Đạo diễn Trần Hữu Tấn: ‘Diễn viên Việt trẻ đẹp nhưng thiếu chiều sâu’
Đạo diễn phim “Chuyện ma gần nhà” cho hay anh ấn tượng với diễn viên có kiến thức sâu rộng. Anh tuyển chọn diễn viên bằng trực giác, không qua casting.
Được biết tới nhờ chùm phim kinh dị ( Bắc Kim Thang, Rừng Thế mạng, Chuyện ma gần nhà), đạo diễn Trần Hữu Tấn dần tạo hướng đi riêng trong điện ảnh. Không chỉ nắm vai trò đạo diễn, anh còn viết kịch bản cho các bộ phim của mình. Trần Hữu Tấn cho biết anh muốn kể câu chuyện theo cách của riêng mình, phá vỡ các quy tắc vốn có. Ngay cả việc tuyển chọn diễn viên, làm việc với họ, anh cũng có quan điểm khác biệt.
Phim Tết 2022 thiếu tác phẩm hay
- Ba tác phẩm liên tiếp của anh: Bắc Kim Thang, Rừng thế mạng và Chuyện ma gần nhà đều thuộc thể loại kinh dị. Vì sao anh đam mê thể loại này?
- Tôi cũng không thể lý giải được nhưng có một điều chắc chắn rằng, từ nhỏ tôi đã thích truyện kinh dị. Ngày bé, tôi thường bày trò, nhát ma hù quỷ bọn trẻ trong xóm. Lớn lên, đi học, đi làm, tôi cũng là người quản trò, bày ra những trò chơi kinh dị, hồi hộp.
Những sở thích đó ăn sâu vào mình lúc nào không hay. Khi có cơ hội bước sang lĩnh vực điện ảnh, tôi cũng có thử làm phim tình cảm, hài hước nhưng nhận ra thế mạnh của mình vẫn là kinh dị. Tôi quyết định sẽ theo đuổi nó đến cùng.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn bên Vân Trang, Khả Như và nhà sản xuất Hoàng Quân trong sự kiện công chiếu Chuyện ma gần nhà. Ảnh: Bá Ngọc.
- Nhưng thể loại này ở Việt Nam khó làm và hơi kén khán giả?
- Đúng thế. Khi làm đã khó, đến khi đưa kịch bản kinh dị cho nhà đầu tư, họ cũng không mặn mà lắm. Bởi thể loại phim này để hòa vốn đã khó chứ nói gì đến thắng doanh thu. Nhưng tôi lại muốn nhìn ngành ở hướng xa hơn. Tôi thấy khán giả càng ngày tư duy mở. Đại dịch làm cho khán giả thay đổi thói quen xem phim, được tiếp cận với những thể loại mới, có sự trông đợi ở phim Việt. Thể loại hành động hay tình cảm nước mình đã có rồi. Kinh dị là mảnh đất tiềm năng cho các đạo diễn phát triển.
- Phim kinh dị Việt thường bị chê khi kết hợp yếu tố hài để hút khách hoặc dùng thủ pháp đơn giản để hù dọa khán giả?
- Làm cho người ta sợ rất dễ nhưng làm người ta ám ảnh mới khó. Đạo diễn hơn thua nhau là tìm ra thủ pháp khiến người xem bị ám ảnh. Trên thế giới có những bước chuyển biến về phim kinh dị. Người ta không tập trung vào việc hù dọa mà có những tình tiết gây ám ảnh.
Tôi đang trau dồi kỹ năng. Chuyện ma gần nhà là tác phẩm tôi tự tin với những kiến thức mình tích góp được, sau hai phim Bắc Kim Thang và Rừng thế mạng, bên cạnh sự ứng biến, quan sát. Bộ phim này dựa theo những truyền thuyết đô thị, chất liệu dân gian của Việt Nam. Chính những thứ gần gũi tạo nên sự ám ảnh cho khán giả.
