Đạo diễn Dũng ‘khùng’: ‘Tôi học lực trung bình suốt 12 năm, chỉ đủ điểm lên lớp’
Tình yêu cũng là hoài niệm được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đề cập đến trong bộ phim mới nhất của mình: ‘Ước hẹn mùa thu’.
Ước hẹn mùa thu là một bộ phim dành cho hoài niệm, cho những ai còn vấn vương tình cũ. Trong mắt đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, không có gì dễ khiến con người ta hoài niệm hơn bằng tình yêu.
Nhưng hoài niệm tình yêu trong Ước hẹn mùa thu mang ẩn ý riêng của Nguyễn Quang Dũng: Kỷ niệm đừng bao giờ quên, nhưng đừng để kỷ niệm chi phối hiện tại, hãy xếp lại ở một góc và trân trọng nó.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Câu chuyện Ước hẹn mùa thu theo chân Duy ( Quốc Anh) – một chàng thanh niên tỉnh lại ở tuổi 32 sau 15 năm hôn mê vì tai nạn. Khi tỉnh lại, Duy hốt hoảng nhận ra nhiều thứ đã thay đổi, không chỉ gia đình, bạn bè, mà người bạn gái năm 17 tuổi – Pha Lê ( Hoàng Anh) cũng đã có bạn trai mới là Mạnh ( Nhan Phúc Vinh).
Duy quyết tâm chinh phục lại Pha Lê bằng tình yêu nồng nhiệt, nhiều hoài bão của tuổi trẻ. Thế nhưng, cuối cùng, Pha Lê vẫn buộc phải làm Duy thất vọng, trở về sống bên tình yêu hiện tại của đời mình, bởi dẫu có những nuối tiếc hay nhớ nhung, Pha Lê cũng không chọn sống bằng quá khứ.
‘Ước hẹn mùa thu’có sự trong trẻo, các nhân vật nam thú vị
‘Ước hẹn mùa thu’ là kịch bản được mua từ Mỹ và chưa từng được dựng thành phim. Lý do vì sao anh lựa chọn kịch bản này để đưa lên màn ảnh rộng?
Thứ nhất, bản dịch từ tiếng Anh cho tôi thấy được sự trẻ trung, cách đặt vấn đề thú vị. Thứ hai, tôi thấy đây là một bộ phim tôi đang thiếu trong sự nghiệp làm phim của mình, ở đó có sự trong trẻo,và có hệ thống những nhân vật nam thú vị.
Trước ‘Ước hẹn mùa thu’ là ‘Tháng năm rực rỡ’ cũng khai thác đề tài thanh xuân. Lý do anh chọn hai phim liên tiếp có chung đề tài này là gì, có phải vì anh thấy đề tài thanh xuân đang ‘ăn khách’ không?
Không phải. Khi tôi đọc kịch bản, điều đầu tiên tôi quan tâm là phải có hứng, thấy thú vị. Tất nhiên khi làm phim phải có sức hút này, sức hút kia nhưng ý thức đó với tôi là không lớn. Nếu trong số nhiều kịch bản nói về đề tài thanh xuân mà không có kịch bản nào tôi thấy đặc biệt thì tôi cũng không chọn.
‘Ai đã xem Tháng năm rực rỡ thì không thể bỏ lỡ Ước hẹn mùa thu’, vì sao ekip làm phim lại lựa chọn ’slogan’ này để quảng bá cho phim?
Nội dung 2 bộ phim không liên quan đến nhau, nhưng bởi vì ekip của ‘Ước hẹn mùa thu’ có đến 70%-80% những người đã từng làm ‘Tháng năm rực rỡ’. Đây là câu chuyện marketing, khi người ta đã có thương hiệu thì phải cố gắng làm sao xài hết thương hiệu đó.
