Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng
Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang là xu hướng mới được giới trẻ quan tâm, trải nghiệm.
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhiều cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có hệ sinh thái đa dạng phong phú, cảnh sắc hoang sơ, Quảng Trị đã và đang tích cực xây dựng, gọi mời thu hút đầu tư để các nơi này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thác Đỗ Quyên thuộc Khu BTTN Đakrông với vẻ đẹp thu hút khách du lịch đam mê khám phá -Ảnh: BẢO BÌNH
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông có diện tích hơn 37.600 ha nằm trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung, huyện Đakrông với nhiều loại động, thực vật đặc hữu quý hiếm. Cùng với sự đa dạng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, Khu BTTN Đakrông được ghi nhận là một trong những nơi có nhiều cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm rừng.
Qua khảo sát của Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông cho thấy hiện có rất nhiều khe, suối đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái trong khu rừng đặc dụng, tạo nên các thác đẹp như thác Đỗ Quyên 1, thác Đỗ Quyên 2, thác ApaCha, hang động đẹp như động Dơi, động Sơn Thủy, động Nước… Bên cạnh đó, người dân địa phương còn lưu giữ những bản sắc văn hóa, những nét sinh hoạt truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô rất có tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng cùng nhiều loại đặc sản đặc trưng của địa phương.
Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông Trương Quang Trung cho biết, ban đã lập kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó định hướng phát triển dạng du lịch nghỉ mát, khám phá phong cảnh rừng tự nhiên với hệ thống thác, khe, suối, du lịch khám phá, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học bằng các chuyến đi xuyên rừng trong nhiều ngày, du lịch cộng đồng trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều.
“Du lịch sinh thái phát triển sẽ tạo cơ hội tăng thêm nguồn thu cho Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông và cộng đồng dân cư trong khu vực. Từ đó giúp nâng cao đời sống của người dân, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên trong vùng lõi của khu bảo tồn, đồng thời góp phần giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, lịch sử, văn hóa, tới người dân trong và ngoài nước”, ông Trung chia sẻ.
Không chỉ ở khu vực Khu BTTN Đakrông, về du lịch sinh thái, Quảng Trị có cảnh quan sông suối, hồ nước, núi rừng đẹp, hệ động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm. Nổi bật là rừng nguyên sinh Rú Lịnh (huyện Vĩnh Linh), được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng Đông Vĩnh Linh có diện tích 170 ha, trong đó khoảng 100 ha còn rừng.
Đây là khu rừng tự nhiên còn sót lại giữa đồng bằng với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có động Brai, núi Voi Mẹp, đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh, thác Tà Puồng (huyện Hướng Hóa), rừng trằm Trà Lộc (huyện Hải Lăng)… là những địa điểm có cảnh quan thiên nhiên thu hút sự quan tâm của du khách hiện nay.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi, thuộc xã Hướng Hiệp, Đakrông có quy mô 120 ha, xác định đây là khu du lịch sinh thái mạo hiểm, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng. Tỉnh cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa có quy mô 170 ha.
Mục tiêu nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng đạt quy mô cấp tỉnh kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm nhằm sớm hình thành không gian văn hóa – du lịch với các loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Cùng với đó là bảo tồn, quảng bá, phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, nhân văn bản địa.
Năm 2024, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án). Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, một trong những mục tiêu mà Quảng Trị đặt ra là phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững, tập trung tại các địa bàn có rừng, có tài nguyên và tiềm năng du lịch.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử… của cộng đồng địa phương.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, tỉnh khuyến khích các chủ rừng có tiềm năng tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi và người dân sống trong và gần rừng.
Video đang HOT
Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng thể hiện được tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống địa phương, vùng địa lý.
Đồng thời tăng cường quảng bá, tiếp thị, triển khai các kênh truyền thông giới thiệu và phản hồi về các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử và tổ chức các sự kiện để đưa thông tin đến với du khách trong nước và quốc tế.
Phát hiện thung lũng hoang sơ cách Hà Nội hơn 100km, du khách ví như "kỳ quan thiên nhiên ẩn trong rừng"
Nằm sâu trong rừng đặc dụng, thung lũng trở thành điểm đến mang vẻ đẹp đầy thách thức, thu hút nhiều tín đồ du lịch khám phá.
