Dấu ấn của tiền đạo nội
V.League 2021 đang chứng kiến sự bùng nổ đến từ các chân sút nội.
Các tuyển thủ thường xuyên được triệu tập lên tuyển Việt Nam đều có phong độ làm bàn ấn tượng, hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh hấp dẫn với các tiền đạo ngoại, đồng thời phần nào giải quyết bài toán trên hàng công cho đội tuyển Việt Nam trước các trận đấu quan trọng sắp tới.
Công Phượng có hiệu suất ghi bàn cao tại V.League năm nay. Ảnh | VPF
Cuối năm ngoái, HLV Park Hang-seo đã thẳng thắn nhận định về việc V.League sử dụng quá nhiều tiền đạo ngoại khiến cơ hội cho các chân sút nội rất hạn chế dẫn đến khan hiếm tiền đạo giỏi cho đội tuyển. Để bảo đảm thành tích, các HLV thường sử dụng những ngoại binh với ưu thế vượt trội về thể hình và thể lực, có sức càn lướt nhưng kỹ năng chơi bóng của nhiều người chỉ ở mức trung bình hoặc dưới cả mức này. Kể từ khi V.League đi lên chuyên nghiệp, cho phép các CLB “nhập khẩu” ngoại binh, danh hiệu Vua phá lưới 19/20 mùa giải đều thuộc về chân sút ngoại hoặc nhập tịch. Tiền đạo nội duy nhất sở hữu danh hiệu này là Nguyễn Anh Đức mùa giải 2017. Năm 2020, Công Phượng (khi đó khoác áo CLB TP Hồ Chí Minh) là chân sút nội có thành tích tốt nhất nhưng cũng chỉ ghi sáu bàn, bằng một nửa người dẫn đầu, thậm chí còn không lọt vào tốp 10 tiền đạo ghi bàn nhiều nhất mùa.
Thế nhưng, tất cả đã khác ở V.League thời điểm này. Giai đoạn một với 13 vòng đấu chứng kiến hiện tượng mang tên Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Từ chỗ một đội bóng nhận nhiều hoài nghi, họ đã khẳng định là ứng viên số một cho ngôi vô địch. Đóng góp vào chuỗi thành tích ấn tượng của HAGL không thể không nhắc tới phong độ chói sáng của Văn Toàn và Công Phượng khi cùng nhau ghi 13 bàn thắng cho đội bóng phố Núi. Nhưng V.League 2021 còn chứng kiến nhiều chân sút nội khác cũng để lại dấu ấn. Tiến Linh (B.Bình Dương) cũng đang sở hữu sáu pha lập công và Phan Văn Đức vẫn có năm bàn bất chấp Sông Lam Nghệ An đang thi đấu bết bát.
Qua đó, Top10 danh sách Vua phá lưới V.League 2021 hiện tại có bốn chân sút nội góp mặt. Đã lâu tiền đạo nội mới cạnh tranh sòng phẳng với ngoại binh, tính cả cầu thủ nhập tịch bởi chất lượng ngoại binh năm nay có phần giảm sút. Bên cạnh đó, họ đang bước vào độ chín của sự nghiệp lại được tin tưởng bố trí đá chính thường xuyên, góp phần giúp họ có những sự tiến bộ để trở nên nguy hiểm hơn. Sự xuất hiện của HLV Kiatisak như thổi một “luồng gió mới”, Văn Toàn đã rũ bỏ được cái mác “tiền đạo quấy phá” khi biến thành một cây săn bàn nguy hiểm bởi sự toàn diện với cú dứt điểm bằng chân trái, chân phải, trong vòng cấm và sút xa. Còn Công Phượng được lùi xuống chơi thấp hơn so với trước đây, tiền đạo gốc Nghệ An đã bớt rườm rà đáng kể và tận dụng tốt khoảng trống để thể hiện những kỹ năng ưu tú của mình. Hay là Phan Văn Đức từng bị gián đoạn bởi những chấn thương liên tiếp, nhưng tiền đạo sinh năm 1996 lại đang là 50% sức mạnh của Sông Lam Nghệ An lúc này. Thậm chí Văn Đức thời điểm hiện tại còn khó lường hơn trước bởi sự quyết đoán với những cú ra chân đẳng cấp, dần trở thành một chuyên gia tạo đột biến.
