Đau đầu lựa chọn hộ chiếu vaccine
Khi đi lại quốc tế có thể được nối lại, nhiều người nhận ra việc họ tiêm loại vaccine Covid-19 nào có thể quyết định nơi họ được phép nhập cảnh.
Cư dân Hong Kong Marie Cheung thường xuyên đến Trung Quốc đại lục để làm việc cho công ty sản xuất xe điện, nhưng việc đó đã bị gián đoạn bởi quy định cách ly kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Hong Kong cho phép cư dân chọn giữa hai loại vaccine: Sinovac của Trung Quốc hay Pfizer của Mỹ. Cheung định đăng ký tiêm Sinovac để tới Trung Quốc đại lục dễ dàng hơn. Trong khi đó, người chồng Anh của cô sẽ tiêm vaccine Pfizer để tăng cơ hội được về thăm gia đình ở Anh.
“Đối với những người cần làm việc hoặc trở về đại lục, vaccine Trung Quốc là lựa chọn duy nhất”, Cheung nói. “Người phương Tây sẽ chỉ chọn loại vaccine được nước họ công nhận”.
Một ý tá ở vùng nông thôn Colombia tiêm vaccine Sinovac vào tháng này. Ảnh: AFP .
Khi nỗ lực tiêm chủng ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, việc tiêm vaccine nào có thể xác định một người có thể nhập cảnh và làm việc ở những quốc gia nào. Châu Âu có thể cho phép những người Mỹ đã tiêm vaccine mà Cơ quan Dược phẩm EU đã phê duyệt nhập cảnh vào mùa hè.
Ở Trung Quốc, xu hướng này đang nổi lên càng rõ ràng khi nước này mới chỉ phê duyệt vaccine nội địa, trong khi vaccine của họ không được cấp phép ở Mỹ hoặc Tây Âu. Điều đó đã khiến một số công dân Trung Quốc thường xuyên ra nước ngoài và các công dân phương Tây muốn theo đuổi cơ hội kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình thế khó xử, không biết nên chọn tiêm vaccine loại gì.
Đối với hàng triệu người trên toàn thế giới, vốn không thể lựa chọn tiêm loại vaccine nào, nguy cơ nhiều nơi chỉ công nhận một số loại vaccine nhất định dẫn đến khả năng rằng ngay cả khi được tiêm phòng đầy đủ, việc đi lại của họ vẫn có thể bị hạn chế, cản trở hoạt động kinh doanh quốc tế và ngành du lịch.
“Sự phân tách toàn cầu dựa trên vaccine sẽ chỉ càng kéo dài và làm trầm trọng thêm các hệ quả kinh tế và chính trị của đại dịch”, Nicholas Thomas, phó giáo sư về an ninh y tế tại Đại học Hong Kong, nói.
Nhiều quốc gia đã đóng biên để ngăn đại dịch, một số nước chỉ cho phép công dân nhập cảnh và yêu cầu cách ly vài tuần. Mặc dù vaccine được coi là cách để loại bỏ những rào cản nhập cảnh đó, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về cách các quốc gia sẽ xử lý khi hiện có 11 loại vaccine trên toàn thế giới.
Các chính phủ từ Trung Quốc đến châu Âu đang thảo luận về hộ chiếu vaccine nhưng không rõ liệu các quốc gia sẽ công nhận tất cả loại vaccine hay là công nhận có chọn lọc, đặc biệt là khi ngày càng xuất hiện nhiều biến thể nCoV và nhiều người đang đặt câu hỏi liệu các loại vaccine hiện tại có hiệu quả chống lại chúng hay không.
Trung Quốc đã nới lỏng yêu cầu xin thị thực đối với những người nước ngoài tiêm vaccine nước này vào tháng ba, cho phép họ bỏ qua bước xét nghiệm nCoV hoặc điền tờ khai.
Nhưng vaccine Trung Quốc chỉ được triển khai ở một số quốc gia như Brazil, Pakistan và Serbia. Người dân không thể tiêm Sinovac hoặc các loại vaccine Trung Quốc khác ở Mỹ.
Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuần này nói rằng những người đã tiêm một số vaccine phương Tây nhất định vẫn có thể nhập cảnh nước này nếu họ khởi hành từ Dallas, Texas. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gợi ý rằng Pfizer có thể sẽ được phê duyệt ở Trung Quốc vào giữa năm nay.
Video đang HOT
“Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải có được một tỷ lệ rất cao trong cộng đồng được tiêm chủng và cách tốt nhất để làm điều đó là đưa ra sự lựa chọn”, Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, nói.
