“Đau đầu” vì trật tự đô thị ở cửa ngõ Thủ đô
Bấy lâu nay ngành GTVT Hà Nội chỉ tập trung cấp phép vỉa hè, lòng đường, rồi tập trung xử lý vi phạm tại các quận trung tâm. Trong khi đó, ở nhiều tuyến đường xa trung tâm thì người bán hàng rong tha hồ lấn hè, lấn đường để kinh doanh, buôn bán…
Sau khi Bộ GTVT công bố hàng loạt sai phạm trong việc quản lý vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội, thì lập tức, Sở GTVT đã có văn bản “phản hồi”. Lãnh đạo Sở này khẳng định, đơn vị không cấp phép trông giữ xe trong phố cấm, việc cho phép dùng gầm cầu để trông xe cũng không sai… Cho đến thời điểm này, việc tranh luận ai đúng, ai sai vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Song, điều mà người dân không khỏi băn khoăn là, phải chăng, bấy lâu nay Sở GTVT Hà Nội chỉ tập trung cấp phép vỉa hè, lòng đường, rồi tập trung xử lý vi phạm tại các quận trung tâm. Trong khi đó, ở nhiều tuyến đường xa trung tâm thì người bán hàng rong tha hồ lấn hè, lấn đường để kinh doanh, buôn bán…
Lòng đường, chân cầu vượt cho người đi bộ… thành chợ
Từ hơn một năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, cứ vào khoảng 16h hằng ngày là một đoạn dài từ đường Giải Phóng, đến Ngọc Hồi, các hàng quán trên dọc vỉa hè bắt đầu hoạt động rầm rộ. Thôi thì đủ thứ từ giầy dép, quần áo, đến hoa quả được người dân vô tư bày trên hè đường, rồi treo trên hàng rào ngăn cách đường sắt và đường bộ, thậm chí là tràn cả xuống lòng đường.
Càng về chiều muộn, đúng giờ tan tầm, hoạt động bán mua càng rầm rộ, khiến đường Giải Phóng, Ngọc Hồi vốn rộng rãi, thoáng đãng là thế mà cũng có đoạn trở nên chật hẹp, giao thông ùn ứ. Đáng chú ý hơn cả, phải kể đến đoạn vỉa hè trên đường Ngọc Hồi chừng 400m (từ Trường Việt Nam – Cuba đến gần đường Tựu Liệt). Tại đây, người dân không chỉ lấn hè, lấn đường, có người còn tận dụng luôn cả đường lên cầu vượt bộ để treo mắc quần áo “câu khách”.
Video đang HOT
Chợ cóc ngang nhiên họp dưới lòng đường, vỉa hè đường Ngọc Hồi. (Chụp 18h chiều 31/7).
Cao điểm có tới 4, 5 xe tải nhỏ và hàng chục xe tay kéo chở hoa quả cứ “chềnh ềnh” đứng đỗ bán hàng ngang nhiên trên phần đường dành cho xe cơ giới lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Nếu như tình trạng lấn đường họp chợ chỉ diễn ra buổi chiều trên tuyến Giải Phóng-Ngọc Hồi, thì bắt đầu từ điểm giao cắt Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi tới đầu đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) kéo dài gần 2km khu chợ cóc lại hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm…
Theo ghi nhận của PV, những người bán hàng ở đây chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận hoặc những người sống ở ven đô. Ban đầu chỉ có vài hàng hoa bày bán, sau trở thành “phong trào” làm ăn rồi thành chợ lúc nào không hay, nhanh chóng lấn hết lòng đường Nguyễn Trãi.
Chị Lan (một người bán hoa quả, ở huyện Đan Phượng – Hà Nội) cho biết: “Thời buổi làm ăn khó khăn, nếu thuê kiốt trong chợ thì tiền đâu ra, mà muốn thuê cũng không thuê được vì ở đó người ta đã yên ổn hết rồi, vì thế tôi đem hàng đi bán rong để đỡ được đồng phí nào thì tốt đồng đó”. Người bán đỡ tiền phí, người mua lại tiện lợi, chỉ dừng xe lại là mua được, không phải chen lấn, gửi xe… Vì nhiều cái “tiện” ấy mà chợ ngày càng mở rộng.
Cản trở giao thông, chợ vẫn vô tư họp vì không bị xử lý?
Phải nói rằng, hai tuyến đường nhắc đến ở trên chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho việc họp chợ dưới lòng đường đang diễn ra ở nhiều tuyến đường không phải quận trung tâm Hà Nội. Chợ bán, ắt sinh người mua. Lâu dần thành thói quen khó bỏ. Chợ cứ thế họp mãi. Giao thông thì vẫn bị cản trở hàng ngày. Ùn tắc, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp. Ấy vậy mà, không thấy cơ quan chức năng ra quân xử lý.
