Đạo diễn Phạm Ngọc Lân: “Phim nghệ thuật thường khó hiểu” là một nhận định rập khuôn
Nam đạo diễn hy vọng qua dự án Cu Li Không Bao Giờ Khóc, khán giả có thể thấy được sự chân thành và tâm huyết mà mình muốn gửi gắm.
Nhắc đến Phạm Ngọc Lân, người ta liền nhớ đến ngay một vị đạo diễn hiền lành, tận tụy với nghề nhưng chưa bao giờ muốn tạo xô bồ, ồn ào với truyền thông. Điều đặc biệt ở anh, đấy là lặng lẽ, âm thầm cống hiến và cũng chẳng hô hào khi phim đoạt giải thưởng lớn. Với xuất phát điểm là dân kiến trúc, việc làm phim đến một cách tình cờ nhưng rồi gắn bó bền chặt với Phạm Ngọc Lân từng ngày này sang năm khác.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân vốn chẳng phải là gương mặt xa lạ ở LHP Berlin. Năm 2016, bộ phim Thành Phố Khác của anh tranh giải ở Hạng mục Berlinale Shorts cho phim ngắn. 3 năm sau, tác phẩm Một Khu Đất Tốt cũng nhận đề cử cùng hạng mục. Nhưng phải chờ đến tháng 2/2024, Culi Không Bao Giờ Khóc mới giúp nam đạo diễn “gặt” được quả ngọt. Dự án chạm đến trái tim người xem bởi những thước phim đậm chất thời đại, cùng những khắc khoải trong tâm trí của bà Nguyện ( NSND Minh Châu) giữa xã hội đang bước vào giai đoạn chuyển biến.
Không chỉ thành công ở LHP Berlin, Culi Không Bao Giờ Khóc còn khiến người Việt nức nở tự hào khi tiếp tục tạo được tiếng vang lớn tại Liên hoan phim quốc tế Las Palmas de Gran Canaria lần thứ 23 (Giải Màn trình diễn xuất sắc nhất), Liên hoan phim quốc tế Jeonju lần thứ 25 (Giải Phim xuất sắc nhất – hạng mục Cạnh tranh Quốc tế) và Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (Giải Phim hay nhất – Hạng mục phim châu Á dự thi).
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị về hành trình làm phim của mình. Liệu góc nhìn điện ảnh và cảm nhận thời đại của anh khi bước lên màn ảnh rộng có gì thú vị? Tài hoa của vị đạo diễn ấy phải chăng đến từ thiên phú hay xuất phát từ tư duy, cảm nhận nhịp sống theo một lăng kính đặc biệt? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài phỏng vấn này.
Xem Cu Li Không Bao Giờ Khóc, khán giả có thể nhìn thấy sự chân thành của tôi
Năm 2016, phim ngắn Một Thành Phố Khác là đại diện Việt Nam duy nhất tham dự tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin. 8 năm sau, anh quay lại và đoạt giải phim đầu tay xuất sắc nhất. Cảm xúc của anh ở thời điểm đó và hiện tại có điểm giống và khác nhau như thế nào?
Tôi cũng từng đến Berlin nhiều lần. Trước năm 2016, tôi có đến tham gia một khoá học, sau đó cũng vòng đi vòng lại nhiều lần. Năm 2016, tôi còn nhiều bỡ ngỡ, đúng là kiểu lần đầu đến và bắt đầu khám phá nhiều điều tại một liên hoan lớn. Đến năm 2024, khi quay lại thì giống như tôi đến gặp lại những người bạn cũ nhiều hơn. Liên hoan phim trở nên quen thuộc hơn, vẫn là hệ thống đó, những con người đó trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Điều khó khăn nhất mà anh gặp phải khi thực hiện Cu Li Không Bao Giờ Khóc là gì?
Tôi nghĩ khó khăn nhất nằm ở vấn đề hệ thống. Bởi vì cách chúng tôi làm phim không theo hướng thương mại hay như phim nhà nước – là những bộ phim được hệ thống hỗ trợ nhiều. Những hệ thống đó đã được xác lập và bắt đầu khá toàn vẹn. Chúng tôi đi ở giữa hai hướng đó, tìm ra những khoảng trống để đi nên đôi khi phải tận dụng nhân lực, tài nguyên của cả hai. Chúng tôi cũng phải tìm lối đi riêng nên khá mất thời gian trong việc mày mò.
Người xem vô cùng tò mò với hình ảnh Cu li xuất hiện trong tựa đề và xuyên suốt bộ phim. Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình tạo nên hình tượng này và vì sao anh lại chọn đây là đại diện cho tác phẩm mới của mình?
Trong phim, tôi thấy từ Culi mang nhiều ý nghĩa, trong đó có 2 nghĩa chính. Ý nghĩa đầu tiên là người lao động, có thu nhập và kĩ năng thấp. Ý nghĩa thứ hai nói về con vật ở sâu trong rừng. Tôi thấy hai hình ảnh đó giúp kiến tạo một hình ảnh Việt Nam rất hay, rất toàn vẹn.
Về mặt ý tưởng của phim xuất phát từ câu chuyện gia đình tôi ngày trước. Khi đó, tôi ở với bà nội, thường được bà ru ngủ vào buổi trưa. Tôi mong muốn bộ phim của mình làm có chút gì đó bắt nguồn từ gia đình, từ những người đầu tiên mà mình cảm thấy quan trọng đã. Qua bộ phim, khán giả có thể nhìn thấy sự chân thành của tôi.
Trước đó, gia đình tôi cũng có một số người đi lao động ở nước ngoài. Tôi thấy vô hình chung những câu chuyện này ăn khớp với nhau. Trong phim, hình tượng culi được dùng với 3 ý nghĩa nhưng đều là nghĩa ẩn dụ. Còn về mặt cảm giác, về hình ảnh con vật mà trong phim có sử dụng thì có nét tương đồng với diễn viên chính là cô Minh Châu. Đó là sự mong manh, dễ bị tổn thương đồng thời là cái nhìn xoáy sâu.
Anh có sợ Culi Không Bao Giờ Khóc là một bộ phim đoạt giải quốc tế nhưng lại khó xem với khán giả trong nước không?
Nếu là vài năm trước thì tôi nghĩ đó là tình hình đáng lo ngại. Nhưng hiện tại, khán giả cởi mở hơn rất nhiều, không phải là với mỗi điện ảnh đâu mà cả với những loại hình nghệ thuật khác. Đôi khi, việc phát hành phim đối với ekip của tôi là trách nhiệm của những người làm sáng tạo với cộng đồng. Trách nhiệm được thể hiện ở nhiều hướng. Đầu tiên là sức mạnh của điện ảnh chính là sức mạnh tác động lớn đến đám đông. Tuy nhiên, nếu như chúng tôi đi theo hướng phát hành phim để thu lại tiền thì có thể sẽ không tận dụng hết sức ảnh hưởng đám đông đó. Phát hành phim nên là cách để quay ngược lại tác động tới xã hội. Ngoài việc đưa cho người xem một cách xem phim khác mà trước đây không nhiều người tiếp xúc tại Việt Nam thì đợt phát hành này, tôi nghĩ mình có thể làm được những điều khác. Tuy chủ đề của bộ phim có thể gần gũi với người xem nhưng cảm giác mà bộ phim mang lại có sự hoà ái chung giữa các nhân vật, trong một thế giới đặc biệt.
Ví dụ, trong phim có nhân vật bị khuyết tật nhưng chúng tôi nhấn vào phần con người của họ chứ không phải là phần khiếm khuyết. Khi đem những câu chuyện như vậy qua phát hành, chúng tôi cũng phải có những tuyến truyền thông cho các vấn đề như vậy. Làm sao để người xem thông qua bộ phim có thể hiểu thêm về những khía cạnh khác.
Trước đó, trong một buổi phỏng vấn, anh từng chia sẻ rằng mình yêu nơi mình sinh ra và muốn làm phim hay nhưng chỉ làm được phim tốt ở nơi anh được chào đón nhất. Vậy anh có cảm thấy chạnh lòng không nếu phản ứng của khán giả tại quê nhà không được như kì vọng?
Hiện tại chúng tôi không lo lắng nhiều về điều đó. Những con đường kiểu mà chúng tôi đang đi nhiều khi không đoán được hết nên nếu chúng tôi tập trung chiều lòng khán giả thì thật ra cũng không nên. Nếu làm như vậy, tôi phải đẩy dự án đi theo hướng thương mại. Còn trong bộ phim này, tôi muốn có một sự đối nghịch, một sự thách thức, kéo khán giả tò mò. Tôi tò mò xem khán giả phản ứng như thế nào và tôi tin sẽ không hoàn toàn là ý kiến phản đối.
Video đang HOT
Như anh chia sẻ, phim độc lập sẽ không hướng tới yếu tố doanh thu mà hướng tới tính nghệ thuật nhiều hơn. Vậy thì làm cách nào để anh cân bằng giữa đam mê và cuộc sống?
Cũng không hẳn phim độc lập không hướng tới doanh thu mà tôi muốn nói là sẽ có nhiều cách khác. Làm điện ảnh không hẳn là nhắm vào việc kiếm ra tiền. Dự án này là một dự án đặc biệt, khi chúng tôi xin kinh phí để làm phim hầu hết từ những quỹ thúc đẩy điện ảnh, thúc đẩy văn hoá nên cũng hơi khác với phim thương mại là dựa vào nhà đầu tư. Công việc phát hành của phim thương mại là kiếm tiền để trả lại cho nhà đầu tư để sinh lời. Nhưng đối với phim Culi không bao giờ khóc thì khi bên tài trợ giúp chúng tôi, họ không yêu cầu là phải hoàn trả lại nên việc phát hành nhẹ gánh hơn cho chúng tôi rất nhiều. Dĩ nhiên, trong lúc thực hiện dự án thì có cả tiền công của đạo diễn, của người làm kịch bản nữa.
Làm phim độc lập cũng là một hành trình đòi hỏi sự đánh đổi của rất nhiều thứ như tiền bạc, áp lực, xác suất thành công. Có khi nào anh cảm thấy chần chừ trước các quyết định của mình không?
Tôi nghĩ đôi khi mình cũng cảm thấy khó khăn nhưng tính của tôi khá là vui. Tôi vẫn thấy việc làm phim phù hợp với mình, điện ảnh đang tạo ra cho tôi nhiều cơ hội thì tôi cứ đẩy tiếp, thử tiếp xem thế nào. Bản chất tôi không nghĩ nhiều theo dạng dự án đâu vì nếu nghĩ về các dự án với nhau thì đó là cách nghĩ của người làm kinh tế, kinh doanh. Tôi nghĩ bản chất sự sáng tạo chính là mình phải là một người đang đi đêm, chỉ cầm một chiếc đèn pin và phải tìm đường bằng chính công cụ duy nhất của mình. Khi đó, tôi mới phát hiện ra những “vẻ đẹp” mà trước đó không nhìn thấy được.
Tôi làm phim vì ham chơi và tò mò
Theo anh, điều kiện tiên quyết để tạo nên một tác phẩm thành công là gì?
Tôi nghĩ hiện nay có nhiều kiểu làm nghệ thuật khác nhau nên không có mẫu số chung nào cho tất cả đâu. Với tôi, một tác phẩm quan trọng thì đầu tiên phải đi ra từ sự chân thành, đi từ trái tim của người làm. Ví dụ, điện ảnh thì không đơn giản là người xem nhìn thấy mọi thứ trên màn ảnh mà thông qua bộ phim, họ có thể nhìn thấy người làm phim phía sau, nhìn được một thế giới rộng lớn phía sau màn ảnh.
Từng học kiến trúc và trở thành nhà quy hoạch, đến năm 2011, lại bỏ nghề và chuyển hướng đi học làm phim. Vậy tại sao lại có sự thay đổi như thế?
Vì tôi ham chơi và tò mò. Không phải tôi muốn chuyển sang mảng khác mà do tôi muốn thử nhiều thứ khác nhau. Trước đó, tôi làm về nhiếp ảnh nên cũng quen những người trong ngành ảnh. Tôi có làm cả đồ hoạ 3D, nói chung là làm nhiều ngành. Đến bây giờ thì ngành làm phim khiến tôi ở lại.
Chiến thắng của Culi Không Bao Giờ Khóc tại Liên hoan phim Berlin chắc chắn mang lại cho anh rất nhiều cơ hội. Vậy giải thưởng này có mang lại khó khăn hay thử thách nào cho anh không? Giả sử như các tác phẩm sau này sẽ khó vượt qua thành công của tác phẩm trước đó?
Tôi nghĩ Culi Không Bao Giờ Khóc đạt giải mang lại cho dự án đó nhiều cơ hội hơn là bản thân tôi. Nếu tôi tận dụng giải thưởng đó để mang lại danh tiếng cho mình thì sẽ nguy hại cho các tác phẩm về sau. Đôi khi, người sáng tác khác với người làm giải trí là cần sự âm thầm, lắng đọng, cần công việc của mình để lại “dấu vết” hơn là bản thân mình. Cho nên ở hiện tại tôi cũng có khá nhiều mâu thuẫn. Khi bước chân vào phát hành, nếu muốn người khác thấy bộ phim của mình thì sẽ phải đưa bản thân ra ngoài nhiều hơn. Mặt khác, tôi hiểu khi đưa tên mình ra quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng tới dự án sau.
Khi biên kịch và đạo diễn mới vào nghề đều sẽ có một tượng đài nào đó truyền cảm hứng cho họ. Với anh thì sao?
Tôi không nghĩ vậy đâu. Có một cái hay của việc sáng tác đúng nghĩa chính là mình chỉ đi với công việc của mình thôi. Bộ não và trái tim là những người bạn đồng hành. Ví dụ như khi tôi đi làm, tôi cũng không mang ai đi cùng. Đây là hình ảnh ẩn dụ của việc khi mình tập trung suy nghĩ để làm ra một tác phẩm có sự chân thành. Chỉ có bản thân mình đồng hành cùng chính mình thôi.
Dĩ nhiên ở trong ngành thì tôi phải xem nhiều, có những người mà tôi cảm thấy rất hay. Nhưng sau khi xem, hấp thụ được thì tôi cũng bắt buộc phải quên đi, phải quay lại và soi lại bản thân.
Thành công mà anh muốn đạt được nhất trên con đường làm phim nghệ thuật là gì?
Tôi không bó mình vào việc làm phim nghệ thuật. Hiện tại, có một điều ở phim độc lập, như tôi đã nói phía trên là hệ thống chưa hỗ trợ nhiều. Tôi hiểu là nếu mình đi theo hướng làm phim thương mại thì bộ phim phải hướng tới đối tượng khán giả lớn nhất của điện ảnh. Ví dụ khán giả hiện tại của điện ảnh là từ 18 – 35 thì mình không thể kể những câu chuyện của người từ 60 – 70 tuổi như trong phim Culi không bao giờ khóc. Nếu như đi theo hướng phim của nhà nước thì vô hình chung mình bị đóng khung theo một hình tượng khác. Đó là lí do mà tôi chọn. Tôi có sự thôi thúc về thứ mình muốn làm, điều đó mạnh mẽ hơn việc tận dụng những nguồn lực kia.
Đến lúc những vấn đề trong hệ thống được giải quyết xong rồi, mà khi đó tôi lại có mong muốn trùng với hướng của một trong hai hệ thống. Mà khi đó quan hệ của tôi cho tôi nhiều cơ hội thì dĩ nhiên tôi sẽ làm các dự án phù hợp hơn.
Vậy trên con đường mà anh đã theo từ năm 2011 đến giờ, nốt trầm lớn nhất trong hành trình làm phim của anh là ?
Có những lúc tôi làm rồi lại dừng lại, rồi lại quay lại làm tiếp. Chỉ có một điều liên quan tới tính cách của tôi là khi tôi đã có hẹn hay cam kết thì tôi sẽ cố gắng thực hiện. Trong quá trình làm phim Culi không bao giờ khóc, có nhiều vấn đề trục trặc diễn ra bởi đây là bộ phim thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19. Khi đó, có quá nhiều thứ không ủng hộ mình. Tôi đã hẹn với người giúp đỡ, đưa tiền cho tôi là bằng cách nào đó tôi phải thực hiện được dự án này, phải đẩy nhanh tốc độ.
Bài học lớn nhất mà anh học được sau từng ấy năm theo đuổi làm phim độc lập là gì?
Tôi nghĩ là việc làm nghệ thuật phải có sự chân thành. Tôi thấy càng ngày điều này càng đúng. Trước đây, năm 2011, tôi có tham gia một khoá học ảnh. Thầy giáo nói với tôi là người làm nghệ thuật giống như một người đứng trong phòng trống, chỉ có một cửa sổ và một cái gương thôi. Người làm nghệ thuật tốt là phải biết chọn đúng vị trí để vừa nhìn thấy bản thân mình trong gương, vừa ngắm nhìn thế giới qua cửa sổ. Sự chân thành, hiểu mình, đưa con người bên trong mình chính là cách mình chọn vị trí đó.
Điện ảnh Việt cần có những gương mặt, những cách làm phim khác nhau
Thường những chiến thắng lớn của điện ảnh đều thuộc về những bộ phim thương mại bởi dễ xem với khán giả. Đối với phim nghệ thuật, đây vẫn còn là dòng phim khó hiểu với khán giả. Vậy theo anh trong 10, 20 năm tới, nền điện ảnh Việt Nam có thể thay đổi được không?
Đầu tiên, phim Culi Không Bao Giờ Khóc là một bộ phim rất dễ hiểu, dễ theo dõi. “Phim nghệ thuật là dòng phim khó hiểu” là một nhận định rập khuôn có từ rất lâu. Cũng có vài người hỏi tôi rằng làm phim này có sợ mọi người khó hiểu không. Những người hỏi vậy thì cũng chưa xem phim của tôi trước đó, nhưng đã có suy nghĩ như vậy rồi. Có những người khác đã xem phim của tôi và nói rằng khá dễ theo dõi. Vì vậy nên tôi cũng cần phải xem lại những nhận định đó xuất phát từ đâu.
Còn việc điện ảnh sau này như thế nào thì tôi nghĩ điện ảnh Việt cần có những gương mặt, những cách làm phim khác nhau. Bởi vì điện ảnh là một ngành công nghiệp đặc biệt, trải rộng các bên từ thương mại tới độc lập. Hiểu một cách khác thì trong ngành có những “nhà máy sản xuất” phim thương mại và những người thợ thủ công là chúng tôi. Tôi cứ túc tắc như những người thợ làm gốm, làm nên từng chiếc bình thủ công. Tôi nghĩ cả hai đều rất cần thiết cho nền điện ảnh.
Trong 10, 20 năm nữa, tôi nghĩ tình hình điện ảnh sẽ đa dạng hơn rất nhiều. Khán giả cũng mở lòng, có sự cởi mở rất lớn với loại hình mới, nghệ thuật mới. Tôi nghĩ nếu mình nhìn theo hướng điện ảnh chỉ làm để kiếm tiền hoàn trả kinh phí thì sẽ rất khó phát triển. Nếu nhìn theo hướng qua điện ảnh, nghệ thuật để người xem có cái nhìn rộng hơn thì cả hai bên đều có sức nặng, sức mạnh.
Các dòng phim thương mại hiện nay tiếp cận gần với khán giả vì có PR, Marketing truyền thông tới công chúng. Còn với dòng phim độc lập và nghệ thuật thì không đầu tư nhiều vào mảng PR, Marketing. Bên cạnh đó, các diễn viên của các dòng phim độc lập và nghệ thuật thường là những gương mặt lạ lẫm với khán giả, chứ không phải những cái tên bán vé. Anh có nghĩ đã đến lúc dòng phim độc lập và nghệ thuật cũng nên tìm cách tiếp cận khán giả?