Là một thị trường quan trọng và là nguồn kinh doanh của các công ty trên toàn cầu, Trung Quốc với các hạn chế biên giới nghiêm ngặt đã “tác động lớn đến khả năng tiến hành kinh doanh của chúng tôi”, ông nói.
“Di chuyển là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi, cả về việc cho phép các giám đốc điều hành ra vào Trung Quốc, cũng như để những người phụ thuộc của họ quay trở lại Trung Quốc”, Gibbs nói. “Đó là vấn đề lớn”.
Trung Quốc không phải là nơi duy nhất hạn chế khả năng nhập cảnh của những người đã tiêm một số loại vaccine nhận định. Vaccine Trung Quốc và Nga không nằm trong danh sách mà Iceland cho phép người tiêm nhập cảnh.
Công nhận vaccine là vấn đề then chốt đối với các quốc gia phụ thuộc vào du lịch, khi ngành du lịch toàn cầu trị giá 9 nghìn tỷ USD đã bị tê liệt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cách quyết định của họ, vì du khách Trung Quốc là một trong những nhóm khách nước ngoài lớn nhất đến các điểm nóng du lịch ở Đông Nam Á, Australia và New Zealand hay Paris trước đại dịch. Theo Viện Du lịch Trung Quốc, 155 triệu du khách Trung Quốc đã chi hơn 133 tỷ USD ở nước ngoài vào năm 2019.
Trong khi Indonesia và Thái Lan đã chấp thuận và đang triển khai tiêm vaccine Trung Quốc thì New Zealand và nước láng giềng Australia, những nước có mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi trong năm qua vì virus và thương mại, thì không.
“Tôi không biết khả năng các nước phương Tây công nhận vaccine Trung Quốc sẽ thực tế đến mức nào trong bối cảnh môi trường địa chính trị hiện nay”, Ether Yin, đối tác của Trivium China, công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
“Nhưng ngành du lịch hoặc nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể thực sự nối lại nếu Trung Quốc và hàng chục nền kinh tế đã sử dụng vaccine của nước này bị gạt sang một bên”.
Katy Niu, công dân Trung Quốc 26 tuổi, là người đam mê trượt tuyết và thường xuyên du lịch nước ngoài. Không rõ liệu cô có thể sớm trở lại các địa điểm trượt tuyết nổi tiếng như ở Hokkaido, Nhật Bản hay không.
Trước khi đại dịch xảy ra, cô từng đi du lịch quốc tế ít nhất ba lần một năm, từ mua sắm trên đại lộ Champs Elysées của Paris đến thư giãn trên một bãi biển Đông Nam Á.
Niu vẫn chưa tiêm vaccine. Cô không cảm thấy việc này cần kíp vì hiện tại cô không thể đi du lịch và cũng khó có thể đi trong tương lai gần. “Nếu các quốc gia khác không công nhận vaccine Trung Quốc, điều đó có nghĩa là tiêm chủng sẽ không tạo ra sự khác biệt?”, cô nói. “Dù sao thì chúng tôi cũng không được cung cấp vaccine phương Tây. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
COVID-19 tại ASEAN hết 21/4: Toàn khối trên 19.000 ca mắc mới; Lào phong tỏa thủ đô
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 21/4, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 19.175 ca mắc COVID-19 và 372 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.227.240 ca, trong đó 65.112 người tử vong.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố San Juan, Philippines, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 21/4 vẫn là Philippines với 9.227 ca, tiếp đó là Indonesia (5.720 ca), Malaysia (2.340 ca) và Thái Lan (1.458 ca).
Trong khi đó, Campuchia ghi nhận 303 ca mắc mới trong ngày 21/4. Toàn bộ các ca nhiễm mới này đều liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2, trong đó bao gồm người dân Campuchia và Trung Quốc sinh sống tại các tỉnh/thành Kampot, Takeo, Kandal, Sihanoukville và Phnom Penh. Tính đến thời điểm này, Campuchia có 7.747 ca mắc COVID-19, trong đó 2.794 trường hợp đã được điều trị bình phục.
Số ca mắc ở Lào cũng tăng lên 2 con số với 28 ca trong ngày 21/4. Trong đó, 26 ca nhiễm mới xảy ra trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn trong 24 giờ qua. Lào còn có thêm 2 ca mắc COVID-19 ở tỉnh Champasak và đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đây cũng là lần đầu tiên Lào ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 2 con số kể từ khi dịch bùng phát. Tính đến nay, Lào đã có 88 người mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (230 ca), Philippines (124 ca), Malaysia (11 ca), Campuchia (5 ca) và Thái Lan (2 ca).
