Danh tướng cãi lệnh vua để tránh đối đầu bạn trên chiến trường
Để không phải đối đầu với bạn là tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu, tướng Thoại Ngọc Hầu tự ý rời Phú Xuân về Gia Định khi chưa có lệnh vua.
Theo sử cũ, Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu cùng quê làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) – nay là phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Hai người chơi với nhau rất thân, cùng uống nước một giếng làng, cùng tắm chung dòng sông Hàn.
Sau vì quê hương loạn lạc, Nguyễn Văn Thoại phải theo cha mẹ vào sống tại Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long) rồi tình nguyện theo phò Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) khi mới mới 16 tuổi. Gia đình Trần Quang Diệu cũng bỏ xứ về quê ngoại ở làng Trà Khê (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) rồi vào Bình Định gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Khi biết tin nhau thì hai ông đã ở hai bên chiến tuyến.
Tính khí đều kiên cường, bất khuất nên cả hai sớm trở thành tướng tâm phúc của Nguyễn Phúc Ánh và Nguyễn Huệ. Nguyễn Văn Thoại làm đến chức Khâm sai Bình tây Đại tướng quân, tước Hầu. Còn Trần Quang Diệu cũng được phong làm chức Thái phó và là một trong những vị quan trụ cột của nhà Tây Sơn.
Lăng danh tướng Thoại Ngọc Hầu tại Châu Đốc (An Giang). Ảnh: Wikipedia
Là võ tướng hai triều thù địch nhưng suốt 25 năm họ không bao giờ đối địch nhau. Năm 1801, lúc Nguyễn Văn Thoại mang quân từ Vạn Tượng (Lào) tiến đánh Phú Xuân thì nghe tin Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn cầm binh ra tiếp cứu. Không muốn đối đầu với bạn, tướng Nguyễn Văn Thoại đã giao binh quyền cho phó tướng của mình là Lưu Phước Tường rồi bỏ vào Gia Định.
Vì vậy, ông bị chúa Nguyễn bắt tội là không có lệnh vua mà tự tiện về, giáng xuống làm Cai đội quản đạo Thanh Châu. Ông mất tất cả cơ đồ, công danh, sự nghiệp nhưng không đánh mất tình quê hương, bè bạn. Hành động dám làm trái ý vua để khỏi phải chạm mặt bạn trên chiến trường của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì cho rằng ông đã dám “vì nghĩa diệt thân”.
Năm 1802, Trần Quang Diệu và vợ con bị Gia Long xử tử. Thân tộc bị hệ luỵ, phải đổi sang họ Nguyễn để tránh tội “tru di”. Một số tài liệu cho rằng, chính Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê, giao cho vợ thứ là bà Nguyễn Thị Hiền trích ra 3/18 mẫu ruộng đang cai quản để lo hương hỏa, thờ tự danh tướng Tây Sơn bạn mình.
Không chỉ trọng tình bạn, Thoại Ngọc Hầu còn là người có công lớn trong việc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ, khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới, đặt nền móng cai trị lâu dài của nước ta trên vùng đất biên viễn này.
Năm 1818, ông phụng mệnh thiết kế, tổ chức đào kênh nối Đông Xuyên – Rạch Giá dài hơn 12 km, hoàn thành trong thời gian 4 tháng. Biểu dương công trạng của Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long đặt tên cho kênh này là Thoại Hà và đặt tên cho ngọn núi phía đông là Thoại Sơn.
Video đang HOT
Tượng tướng Thoại Ngọc Hầu trong lăng ở An Giang. Ảnh: thoaingochau.org
Một năm sau, ông cùng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn được lệnh vua Minh Mạng cho đào một con kênh nối liền Châu Đốc – Hà Tiên. Đây là một công trình lớn do ông thiết kế và đốc suất quân dân làm việc với số nhân công lớn gồm 80.000 người, gần 5 năm (1819-1824) mới hoàn thành.
Công trình này là thành quả lớn lao của tập thể nhân dân mà người lãnh trách nhiệm chính với triều đình chính là ông. Nói về lợi ích của con kênh này, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”.
Sau khi hoàn thành công trình thủy lợi, giao thông và quốc phòng ở biên giới Tây Nam này, Nguyễn Văn Thoại được vua Minh Mạng đặc ân cho lấy tên vợ ông (bà Châu Thị Vĩnh Tế) đặt tên cho con kênh là Vĩnh Tế. Năm 1836, vua cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm vào đỉnh. Đây là một di vật đối với cá nhân ông cũng như tập thể nhân dân tham gia vào công trình đào kênh Vĩnh Tế.
Ông mất tại Châu Đốc ngày 6/6/1829 lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi, an táng tại chân núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với những công lao rất lớn đối với triều đình ông đã được vua Minh Mạng truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đôn thống.
Thế nhưng, theo sách Đại Nam chánh biên liệt truyện, sau khi ông mất đi, tấm lòng son sắt vì nước vì dân của vị khai quốc công thần Nguyễn Văn Thoại gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch khi nghe Võ Du ở Tào Hình Bộ tố cáo ông vì tội nhũng nhiễu của dân nhiều khoản.
Triều đình nghị án, ông bị truy giáng tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông là Nguyễn Văn Tâm bị lột ấn hàm, tất cả điền sản đều bị tịch thu phát mãi. Người con rể là Võ Vĩnh Lộc theo Lê Văn Khôi khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, vợ chồng Lộc bị bắt, vua Minh Mạng yêu cầu bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Lộc và ông.