Đối với tôi, đó là vế đối của hai bộ phim. Một bên là tuổi trẻ nữ, một bên là tuổi trẻ nam. Với ‘Tháng năm rực rỡ’, người xem vẫn tiếc nuối thanh xuân của mình, với ‘Ước hẹn mùa thu’, cho dù là ký ức đẹp nhưng khi kết phim tôi muốn người xem hướng đến hiện tại và tương lai.
Với ’slogan’ đó, anh có lo rằng những khán giả chưa xem ‘Tháng năm rực rỡ’ sẽ e ngại đi xem ‘Ước hẹn mùa thu’?
Tôi nghĩ khán giả cũng không đến mức như vậy. Mỗi người có một cái gu riêng, khi người ta ta thích thể loại nào thì người ta sẽ đi xem, còn khi người ta không thích thì sẽ là không thích thôi.
Phim dù thiếu logic nhưng quan trọng là cảm xúc
Ở tuổi học trò, anh là một cậu học sinh như thế nào?
Tôi là là một học sinh bình thường, có học lực trung bình tất cả các học kỳ trong suốt 12 năm, chỉ đủ điểm để lên lớp. (Cười).
Đúng là hồi đó tôi sợ đi học, cứ mỗi ngày thức dậy là sợ tới trường. Ngày tốt nghiệp ở trường tôi rất mừng vì không phải đi học nữa. (Cười).
Vậy anh có mối tình học trò nào không?
Có chứ, hồi đi học tôi cũng yêu sớm, lớp 7, lớp 8 là đã yêu rồi, nhưng yêu kiểu trẻ con, thích ghép đôi với nhau. Đến lớp 11 thì cũng yêu nghiêm túc, yêu thực sự.
Những cô bạn gái cũ bây giờ gặp lại vẫn trò chuyện bình thường, lâu lâu lại hỏi thăm nhau, kiểu vậy.
Anh đã qua tuổi học trò lâu rồi, làm cách nào để anh hiểu được tâm lý của học trò ngày nay?
Bây giờ cũng may có facebook, có mạng xã hội để tôi có thể theo dõi được. Tôi thấy tuổi học trò thời nào cũng cái cốt chung, chỉ là mỗi thời nó sẽ có một hiện tượng khác.
Vậy điều gì là khó nhất với anh khi làm ‘Ước hẹn mùa thu’?
Phim này khó nhất với tôi là bàn cân giữa ba nhân vật Mạnh – Pha Lê và Duy, tôi phải cân làm thế nào để khán giả không thấy sự vô duyên của một nhân vật nào cả.
Bên cạnh những lời khen, cũng có những đánh giá về ‘Ước hẹn mùa thu’, cho rằng mạch phim hơi nhanh, thiếu logic, kết dễ đoán. Ý kiến của anh như thế nào về những nhận định này?
Thật ra cái gì làm được và chưa làm được thì tôi cũng biết, nhưng đã là một bộ phim thì cũng không thể bắt tất cả mọi người giống ý mình. Khi xem bất kỳ bộ phim nào tôi cũng thích chỗ này, không thích chỗ kia.
Trong thời lượng gần 2 tiếng của bộ phim, có những chỗ không thể logic được, nếu muốn tìm một logic tuyệt đối thì gần như là không có. Nhiều khi chuyện thật ngoài đời còn phi lý hơn, và khi lên phim thì sẽ cố gắng làm sao cho nó logic nhất có thể.
Điều quan trọng là nếu phim thiếu logic mà người xem vẫn có cảm xúc thì vẫn ok, còn nếu làm cho người xem thấy khó chịu thì cũng không được.
Mỗi bộ phim đều có giá trị của nó
Yoon Trần (Quốc Anh) là một gương mặt mới. Vì sao anh lại chọn nam diễn viên này vào vai chính là Duy trong ‘Ước hẹn mùa thu’?
Tôi biết Quốc Anh trước khi bạn ấy vào Sài Gòn. Lúc đó tôi quay một sản phẩm quảng cáo, nhưng có 1 bạn diễn viên bận và khách hàng giới thiệu Quốc Anh cho tôi.
