Dấu ấn của Thứ trưởng Lê Hải An tại Bộ GD&ĐT
Chỉ mới nhận nhiệm vụ khoảng 1 năm nhưng dấu ấn của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An khá rõ nét, được nhiều người yêu mến và đánh giá cao về tài năng, tâm huyết.
Sáng 17/10, nhiều người bàng hoàng, tiếc thương trước sự ra đi có phần đột ngột của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An. Ông cũng là người từng nhiều năm công tác tại Đại học Mỏ – Địa chất, được tập thể cán bộ, nhân viên của trường yêu mến, đánh giá cao về phẩm chất, năng lực lẫn tình cảm mà ông dành cho đồng nghiệp, sinh viên.
Ra đi ở tuổi 48, song những gì mà Thứ trưởng Lê Hải An đã làm khiến nhiều người trân trọng, yêu mến. Từ một giảng viên bộ môn, nỗ lực hết mình vì sinh viên, tâm huyết trong công việc, ông được đề bạt giữ chức trưởng bộ môn, trưởng khoa, phó hiệu trưởng và hiệu trưởng trường Đại học Mỏ – Địa chất trước khi về Bộ GD&ĐT công tác với chức vụ Thứ trưởng từ tháng 11/2018. Chỉ một năm đảm nhận vai trò này song cũng đủ cho thấy Thứ trưởng Lê Hải An luôn nỗ lực, tâm huyết thế nào trong chặng đường ngắn ấy.
Tháng 11/2018, thông tin Bộ GD&ĐT có thêm thứ trưởng mới, còn khá trẻ, từ hiệu trưởng một trường đại học lên, khiến nhiều người quan tâm. Tại lễ nhận trao quyết định từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tân Thứ trưởng Lê Hải An khiêm tốn, nhưng cũng đặt quyết tâm để luôn hoàn thành công việc.
Thứ trưởng Lê Hải An nhận quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tháng 11/2018.
Khi mới đảm nhận chức vụ mới, Thứ trưởng Lê Hải An khá lặng lẽ. Ông không có nhiều bài phát biểu trên báo để nêu quyết tâm, hay tạo hức hút. Thay vào đó là hình ảnh một thứ trưởng trẻ, đầy nhiệt huyết, luôn có những góp ý, chia sẻ, chỉ đạo tâm huyết tại một số hội nghị, hội thảo, thực hiện các đề án…
Đáng chú ý, tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, ông được giao vai trò Phó Ban chỉ đạo kỳ thi và tuyển sinh. Đây là vị trí “ghế nóng” đầy thử thách bởi sau sự cố tiêu cực điểm thi tại kỳ thi năm 2018, dư luận cả nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với kỳ thi 2019. Trước kỳ thi, Thứ trưởng Lê Hải An đã làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại một số tỉnh miền núi như Bắc Giang, Cao Bằng…
Tại các địa phương, ngoài kiểm tra, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong tổ chức thi, Thứ trưởng An luôn thăm hỏi, động viên các thầy cô và học sinh ôn tập, nắm quy chế và thi tốt. Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 kết thúc thành công, không có sự cố lớn nào xảy ra và được dư luận xã hội đánh giá cao.
Thứ trưởng Lê Hải An trong lần kiểm tra công tác thi năm 2019.
Nhận nhiệm vụ trong điều hành giáo dục đại học, Thứ trưởng Lê Hải An đã cùng các bộ phận chuyên môn thực hiện đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm trình Thủ tướng trong quý II/2019; Hoàn thiện đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học; Thực hiện Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về tự chủ đại học công lập…
Thứ trưởng Lê Hải An đã rất thẳng thắn trước lãnh đạo các trường đại học, yêu cầu tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra. Ông kiên quyết yêu cầu dừng tuyển sinh, dừng hoạt động những cơ sở giáo dục vi phạm quy định, không đảm bảo điều kiện chất lượng theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Ghi dấu ấn trong quản lý giáo dục đại học.