Video đang HOT
Phan Văn Đức đang có phong độ ấn tượng. Ảnh | Khả Hòa
Cũng phải nói rằng, các đội bóng ở V.League 2021 hiện tại đều có ít nhất từ một đến hai suất chính cho các tiền đạo ngoại, thậm chí có lúc HLV của CLB TP Hồ Chí Minh còn sử dụng cả ba ngoại binh trên hàng công trong một trận đấu. Do đó, phong độ ấn tượng hiện tại của những Văn Toàn, Công Phượng, Tiến Linh, Văn Đức là minh chứng cho thấy chất lượng của các tiền đạo nội không hề kém các ngoại binh. Những chân sút nội “nổ súng” liên tiếp là một dấu hiệu rất tích cực, bởi nó không chỉ phản ánh chất lượng của các cầu thủ mà quan trọng hơn, đó còn là một sự thay đổi về tư duy chơi bóng ở mặt bằng chung V.League. Các đội bóng đã chấp nhận xây dựng lối chơi chung quanh họ, sử dụng chiến thuật phù hợp hơn với kỹ thuật lẫn thể hình của các cầu thủ. Không chỉ các đội bóng trở nên khác biệt mà HLV Park Hang-seo cũng hưởng lợi nhờ sự thay đổi này. Tuy nhiên, chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ vẫn còn những mối lo bởi trên thực tế các tiền đạo nội chơi xuất sắc đến lúc này ngoài nỗ lực, sự thăng hoa của bản thân thì vẫn phải nhờ nhiều đến bệ phóng phía sau hay những ngoại binh. Điều này khó mà lặp lại tại tuyển Việt Nam, nhất là khi vào lúc này ông Park mất đi Hùng Dũng, còn Tuấn Anh, Xuân Trường, Quang Hải chưa thật sự ổn về thể trạng. Nhưng dẫu sao, sự tiến bộ của các trụ cột luôn là tín hiệu đáng mừng và là lợi ích rất lớn cho các đội bóng, cho đội tuyển quốc gia và cho cả nền bóng đá.
Có một Công Phượng biến ảo đến lạ thường
Mùa giải V-League 2021 chứng kiến sự nổi lên của Hoàng Anh Gia Lai khi họ hiện đang độc tôn trên bảng xếp hạng và sẵn sàng hướng tới chức vô địch sau 17 năm mong ngóng.
Lâu lắm rồi, các cổ động viên mới được tận hưởng thứ bóng đá đẹp mắt, cuốn hút nhưng đầy hiệu quả như thế, và một trong những cá nhân có đóng góp tiêu biểu vào tập thể đội bóng phố Núi không ai khác ngoài Công Phượng. Khác xa với hình ảnh phô trương và độc diễn trước năm hậu vệ của đội tuyển U19 Australia làm nên cơn sốt năm nào, Công Phượng giờ đây thi đấu đơn giản và sáng tạo hơn hẳn. Vậy điều gì đã khiến chàng trai thuở xưa chỉ chăm chú vào kỹ năng đi bóng, rê rắt lột xác ngoạn mục đến vậy?
Công Phượng luôn thi đấu nỗ lực trong mọi cuộc đối đầu. (Ảnh: VPF)
Giới chuyên môn đánh giá cao tài năng của cầu thủ xứ Nghệ từ lúc anh còn chưa lên chơi bóng đá chuyên nghiệp. Năm 2010, Công Phượng cùng Nguyễn Tuấn Anh được CLB Arsenal và cựu tuyển thủ quốc gia Pháp Jean Marc Guillou tuyển chọn để tập luyện ở đất nước Mali xa xôi. Và đến năm 2012, bốn cầu thủ thuộc lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đã được cựu chiến lược gia Arsenal Wenger tạo điều kiện để tập huấn tại Anh để kiểm tra và nâng cao trình độ. Với nền tảng đầy đủ và bài bản, ngôi sao quê Đô Lương không tỏa sáng mới là chuyện lạ.
Nguyễn Công Phượng luôn nằm trong hàng ngũ của những cầu thủ có lượng cổ động viên đông đảo nhất nhì cả nước, là "thỏi nam châm" thu hút truyền thông, báo chí cho nên áp lực mà anh đối mặt tương đối lớn. Vì vậy, điều vô cùng cần thiết đối với học trò của HLV Park Hang Seo nằm ở nhân vật cầm sa bàn, người có thể phát huy hết phẩm chất và tố chất kỹ thuật của cựu cầu thủ CLB TP Hồ Chí Minh. Hơn hết, vị kiến trúc sư đó phải biết cách thấu hiểu và cân bằng sự ổn định cho tuyển thủ quốc gia này. May mắn thay, hai con người lão làng bước vào cuộc đời của Công Phượng và tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp của chính cầu thủ này.
