Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Tôi cảm thấy xấu hổ vì gia đình mình không bình thường”
“Và tệ hơn, tôi trở thành tâm điểm để bạn bè châm chọc”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
Cuộc đời của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh giống như một thước phim với tấn bi kịch triền miên suốt những năm tháng tuổi thơ. Gần 40 tuổi đời nhưng nhiều lúc ra đường, cái cảm giác thua thiệt, tự ti, mặc cảm vẫn trỗi dậy trong anh khiến anh hoài nghi chính mình…
Mặc cảm, bị bạn bè châm chọc vì bố mẹ ly dị
Anh gây xúc động cho nhiều người bởi câu chuyện hiếu thảo, chăm mẹ bị ung thư. Nhưng có một chuyện mà không nhiều người biết, anh có một tuổi thơ đầy sóng gió khi bố mẹ chia tay?
Tuổi thơ của tôi cũng khá êm đềm cho tới năm 7,8 tuổi. Hồi đó ba mẹ tôi làm ăn khấm khá nên tôi rất sướng, không biết vất vả là gì. Cho tới năm tôi 8,9 tuổi thì ba mẹ bắt đầu có những bất hòa, tôi chứng kiến những cuộc cãi vã giữa hai người.
Có lẽ vì tôi là người nhạy cảm nên cảm được tất cả nỗi buồn, sự cô đơn khi ba mẹ không thuận với nhau là như thế nào. Và nó kéo dài tới năm tôi 14 tuổi là năm mà ba mẹ tôi ly dị.
14 tuổi ngày đó không như bây giờ được tiếp cận với sách báo, thông tin và sự dạy dỗ chỉn chu từ gia đình. Con nít dưới quê ngày đó ngây ngô lắm. Và việc ba mẹ ly dị nó trở thành nỗi đau cá nhân, sự mắc cỡ với bạn bè và mọi người xung quanh.
Không hiểu sao, tôi cảm thấy xấu hổ vì gia đình mình không bình thường, vì ba mẹ mình không trọn vẹn. Và tệ hơn, tôi trở thành tâm điểm để bạn bè châm chọc. Ngày xưa ở dưới quê, 1 cặp vợ chồng ly dị là điều gì đó rất không bình thường và gây tổn thương về mặt tâm lý cho 1 đứa trẻ như tôi.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
Ở trong môi trường mà mình không chia sẻ được điều đó với ai thì tôi cho rằng đó là vết thương, nỗi bất hạnh, tổn thương về tâm lý rất lớn. Tôi không biết mình phải về đâu, tài sản chia đôi, ba đi một con đường, mẹ đi một con đường khác, còn mình phải chống chọi và tiêu hóa nó.
Cho đến tận bây giờ, có những đêm tôi vẫn nằm mơ thấy khoảng thời gian đó, mơ thấy gia đình mình không hạnh phúc, thấy những trận cãi vã của ba mẹ.
Tuổi thơ không bình thường đó sau này ảnh hưởng rất nhiều tới quan điểm sống, quan điểm sáng tác nghệ thuật và tâm lý của tôi.
Những tác phẩm nghệ thuật của tôi luôn có khát vọng về hạnh phúc gia đình. Lô-tô là hành trình đi tìm bố của đứa con. Ngôi nhà bươm bướm sắp tới cũng vậy. Trong những gia đình đó luôn ẩn chứa sự bất thường, ẩn chứa sự đổ vỡ, ẩn chứa khát vọng hàn gắn của con người với con người.
Gần 40 tuổi, lâu lâu bước ra đường, tôi vẫn thấy tủi thân vì bạn bè ai cũng có gia đình hạnh phúc còn mình thì không. Nỗi đau của 1 gia đình ly dị nó không quá lớn nhưng với 1 người đa sầu đa cảm, sâu sắc và lãng mạn như tôi thì nó để lại nhiều vết tích.
Tôi vẫn hay viết cho mình những câu thơ như “tôi trôi qua đời như 1 vết thương”. Thật sự, trong tôi luôn tồn tại một nỗi mặc cảm rất lớn và cái tâm lý đó chỉ chờ dịp để vụn vỡ.
Những di chứng nặng nề…
Sau khi ba mẹ anh chia tay, hai người đều có gia đình mới, anh sống như thế nào?
Tôi vất vả sống và chống chọi với tất cả những điều đó. Tôi phải tự trấn an với chính mình rằng, tôi không phải đứa trẻ mồ côi để cố gắng không nghĩ tiêu cực.
Sau khi chia tay, ba tôi lên Sài Gòn lập nghiệp, mẹ tôi ở lại quê và có 1 gia đình mới. Thời điểm đó, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 2 lên cấp 3.
Video đang HOT
Ở giai đoạn đó, mọi thứ bị xáo trộn giống như mặt đất dưới chân mình chông chênh, không biết rồi cuộc sống mới sẽ thế nào, mình có sống hòa hợp với dượng không, muốn đi tìm ba thì tìm ra sao…
Tôi như người đứng trước quá nhiều ngã rẽ mà không biết phải đi con đường nào. Bởi tôi biết, chắc chắn mình không thể sống với dượng vì mình còn yêu ba quá.
Khoảng 1 năm sau, ba tôi ổn định dần cuộc sống ở Sài Gòn và về dắt tôi theo. Lúc đó, tôi lại bắt đầu một cuộc sống gần như mồ côi vì ba làm bảo vệ và ở hẳn công ty còn tôi được gởi ở chung với một nhóm sinh viên cùng quê lớn tuổi hơn mình.
Tôi tự nộp hồ sơ xin học vào trường Marie Cuire. Hàng tháng nhận “lương” của ba khoảng 2 triệu, chi trả tất cả các chi phí sinh hoạt và học tập. Tới ngày họp phụ huynh, vì không có ai đi họp, tôi thuê 1 bác xe ôm vào họp và bị phát hiện.
Nói chính xác, suốt tuổi thơ, tôi chỉ hạnh phúc tới năm 8,9 tuổi, sau đó là một hành trình dài đơn độc. Tới bây giờ, lâu lâu, trong lòng tôi vẫn trỗi dậy một mặc cảm thua thiệt. Tuy nhiên, đó là chất xúc tác để tôi mạnh mẽ hơn, độc lập hơn.
Điều vất vả nhất không phải là học cái mới mà là gỡ cái cũ bỏ đi. Đôi khi mình cố quên những điều đó nhưng nó vẫn ám ảnh mãi không thôi và đôi khi nó khiến mình kém tự tin, hoài nghi chính mình.
Có thể người ta nghĩ chuyện ly dị của ba mẹ rất đơn giản nhưng đâu đó trong tâm thức của những đứa con, nó là những di chứng lâu dài mà mãi mãi không bao giờ lành được.
“Điều vất vả nhất không phải là học cái mới mà là gỡ cái cũ bỏ đi…”, Huỳnh Tuấn Anh nói.
Trong mắt mọi người, mẹ tôi là người đàn bà thất bại nhưng với tôi, mẹ là người đàn bà vĩ đại
Anh có bao giờ trách móc và giận cha mẹ khi họ đã đẩy anh vào sự cô độc và những bất hạnh đó?
Ba tôi là người có lối giáo dục khắc kỷ, nếu không muốn nói là khắc nghiệt. Ông vẫn ở đó, vẫn lo lắng cho mình nhưng cách của ba là luôn quăng con vào cuộc sống và không bao giờ dạy con bằng lý thuyết mà bằng những bài học nhãn tiền.
Thật sự, ngày đó tôi rất ghét và giận ba vì thấy mình như con ghẻ. Nhưng khi trưởng thành thì tôi mới biết thương ba. Những năm tháng đó đã rèn cho tôi tính không ỷ lại vào bất cứ ai, chỉ được dựa vào chính bản thân mình. Và để làm được điều đó thì cách tốt nhất là tự rèn kỹ năng sống, tự lo mọi thứ.
