“Đạo đức với Trung Quốc ở Biển Đông là ngây thơ chiến lược”
Để giải quyết khủng hoảng giàn khoan 981 gần đây, Việt Nam đã thực hiện một chiến lược ngoại giao năng động, Heydarian bình luận.
Chiến hạm Trung Quốc rình rập trên Biển Đông.
Richard Javad Heydarian, một trợ lý giáo sư trong các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị đại học De La Salle, cố vấn chính sách của quốc hội Philippines ngày 23/10 có bài phân tích trên tờ National Interest bình luận, việc Philippines quyết định dừng cải tạo sân bay trên đảo Thị Tứ, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để giữ gìn đạo đức trong vụ khởi kiện đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là một sự ngây thơ chiến lược.
Trong nhiều năm qua Philippines đã không có một máy bay chiến đấu hiện đại mới nào được bổ sung, trong khi lực lượng tàu hải quân cũ kĩ được tăng cường rất hạn chế. Heydarian cho rằng, nhờ Tổng thống độc tài Ferrdiand Marcos, Philippines mới xây dựng được các cấu trúc phòng thủ vĩnh viễn (bất hợp pháp) trên một số đảo ở Trường Sa để “quản lý” vùng biển Manila yêu sách chủ quyền “một cách hiệu quả và liên tục”, nhưng ưu thế này đang đần mất đi.
Video đang HOT
Manila đã cố gắng biện minh cho việc ngừng cải tạo sân bay trên đảo Thị Tứ bằng cách nhấn mạnh phải giữ gìn đạo đức trong bối cảnh đơn kiện đường lưỡi bò đang được thụ lý tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Tóm lại theo Heydarian, Philippines đã dành ưu tiên cho một động cơ pháp lý vốn đã không chắc chắn trong khi nếu đầu tư vào các cơ chế hữu hình, nó có thể thực sự giúp Manila kiểm soát các vùng biển yêu sách.
Hơn nữa Manila và Washington đang phải đối mặt với trở ngại pháp lý và đổi mới chính trị mới có thể thực hiện hiệp định nâng cấp quan hệ quốc phòng (EDCA) trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng bành trướng ở Biển Đông. Những bên yêu sách khác như Đài Loan hay Việt Nam đang đẩy nhanh nỗ lực củng cố phòng thủ ở Trường Sa. Ngay cả quốc gia tuyên bố không có tranh chấp ở Biển Đông như Indonesia cũng còn phải tăng cường binh hỏa lực phòng thủ để đối phó với mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Jay Batongbacal, một chuyên gia hàng hải hàng đầu của Philippines cho rằng, Trung Quốc đã liên tục từ chối công nhận thẩm quyền của bất kỳ cơ quan tài phán quốc tế nào đối với vấn đề phân định lãnh thổ và liên quan đến chủ quyền. Bắc Kinh đã từ chối toàn bộ quá trình trọng tài, lại còn vu cáo Philippines khiêu khích, tạo ra khủng hoảng quốc tế hóa vì Biển Đông là vấn đề “song phương” cần được giải quyết tay đôi với Bắc Kinh.
Trung Nam Hải vẫn tiếp tục tẩy chay các cơ quan tài phán, từ chối làm rõ đường lưỡi bò, nên ngay cả khi Philippines giành chiến thắng trong vụ kiện thì Trung Quốc vẫn có thể bỏ qua phán quyết, tòa án thì không có cơ chế nào để buộc Bắc Kinh thi hành. Kết quả nhiều nhất từ phiên tòa chỉ giúp Philippines nâng cao đạo đức để chống lại sức mạnh hàng hải đang ngày càng bành trướng của Trung Quốc.
Học giả Richard Javad Heydarian.
Theo Heydarian, chiến lược pháp lý của Philippines có ý nghĩa, miễn là nó phải là một phần nằm trong chiến lược rộng lớn hơn để bảo vệ yêu sách của mình trước Trung Quốc đang ngày đêm thay đổi thực trạng ở Trường Sa. Nhưng Manila trong một thời gian dài đã không tập trung vào việc nâng cao năng lực phòng thủ, các lực lượng vũ trang chú trọng an ninh đối nội hơn là phòng thủ trên biển. Khi Trung Quốc đưa máy bay không kích, đánh chiếm đá Vành Khăn, Trường Sa năm 1990, 1995 Philippines lại mời quân đội Mỹ về nước.
Hoa Kỳ đã giảm thiểu đáng kể sự hiện diện quân sự của họ ở Philippines năm 1991, Trung Quốc lập tức không lãng phí thời gian khai thác khoảng trống quyền lực tạm thời do Mỹ rút quân khỏi các căn cứ Subic và Clark gây ra. Ngày nay chính quyền Obama lại liên tục từ chối làm rõ liệu Washington có cứu Manila nếu nổ ra chiến tranh với Trung Quốc trên Biển Đông hay không.
Với việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm mở rộng đường băng sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và xây mới sân bay trên đảo nhân tạo (trái phép) ở đá Chữ Thập, Trường Sa buộc các bên liên quan phải tăng cường khả năng phòng thủ, ví dụ như Đài Loan đang chốt giữ (trái phép) đảo Ba Bình cũng phải bỏ 100 triệu USD mở rộng đường băng và cầu cảng, tăng cường phòng thủ.
Mặt khác, các bên liên quan ở Biển Đông đều duy trì đối thoại cấp cao mạnh mẽ với Bắc Kinh, chỉ duy nhất Manila không có điều này. Tập Cận Bình vẫn từ chối 1 cuộc đối thoại chính thức với người đồng cấp Philippines Bernigno Aquino, người đang ở năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống. Trong khi đó, Nhật Bản – đối tác chiến lược chính của Philippines đang có dấu hiệu nhượng bộ Bắc Kinh để thu xếp một cuộc gặp giữa Shinzo Abe với Tập Cận Bình.
Để giải quyết khủng hoảng giàn khoan 981 gần đây, Việt Nam đã thực hiện một chiến lược ngoại giao năng động, Heydarian bình luận. Đỉnh điểm là cuộc viếng thăm Bắc Kinh của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cuối tháng 8, kể từ đó căng thẳng Việt – Trung trên Biển Đông đã giảm bớt, 2 nước đang tăng cường tìm cách quản lý khủng hoảng hiện tại, tránh lặp lại một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Rõ ràng là Việt Nam sẽ sử dụng mọi công cụ ngoại giao có thể để tránh một cuộc đối đầu lớn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng với hoạt động ngoại giao, Việt Nam đã nhanh chóng củng cố tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tối thiểu trên biển cho mình. Với việc mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga chế tạo cộng với việc hoan nghênh quyết định nới lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển khả năng thực thi pháp luật trên biển. Do tính chất bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và các cuộc tập trận quân sự, Indonesia cũng phải tăng tốc các nỗ lực chi tiêu quốc phòng, công khai chỉ trích đường lưỡi bò…
Nhìn chung, rõ ràng các đối thủ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông đã tự bảo vệ yêu sách của mình bằng cách nhanh chóng phát triển năng lực hàng hải trong khi vẫn duy trì các kênh ngoại giao quan trọng với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Trong khi đó Philippines dường như đã bỏ tất cả số trứng mình có vào một giỏ không có gì chắc chắn.
Theo Giáo Dục