Đến Châu Đốc, ngồi xe lôi ngắm phố!
Nếu như ở các thành phố lớn của nước ta như: Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng…, từ lâu hình ảnh những chiếc xích lô chuyên chở khách du lịch chầm chậm chạy trên các đường phố đã trở nên thân thuộc, thì với Châu Đốc, TP trực thuộc tỉnh An Giang, phương tiện phổ biến khiến khách du lịch trong và ngoài nước luôn mê mệt, thích thú là những chiếc xe lôi!
Muôn kiểu xe lôi ở Châu Đốc.
Theo tôi biết, từ rất lâu những chiếc xe đạp lôi đã trở nên thân thuộc và phổ biến ở vùng đất Thất Sơn- Bảy Núi này. Không chỉ dùng để chuyên chở khách du lịch đi du dạo ngắm thành phố, tới thăm thú các di tích, danh lam thắng cảnh trong những năm gần đây; những chiếc xe đạp lôi từ nhiều thập kỷ trước đây tại Châu Đốc nói riêng và TP Long Xuyên nói chung đã được coi là phương tiện vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện, và nó hệt giống như những chiếc xe gắn máy ôm phổ biến ở vài thập kỷ gần đây.
Là một người đã đến với Châu Đốc rất nhiều lần, và lần nào tới đây, dù đi cùng bạn bè người thân, hay đi một mình, thì khi du dạo, thăm thú, ngắm thành phố bất kể đêm hay ngày, tôi đều chọn phương tiện đi lại là xe đạp lôi. Không phải ở đây không có xe taxi, xe ôm; và cũng không phải phí đi xe đạp lôi rẻ hơn các loại phương tiện kia…, mà chỉ đơn giản là tôi thích. Không riêng gì tôi, mà tôi thấy rất nhiều du khách cũng vẫn thường chọn đi lại trong thành phố bằng xe lôi, nhất là vào dịp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ vào dịp tháng 4 Âm lịch hàng năm khi mà khách du lịch tứ phương đổ về đây đông đúc thì xe lôi chạy ngập tràn trên những con phố. Quanh khu vực Miếu Bà Chúa Xứ trên Núi Sam, là nơi mà cánh tài xế xe lôi tập trung đông nhất, bởi cũng dễ hiểu là bất cứ khách du lịch nào khi tới Châu Đốc thì đều không thể “bỏ qua” địa điểm này, khi mà ngoài việc dâng hương cúng lễ Bà Chúa Xứ ra thì mọi người cũng đều viếng thăm khu chợ sầm uất gần đó để mua sắm các loại mắm, quần áo, hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia…
Những người tôi quen ở Đà Nẵng, đặc biệt ở quận Sơn Trà, quê hương của Thoại Ngọc Hầu, hai năm một lần đến giỗ Ngài tại Thoại Sơn đều tìm đến xe lôi như một trải nghiệm thú vị. Từ già đến trẻ đều thích. Vâng, nếu như khách du lịch nào đã tới Châu Đốc và có những giây phút ngồi trên thùng những chiếc xe đạp lôi để dạo thăm, ngắm cảnh thành phố nhỏ xinh này hẳn sẽ khó lòng quên được những nét thi vị, sự thích thú…
Ngồi xe lôi, trên các vòng quay chầm chậm của bánh xe không động cơ, du khách sẽ được cảm nhận đến sâu cùng nhịp sống, bức tranh phố xá đổi mới. Không chỉ chở khách đi ngắm phố, những tài xế hành nghề xe lôi thường “kiêm” luôn công việc của một… hướng dẫn viên du lịch rất am hiểu, lành nghề, và thân thiện, vì vậy mà hành khách muốn biết, muốn hỏi bất cứ điều gì về địa điểm ăn uống, các nơi cần đến, sẽ đến thăm thú…, đều được đáp ứng hết.
Những người hành nghề xe lôi phần lớn là những thanh niên trai tráng, khi mà công việc này rất cực nhọc, họ phải gò lưng đạp xe chở theo phía sau cả gần 1 tạ trọng lượng, thậm chí vài tạ trọng lượng, khi mà chuyến xe ấy có tới vài ba người khách cùng ngồi trên thùng xe. Vất vả là vậy nhưng bù lại tiền thù lao họ nhận được cũng là rất xứng đáng so với công sức mình bỏ ra. Mỗi chuyến xe, tùy theo quãng đường ngắn- dài chủ xe có thể nhận được từ dăm chục ngàn đồng cho tới cả trăm ngàn đồng. Đó còn chưa kể đại đa phần khi kết thúc chuyến đi khách đều “boa” thêm cho chủ xe một ít tiền gọi là… tình cảm!
