Đặt tên lửa ở Châu Á, Mỹ dễ phá tuyến phòng thủ của Trung Quốc?
Theo giới quan sát, với những tên lửa phóng từ trên không và trên biển đang được triển khai tại Châu Á, Mỹ có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của Trung Quốc.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc trên thế giới. Bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách Kiểm soát vũ khí và An ninh Quốc tế tuần trước xác nhận rằng, Washington đang tham vấn với các đồng minh đã ký kết hiệp ước phòng thủ an ninh chung, gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản trong bối cảnh nước này có kế hoạch bố trí các tên lửa tầm trung và tầm xa tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc
Mục tiêu của việc triển khai là nhằm đối phó với Trung Quốc – quốc gia nằm ngoài khuôn khổ INF, Mỹ cho rằng các tên lửa của Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ tại Châu Á. Tuy nhiên, với khả năng tấn công của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, có nhiều tranh cãi về việc liệu mối lo ngại này của Mỹ có hợp lý hay không.
Sau khi rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF mà Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết vào năm 1987, Tổng thống Trump muốn một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới có sự tham gia của Trung Quốc. Ông Trump lập luận rằng Trung Quốc có một lượng lớn tên lửa đạn đạo cùng với tên lửa hành trình tầm trung và tầm xa phóng từ mặt đất, điều mà Mỹ đang thiếu.
Thoát khỏi những ràng buộc của INF, giờ đây Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc – quốc gia có kho vũ khí bao gồm phần lớn các loại vũ khí bị cấm phát triển theo INF. Washington tin rằng, họ ngày càng gặp khó khăn trong việc bảo vệ chính mình và bảo vệ các đồng minh chỉ với “hệ thống lá chắn”, trong đó có hệ thống tên lửa Patriot, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của “chiếc giáo tấn công” để chống lại các lực lượng của đối phương.
Video đang HOT
Theo các nhà quan sát, hầu hết khả năng tấn công của Trung Quốc là từ đất liền, trong khi Mỹ và Nga có cùng lợi thế với các cuộc tấn công từ trên không và trên biển. Vì thế các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng việc tuân thủ một Hiệp ước INF đa phương sẽ tạo ra sự bất cân xứng lớn giữa Bắc Kinh và các đối thủ chiến lược. Trung Quốc từng tuyên bố nước này không có ý định giảm số lượng tên lửa dự trữ, theo như quy định của INF, bởi điều đó sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, nước này cũng cảnh báo không “khoanh tay đứng nhìn” và sẽ thực hiện biện pháp đối phó nếu Mỹ triển khai tên lửa khai hỏa trên đất liền tại các quốc gia đồng minh ở Vành đai Thái Bình Dương hoặc ở đảo Guam.
Sức mạnh trên không và trên biển
Nhiều nhà quan sát nhận định, Washington không cần phải triển khai vũ khí bị cấm theo Hiệp ước INF ở Châu Á vì nước này đã có sẵn trong khu vực những tên lửa phóng từ trên không và trên biển có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của Bắc Kinh. Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 của Mỹ đã nêu bật khả năng chống chịu và sinh tồn của các lực lượng đáp trả của quân đội Mỹ, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình phóng từ trên không, ngay cả khi không có sự hỗ trợ của các hệ thống phóng từ mặt đất.
Mỹ thử tên lửa hành tình sau khi rút khỏi INF. Ảnh AFP.
Trái lại, Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) có trụ sở tại Washington cho biết trong một nghiên cứu gần đây rằng, những mối đe dọa nghiêm trọng với các lực lượng không quân và hải quân Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, kết hợp với khó khăn của hoạt động hỗ trợ từ xa trong khu vực có thể làm giảm khả năng phản ứng nhanh của nhiều máy bay hoặc tàu chiến Mỹ.
Theo các nhà phân tích của CSBA, các tên lửa tầm trung và tầm xa triển khai từ đất liền có thể ứng phó nhanh hơn, nhất là ở giai đoạn bắt đầu chiến dịch khi “hệ thống phòng thủ của đối phương chưa bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ và do đó có thể phát huy khả năng chống chịu mạnh mẽ nhất”.
Ý tưởng khôi phục lại chương trình Tomahawk
Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với chính quyền Tổng thống Trump là các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương,gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines dường như không sẵn lòng tiếp nhận các tên lửa triển khai từ mặt đất của Washington. Đó là còn chưa kể đến việc phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ ngần ngại thông qua ngân sách cho hoạt động triển khai tên lửa tầm trung và tầm xa tại châu Á.
Một số ý kiến khác cho rằng, khôi phục chương trình trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa hành trình Tomahawk triển khai trên biển, đặc biệt trên tàu ngầm sẽ khả thi hơn nhiều về mặt chính trị, ngoại giao và tài chính. Tên lửa hạt nhân tấn công trên đất liền Tomahawk đã bị ngừng sử dụng dưới thời chính quyền Tổng thống Obama.
Song việc khởi động lại chương trình này có thể thúc đẩy Trung Quốc trang bị tên lửa cho các tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường của họ. Theo báo cáo thường niên của quân đội Mỹ về đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc, tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc mà Mỹ xếp vào loại tàu tuần dương lớp Renhai, có khả phóng tên lửa hành trình tấn công đất liền. Và Trung Quốc có thể tiến hành bước tiếp theo là phát triển tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ tàu ngầm, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với Mỹ./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP
Tổng thống Putin ra lệnh đáp trả hành động phóng tên lửa của Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác có biện pháp đáp trả vụ phóng tên lửa gần đây của Mỹ.
Phát biểu trước Hội đồng an ninh, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga không bao giờ muốn và sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mang tính hủy diệt và tốn kém. Dù vậy, trong những hoàn cảnh ngày càng rõ ràng thì phía Nga cần phải có những biện pháp đáp trả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
"Tôi đang ra lệnh Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và những cơ quan khác phân tích mối đe dọa đối với nước chúng ta xuất phát từ các động thái của Mỹ và thực hiện những biện pháp mang tính toàn diện để chuẩn bị cho một cuộc đáp trả tương xứng. Tất cả điều này chắc chắn cho thấy ý định thật sự của Mỹ trong việc rút khỏi INF là muốn được tự do triển khai những tên lửa bị cấm trước đó ở những khu vực khác nhau của thế giới", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Mệnh lệnh của Tổng thống Nga được đưa ra chỉ vài ngày sau khi quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk. Tên lửa bay xa khoảng 500km trước khi đánh trúng mục tiêu giả định.
Tên lửa mới được Mỹ phóng thử vốn bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước INF do Nga và Mỹ ký năm 1987 cấm tất cả tên lửa phóng từ mặt đất với tầm phóng từ 500 - 5.500 km.
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi INF sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa vi phạm hiệp ước này. Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc, cho rằng Washington chỉ đang tìm cớ để rút khỏi hiệp ước từng được xem là bước ngoặt trong giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Trong những năm qua, Nga đã liên tục bày tỏ lo ngại về các hệ thống tên lửa của Mỹ, nhiều khả năng được đặt ở các nước như Rumani và Ba Lan, và có thể được sử dụng cho các mục đích gây chiến.
Quang Minh (t/h)
Theo NĐ&ĐS
Anh 'tố' Nga triển khai bí mật hệ thống tên lửa nhắm vào châu Âu Moscow và Washington mới đây đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Anh cho rằng chính Moscow là bên có lỗi trong việc phá vỡ thỏa thuận này. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. "Nga đã gây ra sự sụp đổ của Hiệp ước INF do việc phát triển và triển khai bí mật hệ...