Tôi nghĩ điều này tuỳ thuộc vào từng dự án. Ví dụ, về mặt diễn viên, khi lên màn ảnh, để họ thấy được nhân vật thì không chỉ là bản thân diễn viên mà họ còn kéo theo cả lịch sử đằng sau của họ trên màn ảnh. Với một diễn viên từng có vai diễn dấu ấn, khi đóng bộ phim tiếp theo sẽ mang cả kí ức của vai diễn ấn tượng đó với khán giả. Với cô Minh Châu hay cô Thanh Hiền, chú Thương Tín trong phim của tôi, tôi mượn cảm giác phi thời gian của điện ảnh kinh điển. Tôi muốn làm việc với những người trở thành tượng đài kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Đối với những người trẻ, khi xem thì họ sẽ không có nhiều kí ức về các vai diễn trước đó của các diễn viên này. Trong khi thưởng thức bộ phim, họ sẽ không bị phân tán về những hình tượng trước đây của các diễn viên đó. Tôi nghĩ điều này tuỳ thuộc vào từng dự án và ý tưởng cho bộ phim thôi.
Dĩ nhiên, cũng sẽ tới lúc tôi cần bán vé nhiều hơn. Điều này phụ thuộc vào dự án ban đầu của mình. Nếu dự án cần nhiều tiền, khoảng 5 triệu đô thì cần phải bán vé vì các quỹ không đủ thì phải xoay lại cân nhắc dự án nên dựa vào diễn viên ngôi sao, dựa vào set quay, quảng bá nhiều hơn. Đó là bài toán khác cho một dự án phim.
Đúng là ai cũng sẽ muốn làm phim xong sẽ được ra rạp. Để được ra rạp thì cần phải quảng bá, marketing nhiều hơn. Nhưng để có được nhiều tiền thì phim phải làm cho nhà đầu tư cảm thấy đây là bộ phim hấp dẫn được khán giả. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ diễn ra như vậy thôi. Ngay cả các nhà làm phim nghệ thuật cũng muốn đẩy phim ra rạp để nhiều người xem.
Anh có lời khuyên nào với những đạo diễn trẻ đang bước đầu đi theo con đường làm phim độc lập không?
Phim độc lập được hiểu đơn giản là làm phim nhưng phải tự tìm đường. Lời khuyên của tôi chính là các bạn phải kiên trì tìm ra con đường hợp với mình. Ngoài những cách làm phim độc lập thì cũng có những kiểu cách làm phim dễ hơn.
Anh đã có kế hoạch cho dự án tiếp theo của mình chưa?
Tôi sắp làm một phim ngắn. Một số đài truyền hình của Pháp đã đầu tư để phim của tôi thực hiện được chiến trên kênh của họ. Dự án thứ ba của tôi sau Culi Không Bao Giờ Khóc đã có rồi nhưng đây là dự án cần nhiều tiền, cần phải đi theo lối có sự trợ giúp của nhà đầu tư nhiều hơn. Vì vậy nên đang có một khoảng trống giữa dự án thứ nhất và thứ ba. Dự án thứ hai chính là để lấp chỗ trống đó.
Dự án tiếp theo của anh sẽ là bộ phim độc lập hay nghệ thuật?
Một bộ phim thương mại. Tôi có đang nghĩ và đang viết dần về nó. Tôi muốn làm một bộ phim cần nguồn lực mạnh hơn về tài chính, mà có lẽ cách huy động vốn kiểu phim độc lập sẽ không còn phù hợp để đáp ứng. Đấy sẽ là một bộ phim trộn lẫn giữa điều tra phá án và ẩm thực. Chắc chắn dự án đó sẽ cần được dẫn hướng bởi một nhà sản xuất hiểu thị trường và có cách tiếp cận các nguồn đầu tư thương mại.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Lý do 'Cu li không bao giờ khóc' được quốc tế ca ngợi
'Cu li không bao giờ khóc', phim điện ảnh đầu tay của Phạm Ngọc Lân, mang đến một góc nhìn độc đáo của phụ nữ tuổi xế chiều, bị mắc kẹt giữa kỷ niệm quá khứ và sự rối ren của hiện thực.
** Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trước khi ra mắt tại quê nhà Việt Nam vào ngày 15.11, Cu li không bao giờ khóc nhận nhiều "quả ngọt" khi tham gia các liên hoan phim quốc tế, trong đó có giải Phim dài đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 74. Tác phẩm cũng đánh dấu lần đầu điện ảnh Việt nhận được giải thưởng này.
Chuyện phim xoay quanh bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng), một phụ nữ lớn tuổi luôn cố giữ sợi dây gắn kết với quá khứ. Lo tang xong cho chồng cũ tại châu Âu, bà Nguyện trở về Việt Nam cùng với hũ tro và một con cu li do ông để lại. Giữa lúc tâm trí rối bời vì những kỷ niệm, bà nhận tin cô cháu gái (Hà Phương) phải làm đám cưới "chạy bầu" với người bạn trai kém nhiều tuổi. Trong lúc lớp trẻ tất bật lo cho hiện tại, bà Nguyện mắc kẹt trong hoài niệm. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với cậu trai trẻ (Hoàng Hà) tại phòng trà thường lui tới giúp bà Nguyện có cơ hội giải quyết xung đột bên trong tâm hồn mình, cũng như cho bà động lực để đi tìm lại những người bạn ngày xưa.
Phim là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Phạm Ngọc Lân (Chuyện mọi nhà, Giòng sông không nhìn thấy). ẢNH: CGV
Hình tượng cu li mang ý nghĩa gì?
Theo chia sẻ của Phạm Ngọc Lân, cu li là loài sinh vật khiến anh thấy thú vị. "Cu li" là từ mượn tiếng Pháp (coolie) là từ chỉ những người lao động cấp thấp, bị xã hội xem nhẹ - như các nhân vật chính trên phim. Tuy nhiên, "cu li" cũng là một từ có giá trị "muôn năm cũ", mà ngày hôm nay ít ai còn biết đến. Bản thân sinh vật là đại diện cho những giá trị truyền thống, tuy đáng quý, nhưng dần trở nên xưa cũ, khó tìm được chỗ đứng trong xã hội hiện đại.
Xuyên suốt phim, những người trẻ nếu không gọi sai tên sinh vật này, thì cũng đánh đồng nó với loài khỉ. Chi tiết này khắc họa một khoảng cách lớn về thế hệ dẫn đến sự bất đồng trong giao tiếp, ứng xử. Bà Nguyện không cho phép cô cháu gái khóc, vì thế hệ của bà không có quyền được khóc. Ngược lại, việc người ta gọi sai tên, hay không biết về loài cu li, cũng như việc những hoài niệm quá khứ của bà Nguyện không phải ai cũng có thể gọi tên và chịu thấu hiểu.
Con cu li vừa đại diện cho giá trị xưa cũ, vừa là khoảng cách thế hệ khiến các nhân vật khó hiểu nhau. ẢNH: CGV
Trên phim, với đôi mắt luôn mở to trong bóng tối, cu li nhìn thấu hết tâm tư của từng nhân vật, những khoảnh khắc cô đơn của bà, sự lo âu pha chút sợ sệt khi đối diện hôn nhân của cô cháu gái, hay cảnh cậu người yêu trẻ tuổi vì bất cẩn mà mạo phạm đến hũ tro của chồng bà Nguyện.
Qua "đôi mắt" của cu li, người xem thấy rõ những góc khuất sâu thẳm nhất, hay có thể xem là những nỗi niềm không thể gọi tên của gia đình bà Nguyện. Bà Nguyện và cô cháu không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc cả hai thường cãi vã, dằn vặt nhau. Bà nghĩ cô cháu quá ngốc nghếch nên mới để dính bầu, còn cô chẳng hiểu sao bà quá cổ hủ, không chịu hiểu mình. Con cu li nhìn thấy được đằng sau những lời đôi co, hai dì cháu vẫn dành cho nhau tình yêu thương, dù có mất tất cả thì họ vẫn còn có nhau; tuy nhiên, chính họ chỉ chấp nhận điều đó ở cuối phim.
