Đắp mặt nạ sao cho hiệu quả
Quan niệm mặt nạ từ thiên nhiên tốt, không độc hại, khiến nhiều người lầm tưởng sử dụng thế nào cũng được…
BS Ngô Thị Thu Cúc – chuyên khoa da liễu, Trung tâm thẩm mỹ Venus cho biết, da có năm loại: da khô, da nhờn, da thường, da hỗn hợp, da nhạy cảm. Mặt nạ có từng công dụng như: dưỡng ẩm, tẩy da chết, trị mụn, chống lão hóa, cung cấp chất dinh dưỡng… Mặt nạ rau củ chỉ có tác dụng cung cấp vitamin, khoáng chất cho da, mặt nạ thuốc bán sẵn có nhiều công dụng trị liệu hơn.
Trước khi đắp mặt nạ nên biết da mình thuộc loại nào, mục đích đắp mặt nạ để làm gì bởi không phải mặt nạ nào cũng hợp với da. Nếu gặp trường hợp da nhạy cảm, dùng mặt nạ từ thiên nhiên cũng có thể làm da dị ứng. Vì vậy, nên có chuyên viên tư vấn để có loại mặt nạ phù hợp.
Chỉ nên đắp mặt nạ khi da hoàn toàn khỏe mạnh như không bị trầy xước, không nổi nhiều mụn để tránh làm tổn thương da. Trước khi đắp phải rửa sạch da, lau bằng lotion, massage hoặc có thể xông mặt bằng nước nóng khoảng 15 phút để lỗ chân lông giãn nở, dễ hấp thu dưỡng chất. Sau khi đắp mặt nạ da sẽ yếu, dễ bắt nắng, dễ bám khói bụi ô nhiễm, vì vậy nên đắp vào ban đêm.
Video đang HOT
Nhiều người quan niệm, đắp mặt nạ càng lâu, da càng hấp thu nhiều dưỡng chất nên thường để nguyên mặt nạ xem phim, đọc báo, thậm chí ngủ đến sáng. Tuy nhiên, loại mặt nạ nào cũng có thời gian nhất định. Tốt nhất chỉ sử dụng 15-20 phút. Mặt nạ có chất tẩy mạnh chỉ nên đắp 10-15 phút. Đắp càng lâu, lỗ chân lông bí hơi, tuyến nhờn không có chỗ để “thở”, da dễ nổi mụn, mẩn ngứa. Chưa kể, mặt nạ có chất tẩy sẽ lấy đi độ ẩm tự nhiên của da, làm da bị khô, nhăn.
Việc đắp một lớp mặt nạ quá dày cũng khiến nhiệt độ bề mặt da tăng, lỗ chân lông mở rộng, tạo điều kiện cho bụi bám và vi khuẩn phát triển. Vì vậy, chỉ nên đắp một lớp mỏng vừa phải.
Đắp mặt nạ quá nhiều lần trong tuần cũng giống như việc lột da, càng lột da càng non, càng yếu, dễ bắt nắng, mất đi lớp bảo vệ. Một tuần chỉ nên đắp hai lần để da có thời gian tái tạo và khôi phục.
BS Thu Cúc khuyên: dù mặt nạ mua sẵn hay mặt nạ tự chế, trước khi đắp lên mặt cần kiểm tra có hợp với da mình không, bằng cách thoa một lớp mỏng vào mặt trong cánh tay, nếu có phản ứng bất thường như mẩn đỏ, ngứa… thì không nên tiếp tục.
Theo Alobacsi
Aspirin và chanh có trị được mụn
Anh Nguyễn Chí Thành (ngụ Tiền Giang), đến Khoa Da liễu, BV ĐH Y Dược TP.HCM với khuôn mặt bị sưng tấy, mụn bị viêm đỏ, mưng mủ.
Ảnh minh họa: internet
Trước đó, mỗi ngày ba lần anh thoa hỗn hợp 10 viên aspirin và hai trái chanh. Sau hơn một tuần thì xảy ra hiện tượng trên.
TS-BS Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở 2 Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, mụn là hiện tượng viêm nang lông tuyến bã. Bình thường, tuyến bã nhờn tiết ra chất bã nhờn để làm trơn bề mặt da. Vì một nguyên nhân nào đó tuyến bã bị tắc nghẽn (thông thường là do sự sừng hóa nang lông hoặc do sử dụng một số loại mỹ phẩm gây nhân mụn làm bít lỗ chân lông) kết hợp với sự bài tiết quá mức làm các chất bã nhờn không thoát ra được mà tích tụ lại trong các nang lông.
Nếu cộng thêm tác động của vi khuẩn sẽ gây nên tình trạng mụn viêm với biểu hiện như sẩn đỏ, mụn mủ... Các yếu tố làm mụn phát triển nặng thêm như: stress, mất ngủ, thay đổi nội tiết, rối loạn tiêu hóa, ăn nhiều đồ dầu mỡ, đường, chăm sóc da không đúng cách, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp...
Aspirin thuộc nhóm thuốc chống viêm non - steroid, chứa axit salicylic, có tác dụng chống đau, viêm, hạ sốt khi uống nhưng không có chỉ định khi bị mụn. Nước cốt chanh chứa nhiều axit trái cây như axit glycolic, axit citric, AHA... AHA cũng thường có trong các mỹ phẩm chăm sóc da mụn nhưng được bào chế với nồng độ chính xác và có thêm các chất làm giảm kích ứng da.
Hỗn hợp aspirin và nước chanh có thể làm mụn khô, se lại do chứa axit nhưng không trị được mụn và có thể làm da bị kích ứng và viêm nặng hơn. Chưa kể, nếu bôi trên da thường xuyên sẽ làm khô da, da bị bào mòn, dễ bắt nắng, mất đi lớp dầu bảo vệ, thay đổi độ axit và kiềmcủa da.
TS-BS Lê Ngọc Diệp tư vấn, để chăm sóc da bị mụn, cần rửa mặt sạch ngày hai lần sáng và tối với sữa rửa mặt dành cho da mụn. Nếu bị mụn nhẹ có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da nhưng nặng hơn thì phải kết hợp thêm thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tránh sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, chà xát da mặt, thoa các chất làm se da, đắp mặt nạ... Chế độ ăn nên giảm lượng mỡ, đường, sữa và tăng thêm rau xanh, trái cây, uống hai-ba lít nước mỗi ngày.
Theo Alobacsi
Làm tan mỡ hiệu quả Mỗi ngày bạn đều hì hục tập luyện tới vã mồ hôi, thậm chí tập với những loại tạ nặng nhất để đốt cháy mỡ, nhưng các "cục mỡ" như bị chai lỳ, không biến chuyển. Hãy thử học cách đánh thức các cơ bắp để cơ thể nóng lên "bất ngờ" và đốt cháy calorie nhiều hơn. Dưới đây là một số...