Lào chính thức phong tỏa thủ đô Viêng Chăn
Xe tuk tuk di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/TTXVN
Do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong những ngày qua, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, chiều 21/4, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ra chỉ thị yêu cầu phong tỏa thủ đô Viêng Chăn.
Theo chỉ thị có hiệu lực từ 6h sáng ngày 22/4 đến 0h ngày 6/5, trong thời gian này, người dân thủ đô Viêng Chăn sẽ không được rời khỏi thành phố, trong khi người dân ngoại tỉnh cũng không được vào thành phố trừ những người được giao nhiệm vụ và lái xe chở hàng hóa; tạm dừng việc vận chuyển hành khách từ thủ đô Viêng Chăn đi các tỉnh và ngược lại; cấm người dân Viêng Chăn và người nước ngoài ở thủ đô Viêng Chăn rời khỏi nơi cư trú trừ đi mua đồ tiêu dùng, đi viện, đi làm nhiệm vụ được giao.
Để duy trì giãn cách xã hội, các bộ, ban, ngành ở thủ đô Viêng Chăn và các công ty trên toàn thành phố phải giảm số lượng nhân viên và bố trí cán bộ, nhân viên, công nhân đi làm ở số lượng phù hợp, trừ những người có nhiệm vụ. Những người không đến nơi làm việc vẫn làm việc bình thường tại nhà qua các hình thức như họp trực tuyến, trao đổi email, điện thoại. Chỉ thị cũng cấm tổ chức hội họp và tổ chức các sự kiện tập trung quá 20 người, tiếp tục đóng cửa các cửa hàng giải trí, karaoke, Internet cà phê, massage, trung tâm thể thao; cấm lợi dụng cơ hội để tăng giá hàng hóa như thiết bị y tế, đồ ăn uống và đồ dùng hàng ngày; lập thêm các điểm xét nghiệm, tiếp tục truy vết các ca tiếp xúc gần các bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn; tiếp tục tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên trên cả nước.
Campuchia cho khách du lịch hết hạn visa đăng ký tiêm vaccine COVID-19
Cảnh sát dựng chốt chặn tại một tuyến đường dẫn vào thủ đô Phnom Penh, Campuchia trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết tất cả những người nước ngoài phải lưu lại Campuchia vì không có chuyến bay về nước, dù thị thực (visa) hết hạn, vẫn có thể đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này.
Ông Phay Siphan cho biết tất cả những người đủ điều kiện sức khỏe để tiêm vaccine COVID-19 có thể liên hệ với Sở Y tế hoặc với bà Or Vandine, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia phụ trách chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, người phát ngôn Tổng Cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ Campuchia Keo Vanthorn đã nhắc lại thông báo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia đưa ra hồi tháng 4/2020 về việc gia hạn visa du lịch (visa T) cho một số khách du lịch tới Campuchia sau ngày 1/1/2020 và không có chuyến bay về nước.
Quyết định gia hạn visa có hiệu lực từ ngày 3/4/2020 cho phép công dân nước ngoài gia hạn visa tự động và không bị phạt lưu lại quá hạn cho đến khi họ có thể rời khỏi Campuchia. Tướng Vanthorn cho hay thông báo trên sẽ được lấy làm phụ lục trong thông báo cho phép những khách du lịch quá hạn visa có thể đăng ký tiêm vaccine.
Tính đến ngày 20/4, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1.277.688 công chức, người dân và lực lượng vũ trang trên cả nước. Cụ thể, Bộ Y tế thực hiện tiêm phòng cho 983.145 người và Bộ Quốc phòng tiêm cho 294.543 người.
Singapore siết chặt đi lại với Ấn Độ
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các hạn chế đi lại đối với hành khách từ Ấn Độ đến Singapore đang được thắt chặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ ngày càng tồi tệ và sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới ở nước này. Theo đó, han chế quy định cắt giảm ngay lập tức số lượng phê duyệt nhập cảnh cho những người từng đến Ấn Độ gần đây mà không phải là công dân hay thường trú nhân (PR) của Singapore.
Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, từ 23h59 ngày 22/4, tất cả du khách đến từ Ấn Độ sẽ phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày tại nhà, sau 14 ngày cách ly tại cơ sở tập trung. Những người chưa hoàn thành 14 ngày cách ly tại cơ sở tập trung tính đến thời điểm trên cũng sẽ phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày tại nhà. Các du khách sẽ được làm xét nghiệm COVID-19 vào cuối 14 ngày đầu tiên, cũng như vào cuối 7 ngày bổ sung. Lao động nhập cư đến từ Ấn Độ trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến sẽ tiếp tục phải cách ly 21 ngày tại cơ sở tập trung.