Gặp nhau để nói lời từ biệt
Thông điệp chính của phim là sự buông bỏ, nhưng không phải phủi sạch những giá trị cũ, mà buông bỏ quá khứ để chữa lành hiện tại. Nhà làm phim chọn tông màu chủ đạo trắng - đen, với những khung hình duy mỹ nhằm gợi nên cảm xúc hoài niệm.
Nếu để ý kỹ, cùng sắc xám, song màu phim sáng dần lên theo diễn biến câu chuyện, thể hiện góc nhìn tích cực của Phạm Ngọc Lân khi xây dựng cuộc đời và số phận bà Nguyện. Người xem nhận ra hình ảnh bà Nguyện có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu. Đó là những người lớn tuổi dành cả cuộc đời bôn ba, để khi ở tuổi xế chiều lại muốn tìm về nơi chốn cũ.
NSND Minh Châu vào vai nhân vật dễ khiến khán giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau đồng cảm. ẢNH: CGV
Ở hồi giữa của tác phẩm, Phạm Ngọc Lân để bà Nguyện cùng chàng trai trẻ quen ở phòng trà quay về nhà máy thủy điện - nơi ngày xưa bà gặp chồng mình. Đạo diễn cho nhân vật cơ hội gặp lại những người đồng nghiệp ngày xưa, ôn kỷ niệm, rồi nói lời từ biệt. Hình ảnh bà rải tro của chồng nơi đập nước, thả con cu li trở về rừng, cho thấy bà vẫn trân quý, nhưng chấp nhận cất quá khứ vào trong tim để hướng về hiện tại - nơi lễ cưới của cháu bà sắp diễn ra.
Lúc này, sự sắp đặt của kịch bản lại trở nên cần thiết, chứ không hề gượng ép. Bà Nguyện có dịp gặp lại và làm lành với người đàn ông từng có hiềm khích với mình năm xưa, do nghệ sĩ Thương Tín thể hiện. Phân cảnh này không chỉ giàu tính nhân văn trên phim, mà còn đong đầy cảm xúc ngoài đời thực.
Theo NSND Minh Châu, cũng phải 20 năm rồi bà mới có dịp gặp lại nghệ sĩ Thương Tín, nên cảm xúc của bà thổi vào nhân vật hoàn toàn là thật. Cũng theo đạo diễn Phạm Ngọc Lân, Cu li không bao giờ khóc có thể là phim điện ảnh cuối cùng nghệ sĩ Thương Tín tham gia, do tình hình sức khỏe hiện tại của ông.
Tạo hình nghệ sĩ Thương Tín (phải) trên phim. ẢNH: CGV
Có nhiều điểm cộng về giá trị nghệ thuật và cách khai phóng câu chuyện là thế, song Cu li không bao giờ khóc cũng còn hạn chế. Trước hết, mạch phim chậm, nhiều pha chuyển cảnh mang phong cách cá nhân đạo diễn dễ khiến khán giả thấy khó bắt kịp nhịp. Ngoài ra, một số phân đoạn hài được lồng ghép có phần dài hơi, khiến vài đoạn hơi lan man.
Nhìn chung, Cu li không bao giờ khóc là phim độc lập giàu chất thơ, mang nét riêng của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Ra rạp Việt Nam trong thời điểm này, phim sẽ gặp thế khó trước nhiều bom tấn ngoại, trong đó có The Gladiator 2 (Võ sĩ giác đấu 2). Vào tuần sau, phim còn giáp mặt Wicked và phim kinh dị Linh Miêu do Võ Thanh Hòa sản xuất - đều có tính giải trí cao.
Cu Li Không Bao Giờ Khóc thành công chạm đến cảm xúc khán giả nhờ vẻ đẹp thuần khiết mộc mạc Sau hai buổi chiếu ra mắt tại Hà Nội và TP. HCM, phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc nhận được những phản hồi tích cực đầu tiên. Cuốn phim đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân kể câu chuyện về bà Nguyện (NSND Minh Châu), một phụ nữ lớn tuổi luôn thấy mình mắc kẹt trong quá khứ khi đối diện...