Đạo đức, lối sống sinh viên đang tụt dốc
Đạo đức sinh viên (SV) đang tụt dốc, lối sống buông thả… đã đến lúc cần phải tìm thuốc đề kháng là ý kiến của các nhà nghiên cứu tại hội thảo Giáo dục đạo đức cho SV trong các trường CĐ, ĐH Việt Nam do Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức cuối tuần qua.
“Mù” lịch sử, sống cá nhân
“SV ngày nay đang xem nhẹ, thậm chí quay lưng lại với giá trị truyền thống của dân tộc, một bộ phận HS-SV thờ ơ với truyền thống, không hiểu gì về văn hóa dân tộc, sùng bái văn hóa ngoại, lối sống ngoại mà kết quả của môn thi lịch sử tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây đã nói lên điều này” – ThS Trần Hoàng Phong (Trường ĐH Đồng Tháp) nêu ý kiến.
Theo thầy Phong trong khoảng 1.800 SV thuộc 9 trường ĐH, 6 trường trung học và học nghề, 2 xí nghiệp trên địa bàn TPHCM đã được khảo sát, có tới 40,75% không biết sự kiện lịch sử hoặc lai lịch nhân vật lịch sử của con đường mình đang sống, tên trường đang/đã theo học; 43% cho rằng Việt Nam có 100 dân tộc khác nhau, 23% kể sai hoặc không kể được tên một danh nhân văn hóa hoặc danh tướng trong lịch sử, 60% kể sai hoặc không kể được một di tích lịch sử văn hóa cũng như di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, thạc sĩ Đào Thị Vân Anh – Trung tâm nghiên cứu GDPT, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐHSP TP.HCM) phân tích: Trong tổng số 200 SV các Trường ĐHSP TP.HCM, ĐH Kinh tế, ĐH Bách Khoa… được hỏi về biểu hiện đạo đức của SV, đánh giá mức độ hành vi đạo đức của bản thân, tự đánh giá hạnh kiểm… có 41% cho rằng đạo đức SV hiện nay đang ở mức đáng lo ngại, 11,5% ý kiến ở mức “báo động về sự xuống cấp đạo đức” và chỉ có 33% ý kiến ở mức độ trung bình, chỉ có 5,5% cho rằng “nhìn chung là tốt”.
Theo nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Sơn cho thấy sự lệch chuẩn về lối sống, đạo đức lẫn suy nghĩ của SV khá rõ. Cụ thể, 36% SV cho biết làm theo lương tâm sẽ bị thua thiệt, 41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng, 28% có tư tưởng trả thù, báo oán…
Video đang HOT
Các nhà nghiên cứu lo ngại về đạo đức SV
Ở một khía cạnh khác, cô Lê Thị Tần – giảng viên khoa lý luận chính trị, Trường ĐH An Giang cho rằng, đạo đức SV đang xuống cấp nghiêm trọng. SV đang tồn tại chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỉ, thực dụng, vụ lợi ngày càng nhiều. Một bộ phận SV thể hiện lối sống xa hoa, lãng phí, đua đòi, tiêu xài những đồng tiền không lợp lý và vô cảm trước những khó khăn của người khác.
Nhiều SV thể hiện một lối sống thiếu trung thực, cơ hội, chạy chọt vì lợi ích cá nhân như điểm số, thi cử. Ngoài ra một bộ phận khác thì luôn có hành động nói không đi đôi với làm và đa số SV sống xa nhà nên cũng có lối sống buông thả, hưởng thụ, thiếu hoài bão, thiếu quyết tâm và có nhiều tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, xa đọa…
Nhân cách thầy là tấm gương đạo đức
SV lên lớp cần được dạy chữ và dạy người (Ảnh: SV Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Cô Lê Bích Thủy – Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, nếu học ở phổ thông thầy cô gần gũi với HS bao nhiêu thì lên ĐH thầy cô lại xa rời SV bấy nhiêu. GV là người gắn bó với cái tên ThS, TS, PGS, GS cạnh tên môn, trong khi đó SV chỉ là hàng trăm cái tên gắn với khoa, khóa, lớp học rộng lớn hàng trăm con người cùng ngồi, cùng chép, cùng chờ chuông reo.
“Không có những sự trao đổi, hỏi han về tâm tư nguyện vọng, tình cảm, không có sự chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, vì “không có thời gian”, “không liên quan” “không có tâm huyết” nên SV học được sự thờ ơ và học được bài học lớn: “Không chia sẻ, không quan tâm”.
Ở góc độ khác, bà Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM cho rằng, rất cần thiết phải rèn luyện tính trung thực cho SV và cần phải tạo ra diện mạo một nền “giáo dục sạch” bằng việc chấm dứt “đạo văn” đang phổ biến hiện nay bởi nếu không tạo ra chuẩn mực đạo đức cho SV Việt Nam thì chúng ta tự đóng cửa và không thể hợp tác hội nhập với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập.