Thung lũng Lân Ty nằm trong rừng đặc dụng Hữu Liên, Hữu Lũng, Lạng Sơn
Mùa hè và mùa thu là mùa nước về; còn mùa đông, mùa xuân là mùa cạn
Các trải nghiệm mang tính mạo hiểm cần qua đơn vị cung cấp, cho chuyên gia hỗ trợ, giám sát
Hiện nay vào mùa hè, bên cạnh những điểm đến mang yếu tố biển, một bộ phận du khách lại có xu hướng lựa chọn du lịch tại vùng đồi núi, nơi có những cánh rừng nguyên sinh, những thung lũng xanh mang vẻ đẹp hoang sơ. Tại đây du khách sẽ có nhiều trải nghiệm vô cùng đặc biệt, mang tính thử thách bản thân.
Thời gian gần đây, có một điểm đến như thế đang nhận được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn Trekking - Leo núi. Đó là một thung lũng nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, cách Hà Nội khoảng hơn 100km. Có du khách nhận xét rằng, thung lũng này như một "kỳ quan thiên nhiên ẩn sâu trong rừng".
Điểm đến đang được nhắc tới mang tên thung lũng Lân Ty, thuộc rừng đặc dụng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Để tới đây, du khách sẽ cần tới rừng Hữu Liên, từ Hà Nội di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau đó đi bộ, trekking vào sâu bên trong, sẽ đến được thung lũng Lân Ty hoang sơ.
Thung lũng Lân Ty nằm sâu trong rừng đặc dụng Hữu Liên, Hữu Lũng, Lạng Sơn (Ảnh Pham Van Manh)
"Thung lũng Lân Ty thực sự như một kỳ quan thiên nhiên ẩn sâu trong rừng đặc dụng Hữu Liên", nam du khách Pham Van Manh đến từ Hà Nội nhận xét. Sở dĩ du khách nhận xét như vậy bởi khác với những thung lũng khác, Lân Ty sở hữu địa hình đa dạng, gây ấn tượng mạnh với du khách ngay từ lần "gặp mặt" đầu tiên.
Không chỉ có những dãy núi cao, xung quanh là màu xanh của rừng cây, nơi đây còn sở hữu cả những hang động và hồ nước, những vách núi đá dựng thẳng đứng hay cả những đồng cỏ trải dài như những thảo nguyên trong phim, trong truyện.
Địa hình đa dạng ở Lân Ty, có cả đồi núi, vách đá, đường bằng...
Và cả hang động và đỉnh núi cao (Ảnh Traveloka, Vietnam Expeditions)
Theo chia sẻ của những du khách đã có kinh nghiệm, cảnh vật Lân Ty thay đổi, chuyển mình rõ rệt theo mùa. Cụ thể, vào mùa hè, mùa thu, được coi là mùa nước về. Thung lũng ngập tràn nước từ đó tạo nên những hồ nước rộng, trong xanh. Nhưng vào mùa đông và mùa xuân, nước trong hồ rút dần, để lộ ra một thung lũng cạn hay những bãi đất, cỏ trống, thuận tiện cho du khách trekking.
Nhờ có sự chuyển biến cảnh vật theo thời gian này, du khách có thể nhìn vào để lựa chọn thời điểm đến Lân Ty sao cho phù hợp với nhu cầu chuyến đi của bản thân.
Mùa nước về thung lũng Lân Ty trở thành hồ nước rộng lớn (Ảnh Pham Van Manh)
Cũng nhờ có sự đa dạng của địa hình mà du khách tới thung lũng Lân Ty sẽ được trải nghiệm rất nhiều hoạt động, trong đó có cả những hoạt động hết sức độc đáo. Có thể kể tới như đi bộ xuyên rừng, khám phá sự đa dạng của động và thực vật rừng đặc dụng, leo núi, thám hiểm các hang động, chèo thuyền trên hồ... Đặc biệt hơn cả là trải nghiệm thả mình rơi tự do ở các dãy núi đá và mắc "giường" ngủ ngay trên vách núi.
Đầu tiên ở trải nghiệm thả mình rơi tự do hay còn được gọi là "Abseiling", du khách sẽ thực hiện ở núi Mắt Thần. Cơ thể du khách sẽ được cố định vào một sợi dây chắc chắn cùng nhiều thiết bị hỗ trợ an toàn khác, rồi từ từ được thả xuống từ đỉnh núi cao 500m so với mực nước biển. Trong suốt thời gian thực hiện trải nghiệm, sẽ luôn có sự giám sát của các chuyên gia, nhân viên để hỗ trợ tức thì trong trường hợp cần thiết.
