Đau cả mắt với 5 phim Hàn Quốc nhồi “đẫm” cảnh nóng và bạo lực
Đây là những bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc có những cảnh trần trụi và đẫm máu lấn át nội dung.
Bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21, điện ảnh Hàn chứng kiến một làn sóng mới của những bộ phim có nhiều bạo lực và những cảnh trần trụi. Với nội dung gai góc, đề tài táo bạo và không ngại máu me, cảnh nóng, những bộ phim như Nowhere to Hide, Bad Guy, Oldboy nhanh chóng thay thế dòng phim lãng mạn, tình bi để trở thành bộ mặt của điện ảnh Hàn đối với giới mộ điệu thế giới.
Có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này, bao gồm chính sách bảo hộ phim nội của chính phủ Hàn, xu hướng đầu cơ vốn cho điện ảnh sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 hay sự bất ổn trong đời sống chính trị tiềm tàng nhiều ẩn ức của người dân. Có thể thấy rằng bạo lực trong điện ảnh đang tạo ra một sức hút lớn đối với khán giả Hàn Quốc và xu hướng này sẽ không bị thay thế trong tương lai gần. Tuy nhiên, không phải bộ phim bạo lực nào cũng có chất lượng tốt bởi vì táo bạo không đồng nghĩa với chất lượng nghệ thuật. Dưới đây là danh sách những bộ phim Hàn tuy “nhồi nhét” nhiều cảnh nóng và bạo lực nhưng chất lượng thì lại không đáp ứng đủ yêu cầu.
Asura: The City of Madness là bộ phim tội phạm đẫm máu quy tụ dàn sao hạng A xứ Hàn, bao gồm Hwang Jung Min, Jung Woo Sung và Kwak Do Won. Bộ phim xoay quanh cuộc chiến sinh tồn trong thế giới ngầm của các chính trị gia cùng thành phần cấp cao của đất nước. Thanh tra Han Do Kyung (Jung Woo Sung) vì có vợ mắc bệnh hiểm nghèo mà giúp Thị trường Park Sung Bae (Hwang Jung Min) che đậy nhiều mối làm ăn bất chính. Trong khi đó, công tố viên Kim Cha In (Kwak Do Won) đang không ngừng truy đuổi các tên tội phạm và cán bộ “nhúng chàm”. Bộ phim gây chú ý bằng những cảnh bạo lực máu me không khoan nhượng. Tuy nhiên, độ táo bạo và dàn sao danh tiếng là không đủ để cứu vớt được chất lượng của Asura. Bộ phim không được giới phê bình điện ảnh Hàn đánh giá cao.
The Merciless là tác phẩm hình sự do Byun Sung Hyun đạo diễn. Bộ phim được chiếu ở LHP Cannes 2017 trong hạng mục Midnight Screening (Suất chiếu nửa đêm) và được phát hành ở 85 quốc gia ngoài thị trường Hàn Quốc. Nhân vật chính của phim là Han Jae Ho (Sol Kyung Gu), tên tội phạm sừng sỏ đang phải chịu án tù. Trước đó, hắn là trợ thủ đắc lực của ông trùm ma tuý đội lốt chủ doanh nghiệp khai thác hải sản Ko Byung Chul (Lee Kyeong Yeong). Trong thời gian ngồi bóc lịch, Han Jae Ho gặp Jo Hyung Soo (Im Si Wan), một kẻ liều lĩnh, không biết sợ là gì.
Sau khi cả hai mãn hạn tù, Hyung Soo thu nạp Jae Ho làm đệ tử để cùng xây dựng đế chế tội phạm của riêng mình. Dù có nhiều góc máy đẹp, những pha chiến đấu đổ máu và cách dẫn chuyện ấn tượng nhưng The Merciless vẫn có nhiều lỗ hổng trong kịch bản. Đặc biệt, bộ phim bị cho là quá ham phô diễn những cảnh tra tấn tuy tàn bạo nhưng gượng ép và giả tạo.
3. B.E.D
B.E.D là bộ phim do đạo diễn nhiều tai tiếng Park Cheol Soo chỉ đạo bấm máy. Trước đó, Park đã trở thành tâm điểm tranh cãi khi cho ra mắt bộ phim Red Vacance Black Wedding, tác phẩm tràn ngập những cảnh nóng do “thảm hoạ Busan” Oh In Hye thủ vai chính. Với tuyên ngôn “Nhân sinh bắt đầu từ trên giường và kết thúc ở trên giường”, nội dung chính của phim là những dục vọng, ham muốn đến mức bệnh hoạn giữa ba con người: gã đàn ông tên B – một kẻ không có tính quyết đoán, người con gái tên E – một phụ nữ trăng hoa và D – người vợ của B. Mặc dù đạo diễn đã giải thích rằng “đó không phải là một bộ phim kể chuyện sex” nhưng cách miêu tả tình dục trong phim lại quá khêu gợi.
4. Doctor
Bộ phim của đạo diễn Kim Sung Hong khiến khán giả phải lạnh gáy ở cả hai vấn đề bạo lực và tình dục. Một bác sĩ khoa phẫu thuật chỉnh hình với tham vọng cầu toàn tới độ trở nên nghi ngờ quá mức vợ mình và mắc chứng rối loạn cưỡng chế. Khi biết được vợ mình lăng nhăng bên ngoài, vị bác sĩ này đã lên kế hoạch trả thù. Những cảnh phim chứa đầy cảm giác ghê rợn như cảnh bắt ép ăn thịt người hay cảnh đâm người bệnh bằng dao cho đến chết, máu me bắn đỏ khắp mặt kẻ thủ ác… khiến nhiều người xem phải kinh hãi. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì người xem nhớ về tác phẩm này.
Video đang HOT
5. Believer
Believer là phiên bản remake của tác phẩm Drug War do Trung Quốc sản xuất. Bộ phim của đạo diễn Lee Hae Young quy tụ dàn sao hoành tráng như Cha Seung Won, Ryu Jun Yeol, Kim Joo Hyuk, Jo Jin Woong và Kim Sung Ryung. Nhân vật chính của phim là Won Ho (Jo Jin Woong), một cảnh sát thuộc đội chống tội phạm ma tuý.
Sau khi bỏ ra nhiều năm để theo đuổi tên trùm ma tuý mang bí danh “Lee Tiên sinh” nhưng không thu được một thông tin nào, Won Ho quyết định hợp tác với một tên môi giới cấp thấp tên Rak (Ryu Jun Yeol) để cùng triệt phá đường dây buôn lậu ma tuý quốc tế đặt tại Seoul mà hắn từng là một thành viên. Bộ phim liên tục xâm lấn thị giác khán giả bằng hàng loạt những cảnh bạo lực, máu me, phô diễn cơ thể phụ nữ. Trong đó, đáng nhớ nhất phải kể đến hình phạt cưa tay của nhóm giang hồ và bữa rượu nhắm nhai sống mắt người của gã trùm ma tuý gốc Hoa.
Theo Trí Thức Trẻ
Đừng xem những phim Hàn kinh điển này nếu không muốn bị "méo mó tâm hồn"!
Đây đều là những "gương mặt đại diện" của làng phim Hàn Quốc, từng khiến hàng triệu khán giả cảm thấy ám ảnh dài ngày sau khi xem xong.
Có một sự đối lập khá thú vị ở nền phim ảnh Hàn Quốc. Nếu như trên màn ảnh nhỏ, người xem được bay bổng trong hàng chục câu chuyện tình yêu mỗi năm, nhiều đến nỗi được coi như một đặc sản của xứ "Hàn xẻng", thì ở màn ảnh rộng, họ lại bị các nhà làm phim nước này "thách thức tâm lí" bằng những tác phẩm để lại nhiều ám ảnh day dứt. Dưới đây là một số phim điện ảnh của xứ kimchi, đều là những tựa phim kinh điển, chỉ có thời lượng khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng có thể gây tác động nặng nề tới tâm lí người xem.
