Đánh sập tổ chức tội phạm công nghệ cao
Sử dụng chảo parabol cho hoạt động phạm tội
Cơ quan An ninh điều tra -Bộ Công an vừa triệt phá một tổ chức tội phạm xã hội đen, lừa đảo xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao, bắt giữ 99 đối tượng đến từ Đài Loan, Trung Quốc.
Tập đoàn tội phạm nước ngoài xâm nhập Việt Nam
Video đang HOT
Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Minh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 1 Bộ Công an – trong những tháng vừa qua, cơ quan an ninh Việt Nam liên tục nhận được nhiều thông tin trao đổi của lực lượng chống tội phạm một số nước về tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang hoạt động tại một số nước Đông Nam Á. Từ tháng 3.2010, cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều nhóm tội phạm đến từ Đài Loan và một số tỉnh của Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua nhiều đường khác nhau tập trung về TP.HCM (các quận 2, 7, 8). Cuối tháng 6.2010, cơ quan an ninh phát hiện các đối tượng này bắt đầu hoạt động tội phạm bằng việc sử dụng công nghệ thông tin để tấn công vào ngân hàng và tài khoản công dân một số nước trong khu vực. Để ngăn chặn hành vi nguy hiểm của tổ chức tội phạm này, từ ngày 29.6 đến 6.7, lực lượng an ninh đã tiến hành bắt giữ 99 đối tượng thuộc 7 nhóm tội phạm chủ yếu xuất thân từ Đài Loan (76 đối tượng) và một số tỉnh của Trung Quốc (23 đối tượng).
Theo tài liệu thu thập được của cơ quan an ninh thì đây là nhóm tội phạm xã hội đen (nhiều đối tượng có lệnh truy nã). Trước khi vào Việt Nam, chúng hoạt động chủ yếu ở Thái Lan, Trung Quốc gây nhiều thiệt hại cho các tổ chức, công dân của các nước nói trên. Sau khi bị lực lượng chống tội phạm của các nước này truy quét triệt để, tập đoàn tội phạm này đã cử tay chân xâm nhập Việt Nam để tiếp tục hoạt động phạm tội.
Thiếu tướng Tô Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 1, nhận định: hoạt động của nhóm đối tượng này rất tinh vi, sử dụng công nghệ cao bằng các thiết bị rẻ tiền, nhưng hiệu quả, do đó chúng có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ và lôi kéo người ở các nước khác vào tổ chức và do vậy sẽ có thêm nạn nhân là người ở các nước sở tại.
Thông tin của Interpol xác định, các nhóm tội phạm này xuất hiện đầu tiên tại Đài Loan từ vài năm gần đây. Nạn nhân ban đầu của chúng chủ yếu là người về hưu hoặc người thu nhập trung bình có thẻ tín dụng. Sau đó chúng điều chỉnh phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn nhằm vào các doanh nhân và người có tài sản lớn. Bằng thủ đoạn giả dạng người của cơ quan nhà nước, chúng hù dọa nạn nhân; lo sợ mất tiền trong tài khoản, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của bọn tội phạm mà không hay biết. Có những vụ chúng đã chiếm đoạt được hàng trăm ngàn USD, có trường hợp lên tới 1 triệu USD.
Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, đến nay chưa xác định được nạn nhân nào là người Việt Nam, chủ yếu các đối tượng này nhắm vào ngân hàng và công dân Trung Quốc ở các tỉnh Giang Tô, An Huy, Thượng Hải… Do người bị hại không phải là người Việt Nam mà chủ yếu là ở nước ngoài nên Cơ quan an ninh Bộ Công an không tiến hành các bước tố tụng tiếp theo mà chỉ xử lý bàn giao cho cơ quan điều tra các nước liên quan.
Hôm qua, Tổng cục An ninh Bộ Công an đã trục xuất, bàn giao 29 đối tượng tội phạm cho cơ quan điều tra nước bạn xử lý.
Sử dụng công nghệ cao để lừa đảo
Một lãnh đạo nghiệp vụ của Bộ Công an cho biết, các đối tượng này sau khi xâm nhập vào Việt Nam chia thành những nhóm nhỏ từ 8-10 tên, thuê nhiều địa điểm khác nhau ở các địa bàn như quận 2, 7, 8 rồi tiến hành lắp đặt hệ thống internet có đường truyền tốc độ cao của một số nhà cung cấp như FPT, Viettel, SPT… kết nối vào đường truyền thuê ở nước ngoài, lắp đặt với nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại khác để tấn công vào các mục tiêu ở nước ngoài. Mỗi nhóm sử dụng hàng trăm ĐTDĐ, hàng trăm simcard, hàng chục điện thoại cố định để chỉ đạo hoạt động.
Cơ quan an ninh Bộ Công an cũng thu giữ hàng trăm kịch bản các đối tượng này dựng lên để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cụ thể, theo bản cung của một đối tượng khai nhận, chúng giả danh là nhân viên bưu điện liên lạc đến điện thoại của nạn nhân báo “ông bà hiện còn thiếu tiền thanh toán phí điện thoại, nếu cần làm rõ xin bấm phím 9 để nhân viên giải đáp”. Nếu nạn nhân tin lời bấm phím “9″, lập tức sẽ kết nối vào số điện thoại của các đối tượng này và những đối tượng này sẽ thông báo “khả năng điện thoại của khách hàng bị kẻ xấu lợi dụng, chúng tôi sẽ thông báo với công an”. Bọn chúng sẽ dắt dây để nạn nhân tiếp xúc với công an, kiểm sát viên… và nạn nhân tiếp tục được thông báo tài khoản của mình đang bị lợi dụng rửa tiền, hoặc tiền trong tài khoản có thể bị rút mất vì thông tin cá nhân bị lộ…, và được đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản đảm bảo của cơ quan điều tra, sau 24 giờ điều tra xác nhận là người bị hại và không liên quan đến vụ việc sẽ được nhận lại tiền. Tất nhiên, chỉ sau khi chuyển tiền, nạn nhân mới phát hiện ra công an, kiểm sát viên, nhân viên bưu điện đều là giả và tiền đã biến mất.
Cơ quan an ninh cho hay, thủ đoạn của bọn lừa đảo thường tạo âm thanh nền để người nghe như cơ quan công quyền đang gọi đến, sử dụng công nghệ cao hiện số điện thoại y như số điện thoại thật của cơ quan chức năng nên nạn nhân có kiểm tra cũng không phát hiện ra. Đường dây này tổ chức rất chặt chẽ, gồm 7 tầng nấc, những tên bị bắt vừa qua chỉ là tầng thứ 7, là các đối tượng thực hiện tội phạm cụ thể, những tên cầm đầu đều ở nước ngoài và chỉ đạo qua mạng thông tin.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nên hết sức cảnh giác với loại tội phạm công nghệ cao lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam này vì không loại trừ khả năng các nạn nhân tiếp theo có thể là người Việt.
Theo Thanh Niên