Khi gặp Quốc Anh tôi ngạc nhiên thấy ‘ồ, ở đâu có thằng em kiểu trẻ trung mà lại đàn ông, rất chân thành’.
Lúc casting cho bộ phim tôi nhớ đến Quốc Anh và mời bạn ấy đến. Quả thật tôi rất thích và thấy Quốc Anh rất hợp vai, bạn ấy vừa có sự đàn ông, vừa có sự hồn nhiên, chân thành của đứa trẻ.
Có những diễn viên người ngoài có thể không thấy hay nhưng với những người lành nghề, với đạo diễn như tôi thì lại thấy khác.
Với tôi, Quốc Anh dù chưa có kỹ năng, kỹ thuật diễn vì em còn quá trẻ, nhưng bạn ấy có sự chân thành, chân thật mà các diễn viên đang rất thiếu.
Nhưng cũng không phải là Quốc Anh không cần diễn, để ý những nét diễn nhỏ của Quốc Anh diễn rất hay, nó không khiến người ta phải cảm thán ‘à chỗ này diễn hay’ mà khiến người ta tin vào nhân vật.
Chính những người bạn đạo diễn của tôi xem phim cũng rất thích Quốc Anh.
Anh đánh giá thế nào về sự phát triển trong tương lai của Quốc Anh ở thị trường điện ảnh Việt Nam?
Quốc Anh có rất nhiều thứ, thứ nhất là ngoại hình, cái này rất quan trọng, thứ hai là có cảm xúc, là thứ bên trong, thứ ba là có năng lượng.
Tôi nghĩ Quốc Anh sẽ phát triển tốt, vì thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay rất ít các diễn viên nam vừa đẹp vừa diễn hay. Các ngôi sao ở Việt Nam hiện nay toàn ngôi sao hài, không có ngôi sao chính kịch, không có ngôi sao đẹp mà bán được vé.
Còn Hoàng Oanh trong vai Pha Lê thì sao, có phải thành công từ vai Dung ‘đại ca’ ở ‘Tháng năm rực rỡ’ mà anh chọn cô ấy cho vai diễn lần này?
Cũng như dàn diễn viên ‘Tháng năm rực rỡ’, tôi vẫn gọi Hoàng Oanh đến để casting, không hề có chuyện ưu ái từ phim trước.
Quá trình casting của Hoàng Oanh cũng rất khó khăn, bởi tôi casting rất nhiều diễn viên và cũng có nhiều tiếc nuối.
Bộ phim này có hai mốc thời gian là 17 tuổi và 32 tuổi, có người diễn được tuổi 17 rất hay, nhưng diễn lúc 32 tuổi cần một chút đàn bà thì chưa tốt và ngược lại.
Hoàng Oanh là người tạo hình được cả 2 giai đoạn tôi thấy thuyết phục và yên tâm.
Nguyễn Quang Dũng trên phim trường ‘Ước hẹn mùa thu’
Khi ‘Tháng năm rực rỡ’ phát hành được kỳ vọng đạt doanh thu đạt trăm tỷ, nhưng đáng tiếc là cuối cùng chưa đạt được con số đó. Vậy với bộ phim lần này anh có kỳ vọng nó đạt được con số doanh thu đó không?
Cũng kỳ vọng chứ, cuộc sống mà, phải kỳ vọng. (Cười).
Với ‘Tháng năm rực rỡ’ có những thứ không may mắn tại thời điểm đó. Giá vé có 50% thôi nhưng trên thực tế khán giả đến rạp rất đông, tới hàng triệu người.
Thế nhưng, với tôi, mỗi bộ phim có một số phận riêng. Bộ phim đó có thể có may mắn, có thể không có may mắn nhưng nó làm cho tôi thêm những năng lượng, thêm những quyết tâm cho các phim sau.
Và khi làm nhiều phim thì tôi thấy rằng mỗi một phim đều có một giá trị của nó, nó có thể không thành công về doanh thu nhưng lại khiến tôi rất thích.
Ví dụ phim ‘Dạ cổ hoài lang’, nó không thành công, cũng không hay nhưng mà tôi thích vì trong sự nghiệp của tôi đã có một bộ phim kiểu vậy và ít ra tôi đã dấn thân vào.
Hay phim ‘Siêu nhân X’, nó không thành công, nhưng rất đặc biệt. Khi tôi đem ‘Siêu nhân X’ sang Nhật chiếu thì bên đó họ rất bất ngờ vì có tư tưởng nhìn ra siêu nhân không có hoàn thiện.
Rồi khi xem ‘Deadpool’ tôi thấy siêu nhân trong đó còn bựa hơn siêu nhân của mình. Không phải tôi nói mình đi trước thời đại nhưng tôi thấy mình đã có cái nhìn thú vị.
Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chia sẻ!
Theo tiin.vn
Bị chỉ trích đem đồng tính ra chọc cười ở "Ước Hẹn Mùa Thu", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: "Người đồng tính cũng không nên nhạy cảm quá!"
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích lí do sử dụng các những khía cạnh, câu chuyện về LGBT ra làm yếu tố gây hài trong "Ước Hẹn Mùa Thu".
Ước Hẹn Mùa Thu xuất hiện hai nhân vật Bình (Hoàng Phi) - Phong (Duy Khánh) là một cặp đôi đồng tính. Những tình huống hài của Ước Hẹn Mùa Thu chủ yếu xoay quanh lối sống đồng tính của cặp đôi này từ cách họ ăn mặc, cho đến những sinh hoạt "riêng tư" của cả hai người.
Với khá nhiều miếng hài đang bị dư luận cho là kém duyên của hai nhân vật Bình - Phong. Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn nhanh với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người phụ trách thực hiện tác phẩm điện ảnh thanh xuân này.
Duy Khánh - Hoàng Phi sẽ trở thành cặp đôi đồng tính trong phim.
"Không phải cứ nghiêm túc thì mới là tôn trọng. Ta có thể trân trọng mà vẫn vui đùa với những người yêu thương!"
Được đặt câu hỏi rằng các yếu tố LGBT trong Ước Hẹn Mùa Thu có hơi nhạy cảm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích cho phong cách đưa yếu tố hài vào phim như sau:
"Phim tôi hầu như lúc nào cũng nhân vật đồng tính. Bởi vì tôi thấy họ là một phần trong cuộc sống hiện nay. Như trong gia đình, có anh, có em, có trai có gái, có đồng tính, đó là tự nhiên. Cuộc sống luôn tồn tại những mảng màu đa dạng, những góc nhìn hóm hỉnh. Vậy sao chúng ta cứ phải kể khổ, kể những điều đau đớn mà không đưa những góc nhìn tươi vui lên màn ảnh để thấy rằng dù như thế nào họ vẫn vui vẻ, vẫn làm việc và vẫn hạnh phúc. Quần áo dài tay thì nghiêm túc, nhưng xuống bể bơi mặc thế rất kỳ, có khi lại phản cảm.
Ước Hẹn Mùa Thu là phim hài mà, mọi nhân vật, thậm chí các tình tiết như tai nạn, bó bột, tự tử... trong phim đều được mô tả hài, đó là không khí chung. Cặp Bình - Phong tếu táo nhưng bản chất rất dễ thương, hết lòng vì người thân, có trách nhiệm, tình cảm. Không phải cứ nghiêm túc thì mới gọi là tôn trọng. Chúng ta có thể rất trân trọng mà vẫn vui đùa với những người ta thật sự yêu thương, phải không? ".
Đạo diễn Quang Dũng điều khiển diễn viên "Ước Hẹn Mùa Thu".
"Những người đồng tính cũng không nên nhạy cảm quá!
