“Đánh thức” tiềm năng kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, lại được sự quan tâm “đặc biệt” của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên cho đến nay Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước.
Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Đầu tư phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Ban Kinh tế Trung ương; UBND tỉnh Phú Thọ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay (20/4).
Nhiều tiềm năng…
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương – cho biết: Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích khoảng 100.965 km 2 , chiếm 28,6% diện tích cả nước với tổng dân số 13.853.190 người, trong đó có khoảng 30 dân tộc đang sinh sống.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển bền vững như: Nằm trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Đặc biệt, đây là vùng được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển những năm qua.
Cụ thể, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX ngày 1/7/2004 về “Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010″ và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ-TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010″ đã mở đường cho việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút và phân bổ các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng.
Video đang HOT
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ-TW, bộ mặt của vùng đã có nhiều thay đổi, kinh tế-xã hội có bước phát triển mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2018 GRDP của vùng gấp 11,2 lần so với năm 2004, chiếm khoảng 9,73% GDP cả nước. Trong giai đoạn 2004-2018 kinh tế các tỉnh trong vùng tăng trưởng liên tục và tương đối nhanh, đạt mức gần 10%, cao hơn trung bình toàn quốc trong cùng giai đoạn.
Toàn cảnh Diễn đàn
Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, một số địa phương trong vùng có quy mô GRDP cao như Thái Nguyên 125,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng GRDP toàn vùng; Bắc Giang 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,6%, do đây là địa phương thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua…
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – thông tin: Rất nhiều địa phương trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời gian qua đã có sự cải thiện tích cực hơn trong thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điển hình trong số đó phải kể đến Tuyên Quang – đây là điểm sáng trong phong trào Cà phê Doanh nhân của phía Bắc, hay như Lào Cai cũng là một địa phương đi đầu trong thực hiện sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
…chưa được đánh thức
Dù đã đạt được những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng các đại biểu vẫn cho rằng, phát triển của Vùng Trung du miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều hạn chế, rất nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác triệt để, chưa tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội trong vùng phát triển.
PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương – nhận định: “Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp và khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng doãng ra. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (2018), trng đó tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc…”
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng phát triển của các địa phương trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc không đồng đều, các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong vùng thấp nhất trong cả nước, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế-xã hội, đang tạo sức ép lớn đối với môi trường. Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều. Du lịch phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết nối hạ tầng giao thông, năng lực cạnh tranh của vùng chậm được cải thiện.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận
Hoàn thiện hạ tầng và đẩy mạnh liên kết vùng
Mặc dù có rất nhiều lợi thế để phát triển, song nhiều ý kiến đưa ra tại Diễn đàn đều cho rằng, hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc còn kém phát triển và đây là một trong những “nút thắt” làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của địa phương.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương – đánh giá: Đây là khu vực có địa hình phức tạp, bị chia cắt do có rất nhiều núi cao. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, mới có 2 tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai và Lạng Sơn, có 2 sân bay thì sân bay Vân Đồn mới đi vào hoạt động, còn sân bay Điện Biên Phủ chỉ có máy bay hạng nhẹ hạ cánh được, nếu so với vùng Tây Nguyên diện tích chỉ bằng và dân số chưa bằng mà có tới 3 sân bay… khiến việc đi lại trong vùng càng khó khăn.
Để khắc phục vấn đề hạ tầng, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang – kiến nghị: Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh trong vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách. Đồng thời, các địa phương trong vùng cũng cần chủ động hợp tác, phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở các tuyến giao thông kết nối, nhằm thu hút đầu tư phát triển. Trong đó, quan tâm hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đầu tư hoàn thành đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, kết nối với Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang…
Bên cạnh chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, một số ý kiến tại Diễn đàn cũng nhận định, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết nhằm phát triển kinh tế. Trong đó, liên kết ở đây không giới hạn ở một lĩnh vực mà cần được đẩy mạnh ở nhiều lĩnh vực và cần được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, có vậy mới tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trong đó, về lĩnh vực du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – cho rằng: Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản phẩm, công tác quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật…
“Liên kết là một yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là trải nghiệm mà các vùng, miền đã đúc kết từ thực tiễn nhiều năm trước” – Bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Sau 2 năm, tỉ lệ DN hưởng 'trái ngọt' từ CPTPP chưa cao
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ 2019.
Cứ 4 doanh nghiệp (DN) thì mới có một DN đã từng được trải nghiệm "trái ngọt" từ Hiệp định này. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 đã được cải thiện.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh:VGP/Anh Minh
Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo "Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7/4 tại Hà Nội.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã hơn 2 năm, nhưng theo báo cáo của VCCI, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính Nhà nước và các DN.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ năm 2019. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 này đã được cải thiện.
Mặc dù vậy, việc hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP còn hạn chế mà theo các DN nhìn nhận là do sự thua kém về năng lực cạnh tranh, các biến động đầy tính bất định của thị trường.
Các DN phản ánh những vướng mắc như: Vẫn thiếu thông tin về các cam kết, các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho DN...
Khảo sát mức độ hiểu biết của DN về CPTPP, VCCI cho biết: Có 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác; 25% DN có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Dù vậy, đáng lo là cứ 20 DN mới có một DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
"Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu", Chủ tịch VCCI nhận định.
Về các tác động trực tiếp, cứ 4 DN thì mới có một DN đã từng được trải nghiệm "trái ngọt" từ Hiệp định CPTPP.
Đáng nói nhất là trong khi các DN FDI và dân doanh có cảm nhận rõ về tác động của CPTPP (với 51-52% DN của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực) thì khối DN 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này.
"64% DN có vốn nhà nước 100% cho rằng CPTPP không tác động gì, với các FTA khác cũng như vậy. Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực này", VCCI cho biết. Các DN FDI và dân doanh đã khởi động để tận dụng các ưu đãi thuế quan đầu tiên của Canada và Mexico, trong khi đó các DN 100% vốn nhà nước lại hầu như chưa hề tận dụng được cơ hội này.
Dưới góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị (từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương giảm 52%).
Về tốc độ, vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia (giảm gần 63%), Malaysia (giảm 50%)... Mặc dù có một số lý do kỹ thuật khiến tốc độ tăng trưởng trong thu hút FDI từ CPTPP bị kéo mạnh nhưng trong tổng thể chung đây vẫn là kết quả ít nhiều gây thất vọng, đặc biệt khi tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) phân tích: với 3/4 DN chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.
Điểm đáng lưu ý nữa là các cơ quan quản lý đã cố gắng hoàn thiện thể chế để thực thi CPTPP, trong đó, Quyết định 121/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực thi CPTPP của Chính phủ đã liệt kê cụ thể danh mục các văn bản cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thời hạn thực hiện. Nhưng đến khi thực hiện, phần lớn các văn bản thực thi CPTPP đều được ban hành chậm tiến độ so với yêu cầu của cam kết (từ nửa tháng đến 20 tháng).
Với thực trạng trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các DN nhỏ, siêu nhỏ.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích thêm, ở các sản phẩm nông sản, Việt Nam đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì còn sản xuất nhỏ lẻ nên khó khăn trong cải thiện một cách đồng bộ.
Để tiếp tục tận dụng tốt hơn Hiệp định này thời gian tới, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, các cơ quan quản lý cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đồng thời, tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho DN
"Cần xác định rõ, gia nhập Hiệp định CPTPP ngoài việc giúp DN tăng xuất khẩu thì còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức ép về cạnh tranh buộc DN phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực của mình", bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL Đó là đề xuất của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu". Sáng nay (21/12), tại Đồng Tháp, Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào...