Đất lành sen mọc
Sen thân thuộc đến mức, đi bất kỳ đâu trong tỉnh An Giang cũng đều gặp. Chưa bao giờ những sản phẩm từ sen lại khan hiếm trên thị trường.
Đặc tính dễ trồng, dễ sống đã giúp sen đi tới đâu, nơi đó trở thành đất lành.
Ở An Giang, sen mọc cạnh đồng lúa hoặc có khi thay thế đồng lúa để trở thành đồng sen, nuôi sống nông dân.
Có đồng sen được bố trí theo dạng sinh thái miệt vườn, phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách, kèm theo dịch vụ ăn uống. Nhưng nhiều nơi, sen mọc cứ mọc, ai muốn ghé thăm cứ ghé miễn phí, chỉ mất công chứ không mất tiền.
Anh Mẫn (34 tuổi) rời quê Chợ Mới, qua xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn) bám trụ 16 công đất nông nghiệp. Sen được chọn làm cây kinh tế, lớn lên theo ước vọng đủ ăn đủ mặc của gia đình anh.
Sau 3 tháng 10 ngày, sen cho lứa thu hoạch đầu tiên. Nhìn nét sen thanh tao, mềm mại vậy chứ, sơ sẩy một chút là bị thân sen cứa nát tay chân. Mỗi lần muốn ra thu hoạch gương sen, anh Mẫn phải trang bị bao tay, bao chân thật dầy.
Cứ 2 ngày/lần, 16 công sen mang về cho anh 900kg gương sen. Đó là chưa kể, khách vãng lai muốn mua vài kg giữa các đợt bẻ, anh đều đáp ứng được.
Video đang HOT
“Sen dễ trồng lắm. Cứ 10 ngày chịu khó rải 10kg phân, là sen cho “ăn” hoài. Ruộng sen của tôi ước tính có thể thu hoạch dài tới qua Tết Nguyên đán 2023″ – anh Mẫn chia sẻ.
Khác với nhiều nông dân khác, anh bán hoa sen, không mở địa điểm du lịch sinh thái, mà chỉ đơn thuần thu hoạch gương lụa (hạt sen vừa ăn).
Ruộng sen rất lớn, nằm cặp đường liên xã, nên khách qua lại bị hút hồn bởi nét đẹp khó cưỡng của sen. Cứ giơ máy ảnh lên là bắt trọn khoảnh khắc hoa sen vươn mình trong nắng, bung nở rực rỡ như cô gái xuân thì.
Nụ cười của anh Mẫn cũng tỏa nắng như sen, khi loài cây trồng này mang đến lợi nhuận ổn định. Giá lên xuống thất thường là chuyện hiển nhiên, có khi đang hơn 20.000 đồng vọt lên đến gần 60.000 đồng/kg. Mùa sen rộ, thương lái mua dao động 25.000 đồng/kg. Tiền vốn đã thu hồi, sen còn cho gương thêm ngày nào, anh lời ngày nấy.
Nếu muốn thu hoạch sen già hơn một chút để chế biến thành món ăn ngọt bùi, cứ cho hay trước. Anh ngơi tay thu hoạch, chừa thời gian cho sen trở mình, đổi màu nhẹ, rồi đem vào phơi nắng.
Câu chuyện của anh Mẫn dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đồng sen nào. Như một lời hứa dài lâu, sen lại tiếp tục sống hòa vào con người, mang lại màu sắc tươi sáng cho những nơi mình xuất hiện…
Tượng Phật bốn tay và hai bia đá kỳ bí ở chùa Linh Sơn
Hai bia đá và tượng Phật bốn tay là hiện vật cổ Óc Eo có niên đại hàng ngàn năm, được thờ tại chùa Linh Sơn, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang).
Di chỉ văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp Malleret phát hiện năm 1942. Sau đợt khảo sát các di tích lịch sử văn hóa từ 1985-1987, ở An Giang phát hiện thêm 2 di tích liên quan đến nền văn hóa Óc Eo là hai bia đá lộ thiên và tượng Phật bốn tay tại chùa Linh Sơn. Chùa được xây dựng trên nền đất cao, bao quanh có rất nhiều cây đại thụ, không gian quanh năm mát mẻ và xanh tươi.
Theo Địa chí An Giang, vào năm 1913, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê, một nhóm người phát hiện tượng Phật ở độ sâu khoảng 2m. Họ dùng đòn bẩy và dây gánh tượng lên mặt đất và mang về địa điểm nay là chùa Linh Sơn.
Điều thú vị là tượng mang về đặt đứng rất ăn khớp với hai bia đá cổ. Mặt bia đá khắc chữ lạ chưa ai hiểu được nội dung. Sau đó người dân xây dựng mái che và nơi này trở thành ngôi chùa Linh Sơn.
Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo chùa, tượng Phật đứng được nghệ nhân đắp thêm phần chân ngồi kiết già,tô chỉnh phần mặt và thân, khiến tượng có dáng vóc là Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền, nhưng lại có bốn tay.
Những viên gạch phủ rêu được khai quật cùng lúc với tượng Phật bốn tay, được di chuyển về chùa, ốp thành những dốc đá.
Chùa trở thành điểm tâm linh thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái và cũng là nơi vui chơi yêu thích của trẻ con bởi không gian mát mẻ, yên bình.
Ngày 18/1/1988, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận hai bia đá và tượng Phật bốn tay là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây cũng là cơ sở nền tảng để các nhà khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và khai quật nhiều địa điểm khác quanh phạm vi trung tâm nền văn hóa Óc Eo ở xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn).
Tượng Phật bốn tay và 2 bia đá kỳ bí ở chùa Linh Sơn 2 bia đá và tượng Phật bốn tay là hiện vật cổ Óc Eo có niên đại hàng ngàn năm, được thờ tại chùa Linh Sơn, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang)... Di chỉ văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp - ông Malleret phát hiện năm 1942. Sau đợt khảo sát các di tích lịch sử văn hóa từ...