Các phim của Kim Ki Duk
"Pieta"
Hiện đang là cái tên "nóng" bị cáo buộc trong chiến dịch #MeToo, các tác phẩm của vị quái kiệt Kim Ki Duk cũng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi dường như không một vị đạo diễn Hàn Quốc nào lại có nhiều phim ngập tình dục và bạo lực như ông. Trong khi rất nhiều khán giả ghét bỏ, ghê tởm, nôn mửa vì phim của Kim Ki Duk thì cũng không thiếu người say mê sự độc ác, tàn bạo trong chúng, dù cho tất cả đều bị gieo rắc nỗi tuyệt vọng, u uất cùng những hoài nghi về cuộc đời và con người sau khi xem xong.
"Moebius"
Đằng sau rất nhiều giải thưởng nhận được ở các sự kiện phim ảnh tầm cỡ quốc tế, các phim của Kim Ki Duk được cho là đã để lại cho khán giả và cả chính những diễn viên của chúng nhiều tổn thương tinh thần, thậm chí là thể xác. Xuân, Hạ, Thu, Đông... Rồi Lại Xuân - tác phẩm được nhận xét là dễ xem nhất của Kim Ki Duk - dù có một tựa phim thật dịu dàng nhưng cũng không tránh khỏi những lời tranh cãi, chỉ trích về tôn giáo. Còn với những Moebius, Bad Guy, The Isle, Address Unknown, Pieta,... hay mới đây là Nhân Gian, Không Gian, Thời Gian Và Nhân Gian, bạn có lẽ sẽ phải chuẩn bị tinh thần (và tuổi tác) thật tốt cho những gì sắp diễn ra trước mắt, những gì mà nhiều người miêu tả là quá sốc, là đậm đặc tư tưởng ghét phụ nữ, ưa bạo lực nhưng cũng đầy tính triết học trong đó.
"Xuân, Hạ, Thu, Đông... Rồi Lại Xuân"
Bộ ba phim "Báo Thù" của Park Chan Wook
Nhắc đến sự nghiệp của đạo diễn Park Chan Wook thì không thể bỏ qua bộ ba tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông trong những năm 2000: Sympathy for Mr. Vengeance, Oldboy và Sympathy for Lady Vengeance. Cả ba đều mang màu sắc u ám đặc trưng trong phim của Park Chan Wook, chứa rất nhiều cảnh bạo lực, máu me và khai thác chung một khía cạnh, đó là sự trả thù - một thứ bản năng tiềm tàng. Trong những lần được hỏi về sự xuất hiện của yếu tố này trong phim, Park Chan Wook trả lời rằng các phim của ông đều hướng đến việc chứng minh sự vô nghĩa của báo thù đối với cuộc đời của một con người.
"Khi bạn cố gắng báo thù, bạn đầu tư tất cả mọi thứ bạn có vào một chuyến đi liều lĩnh nhưng đích đến không mang lại cho bạn bất kì lợi ích nào cả. [...] Khán giả khi theo dõi một bộ phim báo thù, họ thấy nhân vật chính đã mất mát một thứ gì đó, điều đó khiến họ đồng cảm với người đó, phẫn nộ cùng họ và tham gia vào cuộc hành trình báo thù của họ, rồi trên cuộc hành trình ấy, ủng hộ những hành động của họ. Chưa bao giờ khán giả đặt câu hỏi về sự vô nghĩa của hành động báo thù, hay vì sao nhân vật chính không chọn sống một cuộc đời ý nghĩa hơn thay vì nỗ lực cho những điều không mang lại kết quả. Một bộ phim báo thù hay sẽ khiến họ thay đổi suy nghĩ như vậy".
Trong ba phim Báo Thù, Oldboy là tác phẩm được nhiều khán giả yêu thích nhất, cũng là bộ phim sở hữu cái kết gây sốc nhất và tất nhiên là vô cùng ám ảnh.