Thời điểm đó, mẹ tôi sống dưới quê với người chồng khác. Tính ra, thời gian tôi ở gần mẹ rất ít. Từ năm tôi 14 tuổi tới ngày mẹ mất, tôi chỉ được ở bên mẹ 1 năm. Năm đó cũng là năm kinh hoàng nhất đời tôi, vừa lên đỉnh vinh quang sự nghiệp vừa đi đến đáy của sự đau khổ.
Vậy còn mẹ anh? Như anh nói, thời gian anh được ở bên mẹ quá ít ỏi nhưng lúc mẹ cùng đường, tay trắng, nợ nần, bệnh tật, bà quay lại tìm con…?
Tôi có một chút giống mẹ. Mẹ tôi không chơi số đề, bài bạc nhưng mẹ có tính bao đồng và thương người. Sự nợ nần và bao đồng của mẹ cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến ba mẹ tôi ly tán.
Ba tôi rất giỏi kiếm tiền, nhờ vậy mà gia đình cũng có cuộc sống sung túc nhưng mẹ lại hay mủi lòng. Thấy dì, thấy ngoại khổ thì đem hết tiền đi cho rồi ôm một đống nợ nần vào người, dần dần gây ra sứt mẻ.
“Trong mắt mọi người, thậm chí cả ba tôi, mẹ là người đàn bà thất bại nhưng trong mắt tôi, mẹ là người đàn bà vĩ đại”, Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Thật ra cuối cùng, trong thâm tâm, mẹ tôi là một người đàn bà tốt. Nhưng lòng tốt đặt không đúng chỗ thì trở thành phung phí.
Nhưng sau tất cả, mẹ không có động cơ nào vun vén cho cá nhân mình cả. Và tính nết đó khiến mẹ tôi một đời lao khổ. Nhưng tôi tin vào duyên phận, số phận. Đó là hoàn cảnh gia đình mình và dần thương mẹ nhiều hơn.
Chính cách sống của mẹ là một quả chín để lại cho anh em tôi. Sự tốt bụng của mẹ là tài sản lớn để tôi mang theo và nhận ra, cuộc đời này khi người ta nhắm mắt xuôi tay thì cái để lại là cái gì.
Trong mắt mọi người, thậm chí cả ba tôi, mẹ là người đàn bà thất bại nhưng trong mắt tôi, mẹ là người đàn bà vĩ đại.
Bởi thành công lớn nhất của 1 người phụ nữ suy cho cùng chính là đứa con của họ. Mẹ đã tạo ra tôi thành một con người vững vàng trong xã hội. Tôi cho rằng đó mới là điều mẹ vui nhất và an ủi nhất khi nằm xuống.
Cảm ơn anh đã chia sẻ và chúc anh hạnh phúc!
Theo Trí Thức Trẻ
"Trong sự tuyệt vọng, tôi gõ cửa anh Thành Lộc. Anh Lộc là cơ hội cuối cùng"
"Anh Lộc là cơ hội cuối cùng, nếu anh Lộc cũng từ chối, tôi sẽ bỏ nghề", đạo diễn Lô-tô Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
" Khi bạn ban ơn cho người khác thì cái ơn đó không còn thuộc về bạn nữa, nó là "tài sản" của người khác, họ sử dụng tài sản đó như thế nào là quyền của họ.
Việc của bạn là hãy đi chỗ khác và chờ đợi ngân hàng nhân quả trả lại một món hời khác cho mình.
Nếu hiểu sai điều đó, chúng ta dễ sân si và nghĩ "tại sao mình giúp nó mà nó không ơn mình". Lòng biết ơn, sự trả ơn, nhận ơn là vòng tròn khép kín chứ không phải một hàng đẳng thức toán học 1 1 = 2 nên đừng đòi hỏi cũng đừng lo mất phần", đạo diễn phim Lô-tô, Huỳnh Tuấn Anh mở đầu về câu chuyện Biến cố & Ân nhân trong đời mình như thế.
Huỳnh Tuấn Anh thời trẻ.