Trong phim có những cảnh rùng rợn, máu me nhưng không bị cắt bỏ. Tôi nghĩ Cục Điện ảnh đã cởi mở và có sự hỗ trợ rất tốt cho đoàn phim. Tôi mong phim sẽ là bước đệm, để các đạo diễn, nhà sản xuất sau này có thể mạnh dạn làm những bộ phim kinh dị tốt hơn.
- Phim đạt doanh thu cao nhưng phải đối diện với nhận xét trái chiều, khen chê về nội dung, anh nghĩ gì?
- Để tạo sự kết nối cho 3 chương của phim tương đối khó. Khi thực hiện 3 chương chúng tôi như làm ba phim điện ảnh, mỗi câu chuyện mang màu sắc khác nhau. Bộ phim ra rạp là những gì hoàn chỉnh nhất có thể. Sẽ có những thứ lấn cấn khó hiểu, thiếu tính kết nối trong phim. Nhưng tôi tin qua ba câu chuyện khán giả sẽ cảm nhận được sự xuyên suốt.
Tôi cho rằng việc một bộ phim có ý kiến trái chiều là điều bình thường. Chúng tôi trân trọng từng lời góp ý, lời khen cả lời chê. Đó chính là cơ sở để chúng tôi hiểu khán giả hơn nhằm có sự hoàn thiện tốt hơn cho các tác phẩm sau. Có khán giả nhắn tin cho tôi để khen phim, cũng có bạn nói không thích phim. Tôi đều cảm ơn và đón nhận ý kiến của từng người.
- Anh đánh giá gì về chất lượng của mùa phim Tết năm nay?
- Tôi thấy rằng phim Tết năm nay đáng buồn. Chưa nói về doanh thu, phim Tết có nhiều món ăn, thể loại dành cho khán giả. Tuy nhiên không thật sự có bộ phim nào xuất sắc như những năm trước. Ví dụ, các năm trước có Hai Phượng, Gái già lắm chiêu. Những phim này đều tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng để khán giả trông đợi. Năm nay, các phim không nổi bật, nếu có trội hơn cũng chỉ hơn về mặt tên tuổi diễn viên, chứ không phải bản thân tác phẩm.
- Mùa phim Tết với doanh thu bết bát, anh dự đoán thị trường trong năm 2022 ra sao?
- Tôi nghĩ cho dù Hà Nội có mở cửa lại, rạp phim vẫn chưa thể phục hồi ngay. Cần ít nhất khoảng 6-8 tháng thì thị trường mới phục hồi như trước đây. Một phần do khán giả có thói quen xem phim trực tuyến. Mặt khác, phim trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt trên Netflix rất tốt.
Một bộ phim được đón nhận, trước hết là chất lượng của nó. Tôi tin rằng thị trường trong năm 2022 sẽ phục hồi nhưng quan trọng là phải có những tác phẩm hay để lôi kéo khán giả tới rạp. Và đây là trách nhiệm của các nhà sản xuất.
Trong 10 diễn viên chỉ 1-2 người có thể nổi tiếng
- Huỳnh Thanh Trực và Trần Phong đóng “Rừng thế mạng”. Họ tiếp tục được anh mời “Chuyện ma gần nhà”. Anh chọn diễn viên vì mối quan hệ?
- Thú thật tôi không có thói quen casting bởi bản thân là người sống và làm việc rất cảm tính. Tôi rất tin vào trực giác của mình. Khi Chuyện ma gần nhà viết được 70%, lúc đó tôi tìm diễn viên. Gặp họ xong, tôi mới viết ngoại hình và một phần tính cách của diễn viên đó vào nhân vật. Vì vậy, khi tôi đưa kịch bản cho diễn viên đọc, họ thấy rất gần với mình. Sau đó họ có ý kiến thêm để kịch bản tròn trịa hơn. Cả 3 phim và phim sắp tới, tôi đều không casting.