Sau này, khi mọi việc được phơi bày, Võ Du bị khép tội vu cáo, bị cách chức, lãnh án lưu đày đi Cam Lộ. Mặc dù nỗi oan đã rõ nhưng ông vẫn chưa được giải oan, phải đến ngày 25/7/1924, vua Khải Định mới xét lại và chính thức truy phong ông là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
Trung Sơn
Theo VNE
Vợ chồng võ tướng nức danh sử Việt
Được xem là trường hợp đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam là vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân khi ông bà đều là tướng lĩnh trụ cột của một triều đại.
Trong các vị tướng tài thuộc hàng trụ cột của nhà Tây Sơn, vợ chồng võ tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những người sớm tham gia cuộc khởi nghĩa. Họ cũng là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử khi đều là danh tướng lập nhiều chiến công hiển hách và cùng phò tá vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) từ khi còn áo vải đến khi lên ngôi hoàng đế.
Trần Quang Diệu (1746-1802) người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Cũng có tài liệu cho rằng ông tên Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Tham gia phong trào Tây Sơn từ những ngày đầu, theo sử liệu, Trần Quang Diệu là võ tướng quan trọng nhất của nhà Tây Sơn, được coi là một trong "Tây Sơn Thất Hổ Tướng" và cũng là một trong những tướng lãnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của triều Tây Sơn.
Tượng thờ thái phó Trần Quang Diệu trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định. Ảnh: Wikipedia
Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo sử sách, bà rất xinh đẹp, giỏi võ nghệ. Ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi.
Cùng với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm bà đã lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh - binh chủng đặc biệt và dũng mãnh này khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ.
Ngay từ khi chưa theo quân Tây Sơn bà đã tự phong là "Tây Sơn nữ tướng". Đến khi gặp Nguyễn Huệ, ông cũng thừa nhận bà rất xứng với danh xưng đó và còn ban tặng thêm bốn chữ "Cân quắc anh hùng" - bậc nữ lưu có khí phách.
Tương truyền, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân gặp gỡ rất tình cờ. Trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa ông Diệu đã đánh nhau với con hổ lớn, rất hung dữ. Nhân đi qua, bà Xuân rút kiếm xông vào cứu và đưa ông Diệu bị hổ vồ trọng thương về nhà chữa trị.
Sau hai người thành gia thất rồi cùng về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn, nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Xiêm, Mãn Thanh và những trận chiến quyết liệt với quân của Nguyên Ánh trong suốt 10 năm trời.
Trước khi đưa quân đánh chiếm thành Quy Nhơn mở đầu cho khởi nghĩa Tây Sơn, Trần Quang Diệu được phong làm Đô đốc, vợ ông được phong Đại Tổng lý, cả hai đều là quan võ. Riêng Bùi Thị Xuân còn có nhiệm vụ rèn luyện voi chiến và điều hành đội nữ binh trên 2.000 người. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu được phong Thiếu phó và Bùi Thị Xuân là Đô đốc.
Suốt những năm tháng theo nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân có lúc phải cách xa, có lúc cùng nhận một trọng trách như trận Rạch Gầm - Xoài Mút cả hai đều thống lĩnh, điều khiển lực lượng bộ binh. Trong trận này, Bùi nữ tướng đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn.
Trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa chống quân nhà Thanh xâm lược (Tết Kỷ Dậu 1789), vợ chồng Thiếu phó là hai trong những vị tướng đã lập công xuất sắc. Sau chiến thắng này, Quang Diệu được Nguyễn Huệ cử làm Đốc Trấn Nghệ An, ông nhanh chóng ổn định xã hội tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống, ngoài ra ông còn chứng tỏ được biệt tài của mình khi tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định. Ảnh: Wikipedia
Theo sách Đại Nam Liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) đột ngột qua đời. Triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) còn nhỏ, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Các đại thần kết bè phái, nội bộ lục đục, triều chính suy vi khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...
Năm 1799, Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân cùng chồng vừa tham gia củng cố triều chính vừa chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân nhà Nguyễn. Trong cuộc đối đầu quyết liệt với Nguyễn Ánh (vua Gia Long), vợ chồng tướng Trần Quang Diệu đã nhiều phen làm quân của Nguyễn Ánh thất điên bát đảo, nhất là trận Quy Nhơn năm 1801.
Cũng trong trận chiến này, sau khi chiếm được Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đối xử rất tử tế với các tướng và binh sĩ của nhà Nguyễn chỉ để giữ lời hứa với tướng địch là Võ Tánh trong giờ phút cuối cùng. Với việc tha chết cho binh sĩ của đối phương, Trần Quang Diệu được các nhà sử học đánh giá là người tín nghĩa, nhân đức.
Tuy nhiên, lúc này triều Tây Sơn đã không còn vững như trước. Với sự tấn công mạnh mẽ từ nhiều phía của quân Nguyễn Ánh, các thành luỹ của Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Năm 1802, trong một trận ác chiến với quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, vợ chồng tướng quân Trần Quang Diệu cùng con gái bị bắt khi đang dọc đường rút quân ra Bắc.
Khi vua Gia Long chiêu hàng Trần Quang Diệu, ông đáp: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu". Sau đó, vợ chồng tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và cô con gái 15 tuổi đều bị xử tội chết.
Theo tư liệu của De La Bissachère - một giáo sĩ phương Tây, người chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: "Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi con vật mới dùng vòi quặp bà tung lên trời...".
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần thì đánh giá: "Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng...".
Trung Sơn
Theo VNE
Quán karaoke "số nhọ" 2 lần cháy trong chưa đầy 2 tháng Khoảng 6 giờ, ngày 29.7, khoảng 20 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát PCCC Quảng Ngãi, cùng nhiều phương tiện vẫn tiếp tục xử lý vụ cháy tại quán karaoke Cường Phát, ở số 100-102, đường Trần Quang Diệu. Qua quan sát thì dù ngọn lửa đã được khống chế và dập tắt, thế nhưng khói từ bên trong vẫn tiếp tục bốc...