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, điểm đến tâm linh trứ danh Nam Bộ
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc là một điểm đến tâm linh được cộng đồng đam mê du lịch chú ý nhất khu vực miền Tây Nam Bộ.
Video đang HOT
Đây là một điểm đến làm nên sự nổi tiếng của thành phố Châu Đốc trong bản đồ du lịch An Giang nhiều màu sắc.
Du lịch An Giang là một bức tranh đa màu sắc. Nhưng nổi bật trong bức tranh ấy chính là màu sắc du lịch tâm linh. Ở An Giang có nhiều đình, chùa, miếu có tiếng tăm gắn với những lễ hội độc đáo. Những ngôi chùa miếu nổi tiếng ở vùng An Giang có thể kể đến như Miếu Quan Đế ở Tân Châu, Chùa Tà Pạ ở Tri Tôn hay Chùa Vạn Linh Núi Cấm ở Tịnh Biên. Nhưng nổi tiếng và được cộng đồng du lịch tâm linh lui tới nhiều nhất phải kể đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc.
1. Tổng quan về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
1.1 Giới thiệu sơ nét về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
Đã từ lâu, địa danh Miếu Bà Chúa Xứ đã gắn liền với vùng Châu Đốc linh thiêng đầy huyền bí. Không ai quy định gì, mặc nhiên, những ai chọn đến du lịch Châu Đốc đều nhất định phải ghé viếng Miếu Bà Chúa Xứ An Giang. Không chỉ là một điểm đến tâm linh thu hút sự chú ý của cộng đồng du lịch, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc còn là niềm tự hào của du lịch địa phương nói riêng hay cả tỉnh An Giang nói chung.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc là niềm tự hào lớn của du lịch An Giang
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn gắn với những câu chuyện mang tính lịch sử về người khai hoang vùng đất cũng như chống giặc ngoại xâm. Tương truyền, Bà Chúa Xứ Núi Sam là một nhân vật khá linh thiêng, cầu gì được nấy nên hàng năm, lượng người tứ xứ đổ về đây để nguyện cầu mong công việc thuận buồm xuôi gió, gia đạo bình an ngày càng nhiều (có năm lên đến hơn hàng triệu lượt người đến viếng Bà).
Nhìn từ trên cao, không gian Miếu Bà hiện ra rộng lớn và có kiến trúc vô cùng đẹp mắt. Ảnh: Bac Huynh Photography
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc ngày trước vốn chỉ là một ngôi nhà gỗ vách lá đơn sơ để thờ phụng, đến nay đã trở thành một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Đông phương.
Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng theo nét kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Đông
Có truyền thuyết kể lại rằng, cách đây khoảng chừng 200 năm, người dân tại Châu Đốc đã phát hiện một bức tượng Bà ở khu vực đỉnh Núi Sam và có nguyện vọng thỉnh đem xuống để thờ. Tuy nhiên, đã có một hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Nhiều thanh niên cường tráng cố khiêng tượng Bà xuống núi nhưng không dịch chuyển được. Theo lời một bà đồng, người dân cử 9 thiếu nữ đồng trinh đên khiêng tượng Bà xuống. Kỳ lạ thay, lúc 9 thiếu nữ cùng khiêng tượng Bà xuống, pho tượng được di chuyển vô cùng dễ dàng và nhẹ nhàng. Đến khu vực chân Núi, tượng Bà bỗng hạ xuống và nặng trịch, không thể di chuyển được nữa. Vì thế, người ta chọn đây là nơi an vị Bà, sau đó xây dựng một ngôi miếu để thờ phụng.
1.2 Cách di chuyển đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc tọa lạc tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Vì là một trung tâm du lịch của tỉnh nên đường đi đến đây khá dễ dàng và thuận tiện.
Nếu bạn đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, hãy di chuyển bằng phương tiện xe khách theo hướng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận và tìm đường đến Quốc lộ 91 là sẽ đến được trung tâm thành phố Châu Đốc. Quãng đường dài tổng cộng 207 km và mất hơn 5 tiếng để di chuyển. Vì thế, bạn có thể chọn những tuyến xe khách chạy đêm để có thể tiết kiệm thời gian nhé!
Nếu bạn di chuyển từ trung tâm thành phố Long Xuyên, bạn có thể chọn phương tiện xe máy để đến đây. Đầu tiên, hãy chạy xe đến với khu vực Vĩnh Thạnh Trung. Sau đó, bạn đi dọc theo Quốc lộ 91 hoặc đường ĐT945 để đến được Kinh 4 thuộc phường Châu Phú B, Thành phố Châu Đốc. Sau đó, bạn đi tiếp đến đường Châu Thị Tế/ Tân Lộ Kiều Lương sẽ đến được khu vực Núi Sam và chiêm ngưỡng sự uy nghi của Miếu Bà. Trên đường đi, bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp của Khu du lịch Cáp treo Núi Sam.
