Đảo chính ở Niger: AU ra tối hậu thư, EU đình chỉ mọi hợp tác an ninh với Niamey
Một ngày sau khi một nhóm quân nhân Niger tiến hành đảo chính, Liên minh châu Phi (AU) đã ra tối hậu thư, yêu cầu lực lượng này “trở lại doanh trại và khôi phục quyền hiến pháp” trong vòng 15 ngày.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định ngừng ngay lập tức mọi hợp tác an ninh và hỗ trợ tài chính cho Niger.
Khói bốc lên hôm 27/7 ở Niamey khi những người ủng hộ lực lượng an ninh Niger tấn công trụ sở của đảng của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Ảnh AFP
Hãng tin Reuters của Anh cho hay Liên minh châu Phi (AU) đã đề nghị các binh sĩ đảo chính ở Niger “trở lại doanh trại và khôi phục quyền hiến pháp” trong vòng 15 ngày.
Trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp ngày 28/7 về cuộc đảo chính tại Niger, Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU “đề nghị các quân nhân trở lại doanh trại ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời khôi phục các quyền trong hiến pháp, trong vòng 15 ngày tới”.
Thông cáo nhấn mạnh AU “lên án ở mức độ mạnh mẽ nhất có thể” việc lật đổ một chính phủ do dân bầu và người đứng đầu chính quyền ấy là Tổng thống Mohamed Bazoum, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về “sự gia tăng đáng báo động” của các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi.
Một ngày sau khi AU ra tối hậu thư nêu trên đối với lực lượng đảo chính ở Niger, Liên minh châu Âu (EU) quyết định ngừng ngay lập tức mọi hợp tác an ninh và hỗ trợ tài chính cho Niger.
Video đang HOT
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell ra tuyên bố nêu rõ: “Bên cạnh việc ngừng ngay lập tức viện trợ tài chính, mọi hợp tác trong lĩnh vực an ninh sẽ dừng lại ngay lập tức vô thời hạn”.
Niger là nước nhận viện trợ nhiều từ phương Tây và là đối tác quan trọng của EU trong việc giúp kiềm chế người di cư trái phép từ khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi. EU cũng có lực lượng binh sĩ đồn trú tại Niger với sứ mệnh huấn luyện quân sự cho nước này. Từ năm 2021 – 2024, EU đã dành 503 triệu euro (554 triệu USD) trong ngân sách của mình để cải thiện giáo dục, tăng trưởng bền vững và khả năng quản trị đất nước ở Niger.
Các động thái nêu trên của AU và EU được đưa ra sau khi xảy ra đảo chính ở Niger. Cụ thể là vào sáng 27/7, Lực lượng Bảo vệ Tổng thống Niger bắt đầu phong tỏa Dinh Tổng thống ở thủ đô Niamey. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc Tổng thống Niger, ông Mohamed Bazoum có ý định cách chức tướng Omar Tchiani, chỉ huy đội cận vệ tổng thống.
Theo kênh truyền hình Al Arabiya, quân nổi dậy yêu cầu Tổng thống Bazoum ký đơn từ chức, nhưng ông đã từ chối. Trong khi đó, văn phòng tổng thống Niger cho hay quân đội nước này không ủng hộ cuộc nổi dậy chống nhà nước của một số quân nhân và đã đưa ra “tối hậu thư” cho họ.
Tướng Abdourahamane Tchiani phát biểu trên truyền hình ngày 28/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 27/7, một nhóm quân nhân Niger tuyên bố trên truyền hình rằng Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị phế truất. Tuyên bố còn cho hay biên giới của Niger đã bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc cũng được ban bố.
Hôm sau, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, tuyên bố mình là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Trong khi đó, Tổng thống hợp hiến, ông Bazoum Mohamed vẫn bị giam giữ ở thủ đô Niamey còn cộng đồng quốc tế đã kịch liệt lên án vụ đảo chính tại Niger.
Trong thông cáo ngày 28/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án các nỗ lực thay đổi Chính phủ Niger một cách bất hợp pháp và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum.
Thông cáo có đoạn: “Các nước ủy viên HĐBA lên án mạnh mẽ những nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ hợp pháp của CH Niger vào ngày 26/7/2023 một cách vi hiến. HĐBA kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống được bầu cử dân chủ Mohammed Bazoum, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ ông, gia đình và các thành viên trong chính phủ của ông”.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum tại cuộc gặp các nhà ngoại giao ở thủ đô Niamey, Niger, ngày 15/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Về phía Mỹ, hôm 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã “bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của Mỹ” với Tổng thống Bazoum, đồng thời “nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế-an ninh mạnh mẽ giữa Mỹ và Niger phụ thuộc vào khả năng duy trì quản trị nền dân chủ, cũng như tôn trọng pháp quyền và nhân quyền”.
Sau đó vào ngày 29/7, ông Blinken kêu gọi lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự dân chủ. Phát biểu với báo giới tại Brisbane (Australia), ông Blinken cho biết quan hệ đối tác an ninh và kinh tế giữa Mỹ với Niger, trị giá hàng trăm triệu USD, tùy thuộc vào trật tự hiến định ở Niger. Vì vậy, cần chấm dứt cuộc đảo chính để không ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác này.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định những sự kiện ở Niger có ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác với Mỹ, có thể khiến Washington ngừng hợp tác an ninh và các hoạt động khác với Chính phủ Niger. Quan chức Nhà Trắng cảnh báo rằng cuộc đảo chính “sẽ tiếp sức cho các tổ chức cực đoan bạo lực, phá hoại sự ổn định” và “làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và bạo lực trong khu vực”.
Đối với Pháp, nước này yêu cầu khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger, khẳng định “không công nhận” những người làm đảo chính và nhấn mạnh ông Bazoum là “tổng thống duy nhất”.
Liên hợp quốc tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Niger bất chấp cuộc đảo chính
Hãng Reuters đưa tin, Liên hợp quốc (LHQ) vẫn đang chuyển hàng viện trợ đến Niger mặc dù các quan chức của LHQ tại nước này ngày 28/7 cho biết rằng họ không có bất kỳ liên lạc nào với quân đội sau cuộc đảo chính vừa diễn ra.
Liên hợp quốc vẫn đang chuyển hàng viện trợ đến Niger. Ảnh: urdupoint.com
Trước đó cùng ngày, các sĩ quan quân đội Niger đã tuyên bố Tướng Abdourahamane Tiani là nguyên thủ quốc gia mới của Tây Phi, tuyên bố đình chỉ Hiến pháp và giải tán tất cả các thể chế cũ sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Phát biểu với báo giới, quan chức hàng đầu hiện nay của LHQ tại Niger Nicole Kouassi nói: "Chúng tôi không liên lạc với quân đội. Liên quan đến Tổng thống (Bazoum), thông tin chúng tôi có được từ văn phòng chính trị của chúng tôi là dường như ông ấy đang ở nhà và có vẻ như ông ấy vẫn ổn. Tình hình trong nước khá yên tĩnh". LHQ cũng kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum. LHQ có 1.600 nhân viên tại Niger, trong đó có khoảng 352 người nước ngoài và Kouassi cho biết tất cả đều an toàn.
Trong khi đó, quan chức phụ trách Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ tại Niger, Jean-Noel Gentile, nêu rõ: "Ứng phó nhân đạo vẫn tiếp tục trên thực địa và chưa bao giờ dừng lại kể từ khi các sự kiện xảy ra ở Niger".
Theo LHQ, khoảng 4,3 triệu người cần được giúp đỡ nhân đạo ở Niger, nơi có hơn 370.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở trong nước và hơn 250.000 người tị nạn, chủ yếu đến từ Nigeria, Mali và Burkina Faso.
Lo ngại "bóng đen" đảo chính trở lại Tây Phi Nền dân chủ Niger đứng trước cuộc khủng hoảng mới, sau khi quân đội tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum. Nhiều quốc gia và tổ chức thế giới đã cực lực lên án động thái này, với những lo ngại về tương lai bất ổn của không chỉ Niger mà cả khu vực Tây Phi, khi bóng đen đảo chính có...