Dấu ấn Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế
Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 ( IPU-132) mới đi được nửa chặng đường song đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp về một Việt Nam thân thiện, hòa bình, tích cực, chủ động, có trách nhiệm.
Mọi thứ đều “trên mức tuyệt vời”!
Lần đầu tiên đến Việt Nam, đối với Luật sư A-li-un A-ba-ta-líp Guy-ê (Alioune Abatalib Gueye), đại biểu Quốc hội Xê-nê-gan, mọi thứ đều “trên mức tuyệt vời”. “Tôi không thể tưởng tượng được Việt Nam có thể điều hành công việc thuận lợi đến như thế, từ nội dung chương trình nghị sự, thu xếp chỗ ăn ở cho các đại biểu. Đặc biệt tôi ấn tượng về an ninh ở đất nước các bạn. Rõ ràng tôi thấy trên đường rất đông người tham gia giao thông, nhưng việc đưa dẫn đoàn của cảnh sát không hề gặp khó khăn”, ông A-li-un A-ba-ta-líp Guy-ê chia sẻ.
Các đại biểu Quốc hội Xê-nê-gan chụp ảnh lưu niệm với nghệ nhân Việt Nam.
Ông A-ba-ta-líp Guy-ê thừa nhận rằng, dù phải trải qua hai cuộc chiến tranh song Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực Đông Nam Á. “Xê-nê-gan cũng phải trải qua những năm tháng chiến tranh và ngày nay chúng tôi cũng đang cố gắng đưa đất nước phát triển, hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi mong muốn có được những thành tựu như các bạn”, ông Guy-ê bày tỏ.
Không chỉ tạo được dấu ấn với những ấn tượng ban đầu, các đoàn đại biểu cũng đánh giá cao những nội dung được chuẩn bị trong IPU-132. Chủ đề chính của Đại hội đồng IPU lần này là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Đây chính là chủ đề do Việt Nam đề xuất và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên bởi phù hợp với mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới, trong đó vai trò của Nghị viện là rất quan trọng. Bà Đô-ri-ết Đla-cu-đơ (Dorries Dlakude), thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Nam Phi, bày tỏ sự tán thành của mình đối với những vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận trong Đại hội đồng IPU lần này: “Với chủ đề “chiến tranh mạng”, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đề xuất những giải pháp để giúp bảo vệ người phụ nữ ở bất kỳ quốc gia nào phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh mạng. Còn về vấn đề nguồn nước, như các bạn biết đấy, có vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta. Nếu giữ được nguồn nước trong sạch và có thêm nhiều đất đai để trồng trọt thì điều đó có nghĩa chúng ta sẽ xóa bỏ được sự nghèo đói”.
“Thách thức” của các nhà tổ chức sự kiện trong tương lai
Ngay tại tiền sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam đã “níu” chân các đại biểu quốc tế. Nhiều đại biểu tỏ ra thích thú khi lựa chọn cho mình một món quà “rất Việt Nam”: Đó là chiếc túi thổ cẩm do các nghệ nhân Hà Giang làm hay một chiếc áo lụa Hà Đông, thậm chí chỉ là một bức ảnh chụp chung với các nghệ nhân Việt Nam…
Video đang HOT
Đặc biệt, một không gian âm nhạc truyền thống đã thu hút sự chú ý hầu hết đại biểu tham dự IPU-132. Nhiều người lấy điện thoại để chụp ảnh, ghi âm, lưu lại những hình ảnh đẹp, bài hát hay được các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn ngay giữa tiền sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Không chỉ là một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam trong mắt các đại biểu quốc tế là một quốc gia thân thiện, chu đáo và mến khách. Bà L.O.Pu-toóc-nơ-giai (La Or Putornjai), Cố vấn lập pháp Thái Lan, cho biết, ngay từ khi đoàn đại biểu Quốc hội Thái Lan xuống sân bay Nội Bài, đoàn đã được chào đón nồng nhiệt. Bà nói: “Thái Lan được mệnh danh là “đất nước nụ cười”. Thế nên, khi bắt gặp nụ cười của người dân Việt Nam, tôi cảm thấy ấm áp và thân thương như mình đang ở quê nhà vậy”.
Trong khi đó, ông Tếch Ba-ha-đua Xu-ba (Tek Bahadur Subba), đại biểu đoàn Quốc hội Bu-tan, cho biết, đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam nhưng ông và các đồng nghiệp đã có dịp thưởng thức những món ăn rất ngon của Việt Nam. “Đại hội đồng IPU-132 là một sự kiện chính trị ngoại giao lớn của Việt Nam. Và tôi thấy các bạn tổ chức rất chu đáo. Thông qua Đại hội đồng lần này, cộng đồng quốc tế sẽ biết đến đất nước các bạn nhiều hơn” – ông Tếch Ba-ha-đua Xu-ba nói. Ngay cả Chủ tịch IPU Xa-bơ Chao-đu-ri (Saber Chawdhury) cũng thừa nhận rằng, sự chuẩn bị chu đáo cho Đại hội đồng IPU-132 của Việt Nam đã vượt qua sự kỳ vọng của Ban lãnh đạo IPU. “Sự chuẩn bị của các bạn thực sự là thách thức đối với các nhà tổ chức sự kiện trong tương lai”, Chủ tịch IPU nhấn mạnh.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Chiến tranh mạng: Mối nguy hiểm "chết người" thiếu khung pháp lý
Tỏ ra lo lắng trước nguy cơ của những cuộc tấn công trong không gian mạng internet đang ngày càng gia tăng nhưng nhiều đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) cũng thừa nhận, luật pháp mỗi nước cũng như quốc tế trong vấn đề này vẫn khá lỏng lẻo.
Cuộc chiến không đổ máu
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Vietnam )
Đưa ra con số trong phiên họp: "Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới" trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132 tổ chức ngày 29/3, taị Hà Nội, bà Karen Makishima, Nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản cho hay, 97% cuộc tấn công mạng vào Nhật Bản bắt nguồn từ nước ngoài.
Điều này theo bà khiến cuộc chiến trên mạng trở nên "độc nhất" bởi không hề có giới hạn về địa lý, thời gian, không tốn kém và hoàn toàn có thể thực hiện trên diện rộng.
"Đây là cuộc chiến hoàn toàn không đổ máu nhưng lại có thể gây hậu quả chết người," đại diện từ Nhật Bản nói.
Lo lắng của nữ nghị sỹ Nhật Bản nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu quốc gia có mặt trong phiên họp sáng nay.
Bà Satabdi Roy, nghị sỹ Quốc hội Ấn Độ thừa nhận, người dùng internet và Chính phủ Ấn Độ cũng như nhiều nước khác đang phải đối mặt với đe dọa ngày càng cao của những cuộc tấn công trên mạng internet.
"Một cuộc tấn công tài chính có thể làm lay chuyển cả nền kinh tế của một quốc gia," đại diện Ấn Độ cảnh báo.
Đưa ra thực tế tại Việt Nam, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, những năm gần đây, đang có tình trạng các website, cổng thông tin điện tử trở thành mục tiêu tấn công hoặc thậm chí là đánh cắp thông tin thường xuyên của tin tặc.
Nhiều máy tính của cơ quan Nhà nước theo ông Hồng gần đây cũng đã bị lây nhiễm phần mềm gián điệp hoặc là mục tiêu tiến công mạng từ các máy tính khác để chiếm quyền điều khiển. Điều này theo ông không chỉ gây thiệt hại đáng kể mà còn cho thấy nhiều thách thức trong việc ngăn chặn loại hình tội phạm này.
Cần khuôn khổ pháp lý chung về an ninh mạng
Chung nhận định về mối đe dọa nghiêm trọng của tội phạm công nghệ cao nhưng đại diện Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh Quốc tế cho rằng, cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế đối với tội phạm trong lĩnh vực an ninh mạng vẫn còn khá lỏng lẻo.
Thậm chí, theo đại diện cơ quan này, khái niệm về hành vi cấu thành "hoạt động chiến tranh mạng" hiện vẫn chưa thống nhất giữa các quốc gia với nhau.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề này, ông Ng Wei Aik, Nghị sỹ Quốc hội Malaysia nhận định, vấn đề quan trọng nhất để chống lại nhưng tội phạm mạng cần bắt nguồn từ nhiều phía, từ mỗi quốc gia và cả ở phương diện quốc tế.
"Tôi cho rằng, cần có những tiêu chuẩn trong luật pháp quốc tế cho sự hợp tác để đấu tranh với những tội phạm công nghệ cao giữa các nước," đại diện Malaysia nói.
Đưa ra ý kiến cụ thể hơn, ông Vũ Xuân Hồng, đại diện của Việt Nam khuyến nghị tổ chức Liên hợp quốc cần khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng.
Theo ông Hồng, Liên minh Nghị viện Thế giới cũng cần đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tiến công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra, ông Vũ Xuân Hồng nhận định, một trong những vấn đề quan trọng khác là các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác, trao đổi, đào tạo nhân lực. Đại diện Việt Nam đề xuất các quốc gia có thể phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi sự cố xảy ra.
Không chỉ quan tâm tới hợp tác giữa các nước, bà Satabdi Roy, nghị sỹ Quốc hội Ấn Độ nhấn mạnh việc tự phòng thủ của mỗi quốc gia.
"Ở Ấn Độ, chúng tôi có cơ quan ninh mạng quốc gia từ năm 2013. Chúng tôi dự kiến sẽ thành lập hệ thống an ninh mạng nhiều lớp cho các cơ quan Chính phủ để có sự phòng vệ chắc chắn hơn," đại diện Ấn Độ cho biết.
Đưa ra thêm quan điểm, bà Karen Makishima, nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản nhận định, một vấn đề cần chú ý là sự phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để nâng cao khả năng phòng thủ với những cuộc chiến công nghệ./.
Theo Vietnam
IPU-132 bàn về chiến tranh mạng đe dọa hòa bình thế giới Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Tiếp tục các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132, sáng 29/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Uỷ ban thường trực về hoà bình...