Trong gần 1 năm qua, giáo dục đại học cũng đã có nhiều bước chuyển biến, hàng loạt trường đại học Việt Nam liên tục lọt tốp các trường đại học của thế giới, châu lục. Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019, nguồn tuyển cho các trường hết sức dồi dào, không còn hiện tượng điểm cao chót vót cũng trượt đại học, hay các trường hạ điểm “tháo khoán” vào đại học, mặc dù đã bỏ điểm sàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phụ trách các lĩnh vực: Giáo dục đại học; giáo dục quốc phòng và an ninh; báo chí, truyền thông giáo dục; đảm bảo cơ sở vật chất và hoạt động của cơ quan bộ; công tác Đảng và đoàn thanh niên; công tác công đoàn cơ quan bộ; dân quân tự vệ của cơ quan bộ…,
Theo ghi nhận, dù chỉ trong vòng 1 năm với cương vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, song với mỗi lĩnh vực phụ trách, Thứ trưởng Lê Hải An đều có nhiều đóng góp, thể hiện sự chuyển biến rõ nét. Ngoài công tác chuyên môn, Thứ trưởng An cũng luôn nhận được tình cảm quý mến của các cán bộ, đồng nghiệp tại Bộ GD&ĐT cũng như tại trường ĐH Mỏ – Địa chất. Sự ra đi của Thứ trưởng Lê Hải An để lại niềm thương tiếc lớn trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Thứ trưởng Lê Hải An sinh năm 1971, quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là kỹ sư Địa Vật lý, tốt nghiệp tại Đại học Thăm dò Địa chất Matxcơva (Nga), sau đó ông lấy bằng Thạc sĩ Dầu khí tại Đại học Tổng hợp Brunei và bằng Tiến sĩ Dầu Khí tại Đại học Heriot – Watt (Anh). Ông An có nhiều năm công tác tại trường Đại học Mỏ – Địa chất, giữ cương vị Hiệu trưởng ĐH Mỏ – Địa chất, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT từ tháng 11/2018.
Theo giadinh.net
Thương tiếc người thầy, nhà khoa học, người lãnh đạo trọn vẹn "tâm", "tài"
Những cán bộ của Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nơi Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An từng gắn bó hơn 20 năm, mà tôi liên hệ được đều chưa hết bàng hoàng trước nỗi đau quá lớn, khi mất đi người anh, người thầy, người đồng nghiệp mà họ vô cùng yêu quý.
Thứ trưởng Lê Hải An với học trò vùng khó. Ảnh: Trường ĐH Mỏ - Địa chất.
Anh chưa từng nghĩ cho mình!
Khi nhắc đến Thứ trưởng Lê Hải An, câu đầu tiên chị Dương Thị Tuyết Nhung, giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất nói sau nhiều phút nấc nghẹn là: "Bao năm làm việc, chưa bao giờ tôi thấy anh ấy nghĩ cho mình".
Là đồng nghiệp nhiều năm, từng có thời gian ở những vị trí công việc gần gũi, chị Nhung coi nguyên lãnh đạo của mình như một người anh thân thiết, không có khoảng cách "nhân viên", "lãnh đạo". Chị nói: "Chúng tôi làm việc cùng từ khi anh ấy còn chưa là thành viên Ban giám hiệu. Anh là người vô cùng hiếm có, tận tụy, chu đáo. Tôi chưa thấy người đàn ông nào lại chu toàn đến như thế".
Câu chuyện của chúng tôi thường xuyên đứt quãng, vì mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, chị Nhung đều không nén được cảm xúc.
"Kỉ niệm với anh nhiều lắm, nhưng giờ phút này đầu óc mình trống rỗng rồi". Cho biết như vậy, chị chỉ nhớ con người Thứ trưởng An luôn nghĩ cho tập thể, cho nhà trường, từ những điều nhỏ nhất, không bao giờ nghĩ đến lợi ích của bản thân; ngoài đời và công việc đều bản lĩnh, lạc quan, chỉn chu, cầu toàn. Ngay cả khi rời trường lên công tác tại Bộ GD&ĐT, anh ấy vẫn luôn trăn trở, đau đáu về Trường ĐH Mỏ - Địa chất, luôn nghĩ tương lai của trường sẽ ra sao, năm nay tuyển sinh thế nào? Mọi vấn đề lãnh đạo nhà trường hỏi ý kiến, anh đều giúp hết mình.
"Chỉ mới đây thôi, anh còn nói sắp tới 20/10 rồi mà không biết có bố trí thời gian anh em gặp nhau được không. Vậy mà giờ đây đã không thể còn gặp được anh nữa" - chị Nhung nghẹn ngào.
Khi tôi đến gặp, Chị Nguyễn Kim Chung, Phó Trưởng phòng Quan hệ công chúng và doanh nghiệp của Trường ĐH Mỏ - Địa chất đang vừa lau nước mắt, vừa cố hoàn thành bài viết về Thứ trưởng Lê Hải An để đăng trên website nhà trường. Điều đặc biệt của bài viết này không phải thông tin, mà là rất nhiều tấm ảnh, ghi lại dấu ấn của nguyên Hiệu trưởng nhà trường trong rất nhiều năm công tác. Con người ấy, giờ chỉ có thể được nhìn qua những tấm ảnh này mà không thể gặp.
"Ngoài công việc, anh như người anh của chúng tôi, anh cũng quý mến tôi như em gái. Có chuyện gì vui, anh lại gọi lên phòng trò chuyện như người thân trong gia đình, không khoảng cách "sếp" và "nhân viên"". Chị Chung kể lại và nhắc mãi về một con người trong công việc quyết đoán, sáng tạo và làm việc vô cùng hiệu quả, giỏi khích lệ động viên cấp dưới. "Dường như mọi lĩnh vực anh đều thông tỏ và gợi ra để chúng tôi sáng tạo, hoàn thành tốt công việc" - chị Chung chia sẻ.
Với cán bộ giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Thứ trưởng Lê Hải An như người anh, người đồng nghiệp gần gũi, thân thiết.
Người đến sớm nhất và về muộn nhất Trường
"Khi nghe tin Thứ trưởng Lê Hải An - người tôi vẫn gọi thân thiết là anh An - mất, tôi đã vô cùng bàng hoàng và không tin là thật. Đây là mất mát vô cùng to lớn đối gia đình, Trường ĐH Mỏ - Địa chất và ngành Giáo dục nước nhà".
Nói điều này, PGS.TS Trần Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: Đối với mình, "anh An" là một nhà khoa học lớn, nhà giáo mẫu mực hết lòng vì sinh viên thân yêu; người lãnh đạo tâm huyết, trí tuệ, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt trong đổi mới nhưng rất giản dị, tình cảm và luôn lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người.
Khi đã giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, "anh An" vẫn lên lớp dạy cho sinh viên và học viên cao học cũng như nghiên cứu sinh. Luôn gương mẫu lên lớp đúng giờ, không bao giờ để cho sinh viên phải đợi.
"Anh nói rất yêu và say mê nghiên cứu khoa học, nhưng đã là lãnh đạo phải biết hy sinh, dành nhiều thời gian cho công tác quản lý. Tuy nhiên anh vẫn dành thời gian nhất định cho nghiên cứu khoa học. Anh đã chủ trì hàng chục đề tài cấp Bộ và cấp ngành Dầu khí. Hiện nay anh đang chủ trì Đề tài khoa học cấp nhà nước liên quan đến vấn đề dầu khí ở biển Đông. Dù là Thứ trưởng rất bận, nhưng anh vẫn làm việc qua mạng với nhóm đề tài".
PGS.TS Trần Xuân Trường có 4 năm làm Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, sau đó 2 năm làm Phó Hiệu trưởng - đây cũng là thời gian PGS hỏi được rất nhiều ở Hiệu trưởng Lê Hải An khi đó. PGS kể: "Làm việc với anh An, cấp dưới được thoải mái đề xuất các ý tưởng, được cống hiến và thể hiện hết năng lực bản thân. Khi mới lên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, tôi đề xuất xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành I-Office, anh đồng ý ngay và luôn sát sao đồng hành cùng".
Trong hồi ức còn mới mẻ của PGS.TS Trần Xuân Trường, Thứ trưởng Lê Hải An là người sống rất nghĩa tình, luôn biết trước biết sau, biết trên biết dưới.