Lên Sài Gòn lập nghiệp với 88.000 đồng trong túi
Huỳnh Tuấn Anh vốn dĩ là một thầy giáo, anh tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Văn học Dân gian trường Sư phạm Văn. Huỳnh Tuấn Anh nhận được học bổng du học Nga nhưng vì hoàn cảnh gia đình éo le, Huỳnh Tuấn Anh quyết định cắp cặp đi dạy.
Dù vậy, đam mê nghệ thuật từ thuở thơ bé vẫn cháy bỏng trong anh để rồi hai năm sau đó, Huỳnh Tuấn Anh quyết định rẽ ngang sang con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Anh kể: " 25 tuổi, tôi lội ngược dòng từ sư phạm văn sang làm nghệ thuật mà không quen biết ai. Tôi nghĩ, mình không thể làm nghệ thuật chuyên nghiệp bằng con đường diễn viên quần chúng. Tôi quyết định thi vào khoa đạo diễn trường Sân khấu điện ảnh.
Tôi lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng, trong túi chỉ còn 88.000 đồng, không bà con họ hàng, không thân quen ai trong nghề để chỉ dẫn, mọi thứ tôi đều tự mày mò mà đi... nhưng tôi được rất nhiều người giúp đỡ. Người cho tôi cơm ăn, nhà ở lúc đó là một người hoàn toàn xa lạ.
Thi xong, tôi nghĩ mình sẽ rớt. Thời điểm đó, ngay đến tiểu phẩm tôi cũng chưa biết làm, tôi tự viết kịch bản, tự dựng rồi độc diễn. Tồi buồn, gọi cho đứa bạn ở Sài Gòn đi cà phê nhưng nó đang công tác. Nó kêu tôi vào nhà nó ở rồi nói với cô chủ nhà về hoàn cảnh của tôi.
Cô chú chủ nhà rất dễ thương, bảo tôi cứ ở lại, chưa có tiền thì tạm thời ở ghép với bạn, chừng nào có thì trả. Hàng ngày, ra ăn cơm với cô chú. Cô chú xem như con cháu trong nhà, đứng ra "bảo kê" cho tôi.
Tôi đậu Á khoa, vừa cắp sách đi học tôi vừa đi làm: dắt xe, bưng bê, xe ôm... công việc nào cũng kinh qua để có tiền sinh hoạt và trả tiền nhà.
Câu chuyện đó dạy tôi về lòng biết ơn. Tôi nhận ra mình không cô đơn. Chỉ cần cho tôi lòng tin vào con người, tôi có thể nâng cả thế giới lên. Tôi không nói sách vở mà những điều đó được chứng minh bằng chính cuộc đời tôi".
Bị mafia sân khấu trù dập và cái ơn với NSƯT Thành Lộc
Huỳnh Tuấn Anh xác định, con đường ngắn nhất, chắc nhất để làm đạo diễn là từ biên kịch. Bởi vậy, ngay từ thời sinh viên, anh đã viết rất nhiều kịch bản và sống khá khỏe nhờ công việc này.
Huỳnh Tuấn Anh là một trong những sinh viên khá nhất lớp đạo diễn năm đó. Cuối năm nhất, anh đã hợp tác với một nhóm bạn viết kịch bản phim Cổng mặt trời, trong đó Huỳnh Tuấn Anh là người viết chính.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trên phim trường.
Sau "Cổng mặt trời", Huỳnh Tuấn Anh viết rất nhiều kịch bản như "12 giờ khuya", "Thời kẹt xe", "Gió hoàng cung", "Hai lúa lên đời", "Thời gian để yêu", "Cuộc chơi nghiệt ngã"... thậm chí cả Liveshow Hoài Linh kỳ án cũng do Huỳnh Tuấn Anh viết.
Thế nhưng khi viết kịch bản sân khấu, Huỳnh Tuấn Anh bị một người lớn - một bậc tiền bối quyền lực nhất trong ngành sân khấu phía Nam "bưng bít" đường đi.
Anh kể: " Viết sân khấu, tôi gặp mafia. Hội đồng duyệt vở thông báo "có Huỳnh Tuấn Anh là không duyệt nhé", bởi vậy, không sân khấu nào dám dựng vở tôi viết.