A Tale of Two Sisters
A Tale of Two Sisters là tác phẩm mang tính thương hiệu của đạo diễn Kim Jee Woon. Bộ phim ra mắt vào năm 2003 và gây chấn động giới phê bình quốc tế bởi tính táo bạo trong cốt truyện và tư duy điện ảnh mới lạ. Nội dung của A Tale of Two Sisters được dựa trên hai câu truyện dân gian của Triều Tiên là Jangwha và Hongryun, xoay quanh hai chị em Soo Mi (Im Soo Jung) và Soo Yeon (Moon Geun Young) trở về nhà sau một thời gian dài phải điều trị tại bệnh viện tâm thần.
Tuy nhiên, sự hiện diện của người mẹ kế khiến hai chị em cảm thấy rất khó chịu, trong khi người cha nhu nhược không có một chút tiếng nói nào khiến cho không khí trong căn nhà trở nên rất lạnh lẽo và thường xuyên xuất hiện những hiện tượng lạ. Đến nay, cái kết bất hủ trong A Tales of Two Sisters vẫn được coi là cú twist hay nhất trong lịch sử phim Hàn Quốc. Năm 2009, người Mỹ quyết định remake bộ phim với tựa đề The Uninvited nhưng không thành công được như bản gốc.
I Saw the Devil
Sau A Tale of Two Sisters, Kim Jee Woon tiếp tục đẩy mạnh yếu tố tâm lý rùng rợn lên một mức độ cao hơn trong I Saw the Devil. Bộ phim có sự tham gia của hai tài tử nổi tiếng Hàn Quốc đại diện cho hai thế hệ là Choi Min Sik và Lee Byung Hyun. Bộ phim kể về Kyung Chul (Choi Min Sik) - một kẻ sát nhân tâm thần giết người chỉ để thoả mãn thú vui. Một ngày nọ, Kyung Chul giết chết vợ sắp cưới của Soo Hyun (Lee Byung Hun) - một đặc vụ cảnh sát. Soo Hyun quyết tâm dấn thân vào con đường trả thù tàn khốc dù nó có thể biến anh trở thành "ác quỷ" giống như kẻ thù của mình. Trước khi chiếu rạp, I Saw The Devil đã phải trải qua ba lần chỉnh sửa để lược bớt những cảnh bạo lực. Bộ phim được tờ Rolling Stones của Mỹ đưa vào danh sách 20 phim đáng sợ nhất mọi thời đại mà khán giả có thể chưa biết tới.
Memories of Murder
Đạo diễn Bong Joon Ho nổi tiếng là không ngần ngại xoáy vào những đề tài nóng và nhạy cảm mà ít ai dám đụng chạm đến. Vụ án giết người hàng loạt đầu tiên tại Hàn Quốc diễn ra tại thành phố Hwaseong tỉnh Gyeonggi vào năm 1986, kẻ thủ ác đã cưỡng hiếp và giết hại 10 phụ nữ trẻ liên tiếp mà chưa bao giờ bị phát hiện. Năm 2003, sự kiện này trở thành niềm cảm hứng để Bong Joon Ho viết kịch bản và thực hiện bộ phim Memories of Murder.
Bộ phim gây dấu ấn bởi không đi sâu vào việc xác định hung thủ mà tập trung vào việc phát triển bộ đôi nhân vật chính là hai vị thanh tra phụ trách vụ án. Bối cảnh hỗn loạn và ngột ngại thời kỳ chế độ độc tài Park Chung Hee, nỗi sợ hãi của người dân trước những tin đồn và diễn biến tâm lý của các nhân vật khiến cho bộ phim có một cảm giác đen tối khó quên, đến nỗi một nữ khán giả đã phải thừa nhận rằng sau khi xem phim cứ mỗi lần nghe bản nhạc Sad Letter là cô lại cảm thấy như thể tên sát nhân đang xuất hiện sau lưng.
Bộ ba phim của Na Hong Jin: The Chaser, The Yellow Sea và The Wailing
Bắt đầu sự nghiệp bằng những phim ngắn, đạo diễn Na Hong Jin mới chỉ chính thức ra mắt vào năm 2007 và sau 10 năm, ông có cho mình ba tác phẩm. Tuy số lượng phim không nhiều nhưng cả The Chaser, The Yellow Sea và The Wailing của Na Hong Jin đều được giới phê bình đánh giá rất cao và gặt hái nhiều giải thưởng lớn, đồng thời để lại cho khán giả một nỗi ám ảnh man rợ sau khi xem xong.
The Wailing
The Wailing là sản phẩm được ấp ủ sau nhiều năm đau đáu suy nghĩ về vấn đề tôn giáo của đạo diễn Na Hong Jin. Bộ phim được khán giả tại Cannes bằng tràng pháo tay dài 7 phút nhờ cốt truyện hấp dẫn, cách dẫn dắt cảm xúc tài tình. Bối cảnh của The Wailing đặt tại một ngôi làng nhỏ hẻo lánh. Sau khi một người đàn ông đứng tuổi người Nhật chuyển đến sống trong làng, người dân bỗng mắc phải một chứng bệnh bí ẩn khiến cho con người họ trở nên điên loạn.
Cảnh sát cho rằng họ bị ngộ độc nấm nhưng đến khi con gái của đội trưởng đội điều tra Jong Goo (Kim Yoon Seok) cũng phát bệnh với triệu chứng y hệt, ông quyết định nhờ đến sự trợ giúp của thầy trừ tà và từ đây, hàng loạt chuyện kinh hoàng kỳ bí xảy ra với bản thân gia đình của Jong và chính người dân của ngôi làng.
The Chaser
Joong Ho (Kim Yoon Seok) vốn là một cảnh sát nhưng do nhận hối lộ nên bị sa thải và kiếm sống bằng công việc dắt mối ở các tụ điểm ăn chơi. Hai trong số những cô gái làng chơi mà Joong Ho quản lý đột nhiên mất tích. Anh cử một cô gái khác tên Min Ji (Seo Young Hee) đến phục vụ vị khách hàng bí ẩn để rồi nhận ra hắn ta có liên quan đến một trong 2 người mất tích. Thương cảm trước hoàn cảnh của cô gái vô tội, Joong Ho quyết định tìm ra tên khách hàng để giải cứu Min Ji. The Chaser dựa trên một sự kiện có thực về tên sát nhân ưa thích dùng búa và đục để sát hại nạn nhân. Bộ phim có những hình ảnh chân thực đến mức tàn khốc về độ dã man của tên giết người cũng như mỉa mai sự nghiệt ngã của hiện thực cuộc sống.
The Yellow Sea
Gu Nam, tay tài xế taxi ở khu tự trị Diên Biên giáp Bắc Triều Tiên, nhận nhiệm vụ vượt biên sang Hàn Quốc ám sát một vị giáo sư theo đề nghị của một ông trùm. Gu Nam hy vọng chuyến đi sẽ giúp anh có cơ hội đoàn tụ cùng người vợ ở Hàn Quốc. Thế nhưng khi vừa đặt chân lên đất Hàn, anh bị cảnh sát truy nã vì tội danh giết người mà anh không hề phạm phải. Gu Nam bắt đầu nhận ra mình đã bị lừa vào một cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Cũng như The Chaser, bộ phim phản ánh cuộc sống xô bồ và khắc nghiệt của người dân vùng Diên Biên với đầy rẫy tệ nạn xã hội, đẩy con người ta vào những tình huống trớ trêu và nghiệt ngã.
Theo Trí Thức Trẻ
Phim Hàn ăn khách nhất nửa đầu 2018 "Believer": Tốt về mặt ý tưởng nhưng sai về cách triển khai Believer là một bộ phim remake có đầu tư về mặt ý tưởng nhưng bộ khung kịch bản thì vẫn quá mỏng để có thể phát triển thành một tác phẩm điện ảnh có chất lượng. Believer (tạm dịch: Tín Đồ, tựa gốc: Dokjeon - Độc Chiến)là một trong những dự án quan trọng của điện ảnh Hàn năm nay. Bộ phim được...