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐHSP TP.HCM), vai trò của người GV trong việc giáo dục đạo đức cho SV ở các trường ĐH, CĐ là rất quan trọng. Người giảng viên có thể là người &’thần tượng” của sinh viên, có thể sử dụng công cụ hữu hiệu nhất thông qua “Dạy chữ để dạy người” thậm chí với những bài học “không lời” cũng có thể đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên để được như vậy người GV phải là “vừa hồng, vừa chuyên” xem việc truyền nghề như thể thực chất; người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người.
“Nhân cách của người thầy chính là tấm gương đạo đức có sức thuyết phục nhất đối với sinh viên. Sự giáo dục “không lời” mà đem lại hiệu quả cao” – PGS.TS Ngô Minh Oanh khẳng định.
Theo Lê Huyền (Vietnamnet)
Chỉ thị của Ban Bí thư về tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 21/12/2012, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 21- CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:
Thời gian gần đây, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Để tạo sự chuyển biến thực sự về vấn đề này trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày và nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức; cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2- Mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; chống lợi dụng việc cưới, việc tang để vụ lợi; chống thương mại hóa lễ hội. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên các cơ quan Trung ương phải gương mẫu chấp hành các quy định của Trung ương và địa phương về việc cưới, việc tang, lễ hội. Coi đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
3- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22-7-2010 của Bộ Chính trị khóa X về tổ chức các ngày kỷ niệm theo hướng tiếp tục tiết giảm quy mô, thời gian tổ chức, bảo đảm thiết thực, thật sự tiết kiệm và có ý nghĩa giáo dục cao. Việc tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị và tiếp các đoàn đại biểu trong nước của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện đúng theo Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 11-02-2003 của Bộ Chính trị khóa IX. Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp không tham dự lễ hội và các hoạt động cắt băng khánh thành, động thổ, khai trương... nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
4 - Hạn chế tối đa các hội nghị có quy mô toàn quốc. Không tổ chức các cuộc họp không thật sự cần thiết. Việc tổ chức hội nghị phải bảo đảm chất lượng, tiết kiệm; thành phần tham dự thiết thực, gọn nhẹ; nội dung họp phải thật sự cần thiết, chuẩn bị kỹ, phát biểu ngắn gọn, có trọng tâm; khắc phục tình trạng phát biểu dài dòng, sáo rỗng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới tổ chức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc (trừ những cuộc họp có nội dung cơ mật).
5 - Chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Việc đi nghiên cứu, tìm hiểu tình hình các nước, cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước. Thành phần đoàn cần gọn, bao gồm những người thật sự cần thiết cho công việc, thời gian đi hợp lý, chi phí phải tiết kiệm theo đúng quy định. Khi kết thúc, phải có báo cáo về kết quả chuyến đi cho cấp có thẩm quyền.
Các đồng chí lãnh đạo của các ban đảng, các bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cân nhắc kỹ việc đi công tác ngoài nước; thực hiện đúng quy định trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất, hoặc công việc thật cần thiết. Không bố trí hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt của một bộ, ngành, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Các cơ quan, đơn vị không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ bằng ngân sách nhà nước.
6 - Tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 và kỷ niệm 83 năm thành lập Đảng bảo đảm thiết thực, hướng về cơ sở. Tổ chức thăm hỏi các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... đón Tết.
Không tổ chức để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc Tết các địa phương. Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng (03-02-2013) là năm lẻ, không tổ chức đón, tiếp khách tại trụ sở các cơ quan đảng.
Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết và Xuân Quý Tỵ.
Tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự-an toàn xã hội, an toàn giao thông; bảo đảm đủ phương tiện giao thông công cộng để nhân dân đi lại trong dịp Tết được thuận lợi; bảo đảm hàng hóa chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.
7- Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn hình thức tổ chức cưới, lễ hội phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, với thời đại mới; không được sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao làm nhà hàng, tổ chức tiệc cưới; tăng cường kiểm tra việc tổ chức hoạt động lễ hội ở các địa phương; xử lý nghiêm các địa phương có sai phạm trong tổ chức lễ hội.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động mừng Xuân Quý Tỵ và kỷ niệm 83 năm thành lập Đảng; chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng về nội dung Chỉ thị này.
8- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Chỉ thị này; định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện theo quy định.
Ban Tuyên giáo Trung ương giúp Ban Bí thư nắm tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị; kịp thời báo cáo Ban Bí thư về kết quả thực hiện theo thời gian 6 tháng và 1 năm, trước mắt là kết quả tổ chức đón Tết Quý Tỵ.
Theo TNO
Đạo đức sinh viên: Đến lúc cần.... thuốc "đề kháng" Đạo đức sinh viên đang ở mức báo động, nhất là khi việc giáo dục đạo đức ở nhà trường ĐH, CĐ còn bị "bỏ trống" hoặc có thực hiện thì chưa mấy tác động đến sinh viên nên còn thiếu hiệu quả. Nội dung này được đề cập tại hội thảo khoa học "Giáo dục đạo đức cho sinh viên trong các...