Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh: ‘Tôi rất dị, sự thật là thế’
Tác giả của nhạc kịch “Đêm hè sau cuối” cho biết cách nghĩ của anh không giống người bình thường và cách hành xử cũng khác.
Ba năm sau lần đầu tiên ra mắt 2 vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối và Góc phố danh vọng, Nguyễn Phi Phi Anh đã hoàn thành việc học tại Mỹ và trở về Việt Nam. Giữa tháng 10 này, anh thực hiện dự án 35 buổi diễn 2 tác phẩm tâm huyết của mình tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội. Sau 2 đêm diễn đầu tiên, vé đã bán hết.
“Tôi có những tiêu chuẩn nghệ thuật riêng”
- Sau chuỗi 6 đêm diễn “Đêm hè sau cuối”, anh nhận được nhiều phản hồi tích cực. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng phải quả quyết “Phi Anh là người có tài”. Cảm giác của anh thế nào?
- Tất nhiên là tôi rất sung sướng. Nhưng thật ra, tôi không làm tác phẩm theo kiểu nhìn vào sản phẩm của người khác. Tôi có tiêu chuẩn nhất định của riêng mình, thấy đúng thì làm, làm đến bao giờ hay thì thôi.
- Nhưng nếu bị “tâng bốc” kiểu như “cậu bé vàng nhạc kịch Việt” thì sao? Thú thực, một nhà phê bình cho rằng đây là ví von “dở hơi” còn một nhà báo thì tiết lộ anh không thích bị gọi như vậy!
- Tôi không đặt nặng thành tích cá nhân. Nhưng tôi cũng không phải người nếu được khen lại xua người ta đi. “Cậu bé vàng”, nói không thích cũng không đúng, thậm chí tôi còn thích quá ý chứ.
Dù tôi vừa sản xuất, đạo diễn và viết kịch bản nhưng vở diễn là sản phẩm tập thể. Nếu các bạn ấy không giỏi thì có lẽ cũng không hay được như thế.
Nguyễn Phi Phi Anh – nghệ danh PPAN. Ảnh: Đô Tăng.
- Việc khen chê một tác phẩm là rất bình thường. Nhưng hình như người ta gặp khó khăn khi chê “Đêm hè sau cuối” vì không phải ai ở Việt Nam cũng tường tận về nhạc kịch?
- Tôi nghĩ tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm nghệ thuật là khán giả có sảng khoái sau khi xem hay không, chấm hết. Nếu xem xong, họ không phục, không thú vị, không cười, không nín thở thì nó không hay, vậy thôi.
Không thể nói vì anh không học bên Mỹ nên không chê được tác phẩm. Không có gì để chê người ta cũng có thể chê được, còn nếu người ta khen, tôi nghĩ, là người ta thích thật.
- Có những vở kịch khi bước ra khỏi rạp người xem không sảng khoái, thậm chí còn tự nhủ giá như không đi xem vì sự bi uất và sâu sắc của tác phẩm. Anh bình luận sao?
- Tôi viết Đêm hè sau cuối khi 22 tuổi. Ở tuổi đó, tôi nghĩ mình không cần làm gì lớn lao hơn. Tất nhiên, mọi vui buồn đều phụ thuộc vào tác phẩm. Nếu đây là vở bi, tôi có thể làm cho khán giả buồn.
Ý tôi muốn nói là tùy vào mục đích của tác phẩm để làm đúng điều mình hướng tới. Còn xem Đêm hè sau cuối mà không thấy sảng khoái thì đó là sự thất bại.
- Trước câu hỏi “Ấn tượng với nhân vật nào nhất sau khi xem ‘Đêm hè sau cuối’, tôi không ngại ngần trả lời rằng anh là người tôi ấn tượng nhất. Thật không dễ dàng để người xem thấy bóng dáng của đạo diễn trong tác phẩm, vậy mà anh làm được?
Video đang HOT
- Tất cả nhân vật trong vở kịch đều có bóng dáng của tôi. Tôi vốn không phải là người giỏi tưởng tượng, do vậy, tôi chỉ viết những gì mình biết, trông thấy đâu đấy hoặc gắn liền với cá nhân thôi.
Từng lời thoại đều do tôi viết, ai tinh ý sẽ nhận ra đó là giọng điệu của một người chứ không phải nhiều người. Các bạn diễn rất đa dạng nhưng đều có nét giống nhau, đó là nét của tôi.
Một cảnh trong vở Đêm hè sau cuối. Ảnh: G.H
“Hoài nghi là đương nhiên”
- Trước khi xem “Đêm hè sau cuối”, tôi có sự hoài nghi về Nguyễn Phi Phi Anh và nhiều người cũng vậy. Anh có biết điều đó?
- Đương nhiên là hoài nghi. Tôi không sống ở đây, hàng chục năm qua, tôi đi học ở nước ngoài, về chơi cũng rất ngắn. Báo chí và giới nghệ thuật, tôi không quen ai. Tôi cũng không phải tuýt người xông ra để làm quen với người khác.
Thế nên, nếu có ai đó giới thiệu về tôi với một người khác thì sự hoài nghi là khó tránh khỏi. Giới nghệ thuật rất nhỏ, một người bạn chẳng biết là ai nhưng lại được khen thì tại sao lại không có sự hoài nghi nhỉ!
- Một người bạn của anh nhận xét rằng anh “dị, độc và đỉnh”. Còn anh miêu tả thế nào về mình?
- (Cười). Tôi rất dị bởi sự thật là như thế. Cách nghĩ và hành xử của tôi không giống người bình thường. Còn đỉnh, tôi không biết thế nào là đỉnh. Tôi chỉ đang làm công việc của mình, xung quanh tôi có quá nhiều người giỏi.
- Thế nên, sự hoài nghi của nhiều người còn bắt nguồn từ suy nghĩ “Ồ, chàng trai này là của quý của Việt Nam nhưng khéo ở bên Mỹ cũng bình thường thôi so với những các đồng môn”?
- Bình thường thôi thật vì các bạn của tôi đều rất giỏi. Nhiều người đang làm việc ở công ty lớn như Apple. Tôi cũng từng làm ở Disney trước khi về đây. Nhưng dù sao, với tôi, sự hoài nghi cũng không quan trọng. Tôi không làm để được ca ngợi hay khen tặng dù những lời có cánh thì ai chả thích.
- Một số ý kiến cho rằng anh làm đạo diễn thời trang hay nhạc kịch chỉ là bước đệm. Anh đang nghĩ đến những dự án lớn hơn?
- Không, chẳng có gì lớn hơn cả. Dự án nào tôi cũng thấy vô cùng lớn. Tôi mệt mỏi và cảm giác mình như người chết trôi đến nơi rồi. Như Đêm hè sau cuối cũng rất khó khăn mới làm được, những cái lớn hơn biết mình có làm được không.
PPAN được đào tạo tại ĐH Hampshire (Mỹ) chuyên ngành đạo diễn, biên kịch. Ảnh: Đô Tăng.
“Cốt Việt hoặc vỏ Việt là do cảm nhận của người xem”
- Trở lại với “Đêm hè sau cuối”, không khó để nhận ra trong dàn diễn viên, có người hát tốt nhưng diễn dở và ngược lại. Đội ngũ diễn viên đã khiến anh hài lòng?
- Không! Hài lòng được hết thì còn nói làm gì. Lần nào làm, chúng tôi cũng có vấn đề về nhân sự. Nhiều vai không tìm được đúng người đóng nhưng vẫn phải chấp nhận vì tính thời điểm của tác phẩm.
- Không ít người phàn nàn về diễn xuất của diễn viên đóng vai bà Thìn. Anh nói gì?
- Nếu là diễn viên đóng vai bà Thìn thì tôi lại đứng về phe bạn ấy. Bạn ấy đóng với tôi từ năm 2013 và tôi nghĩ bạn ấy đã đạt được hết yêu cầu mà tôi đưa ra. Nếu đánh giá nhân vật này không hay thì là tôi không hay chứ không phải bạn ấy.
- Trong số những lời chê hiếm hoi, có ý kiến nhận định nhiều tình tiết trong vở nhạc kịch của anh bị lê thê?
- Tôi đồng tình, kịch bản của tôi bị dài dòng. Nhiều chi tiết khán giả không cười nhưng vẫn được giữ vì chúng tôi thích. Ngoài ra, khả năng về nhịp của diễn viên cũng chưa tốt, không cảm được sự nhanh chậm của vở diễn. Nhưng không trách được họ, họ không phải diễn viên chuyên nghiệp.
- Tôi thì thấy anh dẫn giải quá nhiều trong tác phẩm của mình. Một vở nhạc kịch dựa trên các tác phẩm trinh thám sao không để người xem hình dung và tiên đoán nhiều hơn?
- Lúc tập, chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu, cắt cái gì, thêm cái gì nhưng cuối cùng tôi quyết định giữ lại. Như tôi nói, tôi chỉ làm theo tiêu chuẩn của tôi. Nếu dẫn giải ít hơn, tôi không hiểu. Còn nếu khán giả nào đoánvà nhìn trước được, tôi nghĩ đó là người rất thông minh.
- Sân khấu lớp lang của anh nhận được nhiều khen ngợi. Nhưng anh đã hài lòng chưa vì không khó để nhận ra không gian hơi chật, thậm chí một chiếc cửa ghi chữ thoát hiểm phía dưới sân khấu cũng được trưng dụng?
- Tất nhiên là tôi chưa hài lòng vì sân khấu bé quá. Nhưng ở Hà Nội không có sân khấu nào phù hợp hơn. Khi chọn L’Espace, tôi đã thấy sân khấu này không đủ chỗ cho nhạc công. Sau đó, tôi nghĩ đến việc cho vũ công nhảy trên đầu nhạc công và sân khấu này ra đời.
Tôi làm việc rất công thức, gạch đầu dòng và làm hết là xong. Đây là một sân khấu lớp lang, nhiều tầng và chênh vênh nhưng quan trọng nó phù hợp với câu chuyện của tôi.
- Nhiều nhận xét cho rằng tác phẩm của anh đã Việt hóa thành công nhạc kịch Broadway, nói cách khác là “vỏ Tây – cốt Việt”. Nhưng khi xem xong, tôi lại có suy nghĩ khác, hình như là “vỏ Việt – cốt Tây”. Dụng ý của anh là gì?
- Thưởng thức nghệ thuật, chắc chắn không ai giống ai. Thú thật, tôi ít khi có cơ hội được đọc những gì người khác viết về mình hay tác phẩm vì tôi rất bận. Nhưng quan điểm của tôi là tôn trọng và trân quý tất cả cảm nhận của người xem về tác phẩm, nhất lại là những nhà chuyên môn, phê bình. Nhận xét của bạn cũng vậy, cá nhân tôi khi nghe thấy rất vui.
Thời gian tôi sống ở nước ngoài nhiều hơn ở Việt Nam nên khi tôi viết và dựng vở này, những yếu tố Việt để gây cười được thêm vào sau cùng. Người xem có thể vừa cho rằng đó là cốt Việt, hoặc vỏ Việt. Tuy nhiên, khi bắt tay xây dựng vở, những thứ là chuẩn mực của nghệ thuật, tôi sẽ không phá.
- Có người nhận định, nội dung tác phẩm hay thật nhưng cái gì cũng chưa tới, tình tiết trinh thám không gây bất ngờ đến tột cùng, khán giả cũng không cười lăn lộn, càng không thể xúc động về chuyện tình yêu mà anh cài cắm?
