Dấu ấn cố Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm
Ngày 13/2 kỷ niệm tròn 110 năm ngày sinh đồng chí Ung Văn Khiêm (13/2/1910-13/2/2020), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam từ tháng 2/1961 đến tháng 4/1963. Đồng chí Ung Văn Khiêm là một người chiến sĩ cộng sản tiên phong, có công lớn với cách mạng miền Nam, và cũng là một nhà ngoại giao xuất sắc thuộc thế hệ học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm (1910-1991).
Thời thanh niên sôi nổi
Trước khi phục vụ trong Ngành Ngoại giao, đồng chí Ung Văn Khiêm đã có gần 20 năm tuổi trẻ hoạt động hăng say trong các tổ chức tiền thân của Đảng và các phong trào đấu tranh quần chúng giai đoạn tiền khởi nghĩa. Ông là một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên, góp công đầu trong việc gieo những “hạt giống đỏ” chủ nghĩa Mác – Lênin và ảnh hưởng của cuộc cách mạng tháng Mười Nga trên mảnh đất Nam Bộ.
Sinh ra và lớn lên vào lúc thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa và cũng là lúc các phong trào yêu nước có sự chuyển biến sâu sắc, ngay từ khi còn là học sinh trung học, đồng chí Ung Văn Khiêm đã tham gia các phong trào bãi khóa để bày tỏ sự phản đối trước ách cai trị và sự đàn áp nặng nề của thực dân Pháp đối với nhân dân và nhân sĩ trí thức yêu nước Việt Nam. Năm 1927, khi chưa tròn 18 tuổi, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, và hai năm sau được cử tham dự lớp huấn luyện “chính trị đặc biệt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Tháng 8/1929, ông tham gia sáng lập An Nam Cộng sản Đảng và được giao trọng trách Bí thư Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng toàn miền Hậu Giang (gồm 9 tỉnh), chịu trách nhiệm phát triển mạng lưới tổ chức, xây dựng những chi bộ cộng sản đầu tiên trên mảnh đất này. Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Ung Văn Khiêm cũng hoạt động trên khắp các mặt trận – từ chiến khu Đồng Tháp Mười đến căn cứ địa U Minh, từ miền Tây, lên miền Trung và miền Đông Nam bộ, từ bưng biền Nam bộ ra núi rừng chiến khu Việt Bắc.
Với trọng trách là Ủy viên Nội vụ Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, đồng chí đã ký ban hành Chỉ thị số 4/NV ngày 22/5/1947, quán triệt vận dụng tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ, thổi bùng lên ngọn lửa tình cảm yêu nước, tạo ra sự cổ vũ mạnh mẽ về tư tưởng thu hút hơn 5.000 nhân sĩ, trí thức, công chức và công nhân lành nghề rời bỏ đô thành ra chiến khu bưng biền tích cực tham gia kháng chiến.
Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung Xuân Thủy tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Trung Quốc, tháng 8/1962. (Ảnh tư liệu)
Video đang HOT
Từ quá trình đấu tranh cách mạng của mình, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn sống động, góp phần cống hiến cho Đảng những bài học quý báu trong công tác xây dựng Đảng, trong phát triển phong trào công nhân và phong trào yêu nước và trong sự vận dụng đa dạng các hình thức đấu tranh cách mạng. Cũng từ đó, ông có được một tình cảm gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trọng trách lớn lao trong thời kỳ đầu giai đoạn Ngoại giao phục vụ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
Giai đoạn 1959-1960, tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi quan trọng. Nghị quyết Trung ương 15 (1959) mở đường cho phong trào đồng khởi ở Nam Bộ và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm thay đổi cục diện ở miền Nam. Trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, Mỹ tăng cường can thiệp quân sự, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để bình định Nam Bộ.
Trong bối cảnh này, tháng 2/1961, đồng Ung Văn Khiêm được tin tưởng cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nhiệm vụ của Bộ lúc này là mở rộng hoạt động nhằm tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, góp phần năng cao vị thế của Việt Nam. Là nhà ngoại giao xuất sắc thuộc thế hệ trí thức đầu tiên của Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm đã đóng góp cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành trong những năm đầu thập kỷ 1960. Đó là đấu tranh thi hành hiệp định Geneva, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, từ đó thu hút sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam.