Cái duyên với thầy Chung Hae Seong
Trước thềm mùa giải V-League 2020, người hâm mộ đất Sài Thành bắt đầu sục sôi với bản hợp đồng giữa Công Phượng và CLB TP Hồ Chí Minh theo dạng cho mượn và những hy vọng về một chức vô địch lại sống dậy. Trước đó, "Chiến hạm đỏ" đã có thời điểm chiếm lấy vị trí số một trên bảng xếp hạng V-League 2019 nhưng vẫn để CLB Hà Nội vượt mặt và đành chấp nhận ngôi á quân vì sự yếu bóng vía và thiếu các cầu thủ chất lượng làm phương án dự phòng.
Công Phượng đã đến và gieo niềm tin nơi người hâm mộ cũng như ban lãnh đạo đội bóng. Mặc dù vậy, nếu như HLV Chung Hae Seong thiếu đi sự kiên nhẫn và cố gắng hết sức mình để giúp cầu thủ năm nay bước sang tuổi 26 này tìm lại cảm giác bóng sau khi không được Sint-Truident trọng dụng thì có lẽ cái tên Nguyễn Công Phượng sẽ chẳng rực sáng chói lóa đến như thế.
Công Phượng thường khởi động khá chậm chạp ở V-League và mùa giải 2020 không phải là ngoại lệ. Sau bốn vòng đấu đầu tiên, anh chỉ có duy nhất một pha kiến tạo và chưa thể "mở tài khoản" tại V-League sau 250 phút ra sân và mãi đến vòng đấu thứ năm, anh mới ghi bàn vào lưới Viettel và giải tỏa mọi áp lực bủa vây ngôi sao này. Liên tiếp sau đó, cầu thủ mang áo số 21 của đội bóng nổ súng đều đặn và trở thành chân sút nội có số lần lập công nhiều nhất mùa giải 2020 với sáu bàn thắng.
Thậm chí, con số trên có thể tăng lên rất nhiều nếu Công Phượng không dính chấn thương ngón chân phải nghỉ hết giai đoạn hai của V-League và đoàn quân của HLV Chung Hae Seong hoàn toàn đầy đủ khả năng cạnh tranh chức vô địch. Thiếu vắng đi cầu thủ chủ lực, lối đá của CLB TP Hồ Chí Minh mất đi sự đột biến và có phần tẻ nhạt. Hai ngoại binh Jose Ortiz và Ariel Rodriguez được ban huấn luyện "chọn mặt gửi vàng" chẳng thể khỏa lấp khoảng trống mà Công Phượng bỏ lại và mộng tưởng về chiếc cúp V-League cao quý nhanh chóng tan thành mây khói.
Trong sơ đồ 4-2-3-1 của chiến lược gia người Hàn Quốc, Công Phượng được coi là mảnh ghép vô cùng quan trọng đối với chiến thuật của CLB. Anh được bố trí trong vai trò của một tiền đạo lùi và bổ trợ cho các trung phong cắm như Nguyễn Xuân Nam hay Amido Balde. Điều này tương đối khác biệt so với các đời huấn luyện viên trước đây của Công Phượng khi họ chủ yếu yêu cầu Phượng "Núi" hoạt động như tiền đạo cắm thực thụ.
Thầy Chung Hae Seong biết rằng ngôi sao quê Nghệ An chưa có cho mình các kỹ năng cần thiết để thi đấu vị trí mũi nhọn, từ chiều cao hạn chế và thể hình không quá nổi trội để tì đè với trung vệ đối phương. Có lẽ, chính Công Phượng cũng nên dành một lời cảm ơn đối với người thầy của mình bởi lẽ, ông Chung Hae Seong đã biết cách tận dụng anh sao cho hiệu quả và giúp anh khôi phục bản năng chơi bóng, thứ tưởng chừng như đã mai một.
Thầy "Sắc" và vai trò lạ lẫm của Công Phượng
Sự thăng hoa của Hoàng Anh Gia Lai thu hút cổ động viên đến sân Pleiku.