Lý do là vì tôi chơi với một anh tên P.T, hai anh em hợp tác viết kịch bản "Cuộc chơi nghiệt ngã". Anh T là học trò của thầy G. Vì thầy G ghét anh T nên ghét lây cả tôi.
Giai đoạn từ năm 2006 đến 2016 là 10 năm hoàng kim của thầy G. Thầy giữ rất nhiều chức vụ cao trong lĩnh vực sân khấu phía Nam. Còn tôi khi đó, mới là một anh sinh viên khoa đạo diễn có khả năng viết lách đang đi tìm cơ hội làm nghề".
Trong sự tuyệt vọng vì bị vùi dập, tôi gõ cửa anh Thành Lộc. Anh Lộc là cơ hội cuối cùng. Tôi trình bày rõ hoàn cảnh của mình đang bị như vậy. Anh Lộc bảo, đưa kịch bản cho anh ấy xem. Tôi nghĩ, nếu anh Lộc từ chối, tôi sẽ bỏ nghề.
3 ngày sau, anh Lộc hẹn gặp tôi. Anh bảo, anh quá bất ngờ, không nghĩ một chàng trai mới 26,27 tuổi có thể viết được một kịch bản như vậy.
Anh Lộc giao vở cho anh Tuấn Khôi đạo diễn. Vở quy tụ toàn ngôi sao như anh Hữu Châu, Đại Nghĩa, Kim Xuân, Thanh Thủy, Minh Trí, Lê Giang..."
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc là người ơn của Huỳnh Tuấn Anh trong những ngày đầu bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Dù được nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc cho cơ hội nhưng Huỳnh Tuấn Anh vẫn quyết định ngưng viết sân khấu. Bởi lẽ, ở Sài Gòn thời điểm đó chỉ có vài sân khấu như kịch Hồng Vân, Idecaf, Nụ Cười Mới, 5B... dẫu Idecaf có rộng cửa thì cơ hội của anh cũng không nhiều.
Huống chi, người vùi dập anh vẫn là người quyền lực nhất trong ngành sân khấu phía Nam nên Huỳnh Tuấn Anh quyết định rút ra khỏi sân khấu. Sau chuyện này, Huỳnh Tuấn Anh một mặt tiếp tục mưu sinh bằng các kịch bản truyền hình để "cầm hơi", một mặt chuyển qua làm phim.
Anh nói: " Tôi có những cú xuống đáy, có những cú lên đỉnh nhưng tôi không bao giờ quên sự tử tế. Khi mình tử tế, người có lợi đầu tiên là mình.
Sau này tôi nhận rằng, càng bít đường bít lối, tôi càng không sợ. Khi một cánh cửa bị khép lại thì luôn có một cánh cửa khác mở ra.
Khi mình nhận mà không cho đi, giống như căn phòng bị chật dần lên. Bạn phải ban ơn lại cho người khác giống như thanh lý đồ. Cứ như thế, cuộc sống của tôi luôn tiến lên như đường xoáy trôn ốc và tất cả dựa trên sự tử tế.
Tôi nhận ơn anh Lộc nhưng không trả được gì cho anh. Bởi vậy, tôi đem cái ơn đó đi giúp lại đàn em, những người xứng đáng. Anh Lộc đã cho tôi một cú hích để tôi có niềm tin với nghề và tiếp tục cố gắng, tiếp tục nỗ lực cho tới ngày hôm nay".
Theo Trí Thức Trẻ
NSƯT Thành Lộc: Không muốn mọi người nhìn người đồng tính đáng thương và rẻ tiền "Tôi từng hóa thân vào vai đồng tính khi cả lĩnh vực sân khấu và điện ảnh Việt còn xem đó là điều nhạy cảm, kiêng kỵ", NSƯT Thành Lộc cho biết. NSƯT Thành Lộc có nhiều vai diễn để đời cả trên sân khấu cũng như màn ảnh. Bên cạnh đó, anh còn là diễn viên gần như đầu tiên đảm nhận...