1.3 Thời điểm thích hợp để đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc là một điểm đến mà bạn có thể ghé thăm bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường chọn viếng Bà vào dịp Tết Nguyên Đán để nguyện cầu những điều bình an trong cuộc sống.
Ngoài ra, khách thập phương thường hay chọn viếng Bà vào dịp 24 đến 27 tháng 4 Âm lịch. Đây là thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Vì thế, vào thời gian này, Miếu Bà cực kỳ đông đúc và nhộn nhịp, đặc biệt vào ngày 25 vì đây là ngày vía chính. Tùy theo mục đích đến nơi đây để tham quan, cầu nguyện hay dâng lễ vật, bạn có thể chọn thời điểm thích hợp để đến với địa điểm tâm linh nổi tiếng này.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được diễn ra từ 24 đến 27 tháng Tư hàng năm
2. Bà Chúa Xứ Núi Sam là ai?
Theo nhiều nghiên cứu, tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc được đánh giá là pho tượng đá sa thạch xa xưa nhất ở Việt Nam và có nhiều bộ áo phụng cùng nhất theo sách Kỷ lục của tỉnh An Giang 2009.
Louis Malleret, một nhà khảo cổ người Pháp đã nghiên cứu và cho rằng, tượng Bà vốn thuộc nhóm tượng thần Vishnu (nam thần). Theo nghiên cứu và dự đoán, tượng Bà có giá trị nghệ thuật rất cao và được tạc vào cuối thế kỷ thứ VI. Rất có thể, tượng Bà là một hiện vật còn sót lại của nền văn minh Óc Eo.
Tương tự thế, theo những ghi chép của nhà văn Sơn Nam, ông cho rằng tượng Bà vốn là tượng Phật nam của người Khmer xưa đã bị bỏ quên rất lâu trên đỉnh núi Sam. Một thời gian sau, tượng Bà được người dân Việt mang về và tân trang lại.
Một nhận định khác nữa đến từ ông Trần Văn Dũng, tác giả cuốn "Lịch sử khai phá vùng Châu Đốc 1757-1857" cũng cho rằng, tượng Bà Chúa Xứ vốn là tượng nam, đang ngồi với tư thế vương giả. Phần đầu tượng hiện nay vốn không phải là nguyên gốc mà là đã được chế tác lại, vì đá ở phần này khác hẳn đá ở phần thân tượng.
3Kiến trúc của Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, một không gian lung linh huyền ảo
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc ngày xưa được ông Thoại Ngọc Hầu cho khởi công xây dựng. Ban đầu, ngôi miếu được xây dựng với kết cấu bằng gỗ với thiết kế khá đơn sơ. Sau này, người dân biết ơn Bà Chúa Xứ đã giúp địa phương mưa thuận gió hòa, bảo vệ xóm làng nên đã quyên góp và dựng lên một ngôi miếu khá khang trang và chỉn chu để thờ phụng Bà vào năm 1870.
Kiến trúc của miếu thờ bà có các văn hóa mang đậm tính nghệ thuật. Ở phía trên cao của khu vực lầu chánh điện có các pho tượng thần vô cùng mạnh mẽ và uy nghi đang dang tay đỡ những đầu kèo. Khung bao, cánh cửa và các chi tiết của miếu được chạm trổ, khắc, lộng hết sức tinh xảo và lộng lẫy.
Đến năm 1976, Miếu Bà hầu như đã được hoàn thiện trong việc xây dựng. Kiến trúc của Miếu Bà nhìn trên cao như chữ Quốc, với các khối tháp được bao bọc như một đóa hoa sen đang kỳ nở rộ.
Phần mái ngói của chánh điện được vút công như một đài sen đang trong kỳ nở rộ
Chánh điện của Miếu Bà bao gồm hai lớp, với lớp trong cùng là nơi thờ phụng với tượng Bà được an tọa trên bệ cao, phía bên cạnh được đặt hai con hạc trắng tượng trưng cho cốt cách tiên thành của Bà. Hương án thờ bên phía phải tượng Bà là một linga (sinh thực khí nam) bằng đá, được gọi là bàn thờ Cậu. Phía còn lại là hương án thờ một tượng gỗ được chạm hình yoni (sinh thực khí nữ), được gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai, sát với hai bức tượng chim phượng là bàn thờ Hội đồng. Hai bên tả hữu của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn ở bên trái và bên còn lại là bàn thờ Hậu hiền khai cơ.
Măng Đen - Vẻ đẹp tiềm ẩn giữa núi rừng Tây Nguyên Những năm gần đây, du lịch Tây Nguyên được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm và yêu thích. Bởi nơi đây có những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo, những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, không thể không nhắc tới Măng Đen - một vùng...