Tôi quan điểm mình chọn nhân vật chứ không tìm diễn viên. Tôi không muốn diễn viên đối phó với đạo diễn, khán giả bằng diễn xuất bề ngoài. Tôi muốn họ diễn từ bên trong nhiều hơn. Đó là lý do khán giả thấy một Khả Như hoàn toàn khác biệt, Vân Trang trở lại vẫn phong độ, Huỳnh Thanh Trực khác Rừng thế mạng.
Video đang HOT
Đó là cách tốt nhất với mình, chứ tôi không nói casting thì không hay. Bởi lẽ mỗi đạo diễn sẽ có cách làm việc khác nhau.
Nam đạo diễn chọn diễn viên không qua casting.
- Có bao giờ trực giác của anh bị sai?
- Đương nhiên sẽ có. Nhưng không đáng kể bởi diễn viên vẫn thể hiện nhân vật tròn trịa, khán giả vẫn cảm được. Nói sai thì không sai nhưng chưa đúng ý tôi lắm và hầu hết do nhiều nguyên nhân khách quan.
- Anh nhìn nhận lớp diễn viên trẻ Việt Nam hiện nay thế nào?
- Về lứa diễn viên trẻ, có nhiều bạn ngoại hình tốt, nhưng dường như chưa có chiều sâu. Các bạn không có thói quen đi bảo tàng, đọc sách, xem tranh ảnh, có đam mê nghệ thuật nào khác mà chỉ thích hình ảnh đẹp, hoặc đi game show. Đó chỉ là bề nổi.
Khi tôi gặp Trần Phong, Huỳnh Thanh Trực, tôi cũng thấy điều đó nhưng vẫn cảm nhận được khát khao bên trong của hai bạn. Do đó, tôi “workshop” với các bạn, yêu cầu cả hai phải đi bảo tàng, xem tranh và học phân tích hoặc đọc một cuốn sách.
Chụp ảnh hoặc livestream, đó không phải công việc của diễn viên. Diễn viên là một nghề, và nghề này mình phải trang bị kiến thức cho nó. Diễn viên đôi khi không cần nói, nhìn ánh mắt đã thấy một câu chuyện, nhân vật trong đó. Tôi chưa thấy được nhiều bạn diễn viên trẻ ở Việt Nam có được chiều sâu đó.
Tôi hy vọng các bạn nghiêm túc với nghề, có mục tiêu và không ngừng trau dồi bằng kiến thức thực tế, chứ không phải chạy theo xu hướng.
- Sự đòi hỏi của anh hơi khắt khe, như thế diễn viên trẻ sẽ ít có cơ hội kiếm tiền, độ phủ sóng không rộng rãi?
- Các bạn phải có lựa chọn, đánh đổi nếu xác định muốn đi con đường này nghiêm túc. Tôi được biết có nhiều diễn viên túng thiếu, chấp nhận chạy xe công nghệ để kiếm tiền nhưng không thỏa hiệp chụp hình lookbook. Ngành nghệ thuật cần có sự đánh đổi. Một là chấp nhận chịu cực cho đến thời điểm cơ hội đến với mình, sau đó tỏa sáng. Nếu cứ chạy theo hào quang ảo, bạn luôn là người đi sau và rất nhạt.
Ngành nghệ thuật rất khắc nghiệt. Trong 10 diễn viên tôi chỉ thấy có 1-2 người có thể đi lên được mà thôi. Ngay cả bản thân tôi nếu không chủ động trau dồi, sẽ bị đào thải bởi bây giờ có nhiều đạo diễn trẻ rất giỏi.
Từ nhân viên phục vụ, giao hàng trở thành đạo diễn
- Trước khi đến với điện ảnh, anh từng làm nhân viên phục vụ, pha chế, giao hàng, trực tổng đài. Hành trình đó thế nào?