Bên cạnh đó, đồng chí Ung Văn Khiêm cũng chủ động triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, góp phần thúc đẩy tăng cường đoàn kết với 3 nước Đông Dương và đoàn kết với nhân dân Pháp, đặc biệt là tham gia Hội nghị quốc tế Geneva về Lào. Sự kiện này rất quan trọng đối với sự thành lập của Chính phủ Liên hiệp trung lập Lào, gạt bỏ sự can thiệp của các nước lớn đến tình hình Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.
Đoàn lãnh đạo Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh do ông Trần Phước Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở thay mặt Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà gia đình cố Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/2. (Nguồn: TG&VN)
Đồng chí cũng triển khai chủ trương của Đảng về đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác, đoàn kết hợp tác nhiều mặt với Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa, góp phần huy động sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về vật chất (không hoàn lại, cho vay không tính lãi đối với nhiều chương trình quân sự, kinh tế, thương mại, lương thực, ngoại tệ…) của các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Công lao lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Ngành Ngoại giao
Năm 1954, sau khi Chính phủ kháng chiến về lại Thủ đô, một trong những yêu cầu cấp bách của Ngành Ngoại giao là nhanh chóng hoàn thiện tổ chức, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để phục vụ khối lượng hoạt động ngoại giao ngày càng mở rộng của nước Việt Nam mới như lời Bác dạy: “Kiến thiết cần có nhân tài… Chúng ta cần nhất bây giờ là kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục”.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao chính quy và có hệ thống là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi lẽ tại thời điểm rời An toàn khu trở lại Hà Nội, số lượng cán bộ ngoại giao chỉ có khoảng vài chục người bước ra từ bưng biền kháng chiến, giàu tinh thần chiến đấu nhưng chưa được trang bị, đào tạo nhiều về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ. Nhận trọng trách mới trong Ngành Ngoại giao, đồng chí Ung Văn Khiêm (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã dành sự quan tâm hàng đầu cho việc xây dựng và tổ chức một đội ngũ nhân lực dài hạn phục vụ công tác đối ngoại. Theo đó, công tác đào tạo cán bộ trong thời kỳ này được đồng chí Ung Văn Khiêm chỉ đạo tiến hành theo phương châm kết hợp đào tạo cấp tốc và dài hạn, đào tạo trong nước và ngoài nước.
Đúng tinh thần này, ngày 22/6/1956, Thứ trưởng Ung Văn Khiêm đã ký quyết định mở lớp đào tạo cán bộ ngoại giao đầu tiên về phiên dịch tiếng Anh để làm việc với Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế thi hành hiệp định Geneva, bao gồm khoảng 50 học viên do đồng chí trực tiếp phụ trách. Lớp học này là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Trường Cán bộ Ngoại giao – ngoại thương một năm sau đó, tiền thân của Học viện Ngoại giao bây giờ.
Giáo sư Trần Đình Bút, con rể cố Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm hồi tưởng lại quá trình hoạt động cách mạng của cố Bộ trưởng. (Nguồn: TG&VN)
Đồng chí Ung Văn Khiêm cũng chỉ đạo khẩn trương tuyển chọn 22 học viên sang Liên Xô, Trung Quốc học về quan hệ quốc tế, về sau trở thành cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao. Tiếp nối chủ trương của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và Phạm Văn Đồng, đồng chí đã thúc đẩy thành công kiến nghị thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương vào năm 1959, tạo nền tảng vững chắc và lâu dài cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại.
Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, đồng chí Ung Văn Khiêm đã góp phần hoàn thiện bộ máy tổ chức, nội dung công tác của Bộ, của từng đơn vị và quy định chế độ, quy chế làm việc, phối hợp thống nhất công tác đối ngoại theo Nghị định 157/CP ngày 9/10/1961 của Chính phủ. Nhiều đơn vị mới như Vụ Tổng hợp, các vụ khu vực, vụ nghiệp vụ, các vụ quản lý nội bộ cũng dần được thành lập và phát triển có tổ chức, hoạt động hiệu quả và góp phần vào thành công chung của Ngành.
Đối với công tác Đảng Ngoài nước, là Trưởng Ban cán sự đảng ngoài nước đầu tiên sau khi Ban này thành lập tháng 3/1961 theo Quyết định của Ban Bí thư, đồng chí Ung Văn Khiêm cũng góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức, vai trò của công tác Đảng ở nước ngoài trong tình hình mới, tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của Đảng đối với Đảng viên ở nước ngoài.
