Đạo diễn Lê Phương Nam làm ‘Đảo Khát’ để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia
Vỡ òa trong niềm vui vì sau 5 năm thực hiện, giờ đây, bộ phim Đảo Khát mới được lên sóng truyền hình, đạo diễn Lê Phương Nam chia sẻ với Thế giới điện ảnh về những tâm đắc trong quá trình thực hiện bộ phim…
Đạo diễn Lê Phương Nam
Đảo Khát được lấy cảm tác từ truyện ngắn Thương quá rau răm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Xúc cảm nào đã khiến anh thực hiện bước chuyển từ bối cảnh miền Tây Nam bộ tới hòn đảo thuộc miền Trung đầy nắng gió?
Truyện ngắn Thương quá rau răm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể về cuộc sống và con người ở một cù lao nơi tận cùng tổ quốc. Truyện không có những sự kiện lớn lao, biến cố nổi bật của một cốt truyện lắt léo, phức tạp. Ngay cả tính cách nhân vật cũng vậy, không có quá trình bộc lộ và phát triển mà dường như tồn tại hiển hiện, sẵn có trong cuộc sống… Tôi cũng như mọi người đọc, đã cảm nhận được từ tác phẩm tấm lòng nhân hậu của con người vùng đất mũi. Tất cả đã được thuyết phục, cảm mến… rồi thương yêu tấm lòng của ông Tư Mốt với đất và người cù lao. Nó không chút ồn ào nhưng nặng trong từng cử chỉ lời nói, không triết lý làm màu, cao sang gì mà chính bằng tấm lòng yêu thương chân thành của ông Tư Mốt với đất và người, mong muốn làm được điều tốt cho cuộc sống của bà con mình. Đây là một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng chứa đựng một triết lý nhân sinh sâu sắc!
Đạo diễn Lê Phương Nam và ekip trên trường quay Đảo Khát
Anh có thể chia sẻ về cái tên phim Đảo Khát cũng như khát vọng mà đoàn phim muốn chuyển tải qua tác phẩm dài 20 tập này?
Khi đi thực tế ở đảo Lý Sơn để xây dựng kịch bản và dự án phim Đảo Khát, tôi cùng đoàn làm phim đã cảm nhận hòn đảo này như một chiến hạm đang canh giữ nơi cửa biển, đất liền và đang mang trọng trách tiền tiêu giữa biển Đông. Đây là nơi mà nhiều thế hệ ngư dân không chỉ đối mặt với biển khơi, bão tố mà còn phải chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược. Nơi mà trải qua hơn bốn thế kỷ, đội hùng binh Hoàng Sa được hình thành và giữ trọng trách lớn lao trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Và chính nơi đây còn mang trong lòng một kho báu di sản của nền Văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa hòa chung vào nền văn hóa Việt…
Đạo diễn Phương Nam chuẩn bị lặn
Nhưng cũng nơi đây, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn và những vấn đề thiết thực của người dân khi nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước nuôi dưỡng cỏ cây, gia súc chỉ trông chờ vào mùa mưa và tích trữ với khối lượng ít ỏi.
Cơn khát của hòn đảo này còn hiển hiện trong những cái chết đau thương của những ngư dân gặp nạn trên biển. Cơn khát của những nhu cầu tối thiểu nhưng thiết yếu của cuộc sống trên hòn đảo – nơi bị cô lập hoàn toàn với đất liền trong mùa giông bão. Nơi trường học chỉ tới cấp hai. Nơi có bệnh xá nhưng không bác sỹ. Nơi có máy siêu âm nhưng không nguồn điện. Nơi mà bệnh sài đẹn vẫn có thể lấy đi trẻ thơ hay bệnh hậu sản vô phương cứu chữa. Nơi mà những căn bệnh của nghề ngư dân lặn biển đành phải phó mặc cho trời. Nơi con người sinh ra trên mặt đất nhưng thân xác lại gửi nơi lòng biển cả chỉ còn lại ngôi mộ gió vô hình…
Diễn viên Thanh Tú trong phim Đảo Khát
Và nơi đây còn mang trong mình nỗi khát khao vươn ra khơi xa từ tiền nhân trao lại. Những ngư dân mong ước ra vùng khơi, vùng lộng… nơi Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác nguồn thủy sản, thoát tấm lưới đói nghèo và xác định chủ quyền đất nước.
Và cũng năm đó – năm 2014 – các lực lượng chấp pháp của chúng ta đang đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi lãnh hải Tổ Quốc mình
Đó chính là những vấn đề mà Đài truyền hình HTV, Hãng phim TFS và đoàn làm phim chúng tôi muốn đề cập trong phim Đảo Khát.
Trong Đảo Khát, yếu tố văn hóa, phong tục luôn được anh chú ý đến và hòa quyện chung cùng đời sống như văn hóa Sa Huỳnh, Chăm – Việt… Anh có thể chia sẻ rõ hơn ý tưởng này?
Đó là kho báu vật thể và phi vật thể mà tiền nhân trao lại cho hiện tại – tương lai. Và trách nhiệm của con cháu ngày nay là phải giữ lấy, bảo vệ và sử dụng như một vũ khí để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các cảnh trong phim Đảo Khát
Đảo Khát được bấm máy từ 2014 với bao tâm huyết nhưng tới tận bây giờ, bộ phim mới được phát sóng. Cả anh và cả ekip làm phim đã được thỏa lòng khao khát bấy lâu. Hiện, anh muốn chia sẻ điều gì?
Đoàn làm phim chúng tôi đã “may mắn” nhận được sự quyết tâm thực hiện đề tài của Đài HTV, của hãng phim TFS khi tổ chức cho nhóm quay phim (gồm 4 người) tham gia khóa học lặn và đầu tư các thiết bị quay phim dưới lòng biển. Nhờ vậy mà chúng tôi mới thực hiện được cảnh quay của những ngư dân làm nghề lặn săn bắt thủy sản để có những rạn san hô cùng các loài thủy sản phong phú và quý hiếm dưới lòng biển sâu. Nếu e sợ những hiểm nguy khi phải thu hình nơi độ sâu với sức ép của hơn 10 thước nước, không cảm xúc và rung động trước thiên nhiên bao la trời biển với những cảnh quan hùng vỹ, hoang sơ hay những rạn san hô và các loài thủy sản quý giá thì chắc chắn, Đảo Khát sẽ không có được những khung hình và thước phim lung linh đó. Với dàn diễn viên cũng vậy, nếu không có sự tập luyện bơi lặn, không thấu hiểu, rung động với cuộc sống khó khăn cùng những tấm lòng chân thật, nghĩa tình sâu đậm của người dân đảo Lý Sơn, có lẽ các bạn sẽ không hóa thân thành các nhân vật trong Đảo Khát.
Và điều tôi không thể quên vào năm 2014 – khi các bạn diễn viên cùng tất cả các ekip thực hiện như thiết kế, ánh sáng… lên đường ra Lý Sơn làm phim với một tâm thế “Quyết đuổi giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi hải phận!” cùng những ca từ: “Nơi anh đến là biển xa/ Nơi anh tới ngoài đảo xa/ Mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà…” trong ca khúc Nơi đảo xa luôn được hát vang… Năm năm rồi, tới giờ phim mới được phát sóng, thực sự thâm tâm tôi vẫn luôn cảm động, trân trọng trước sự vượt khó và lòng quả cảm của toàn thể anh em trong đoàn phim.
Hy vọng của anh qua 20 tập phim Đảo Khát?
Đảo Khát sẽ được, được thật nhiều người xem cho dù phim phát sóng trong khung giờ “buồn ngủ!”.
Chân thành cảm ơn anh và luôn chúc anh tiếp tục thành công.
Đạo diễn và ekip trên trường quay phim Đảo Khát
Đảo Khát (biên kịch & đạo diễn: Lê Phương Nam) là bộ phim mô tả phần nào đời sống của ngư dân trên đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu giữa biển Đông – nơi mà nhiều thế hệ ngư dân không chỉ đối mặt với bão tố mà còn phải chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược. Nơi từ thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã cho thành lập Đội Hoàng Sa để giữ trọng trách bảo vệ chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Bộ phim truyền hình hiếm hoi nóng hổi mang tính thời sự khi khai thác chủ đề về biển đảo dài 20 tập do Đài Truyền hình TP.HCM và Hãng phim TFS sản xuất đang phát sóng lúc 22h00 từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần trên sóng HTV9, bắt đầu từ ngày 14/8.
Theo thegioidienanh.vn
MXH Lotus 'hút' người dùng vì phương châm độc đáo
Mạng xã hội Lotus có lực lượng nhân lực công nghệ mạnh, đội ngũ phát triển nội dung am hiểu văn hóa Việt với phương châm độc đáo, thu hút tệp người dùng đông đảo.
Theo Kênh VTC1
Thủ tướng dự kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn manh, Khu đền tháp Mỹ Sơn là nơi hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và tâm linh, đến từ các nền văn minh cổ đại: Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh... Tối qua 8/9, tại huyện Duy Xuyên, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức...