đi hơn một nửa so với giai đoạn sớm.
Nội soi tai mũi họng
Trước đây bác sĩ sử dụng phương pháp soi tai mũi họng bằng gương soi gián tiếp với đèn Clar nên rất khó phát hiện các tổn thương nhỏ, thậm chí có thể bỏ sót bướu.
Ngày nay nhờ sự phát triển của sợi quang học đồng thời sử dụng nhiều loại nguồn sáng khác nhau, các bác sĩ có thể nhìn thấy được hình ảnh tổn thương rất rõ ràng. Qua hệ thống soi này, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết bướu để có kết quả mô học chính xác.
Người có nguy cơ mắc bệnh ung thư vùng tai mũi họng như hút thuốc lá, uống đồ uống có cồn hoặc gia đình có người bị ung thư vòm hầu, nên tầm soát bằng cách nội soi tai mũi họng định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Siêu âm vùng cổ
Siêu âm vùng cổ rất an toàn và chính xác, có thể thấy được hạch vùng cổ nghi ngờ di căn hoặc tổn thương tại chỗ.
Chụp cắt lớp điện toán CT scan hoặc cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ ít khi được bác sĩ chỉ định ngay từ đầu vì có giá thành khá cao. Trường hợp sau khi khám lâm sàng và nội soi mà vẫn còn nghi ngờ có tổn thương dưới niêm thì CT và MRI có vai trò phát hiện bướu rất tốt.
Xét nghiệm tìm virus hoặc kháng thể kháng virus
Ung thư vòm hầu có liên quan rất mật thiết với virus EBV, có thể làm xét nghiệm kháng thể IgM-EBV, IgG-EBV hoặc xét nghiệm sinh học phân tử tìm DNA-EBV trong huyết tương hoặc trong mẫu mô sinh thiết.
Các vị trí ung thư khác như khẩu hầu, hạ hầu, thanh quản có liên quan đến virus HPV, do đó có thể làm xét nghiệm sinh học phân tử mẫu mô sinh thiết của bướu hoặc hạch cổ để chẩn đoán xác định.
Lê Phương
Theo VNE
Xét nghiệm nước tiểu hiệu quả như xét nghiệm phết tế bào trong tầm soát ung thư cổ tử cung Các nhà nghiên cứu từ Đại học Manchester đã tiết lộ rằng, xét nghiệm nước tiểu có thể hiệu quả như xét nghiệm phết tế bào khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Tiến sĩ Emma Crosbie, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi thực sự rất hào hứng với nghiên cứu này, chúng tôi...