- Tôi không tốt nghiệp đại học, chưa học qua lớp đào tạo nào về đạo diễn. Theo tôi những người làm nghệ thuật, trước tiên phải có năng khiếu. Đây là lĩnh vực đặc thù. Nếu không có khiếu thì cho dù học cao đến mấy cũng không làm được. Bằng chứng là có nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng ở nước ngoài nhưng không học cao.
Nói một cách chủ quan, tôi có năng khiếu. Chỉ có điều thời gian trước tôi không có cơ hội thể hiện mình. Khi cơ hội tới, tôi phải chớp lấy. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không xem trọng những công việc mình từng trải qua như phục vụ, giao hàng, pha chế rượu, nhân viên trực tổng đài. Những công việc này phục vụ rất nhiều về chất liệu sống trong các tác phẩm bởi điện ảnh luôn mang hơi thở của cuộc sống. Nhờ công việc đó, tôi có thêm kinh nghiệm quan sát mọi người xung quanh ở đủ mọi ngành nghề.
Thời gian qua, tôi có phim liên tục bởi đó là lộ trình của mình và nhà sản xuất. Kể từ khi bước vào con đường làm phim, tôi đã có kế hoạch dài hạn. Tôi may mắn có mối quan hệ với anh Quân – nhà sản xuất của Chuyện ma gần nhà, Rừng thế mạng hơn 12 năm, từ khi cả hai còn là nhân viên trong ngành quảng cáo.
Trong quá trình làm việc, tôi và anh Quân đều thấy được điểm mạnh của đối phương. Giữa chúng tôi có sự tin tưởng. Tôi có thể giao tất cả cho anh Quân và ngược lại. Nhờ đó chúng tôi có sự cộng hưởng rất tốt trong công việc.
Nam đạo diễn từng trải qua nhiều nghề như nhân viên phục vụ, nhân viên giao hàng… trước khi theo đuổi nghệ thuật.
- Nhưng cơ duyên nào đưa anh đến với phim ảnh khi bản thân làm những việc không liên quan đến nghệ thuật?
- Từ nhỏ, ở chung nhà với mợ – NSƯT Ngọc Hiệp, tôi chỉ thấy đóng phim là một công việc rất vui. Tôi cũng gặp được một số người bạn của mợ như chị Việt Trinh, Diễm Hương. Từ đó, trong tôi có sự khát khao với nghệ thuật.
Nhưng thời gian làm phục vụ, pha chế, tôi hoàn toàn không nghĩ tới. Trước khi bước sang làm phim, tôi định xin lên tàu viễn dương làm phục vụ. Lúc đó, định mệnh xảy ra, một người anh nổi tiếng trong ngành quảng cáo đã đưa tôi về làm thực tập sinh với vị trí copywriter.
Tôi làm ở công ty quảng cáo của Việt Nam, rồi chuyển sang công ty đa quốc gia và dừng lại 6 năm với công ty của người Nhật. Và cuối cùng, tôi chuyển sang làm phim.
- Nhìn lại quá trình thay đổi liên tục của mình, anh nghĩ gì?
- Tôi thấy dường như mọi việc đều có sự sắp xếp. Tôi không nghĩ rằng mình có sự trôi nổi như thế và bến đỗ là điện ảnh. Tôi cũng tin rằng bản thân đã nỗ lực. Mọi người xem phim, thấy kich bản của tôi không công thức, phá vỡ mọi thứ vì bản thân muốn làm phim theo cách riêng mình, miễn sao dẫn dắt được cảm xúc của khán giả.
Tôi là người làm việc cảm tính. Cách làm việc với diễn viên cũng thế. Thông thường, đạo diễn sẽ có thời gian “workshop” với diễn viên trước khi quay, tôi thì không.
Tôi sẽ dẫn diễn viên đi nhậu. Trên bàn nhậu, tôi không nói về vai diễn mà chia sẻ cuộc sống, công việc của mọi người. Qua cuộc trò chuyện, tôi muốn xem tính cách, suy nghĩ của mọi người như thế nào, từ đó mới giao vai diễn. Tôi thích và bị mê hoặc bởi diễn viên có kiến thức sâu rộng hoặc có mục tiêu trong tương lai. Tôi tự tin những diễn viên trong phim Chuyện ma gần nhà đều thực lực và có mục tiêu rõ ràng. Họ sẽ còn tiến xa.
