Đất và người cù lao Nam bộ
Trong đời sống văn hóa vùng hạ lưu sông Mê Kông, tồn tại một khái niệm “người cù lao”.
Đó không hẳn là những người có nếp sống phù du trôi dạt, rời cố hương để đến sinh cơ lập nghiệp trên các vùng đất gò, bồi, nổi mà, hơn thế, những con người cù lao thường lại bảo lưu nguyên vẹn cội nguồn, như nếp sống nhớ thương miền cũ, chắt lọc tinh hoa văn hóa để tạo nên một bản thể văn hóa mới trên những miền đất mới.
Dịch vụ đi xe đạp trải nghiệm cù lao bắt đầu xuất hiện ở đất Cù Lao Dung. Ảnh: Thụy Văn
Chiến lược phát triển vùng du lịch của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay tiếp tục dựa một phần lớn vào văn hóa đặc trưng của các vùng sông nước cù lao mật độ dày khắp Nam bộ. Các tuyến du lịch miệt vườn cây trái, đồng bưng, chợ nổi, làng nghề, ẩm thực thủy hải sản vàm rạch… đều nằm ở các cù lao lớn như Thới Sơn (Tiền Giang), Minh, Bảo, An Hóa – 3 cù lao lớn của Bến Tre, cù lao An Bình (Vĩnh Long), cù lao Dung (Sóc Trăng)…
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, tuyến du lịch liên kết các vùng cửa sông, biển bắt đầu hình thành quy mô, xâu chuỗi nguồn lực này từ các địa phương. Trong đó, loại hình du lịch mới ra đời là tham quan trải nghiệm các khu rừng ngập mặn ven bờ cù lao, thưởng thức thủy hải sản và chèo thuyền, đi xe đạp, gần gũi với thiên nhiên mà không dùng động cơ, đề cao lối sống xanh để cân bằng lại nhịp độ cuộc sống.
Sau nhiều thập kỷ đồng bằng sông Cửu Long chú trọng phát triển vùng sản xuất hàng hóa và chuyên canh nông nghiệp năng suất cao thì giờ đây, tiềm năng du lịch mới được nhìn nhận đúng mức. Các vùng đất ven biển bắt đầu trỗi dậy, kéo theo nhiều dịch vụ đi kèm mà cách đây vài năm thôi, đó chỉ là những vùng đầm lầy hoang vu ít người lui tới. Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là một nơi như vậy.
Cù Lao Dung hiện nay nằm giữa 2 tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng, kẹp giữa 2 cửa sông lớn của dòng Cửu Long giang là Định An và Trần Đề. Với vị trí bị biệt lập giữa 2 dòng sông cuộn chảy nối với nhau bằng những con phà nên Cù Lao Dung trở nên xa xôi với ngay cả những người dân sinh sống lâu năm ở vùng đất 9 cửa sông Rồng. Thế nhưng, cùng với thời gian cuốn trôi, phù sa bồi lắng và vun đầy cho Cù Lao Dung, biến nơi này thành một huyện đảo trù phú, vùng chuyên canh dừa sáp, mía, bí đường, khoai mật.
Năm 2019, An Thạnh Đông – xã trung tâm của đảo đã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo đà cho cù lao trở thành điểm đến du lịch thú vị, tuy cách trở sông nước nhưng còn nguyên vẹn nếp sống đồng bằng. Người dân Cù Lao Dung giàu lên nhờ nghề trồng mía đường và dừa sáp, toàn bộ các kênh rạch huyện lộ đều được sửa sang mới mẻ, đồng ruộng thẳng thớm, nhà cửa tươm tất.
Video đang HOT
Cuộc sống nông thôn mới xen kẽ với các cây cầu dừa bền màu cũ kĩ mà kiên gan với nắng mưa qua nhiều mùa cây trái. Thảng giữa lau lách có những cây cầu khỉ lẫn trong vàm dừa nước ken dày – cảnh sắc gợi lại một thời khẩn hoang mở cõi của miền Nam hầu như đã không còn nhìn thấy ở các vùng đô thị hóa. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ở đây được nâng lên, người Hoa, người Khmer bảo lưu nếp sống văn hóa và làm dày thêm, phong phú thêm vào những ngày lễ, hội, Tết hằng năm.
Tới Cù Lao Dung vào những ngày đầu mùa khô năm nay, tôi đã hiểu phần nào đời sống ăm ắp, sự hào hiệp của con người sông nước phù sa. Cả miền đồng bằng sông rộng, nước nhiều, hải sản phong phú, người dân tính tình thoáng rộng, tư duy nương tựa vào tự nhiên, sẻ chia đồng cảm.
Giữa những trưa nắng lộng gió trên cù lao, người dân xóm ấp vẫn chịu khó chăm nom những ruộng mía nằm ngăn nắp ven sông. Anh Bảy Dũng – một nông dân vốn có nghề chài lưới ven vàm sông nay chuyển sang dịch vụ ăn uống cho khách du lịch cùng ăn với khách và kể chuyện đời sống của dân cù lao cho tôi nghe.
Anh bảo, dân cù lao đi tới đâu nhận ra liền bởi vẻ thành thật, ngây ngô rất “đồng bưng”, bởi vì nhiều người thường gọi dân cù lao, đến du lịch ở đây cũng là đi chơi với dân cù lao. Dân đảo xưa nay chẳng lừa lọc, trộm cắp vun vén gì nhiều vì hòn đảo biệt lập giữa những dòng sông cuộn chảy, có gây chuyện rồi bỏ chạy cũng chả thoát đi đâu được, dân bám xứ cù lao mà sống, vất vả mấy cũng ngại phải dời đi.
Đời sống giản dị của người dân Cù Lao Dung. Ảnh: Thụy Văn
Tuy du khách chưa tới nhiều, nhưng thỉnh thoảng Bảy Dũng cũng có các hợp đồng của các công ty du lịch rất xa đặt chỗ nghỉ và lo ăn uống cho họ. Món ăn đặc biệt của Cù Lao Dung, lẩu cá lóc trái bần – trái vị chua nấu cá rất hợp riêng có của nơi này.
Dòng sông Cồn Tròn giữa cù lao, dấu tích của cửa Ba Thắc của dòng Cửu Long trôi lờ đờ giữa các vầng cây bần, dừa nước ken dày ven bờ rồi nhập vào cửa Trần Đề ra biển. Các xoáy nước, luồng lạch ở vùng hạ lưu sông Mê Kông sẽ còn là điều cuốn hút cho các nhà nghiên cứu địa hình, bởi nơi đây luôn biến đổi, lúc thì cửa sông này bị mất đi, lúc cửa sông khác lại bồi lên trong cuộc xoay vần và kiến tạo không ngừng.
Và điều kỳ diệu nhất là cuộc sống con người ở vùng đất biến động như thế lại ung dung, hiền hòa đến lạ. Trái ngược với cái đỏng đảnh, “trốn tìm”, còn mất của tự nhiên, tâm thế mỗi người dân ở đây vững vàng, mỗi ngày thêm ăn sâu bén rễ với ruộng đồng.
Cù Lao Dung, cái tên gắn với đoàn quân du kích Long Phú trước đây ghi chiến công chống Pháp trên bến Rạch Già hoang liêu ngút trong rừng bần nay vẫn còn lại di tích. Rừng ngày xưa che chắn cho bộ đội, nay thành rừng đặc dụng chắn sóng, rừng làm du lịch trải nghiệm, rừng nuôi sống người dân kiên gan bám trụ với đất cù lao.
Thụy Văn
Theo bienphong.com.vn
Hồ Tuyền Lâm- Vẻ đẹp nguyên sơ như hồ ngọc
Hồ Tuyền Lâm thanh bình, hiền hòa mà dung dị. Sự kỳ ảo của những hạt sương còn vương trên cỏ, non nước thấp thoáng trong màn sương giăng sớm bình minh vẽ lên cảnh vật hồ Tuyền Lâm tinh khôi, lãng mạn mà lay động lòng người.
Cách trung tâm Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 7 km theo hướng quốc lộ 20 lên đèo Prenn, hồ Tuyền Lâm có diện tích khoảng 320 ha với phong cảnh nên thơ từ làn nước xanh biếc, các ốc đảo nhỏ và rừng thông xanh rì. Hồ nước ngọt rộng nhất xứ ngàn hoa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia năm 1998.
Năm 1987, Tổng công ty thủy lợi Lâm Đồng xây dựng hồ nước chắn ngang suối Tía gọi là Quang Trung, về sau đổi tên thành hồ Tuyền Lâm. Tuyền là suối, còn Lâm là rừng. Tuyền Lâm nghĩa là nơi sông suối, núi rừng giao hòa với nhau. Theo thuyết ngũ hành, thủy sinh mộc, Tuyền Lâm còn là nơi vạn vật khởi đầu sự sống, sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh vẻ đẹp vẹn nguyên như hồ ngọc giữa rừng thông thuở ban sơ, Tuyền Lâm càng cuốn hút với rừng cây ngập nước trong làn sương sớm đầu xuân. Rừng chò ngập nước tại nhánh hồ này là điểm sáng tác "cực phẩm" của nhiều nhiếp ảnh gia. Xuân về, những hàng cây chò ra chồi non mơn mởn, thấp thoáng hình bóng liêu xiêu, nhấp nhô trên mặt hồ.
Ngày đầu xuân lạnh giá, mặt hồ tĩnh lặng trắng xóa màu sương trở nên sống động, có hồn hơn với cây chò cô đơn, người lái đò cùng chiếc thuyền nhẹ trôi tạo nên khung cảnh đẹp như tranh thủy mặc xưa.
Du khách đến hồ Tuyền Lâm có thể dạo chơi hoặc nằm thư giãn trên bãi cỏ quanh hồ và thả hồn theo cảnh vật phóng khoáng. Sương sớm còn đọng lại trên vạt cỏ cũng là góc ảnh thi vị để các nhiếp ảnh gia sáng tác, bắt trọn khoảnh khắc ban mai.
Hồ Tuyền Lâm nói riêng và Đà Lạt nói chung vẫn luôn "đẹp sẵn" như thế. Vẻ đẹp đó hòa quyện giữa sông và suối, núi đồi và rừng nguyên sinh, bức tranh thiên nhiên hồ Tuyền Lâm thanh bình, hiền hòa mà dung dị. Sự yên tĩnh nơi đây như đưa du khách lạc vào thế giới khác, thiên đường tao nhã nên thơ, tránh xa bụi bẩn, ồn ào của phố thị.
Thúy An (t/h)
Theo dulich.petrotimes.vn
Đón mùa yêu ngọt ngào tại các điểm du lịch trong nước Môt chuyên du lich trong nươc ngăn ngay la mon qua ngot ngao vào dịp lê tinh nhân. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn cùng người ấy hâm nóng tình cảm vào mùa yêu. Ảnh: Wild.passengers, huyentran8818. Đà Lạt vốn được mệnh danh là thành phố tình yêu, thiên đường mộng mơ dành cho các cặp đôi yêu nhau. Cảnh sắc...