“Đất vàng” trường học nội đô sẽ thành cao ốc?
Với điều kiện xây mới Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội tại huyện Đông Anh, nhà đầu tư được UBND TP. Hà Nội bán chỉ định cho khu “đất vàng” là trụ sở của trường cao đẳng trên tại 131 Thái Thịnh, quận Đống Đa.
Tháng 6 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3034/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề xuất dự án Đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh theo hình thức hợp đồng BT. Được biết, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2019, hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư công bố, Dự án có tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng 8,77ha; Diện tích xây dựng khoảng 21.048m2; Mật độ xây dựng 24%; Tầng cao công trình: 01 – 05 tầng; Hệ số sử dụng đất 0,64 lần.
Số lượng học sinh đào tạo khoảng 3.500 học sinh/năm, trong đó khoảng 1.250 học sinh/năm đối với các nghề trọng điểm và 2.250 học sinh/năm đối với các nghề cơ bản khác.
Khu đất 131 Thái Thịnh đang là trụ sở Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội rộng hàng nghìn m2, nằm tại vị trí đắc địa của một trong bốn quận nội đô lịch sử của Thủ đô. (ảnh TPO)
Theo phê duyệt, dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 894 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 385 tỷ đồng, chi phí thiết bị 255 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư 105,295 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 9,55 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư dự án 20 tỷ đồng, chi phí dự phòng 42,566 tỷ đồng, chi phí lãy vay 55,815 tỷ đồng, chi phí khác gần 20 tỷ đồng.
Nguồn vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án; Nguồn vốn huy động của Nhà đầu tư chiếm 80% tổng vốn đầu tư dự án.
Video đang HOT
Nhà đầu tư chịu bỏ tiền xây dựng dự án mới Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội tại huyện Đông Anh sẽ được UBND TP. Hà Nội bán chỉ định cho khu “đất vàng” tại 131 Thái Thịnh , Đống Đa, vốn là trụ sở Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 745/TTg-KTN ngày 13.5.2011 về chủ trương đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội theo hình thức hợp đồng BT; trong đó xác định giá trị quỹ nhà, đất tại số 131 Thái Thịnh, quận Đống Đa được bán chỉ định cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo giá thị trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện giá đất khu vực Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội) có giá rơi vào khoảng 110 – 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí mặt tiền hay trong ngõ.
Được biết, theo kế hoạch triển khai, sau khi xây dựng trường mới, nền đất cũ 131 Thái Thịnh, sẽ dược xây dựng dự án Tổ hợp công trình công cộng, nhà ở, văn phòng, dịch vụ thương mại, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các dự án BT có nhiều tồn tại, sai phạm, việc Hà Nội tiếp tục trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án về hạ tầng giao thông và di dời trường học theo hình thức BT với quỹ đất đối ứng hàng chục ha hoặc các khu đất “vàng” cho các nhà đầu tư để triển khai trong thời gian tới gây nhiều xôn xao trong dư luận.
Đặc biệt, trong suốt 10 năm trở lại đây, việc thực hiện giãn dân, trong đó có di dời nhà máy, trường học ra ngoài trung tâm chưa đạt những kết quả tốt. Thực tế, quy hoạch yếu kém, cao ốc mọc khắp nơi đang khiến hạ tầng các khu vực nội đô trở nên quá tải. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ yêu cầu xây dựng dự thảo Nghị quyết về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, trong đó, lưu ý không tiếp tục phát triển chung cư, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm./.
Theo Danviet
Thêm nhiều con đường "dát vàng"?
4 tuyến đường mới sẽ được xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), dù không nằm trong các quận trung tâm nhưng đều có kinh phí từ 400 tỷ đến... 800 tỷ đồng/km.
4 dự án BT quy mô lớn
Tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ USD).
Trong đó, riêng các dự án giao thông với tổng chiều dài 13,3km và được thực hiện theo hình thức (BT). Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng đường, đổi lại được UBND thành phố Hà Nội giao quỹ đất 158ha có giá trị tương ứng. Các dự án BT này gồm các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông, dự án tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3, dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên và dự án tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda Gardens. Với kinh phí thực hiện mỗi km đường bình quân lên tới 300 tỷ đồng, dư luận không khỏi băn khoăn về những tuyến đường "dát vàng" của Thủ đô.
Tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 do Liên danh Cty CP Phát triển nhân lực LOD - Cty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 2,85 km, kết nối với đường Vành đai 2, đi qua Vành đai 2,5 và nối với Vành đai 3. Như vậy, nếu đem tổng mức tiền này chia đều cho gần 3km đường dự án thì mỗi km đường cũng ngốn khoản kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư với kinh phí là 1.373 tỷ đồng. Để xây dựng tuyến đường dài 1,65km này, Hà Nội dự tính đổi cho Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng khoảng 47,19 ha đất tại ba khu đất trên địa bàn. Quy đổi tương đương mỗi km đường có giá hơn 800 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là dự án xây dựng tuyến đường dài 2,6km, rộng 40m, từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens do Cty TNHH TM và DV KS Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng. Với dự án này, mỗi km đường cũng lên tới gần 400 tỷ đồng.
Dự án thứ tư là Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông sẽ được liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP đầu tư Hải Phát thực hiện. Tuyến đường với kinh phí là 1.961 tỷ đồng, chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 - 40m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội, quận Hà Đông và 2 xã Đông La, La Phù, huyện Hoài Đức. Dự án có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng/km đường.
Nhà đầu tư có đủ năng lực?
Cty Cổ phần Phát triển Nhân lực LOD (trước đây là Cty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài - LOD) - Chủ đầu tư tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hoá, đào tạo lao động xuất khẩu, công nhân kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác; xúc tiến, tư vấn du học, giới thiệu và cung ứng việc làm trong nước; dịch vụ du lịch nội địa và lữ hành quốc tế và các dịch vụ thương mại.
Năm 2014, Cty LOD làm chủ đầu tư Tòa nhà LOD địa chỉ 38 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), tuy nhiên do chưa đủ điều kiện pháp lý về xây dựng, tự ý thay đổi kết cấu công trình, dự án LOD Building bị bỏ hoang, mới đây đã bị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý. Ghi nhận tại đây, công trình quây rào kín, cỏ dại mọc đầy và có dấu hiệu xuống cấp. Được biết, dự án đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Lộc.
Trong khi đó, đơn vị liên danh với Cty LOD là Cty TNHH Phát triển Bắc Việt, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bắc Việt được thành lập tháng 10/2008 và có trụ sở tại số 5, lô 15A, đường Trung Yên 3, phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy). Trong số 12 nhóm ngành nghề đăng ký kinh doanh, ngành nghề chính được giới thiệu của Bắc Việt là kinh doanh bất động sản. Ngoài ra là bán buôn máy móc, thiết bị y tế; vận chuyển hành khách bằng ô tô; xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi.
Điểm chung của hai doanh nghiệp này là chưa từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án giao thông như BT trước khi được thành phố Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn - Thanh Xuân đến đường Vành đai 3. Dư luận băn khoăn lý do liên danh này trúng thầu dự án BT lớn của Thủ đô, cũng như năng lực hoàn thành dự án của các doanh nghiệp này.
Theo Hiểu Minh
Tiền phong
"Đất vàng" 20 năm bỏ không Một khu đất "vàng" có diện tích hơn 3.600m2 đất ở mặt tiền đường Trần Phú (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vào tay của Tập đoàn Hoàn Cầu. Sau gần 20 năm tiếp nhận, khu đất này vẫn bỏ trống, quây tôn. Ngoài ra, hàng loạt dự án bất động sản khác thuộc loại "vàng" được tỉnh Khánh Hòa cũng được giao cho...