Trở về đội bóng phố Núi thân thương sau hai năm lưu lạc, "những đứa trẻ nhà bầu Đức" đã hội tụ với nhau nhưng các cổ động viên vẫn không nghĩ tới ngôi quán quân của V-League cho đến khi người được coi là biểu tượng một thời của đội bóng, Kiatisak Senamuang quay trở về và công cuộc lột xác một Hoàng Anh Gia Lai bao năm rệu rã chính thức bắt đầu.
Họ đem về những tân binh có "số má" ở đấu trường khắc nghiệt nhất Việt Nam, có thể kể đến như Nguyễn Hữu Tuấn, cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam và là người đồng đội với Công Phượng trong thời gian khoác áo Thành phố Hồ Chí Minh hay Huỳnh Tuấn Linh, thủ môn đội trưởng của CLB Than Quảng Ninh.
Với sự đầu tư có bài bản và chiều sâu đội hình khá ổn định, Kiatisak có cơ sở hướng tới mục tiêu nằm trong nhóm ba đội dẫn đầu bảng xếp hạng và Công Phượng là con át chủ bài trong chiến lược của HLV người Thái Lan. Đặc biệt hơn nữa, ông lại bắt Công phượng thích nghi ở vị trí tiền vệ con thoi trong hệ thống 3-5-2 chứ không phải tiền đạo lùi như thời còn ở đội bóng áo đỏ.
Quả thật, ban đầu anh chưa thể hiện quá ấn tượng trong vai trò khá lạ lẫm này. Công Phượng phải phòng ngự nhiều hơn và có những đường chuyền điểm rơi cho người bạn thân Văn Toàn và ngoại binh Washington Brandao. Người hâm mộ có lý do để lo lắng khi Công Phương duy trì thói quen không ghi bàn ở bốn trận đấu đầu tiên.
Trái ngược với sư âu lo của người hâm mộ và giới chuyên môn, Công Phượng đã có phát biểu đầy nhẹ nhàng trong buổi họp báo trước trận gặp Viettel ở vòng 5 V-League: "Tôi xác định mùa giải này, HAGL chỉ cần giành chiến thắng là được. Tôi không quan trọng việc mình có ghi bàn hay không. Lúc nhỏ, tôi không xem HLV Kiatisak đá nhiều. Ông ấy luôn cố gắng truyền lại kỹ năng của một tiền đạo cho tôi và các đồng đội. Trên sân tập, HLV Kiatisak thường xuyên trực tiếp hướng dẫn cho cầu thủ của HAGL.
Khi được xếp đá ở vị trí không phải sở trường, tôi đã tập đá ở vị trí đó từ đầu năm nên đến giờ không ảnh hưởng và khác biệt nhiều. Tôi nghĩ rằng tôi đang đá tròn vai và làm tốt nhiệm vụ của mình. Với vị trí hiện tại của tôi, tôi nghĩ là tôi đủ khả năng chống lại sức tấn công từ Viettel FC".
Việc Công Phượng hy sinh cho tập thể đã đem lại thành công trên cả mong đợi khi họ đã vững chãi trên ngôi đầu. Chưa bao giờ, người hâm mộ lại dành trọn sự tin tưởng cho lứa cầu thủ mà bầu Đức dày công gây dựng như bây giờ. Đây là thời cơ không thể hoàn hảo hơn để các cầu thủ đã gắn bó và sinh hoạt cùng nhau trong hơn 10 năm được một lần lên đỉnh vinh quang và vị kiến trúc sư của đội bóng, Kiatisak Senamuang sẽ có thêm một lần nâng cao chiếc cúp vô địch danh giá.
Công Phượng có vẻ đang được HLV Kiatisak huấn luyện giống với những gì ông từng làm với Chanathip Songkrasin, ngôi sao số một của bóng đá Thái Lan và hiện đã đạt tới cột mốc 100 trận thi đấu ở J-League. Và tin chắc rằng, sự nghiệp của Công Phượng sẽ còn phát triển hơn nữa, không chỉ nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà có thể vươn ra các nền bóng đá lớn như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nếu cứ tiếp tục tiến bộ và phát triển, không điều gì là không thể.
Lằn ranh sinh tử ở V-League Với nhiều đội, thắng trận đấu cuối giai đoạn một V-League chẳng khác nào thành công cả trận chiến vì sớm có được vé trụ hạng và thong dong chơi bóng ở phần còn lại. Phan Văn Đức sẽ gặp Hà Nội ở vòng cuối giai đoạn một V-League. Ảnh: VPF. Trong số những đội khát vào tốp 6 nhất, Hà Nội chắc...