Đồng thời, vị đạo diễn cũng nói thêm rằng: "Bản thân nhân vật của Kay cũng gây cười, hay nhân vật đạo diễn trong phim cũng gây cười, hoặc Pha Lê (Hoàng Oanh) ngoài đời cũng gây cười. Bởi đây là thể loại phim hài. Tôi cũng nghĩ những người đồng tính cũng không nên nhạy cảm quá vì bây giờ nhiều người trong xã hội xem họ là một phần cuộc sống nên thoải mái. Bản thân tôi cũng có bạn đồng tính nhiều, cũng giỡn với nhau suốt ngày".
Người "cầm trịch" của dự án điện ảnh Ước Hẹn Mùa Thu đang muốn thể hiện góc nhìn thoải mái, thân thiện của anh về người đồng tính, LGBT trong tác phẩm của mình. Đối với anh, các nhân vật trong phim xuất hiện một cách vui vẻ, nhẹ nhàng và thân thiện chứ không hề mang tính kì thị, xách mé tiêu cực.
"Quốc Anh diễn không tính toán nên tôi chọn cậu ấy"
Tiếp tục cuộc trò chuyện, đạo diễn Quang Dũng trần tình rằng anh không quá chú trọng xây dựng kịch tính xung quanh Lê Duy (Quốc Anh): "Thành thật, tôi không định xây dựng kịch tính quanh việc anh chàng đó hôn mê và làm gì sau hôn mê. Điều tôi muốn nói chính là trong mỗi chúng ta luôn tồn tại một trái tim thanh xuân. Để rồi giữa những mệt mỏi, chông chênh của tuổi trưởng thành, chúng ta luôn muốn được trở về thời khắc đẹp nhất. Thời khắc không lo, không nghĩ. Tôi làm "Ước Hẹn Mùa Thu" với cảm xúc tự nhiên nhất, suy nghĩ thuần khiết nhất. Chúng ta đi qua thời thanh xuân thì ai lại không có những va vấp, vụng dại và cả nuối tiếc muốn quay lại. Nhưng vì những điều như vậy mới tạo nên tình yêu tuổi trẻ đẹp nhất và làm mình trưởng thành hơn. Chẳng phải, người ta vẫn hay nói, tình yêu thời thanh xuân đẹp là vì thời điểm đó mình được yêu một cách ấu trĩ nhất sao?
Tôi chọn Quốc Anh (Yoon Trần) vào vai Duy vì cậu ấy có sự chân thật, chân thành ấy. Nhiều diễn viên có kinh nghiệm, họ diễn sẽ có tính toán, ở cảnh này phải làm thế nào để gây cười hay tạo xúc động cho khán giả. Quốc Anh thì không, cậu phản ứng tự nhiên như một người bình thường đối diện với các điều xảy đến với mình trong cuộc sống vậy đó. Có thể ví như giữa một bàn tiệc đầy gia vị, sự xuất hiện của một Trần Quốc Anh chân phương có cá tính, hấp dẫn riêng".
Ước Hẹn Mùa Thu là một tác phẩm điện ảnh với chủ đề thanh xuân. Phim xoay quanh cuộc sống "tái hội nhập" của Duy (Quốc Anh), một anh chàng bị tai nạn giao thông năm 17 tuổi và phải sống thực vật trong suốt 15 năm. Khi 32 tuổi, anh chàng tỉnh giấc và nhận thấy mọi thứ xung quanh đã thay đổi hoàn toàn.
Trailer "Ước Hẹn Mùa Thu"
Phim ra rạp phục vụ khán giả từ ngày 10/05/2019
Theo trí thức trẻ
Uớc Hẹn Mùa Thu Dàn diễn viên bất ngờ giao lưu với khán giả tại trường Trưng Vương Tại tiết học đặc biệt và bất ngờ tại trường THPT Trưng Vương, các bạn học sinh đã có dịp sống lại trong không gian âm nhạc đầy cảm xúc của Ước Hẹn Mùa Thu. Ê-kíp của Ước Hẹn Mùa Thu giao lưu với trường THPT Trưng Vương Bộ phim thanh xuân, tình cảm Ước Hẹn Mùa Thu của đạo diễn Nguyễn Quang...