Từ thực tế này, không ít người đặt câu hỏi, bấy lâu nay, những đợt ra quân rầm rộ của lực lượng chức năng, phải chăng chỉ tập trung ở những tuyến đường quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình bởi ở những nơi này người dân dễ nhận thấy thành quả của lực lượng này. Còn những nơi khác thì “buông lỏng” quản lý nếu không muốn nói là thờ ơ.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông từng chia sẻ, mặc dù thời gian qua số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm, song không vì thế mà có thể chủ quan. Bởi số vụ tai nạn liên quan đến các tuyến đường ven, đường ngoại thành vẫn diễn biến phức tạp. Vị này dẫn chứng, có thời điểm đã có hơn 50% số vụ TNGT với số người chết và bị thương xảy ra chủ yếu ở các tuyến đường liên huyện, liên xã ở các huyện ngoại thành.
Thiết nghĩ, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu chúng ta chủ quan. Vì lẽ đó, nên chăng ngành Giao thông vận tải, nhất là lực lượng Thanh tra giao thông nên sớm có những biện pháp xử lý nghiêm tình trạng ngang nhiên họp chợ dưới lòng đường các tuyến đường ven để ngăn chặn trước những nguy cơ rình rập.
Bộ GTVT tạm dừng triển khai kết luận thanh tra lòng đường tại Hà Nội Ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng đã ra thông báo tạm ngừng triển khai kết luận thanh tra của cơ quan này về công tác quản lý, sử dụng lòng đường vỉa hè trên địa bàn Hà Nội. Theo chỉ đạo của Thứ trưởng, kết luận thanh tra quản lý lòng đường, vỉa hè của Hà Nội cần tạm dừng triển khai; các thành viên của Đoàn thanh tra sẽ rà soát lại các kết luận trên cơ sở kiến nghị giải trình của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát kết luận thanh tra để phản ánh khách quan việc thực hiện quản lý, sử dụng lòng đường hè phố trên địa bàn Hà Nội và chỉ rõ các vấn đề bất cập trong việc quản lý. Đồng thời, báo cáo thanh tra đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa các văn bản quản lý có liên quan đúng quy định của pháp luật. Trước đó, giữa tháng 7, lãnh đạo Bộ GTVT đã ra kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vỉa hè lòng đường tại Hà Nội. Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ ra các sai phạm của Sở GTVT Hà Nội đã cấp giấy phép trông giữ xe sai trên một số tuyến phố cấm và gầm cầu vượt. (T. Huyền)
Theo CAND
Hà Nội: Đề xuất lập Cảnh sát đô thị để phạt cho nhanh
Để tăng cường thêm lực lượng xử phạt vi phạm trật tự đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa đề xuất thành lập lực lượng Cảnh sát Đô thị ở các khu đô thị lớn.
Tại buổi làm việc với Thanh tra Bộ GTVT ngày 18/4, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa cho biết, vấn đề xử phạt các hành vi vi phạm trật tự đô thị đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó có nguyên nhân thiếu lực lượng để kiểm tra xử lý.
Theo ông Hoa, quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 300 cán bộ tự quản. Nhưng lực lượng này lại không có chế tài xử phạt, phải phụ thuộc vào công an. Thế nhưng do lực lượng công an mỏng, chỉ cần ba ngã tư đã "ngốn" hết lực lượng công an của cả một phường.
Quận Hoàn Kiếm đề xuất thành lập lực lượng Cảnh sát Đô thị để có chức năng xử phạt như CSGT. Ảnh internet
"Xử phạt phương tiện tham gia giao thông đã khó, xử phạt vi phạm lòng đường, vỉa hè còn khó hơn nhiều. Điểm đỗ không có, phạt chỗ này lại tái phạm chỗ khác. Việc xử lý rất khó khăn vì người dân đang mưu sinh theo kiểu kinh tế vỉa hè. Đôi khi lực lượng làm nhiệm vụ bị phân tâm trong việc xử lý" - ông Hoa bày tỏ.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm còn cho biết, trên địa bàn quận có đến 98,5% quỹ đất đô thị, vì thế không còn quỹ đất dành cho giao thông tĩnh.
Ngoài những đề xuất xây dựng cầu vượt, bãi đỗ xe nổi, ngầm, ông Nguyễn Quốc Hoa còn kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát đô thị ở các khu đô thị lớn, vì hiện nay thiếu rất nhiều lượng lượng giữ gìn trật tự đô thị. Khi thành lập, lực lượng này sẽ nằm trong diện hợp đồng có chỉ tiêu hoặc biên chế, trực thuộc các quận, huyện cho danh chính ngôn thuận.
Chia sẻ về kiến nghị thành lập Cảnh sát Đô thị, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ cho biết, vấn đề này đã được đề cập nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa việc thành lập ra những bộ phận mới chỉ mang tính hình thức, điều quan trọng là hoạt động thế nào.
"Cái cần thiết hiện nay là nâng cao năng lực cho CSGT, tăng cường biên chế, tạo điều kiện cho họ làm việc. Ngoài ra, cần bổ sung nâng cấp phương tiện hiện đại hơn để phục vụ việc vận chuyển các phương phương tiện vi phạm trật tự giao thông" - ông Sỹ chia sẻ.
Theo Infonet
Hà Nội: Lòng đường vẫn là nơi họp chợ Đầu tháng 8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận thực hiện chiến dịch ra quân lập lại trật tự đô thị, hè phố, lòng đường từ ngày 10-8. Tuy nhiên, tình trạng hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố vẫn tiếp diễn. Khắp các tuyến phố vốn là "điểm nóng" của tình...