Tám năm cống hiến cho Ngành Ngoại giao (1955-1963), trong đó 2 năm đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng không phải là quãng thời gian quá dài, song đồng chí Ung Văn Khiêm đã để lại cho đồng nghiệp và bạn bè quốc tế những ấn tượng sâu sắc với nhân cách mẫu mực, đức tính chân thành, giản dị, thẳng thắn. Nhớ về đồng chí, là nhớ về một người cán bộ cốt cán của Đảng luôn đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp của Chủ nghĩa xã hội và công cuộc giải phóng đất nước, một nhà ngoại giao tài năng. Hình ảnh và những đóng góp đồng chí cho đất nước và cho ngành Ngoại giao sẽ luôn được các thế hệ cán bộ ngoại giao cảm phục, ghi nhớ và noi theo.
Mai Thanh
Theo TG&VN
Biển Đông luôn là mối quan tâm chung của ASEAN
Ngày 17-1, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự hội nghị
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã tham dự hoạt động này. Đây là cuộc gặp đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong năm 2020 nhằm thảo luận định hướng ưu tiên ASEAN 2020, nhất là về xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực. Các Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ, đồng thời cho rằng, chủ đề và các định hướng ưu tiên Việt Nam đề xuất cho ASEAN 2020 phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, là tiếp nối nỗ lực của các chủ tịch tiền nhiệm.
Theo đó, hợp tác ASEAN 2020 sẽ tập trung vào củng cố đoàn kết, thống nhất ASEAN, thúc đẩy liên kết kinh tế, đẩy mạnh thương mại và đầu tư nội khối, tăng cường liên kết và hợp tác tiểu vùng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN, đồng thời chủ động thích ứng trước các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, hòa bình, an ninh và bình đẳng giới. Các nước nhất trí với đề xuất của Việt Nam về kế hoạch hoạt động của ASEAN trong năm. Theo đó, ASEAN sẽ triển khai một số sáng kiến như tiến hành đánh giá giữa kỳ tiến trình xây dựng cộng đồng, trao đổi về định hướng phát triển ASEAN sau 2025, các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, trong đó có phát triển tiểu vùng Mê Công, tăng cường quyền của phụ nữ...
Cùng ngày, tại cuộc họp báo thông báo kết quả của AMM Retreat, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, một trong những nội dung quan trọng tại hội nghị lần này cũng như các lần khác chính là vấn đề biển Đông - vấn đề luôn là mối quan tâm chung của các nước ASEAN cũng như trong khu vực và trên thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: "Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng liên quan đến việc vận chuyển 50% khối lượng hàng hóa trên thế giới. Biển Đông có sự tham gia của rất nhiều nước trong khu vực. Do đó, biển Đông luôn là vấn đề được nêu, được trao đổi tại các hội nghị của ASEAN từ trước đến nay".
Trước tình hình biển Đông thời gian gần đây có những phức tạp xảy ra, đặc biệt liên quan đến những vi phạm ở các khu vực đặc quyền kinh tế của các nước. Chính vì vậy, vấn đề biển Đông luôn được trao đổi tại các hội nghị của ASEAN cũng như tại Hội nghị hẹp lần này. "Các Bộ trưởng đã trao đổi hết sức thẳng thắn về tình hình biển Đông cũng như các biện pháp cần thúc đẩy, đặc biệt là nêu cao vai trò thống nhất của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trong các vấn đề liên quan đến biển Đông", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói.
Trả lời các câu hỏi của báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang được tiến hành trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc và đã qua lần đọc thứ nhất. Quá trình này vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2020 thông qua các vòng đàm phán.
Có sự đồng thuận lớn giữa các nước ASEAN đó là phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS 1982, tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển Đông, không sử dụng vũ lực và không quân sự hóa. Ngoài ra, ASEAN cũng đồng thuận về việc thông báo về những diễn biến trên biển Đông và đều bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp.
VĂN NGỌC
Theo SGGP
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin mới liên quan vụ 39 người chết trong container ở Anh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết chuyển thông tin 14 người Việt nghi mất tích ở Anh cho nước bạn để xác minh. Liên quan tới vụ 39 người chết trong container ở Anh, bên hành lang Quốc hội sáng 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Tổng đài bảo hộ...