- Nhật xét rất đúng. Đêm hè sau cuối không làm người ta điên đảo về tình yêu, bất ngờ và trinh thám cũng vừa phải. Nhưng mục tiêu của tôi không phải để khán giả bất ngờ và tôi cũng không cần điều đó.
Không thể đặt một tiêu chí nào đó cho tác phẩm. Đúng, nhiều thứ chưa tới nhưng người ta sẽ nhìn vở kịch và khâm phục ở những thứ khác. Quan trọng, tôi không làm để tính toán sự thành công, bắn trượt phát này tôi sẽ tiếp tục có phát khác.
Theo Zing
Nhạc kịch Việt Nam thêm buổi diễn vì cháy vé
Ban tổ chức dự án nhạc kịch HOPE (Mộng Ước) vừa ra thông báo về việc mở bán thêm 4 đêm diễn "Đêm hè sau cuối" vì chuỗi 6 đêm diễn như dự kiến đã bán hết vé.
Toàn bộ chuỗi 6 đêm của vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối trong dự án nhạc kịch HOPE (Mộng Ước) đã bán hết vé từ ngày 10/10. Đồng nghĩa với việc gần 2.000 vé xem nhạc kịch đã đến với khán giả thủ đô.
Theo dự kiến ban đầu, Đêm hè sau cuối sẽ công diễn hai đêm cuối trong đợt diễn đầu tiên vào ngày 12-13/10. Tuy nhiên, trước nhu cầu của nhiều khán giả, ê-kíp thực hiện đã quyết định diễn thêm 4 đêm từ ngày 17-20/10.
Một cảnh trong vở Đêm hè sau cuối. Ảnh: G.H.
Đêm hè sau cuối là vở diễn mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Khán phòng L'Espace ngày 4, 8, 10, 11/10 không còn một chỗ trống.
Trong hàng khán giả còn có sự xuất hiện của giới văn hóa nghệ thuật như nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà, NSND Lê Khanh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp...
Hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua, trong không gian "nhà bà Thìn", khán giả đã được đi qua những mê cung của suy luận và bất ngờ về thủ pháp dàn dựng và xử lý sân khấu tài tình.
Trong không gian sân khấu đậm màu sắc nhạc kịch, 35 diễn viên và 17 nhạc công chơi trực tiếp đã cống hiến như những nghệ sĩ có nghề và tỏa sáng như những ngôi sao thứ thiệt khi làm tốt việc kết hợp giữa kịch nói, ca hát và vũ đạo.
Tính đương đại, sống động và giàu giải trí của Đêm hè sau cuối còn ở việc Nguyễn Phi Phi Anh đã sử dụng âm nhạc là những ca khúc của Lady Gaga, Adele, Rihanna, Britney Spears,... cùng những giai điệu bất tử trong các vở nhạc kịch kinh điển như Chicago, Cabaret, Grease, NINE,...
Khán giả được yêu cầu không tiết lộ cái kết của vở nhạc kịch. Ảnh: G.H.
Đêm hè sau cuối là vở nhạc kịch trinh thám với nội dung xoay quanh những cái chết bí ẩn trong ngôi nhà đông người của bà Thìn và hành trình phá án, tìm ra thủ phạm.
Tác giả kịch bản Nguyễn Phi Phi Anh lấy cảm hứng viết Đêm hè sau cuốitừ những tiểu thuyết của Agatha Christie và bộ truyện tranh Thám tử lừng danh Conan.
Theo Zing
Chuyện về những cái chết bí ẩn khai màn nhạc kịch 'HOPE' Dự án nhạc kịch "HOPE" (Mộng Ước) sẽ khai màn với vở "Đêm hè sau cuối" vào tối ngày 4/10 tại L'Espace, Tràng Tiền, Hà Nội. Đêm hè sau cuối là vở nhạc kịch trinh thám với nội dung xoay quanh những cái chết bí ẩn trong một ngôi nhà đông người và hành trình phá án, tìm ra thủ phạm. Tác giả...