Đánh thức không gian du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn
Ngày 21-11, UBND Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức hội thảo “Đề án mở rộng không gian du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Tại hội thảo, đại diện các sở ngành, đơn vị, địa phương đã góp ý và phản biện cho các nội dung của Đề án, trong đó tập trung nhiều nhất vào 10 hạng mục cần trùng tu, cải tạo xây mới tại khu vực phía tây Danh thắng này.
Khu vực phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ lâu mọi người biết đến qua Lễ hội Quán Thế Âm (ảnh).
Theo ông Nguyễn Hòa- Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, phát triển mở rộng không gian du lịch về phía tây là một định hướng có tính quy luật để từng bước giới thiệu với khách du lịch có cái nhìn tổng quát, toàn diện về Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Năm ngọn núi là một tổng thể thống nhất hoàn chỉnh, trong đó mỗi ngọn chứa đựng tiềm tàng không những các dấu ấn về văn hóa lịch sử mà còn các ưu thế khả năng tự nhiên, môi trường sinh thái. Từ lâu, các nhà chuyên môn đã định hướng phát triển thành một làng văn hóa du lịch với các phân khúc chức năng, trong đó du lịch phía tây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng quê…
Với những nét riêng có của khu vực phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ đơn thuần thưởng ngoạn cảnh chùa chiền hang động mà còn được chiêm bái đạo pháp, tham quan lễ hội và tịnh dưỡng tâm trí. Tất cả những yếu tố đó góp phần làm nên nét riêng của du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Q. Ngũ Hành Sơn nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung.
Có thể nói, phát triển mạnh mẽ du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ là định hướng đúng đắn nhằm từng bước giới thiệu với khách du lịch có cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn về thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, một vùng đất đậm chất tâm linh và hoài cổ… Ông Hòa cho rằng: Việc xây dựng Đề án phát huy giá trị tiềm ẩn thông qua việc mở rộng không gian du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn là hết sức cần thiết, nhằm khai thác hài hòa hoạt động du lịch giữa phía đông (ngọn Thủy Sơn) và các điểm tham quan phía Tây, lại vừa có tác dụng đẩy mạnh việc tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương, vừa tạo thêm nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo và quản lý đối với Khu di tích danh thắng này…
T.DŨNG
Theo cadn.com.vn
Video đang HOT
Khám phá động Am Tiên, "Tuyệt tình cốc" của cố đô Ninh Bình
Đến với Ninh Bình, ngoài những địa danh nổi tiếng đã quá quen thuộc như Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Hang Múa, Tràng An...
Bạn nhớ đừng bỏ qua danh thắng Động Am Tiên, một địa điểm du lịch mới nổi chừng ba năm nay, với tên gọi đậm chất kiếm hiệp "Tuyệt tình cốc".
Là một thắng cảnh thuộc quần thể di tích quốc gia cố đô Hoa Lư, động Am Tiên nằm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình chỉ 12km.
Trước khi xây đường hầm xuyên núi vào động, động Am Tiên nằm khá biệt lập nên không nhiều người biết, kể cả người địa phương. Dù vị trí động Am Tiên cách cửa Đông của đền vua Đinh Tiên Hoàng có 400m, tiếp giáp với thành Đông của kinh đô Hoa Lư năm xưa.
Tổng quan ngày nay, động Am Tiên nằm trong một thung lũng được bao bọc bởi những vách núi đá, có hồ nước thủy mặc chính giữa, có chùa đá trên núi, có đường hầm xuyên núi, có cổng thành oai phong...
Cổng thành đá trông như khung cảnh một bộ phim kiếm hiệp, mở ra biết bao sự tò mò phía sau lưng nó về một "cốc" núi đá hoang liêu mang đầy dấu ấn lịch sử. Có phải vì vậy mà sau này người ta đã gọi tên động Am Tiên là "Tuyệt tình cốc"?
Động Am Tiên nằm ở lưng chừng núi, năm xưa dưới thời vua Đinh là nơi nuôi nhốt hổ báo để trừng trị tử tù. Còn hồ nước lớn nằm giữa toàn bộ khu du tích chính là Ao Giải, vua Đinh cho nuôi cá sấu để ném những kẻ có tội xuống cho cá ăn thịt.
Trong hồ Ao Giải phủ kín rong rêu, những ngày đẹp trời có nắng, nước trong hồ trong xanh như ngọc bích. Ngoài ra, mùa hè ở đây còn có hoa sen, hoa súng nở kín hồ.
Trên động Am Tiên có chùa Am Tiên cùng tên, phải leo hơn 200 bậc thang đá mới có thể lên đến chùa.
Những năm cuối đời mình, Thái hậu Dương Vân Nga cũng xuất gia tu hành tại chùa Am Tiên, lấy pháp danh là Bảo quang Hoàng thái hậu. Có một bài thơ nổi tiếng của nhân gian truyền khẩu đã được khắc trên tường chùa để nói về vị hoàng hậu nổi tiếng này:
"Hai vai gồng gánh hai vua
Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên
Theo chồng đánh Tống, bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời".
Ngoài thờ Phật, Hoàng hậu Dương Vân Nga, chùa Am Tiên còn thờ vài vị danh nhân thời Đinh, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý. Thiền sư chính là người đã tu hành trong hang, tụng kinh thuyết pháp, xây thêm các bệ đá thờ Phật mà ngày nay du khách lên đến cửa hang chính có thể nhìn thấy.
Sâu trong lòng núi của động - chùa Am Tiên, nơi đây có hình dáng giống miệng con rồng nên còn được gọi là hang Rồng. Trong hang có rất nhiều thạch nhũ đá hàng vạn năm tuổi.
Là một vùng đất tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, động Am Tiên xứng danh tên gọi "Tuyệt tình cốc", là một ốc đảo xanh đẹp như phim kiếm hiệp, xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá cố đô Ninh Bình của bạn.
HẠ DU
Theo nhandan.com.vn
Một "Hạ Long giữa đại ngàn" Nhiều nơi nổi tiếng gắn liền với biệt danh "Hạ Long trên cạn" như Thung Nai ở Hoà Bình, Tràng An ở Ninh Bình hay hồ Tà Đùng ở Đắk Nông. Tuy nhiên, nếu có dịp đến Tuyên Quang, bạn sẽ phải thốt lên bởi khó nơi nào khơi gợi về hình ảnh "rồng phun châu nhả ngọc" xuống mặt nước phẳng lặng...