- Có mợ là NSƯT Ngọc Hiệp, vì sao anh không nhờ người thân dẫn dắt vào nghệ thuật?
- Bản thân tôi là người rất tự trọng, có cái tôi cao. Tôi muốn đi bằng đôi chân của mình. Trong nghệ thuật chỉ có mình mới giúp được mình mà thôi. Mợ tôi cũng bất ngờ bởi thằng nhóc ngày xưa được mình mua pizza cho bây giờ đã trở thành đạo diễn, đồng nghiệp. Mợ vui trong nhà có người theo nghề.
Trong cuộc sống không có gì hoàn hảo, trọn vẹn, không tốt theo kiểu này sẽ tốt theo kiểu khác.
- Anh có nghĩ mình được nhà sản xuất ưu ái?
- Tôi nghĩ những gì liên quan đến tiền bạc rất công bằng. Không ai ưu ái mà đem 20 tỷ đồng đưa cho mình cả. Trong đó, có những người tôi chưa bao giờ gặp, nhưng họ tin Trấn Hữu Tấn và thích kịch bản của tôi.
Điều đó đến từ niềm tin, ở những gì họ cảm thấy có khả năng sinh lời. Họ là nhà đầu tư, sản xuất nên rất thực tế với con số. Tôi nghĩ đây là một cuộc chơi công bằng.
Trần Hữu Tấn: Từ shipper, phục vụ tới đạo diễn phim kinh dị nổi tiếng ở tuổi U40
"Tôi không tốt nghiệp đại học. Công việc chính của tôi trước khi qua điện ảnh là làm phục vụ, bartender, làm shipper mực in", đạo diễn Trần Hữu Tấn kể.
Những ai yêu thích thể loại phim kinh dị có lẽ sẽ không xa lạ với cái tên Trần Hữu Tấn. Anh là đạo diễn của bộ phim kinh dị "Bắc kim thang" từng "khuynh đảo" phòng vé năm 2019. Và mới đây, anh ra mắt bộ phim thứ ba, cũng về chủ đề tâm linh, kinh dị "Chuyện ma gần nhà".
Bị ám ảnh, mê hoặc bởi chuyện tâm linh
Có vẻ như anh đam mê bất tận với đề tài tâm linh khi mà cả 3 bộ phim điện ảnh do anh làm đạo diễn đều thuộc thể loại này. Từ "Bắc kim thang" đến "Rừng thế mạng" và bây giờ là "Chuyện ma gần nhà"?
Tôi nghĩ đó là sở thích và cũng là tính cách. Hồi nhỏ, tôi thường hay chơi trò ma quỷ với đám trẻ con. Lớn lên, đi làm, tôi cũng thường cầm đầu những trò chơi về tâm linh, ma quỷ. Dần dần, điều này trở thành tính cách, ăn sâu vào máu mà mình không biết nên khi theo điện ảnh thì tôi phát triển mảng này.
Thật ra, tôi cũng đã từng làm thử hài, tình cảm với những phim ngắn nhưng kinh dị mới là thế mạnh của tôi. Và tôi quyết theo đuổi dòng phim này tới cùng.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn sinh năm 1983. Anh bước vào điện ảnh khoảng 5, 6 năm trước. Bắt đầu bằng con số 0 khi tuổi đời không còn trẻ nhưng Trần Hữu Tấn nhanh chóng khẳng định tài năng của mình ở thể loại phim kinh dị.
Điều gì đã đưa anh tới sở thích đặc biệt đến thế?