Dù bận đến mấy, nhưng cứ đến ngày 20/11 hay Tết cổ truyền, Thứ trưởng đều đi thăm lãnh đạo Nhà trường các thời kỳ; vừa thăm hỏi, vừa tham khảo ý kiến của các thầy lãnh đạo thế hệ trước về định hướng phát triển Nhà trường.
"Anh nói với tôi: các "đám vui" đến được thì tốt, nhưng những "đám buồn" như đám hiếu thì phải cố gắng bố trí đến bằng được, không quản ngày hay đêm. Trong công việc rất quyết liệt, nhưng ngoài giờ làm việc anh rất hòa đồng, thoải mái, thân tình, giản dị và không bao giờ "quan cách". Tháp tùng anh đi công tác hoặc đi họp đến giờ ăn thì ăn ở quán rất nhỏ ven đường cũng được" - PGS Trần Xuân Trường nhớ lại.
Thứ trưởng Lê Hải An khi còn công tác tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất
Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mỏ - Địa chất kể lại rằng, khi còn làm việc tại trường, Thứ trưởng Lê Hải An luôn là người đến sớm nhất và về muộn nhất Trường. Là người lãnh đạo luôn gương mẫu, nghiêm túc, quyết liệt, nói đi đôi với làm. Đã giao việc cho cấp dưới luôn kèm theo thời gian hoàn thành.
"Thời gian đầu mới làm việc với anh hơi "áp lực" vì chưa quen và chưa biết cách quản lý, đặc biệt là chưa hiểu Anh. Gần đến hạn hoàn thành, Anh là người không bao giờ quên việc đã giao, anh hỏi và đồng thời chỉ bảo, hướng dẫn rất tỉ mỉ, sát sao.
Trong thời gian anh là Bí thư, Hiệu trưởng, anh là người tâm huyết và quyết liệt, không ngại khó, ngại khổ và đã chỉ đạo giải phóng mặt bằng được gần 8 ha trên tổng số 23,6 ha ở Khu đô thị đại học của nhà trường. Anh nói nơi đây sẽ là ngôi trường tương lai của ĐH Mỏ - Địa chất.
Khi anh là Thứ trưởng anh vẫn luôn đau đáu nghĩ về tương lại phát triển của nhà trường, luôn nhắn tin, email hỏi về nhà trường từ công tác tuyển sinh đến định hướng chiến lược phát triển nhà trường. Có gì cần xin ý kiến, dù bận đến mấy anh vẫn trả lời.
Cuối tuần trước tôi có nhắn với anh, em muốn xin lịch gặp anh trong tuần này để xin ý kiến của anh về định hướng phát triển Nhà trường, anh hẹn: "Tuần này anh bận học Quốc phòng - An ninh. Để cuối tuần sau em nhỉ. Anh em ăn sáng, cà phê và trao đổi công việc em nhé. Nhưng bây giờ làm sao còn được gặp anh để xin ý kiến của Anh nữa.
Dù vậy, tất cả nhưng tâm sự, chia sẻ tâm huyết và những cống hiến vô cùng to lớn của Anh sẽ là ngọn đuốc soi đường cho Trường ĐH Mỏ - Địa chất tiếp tục phát triển như những gì anh hằng mong đợi. Tôi tin rằng, cán bộ viên chức, sinh viên của Trường ĐH Mỏ - Địa chất sẽ tiếp tục thực hiện bằng được những ý tưởng, tâm huyết và những công việc của anh chưa kịp làm vì sự phát triển của nhà trường" - PGS Trần Xuân Trường trút nỗi lòng.
Một số cán bộ, giảng viên khác của Trường ĐH Mỏ - Địa chất khi chia sẻ với tôi, chỉ có thể nói cảm xúc "trống rỗng và đau xót vô cùng", rồi không thể chia sẻ thêm được gì ngoài những dòng nước mắt.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
"Nghe tin dữ, tôi đã không thể kìm nén được..." Khi ngồi trên xe nhận được tin dữ, từ đầu tiên chạy qua đầu tôi là "anh em". Và tôi đã không thể kìm nén được... Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác thi THPT quốc gia. Trước khi chia sẻ những kỷ niệm về Thứ trưởng Lê Hải An, PGS.TS Hoàng...