Núi Mắt Thần, nơi du khách sẽ thực hiện trải nghiệm đu dây (Ảnh Traveloka)
Thùy Dương, nữ du khách đến từ Hà Nội đã tham gia trải nghiệm vào năm 2023 nhận xét: "Đoạn dây đu xuống từ đỉnh núi tuy không quá dài, nhưng với những ai chưa từng thực hiện đu dây trước đây, nhất là trên một vách đá tự nhiên, giữa thiên nhiên mênh mông như thế này, thì đây sẽ là một thử thách khác biệt hoàn toàn, vượt qua những giới hạn của chính bản thân".
"Sau khoảng 20m leo ngược xuống dãy núi đá sẽ đến đoạn 'mắt thần'. Tại đây mình không còn điểm tựa nào cho chân tay nữa, cảm giác lơ lủng giữa không trung với dây leo là sợi liên kết cuối cùng giữa mình và sự tự do là một cảm giác vô cùng khó tả. Mình phấn khích, hồi hộp, lo sợ và cả hạnh phúc", một du khách khác tên Nguyễn Thị Mơ kể thêm về trải nghiệm của mình.
Ảnh Pham Van Manh
Tiếp đến là trải nghiệm mắc "giường" ngủ ngay trên vách núi. Được biết, thung lũng Lân Ty, Hữu Lũng là một trong những nơi đầu tiên ở Việt Nam đem lại du khách trải nghiệm này. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nó phổ biến hơn với tên gọi "Cliff Camping". Hình thức này được các nhà leo núi chuyên nghiệp sáng tạo ra để đưa các trải nghiệm du lịch, khám phá lên một tầm cao mới.
Ở Lân Ty, đơn vị cung cấp sẽ chuẩn bị cho du khách một chiếc giường, cố định trên vách núi bằng những sợi dây chắc chắn như xích sắt, dây thép để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chính người nằm trên đó cũng sẽ được "buộc" vào thân mình một sợi dây.
"Mình đã từng mơ ước một ngày được như những người trong những bức hình trên mạng, được ngủ trên dây bên vách núi. Và nghĩ rằng có lẽ sẽ phải rất lâu nữa, mình mới có thể thực hiện được ước mơ ấy. Nhưng giờ đây thật khó tin là mình đã làm được, và làm nó ngay ở Việt Nam", du khách Thùy Dương cũng là một trong những người đã thử Cliff Camping ở Lân Ty chia sẻ.
Ảnh Thùy Dương
Nữ du khách thừa nhận, trước khi tham gia trải nghiệm, cô có đôi chút sợ sệt. Nhưng khi lên đến nơi, nằm trên chiếc giường đặc biệt nơi vách núi, cảnh sắc thiên nhiên nơi này đã khiến nỗi sợ không còn nữa. "Thật sự lúc đó mình rất hạnh phúc. Ngủ trên một vách đá từ lâu đã nằm trong Bucket List của mình, và thật tuyệt vời là mình đã có thể thực hiện nó sớm hơn dự định rất nhiều mà chẳng cần tới phải ra nước ngoài hay với khoản chi phí quá đắt đỏ".
Tất nhiên, 2 trải nghiệm trên là 2 trải nghiệm đặc biệt hơn cả ở Lân Ty, chỉ phù hợp cho những du khách thực sự dũng cảm, đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe. Với những du khách khác, có thể lựa chọn những trải nghiệm leo núi, khám phá hang động hay chèo thuyền như đã kể trên. Hành trình chinh phục thung lũng Lân Ty thông thường kéo dài từ 1-2 ngày, thậm chí 3 ngày nếu như du khách tham gia nhiều hoạt động hơn.
Vì còn hoang sơ và nằm ở vị trí đặc thù, hiện nay đa phần du khách đều cần liên hệ với đơn vị cung cấp tour để có chuyến đi hoàn hảo nhất thay vì đi theo hình thức tự túc.
Khám phá vẻ đẹp hồ Pá Khoang và rừng đặc dụng Mường Phăng Khởi công xây dựng năm 1974 và đưa vào sử dụng năm 1979, hồ Pá Khoang nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, có diện tích mặt hồ rộng 600ha, diện tích lưu vực 77km2, dung tích chứa hơn 40 triệu m3. Đây là hồ lớn nhất tỉnh Điện Biên và là công trình đầu mối cấp nước cho...