Tôi thích khám phá nỗi sợ hãi của con người. Chính nỗi sợ hãi khơi dậy những điều bí ẩn xung quanh mà mình không thể giải thích được. Bản thân tôi là người tò mò về tất cả mọi thứ, tò mò về các hiện tượng tâm linh, siêu nhiên. Chính vì vậy, tôi làm phim kinh dị để có cớ đi sâu hơn vào lĩnh vực này.
"Đi đêm lắm có ngày gặp ma". Khi đi sâu vào đề tài này, anh có gặp hiện tượng lạ?
Tôi nghiên cứu sách vở và trò chuyện với những người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này. Càng tìm hiểu sâu, tôi càng cảm thấy bất ngờ và bị mê hoặc về văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh người Việt, nhất là tín ngưỡng phù thuật. Đó là một thế giới vô cùng rộng lớn.
Trước kia, mọi người nghĩ, bùa chú xuất phát từ Thái Lan, Trung Quốc nhưng không phải. Tất cả đều xuất phát từ người Việt cổ.
Ở Trung Quốc còn tộc người Miêu - họ chính là người Việt cổ di cư sang đó. Miêu tộc còn lưu giữ những tà thuật, bí thuật, vu thuật cổ đại đã thất truyền.
Tôi chưa may mắn gặp thế lực siêu nhiên nhưng tôi bị ám ảnh bởi những gì mình đọc, mình nghe và tưởng tượng. Nó theo tôi vào cả trong giấc ngủ. Khi ngủ, tôi luôn gặp ác mộng tâm linh. Tôi rất sợ vì mình phải đối diện với những cái mình không biết, không thấy.
Khi đánh nhau, mình biết đối thủ của mình là ai nhưng khi ở trong căn phòng yên tĩnh, chỉ có một mình thì những thứ mình đang suy diễn, tưởng tượng lướt qua trong đầu sẽ hiện hữu và tạo ảo giác, càng đáng sợ hơn. Và chúng đều trở thành những tình tiết, kịch bản trong phim của tôi.
Cho nên mọi người sẽ thấy từ "Bắc kim thang" sang đến "Chuyện ma gần nhà", mức độ kinh dị, ghê rợn trong phim càng tịnh tiến.
Những hình ảnh ma mị, ghê rợn trong phim "Chuyện ma gần nhà".
"Phim mà thua là tôi đi ở chuồng gà"
Việc anh xây dựng con đường phát triển nghệ thuật chuyên về đề tài tâm linh, kinh dị có gây khó khăn gì không?
Tôi nói với mọi người, nếu không làm phim thì tôi sẽ đi bán cà phê. Nếu làm phim, tôi sẽ chỉ làm duy nhất thể loại kinh dị. Kinh dị là thể loại tiềm năng nhưng rất kén khán giả, trừ khi kịch bản xuất sắc thì mới thuyết phục được nhà đầu tư vì việc sinh lời khó hơn thể loại hành động, hài, tình cảm.
Tôi tin rằng, "Chuyện ma gần nhà" sẽ là nền móng để mọi người thấy, phim kinh dị chỉ cần một kịch bản tốt, khiến cho người ta sợ hãi và đây là mảnh đất màu mỡ để đầu tư. Phim kinh dị ở Việt Nam rất nhiều nhưng để có một bộ phim ấn tượng cho người ta nhớ tới thì gần như chưa có.
Tôi gặp nhiều khó khăn. Có lẽ, tôi là đạo diễn duy nhất ở Việt Nam không học trường lớp. Tôi không tốt nghiệp đại học.
Công việc chính của tôi trước khi qua điện ảnh là làm phục vụ và bartender trong khách sạn 5 sao. Sau đó, tôi chuyển hướng sang làm copy writer, rồi lại chuyển sang làm shipper, đi ship mực in.
Con đường của tôi rất gian truân. Sau đó, tôi có cơ hội làm copy writer cho một công ty quảng cáo của Việt Nam. Từ vị trí đó, tôi sang làm cho các công ty đa quốc gia của Mỹ, làm giám đốc sáng tạo cho công ty của Nhật.
Từ vị trí này, tôi lấn sang phim ảnh. Tôi từng được giải thưởng ở cuộc thi làm phim ngắn 48 giờ. "Bắc kim thang" là bộ phim điện ảnh đầu tiên của tôi. Phim đó, tôi đi xin tài trợ rất khó. Mình là người mới nên dĩ nhiên, không có ai sẵn sàng bỏ 20 tỉ cho làm phim.
Lúc đó, tôi bán một căn nhà và các anh em trong đoàn, mỗi người góp một ít để làm. May mắn là phim thành công. Doanh thu của "Bắc kim thang" là 43 tỉ, trong khi chi phí sản xuất là 12, 5 tỉ đồng. Tôi có khoản lời tương đối để làm "Rừng thế mạng" và "Chuyện ma gần nhà".
Đạo diễn Trần Hữu Tấn và ê-kíp trên phim trường. Dù không học trường lớp nhưng cách làm phim của anh đã thật sự khiến đồng nghiệp nể trọng.
Vậy việc bán nhà là xứng đáng. Và cũng phải nói là anh may mắn vì còn có nhà để bán?
Phim mà thua là tôi đi ở chuồng gà đấy. (cười) Thật ra, đã đam mê phim ảnh thì khó dứt ra lắm. Rất nhiều anh chị bán nhà, bán xe để làm phim. Đôi khi, đam mê nghề nghiệp quá lớn, anh chị em không quan trọng cả vật chất.
Thời điểm tôi nghỉ vị trí giám đốc sáng tạo ở công ty Nhật Bản là tôi đã làm 6 năm, mức lương rất tốt, đãi ngộ rất tốt. Sang phim ảnh, tôi bắt đầu bằng con số 0. Tôi chấp nhận đánh đổi vì tôi biết đam mê của mình là gì.
Khi tuổi đời không còn trẻ mà bước sang lĩnh vực khác với con số 0 như vậy, gia đình có ủng hộ?
Gia đình không ủng hộ. Các cụ luôn muốn ăn chắc mặc bền. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình không được làm công việc mình mong muốn thì sẽ là điều rất đáng tiếc. Người ta chỉ sống một lần. Dù tôi biết, con đường rất khó khăn nhưng tôi hy sinh.
Qua nghệ thuật, chuyện tuổi tác không phải là yếu tố quan trọng. Có những người thành ngôi sao khi đã 40, 50 tuổi. Cũng có những người thành sao từ lúc còn rất trẻ. Với nghệ thuật, phải nói tới tài năng và duyên số.
Khi xây dựng mọi thứ từ con số 0, anh có phải trả giá nhiều?
Tôi trả giá bằng 1 năm trầm cảm của mình. Tôi bỏ một vị trí rất tốt để trở về con số 0. Trong năm đó, tôi không làm được gì, không thu nhập, không có gì cả. Tôi rất buồn và khép kín mình lại. Tôi dễ giận dữ, cáu giận. Tôi đi khám bệnh thì bác sĩ nói bị trầm cảm cấp độ 2.
Tôi tự hỏi, mình có đi đúng đường không. Khi định từ bỏ, tôi nghĩ tới lý do mình bắt đầu. Tôi dồn hết sức cho kịch bản "Bắc kim thang" để xem mình có thuộc về nghệ thuật hay không.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc phim đại thắng!
Huỳnh Thanh Trực: "Tôi giữ thói quen xin tiền mẹ vì muốn có cảm giác mắc nợ..." Từng được biết đến qua webdrama hài, gameshow truyền hình với hình ảnh năng động trẻ trung, Huỳnh Thanh Trực "lột xác" với vai chính trong phim "Rừng thế mạng". Chia sẻ với Dân Việt, nam diễn viên thừa nhận bản thân có sự thay đổi rõ rệt về quan điểm sống khi tham gia bộ phim. Huỳnh Thanh Trực sinh năm 1995...