Trong một động thái khác, khi tình hình dịch bệnh ở Hong Kong đã được cải thiện, Singapore sẽ giảm thời gian cách ly tại nhà đối với du khách đến từ vùng lãnh thổ này của Trung Quốc từ 14 ngày xuống còn 7 ngày.
Ngoài ra, từ 23h59 ngày 22/4, Singapore cũng sẽ cho phép nhập cảnh và quá cảnh đối với tất cả những người có thẻ cư trú dài hạn và ngắn hạn mà gần đây từng đến Anh và Nam Phi. Trước đó, nhóm người này đã bị hạn chế nhập cảnh do lo ngại về một biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành ở các quốc gia này. Những người đã ở Anh và Nam Phi trong 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Singapore sẽ tiếp tục phải thực hiện cách ly 7 ngày tại nơi cư trú, sau khi đã hoàn thành 14 ngày cách ly tại các cơ sở tập trung.
Thái Lan ghi nhận thêm 1.458 ca nhiễm mới
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan thông báo nước này có thêm 1.458 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 46.643 và 110.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 21/4 tăng nhẹ so với con số 1.443 của ngày trước đó. Thủ đô Bangkok ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới nhất, với 365 ca, tiếp đó là Chiang Mai (134 ca), Chonburi (80 ca) và Nonthaburi (69 ca).
Bộ Y tế Thái Lan đang xem xét có hành động pháp lý đối với một số bệnh nhân COVID-19 từ chối chuyển sang bệnh viện dã chiến để tiếp tục điều trị do cho rằng điều kiện ở đó bất tiện. Trong khi đó, cũng có tin nói rằng một số bệnh nhân COVID-19 đã buộc phải chờ từ 1-3 ngày trước khi có xe cứu thương đưa đi bệnh viện.
Cùng ngày 21/4, Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ thông qua hộ chiếu vaccine, hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng, để sử dụng như một giấy thông hành chính thức cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Giấy chứng nhận tiêm chủng chỉ cấp cho cá nhân, không sử dụng cho nhóm. Trẻ em dưới 7 tuổi phải có chữ ký của cha mẹ trên hộ chiếu vaccine, trong khi những người không biết viết được yêu cầu điểm chỉ trên hộ chiếu. Hiện chỉ có 6 quan chức kiểm soát dịch bệnh được ủy quyền ký hộ chiếu vaccine khi cấp.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 20/4 đã bảo vệ chương trình tiêm chủng của Chính phủ, nhấn mạnh rằng chương trình này không quá chậm và cũng không ưu ái một cách vô cớ cho nhà sản xuất nào. Về khả năng tiếp cận vaccine của người dân, Thủ tướng Prayut cho biết Bộ Y tế sẽ cho phép công chúng đặt lịch hẹn tiêm chủng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động có tên là "Mor Prom vào ngày 1/5.
Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2, với ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Chiến dịch tiêm chủng của nước này ban đầu dựa vào việc nhập khẩu vaccine do công ty Sinovac Biotech có trụ sở tại Trung Quốc phát triển và sau đó sẽ sử dụng vaccine AstraZeneca do công ty Siam Bioscience ký hợp đồng sản xuất trong nước để tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người hoặc 50% dân số.
Tính đến ngày 20/4, hơn 2,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 117.000 liều vaccine AstraZeneca, đã đến Thái Lan. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, sẽ có thêm khoảng 500.000 liều vaccine Sinovac đến Thái Lan vào cuối tuần này và 1 triệu liều nữa dự kiến sẽ được giao vào tháng tới nếu được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận. Khoảng 4-6 triệu liều vaccine AstraZeneca do Siam Bioscience sản xuất sẽ dần được xuất xưởng từ tháng 6. Số lượng các liều vaccine sẽ được tăng lên từ tháng 7 và đạt 61 triệu liều vào cuối năm. Ngoài ra, Thủ tướng Prayut còn cho biết Thái Lan đang chờ báo giá của nhà sản xuất vaccine Pfizer có trụ sở ở Mỹ trước khi xúc tiến kế hoạch mua từ 5-10 triệu liều vaccine Pfizer để kiềm chế làn sóng dịch bệnh.
Thái Lan thông qua việc cấp hộ chiếu vaccine Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 21/4, Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ thông qua hộ chiếu vaccine, hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng, để sử dụng như một giấy thông hành chính thức cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN...