Đánh giá mới nhất về tác động toàn cầu của xung đột Nga – Ukraine
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang định hình một trật tự thế giới mới.
Bà Sakina, nghiên cứu viên tại mạng lưới tư vấn Balochistan, Quetta (Pakistan) bình luận trên Nhật báo Pakistan mới đây rằng xung đột Nga – Ukraine có thể được gọi là một thảm họa đa chiều. Một số quốc gia đang đứng về phía Nga, trong khi nhiều nước đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng. Giữa cuộc xung đột như vậy, hệ lụy của nó đang tác động đến toàn thế giới, kể cả những người không liên quan đến cuộc khủng hoảng.
Phản ứng toàn cầu đối với cuộc xung đột
Xung đột Nga – Ukraine đã chia cộng đồng quốc tế thành ba phần khác nhau: Thứ nhất, những quốc gia phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, chẳng hạn như Mỹ và các đồng minh. Họ không trực tiếp đối đầu với quân đội Nga, mà cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhằm làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Thứ hai, các quốc gia ủng hộ lập trường của Nga như Belarus, Iran, Syria, Venezuela, Cuba và cả Trung Quốc. Cụ thể, trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông, Trung Quốc đã công khai ủng hộ lập trường của Nga về phản đối mở rộng NATO. Trong khi đó, Trung Quốc từ chối tham gia các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây, chọn hợp tác thương mại bình thường với Nga.
Với khẩu hiệu “Tình hữu nghị không giới hạn”, Bắc Kinh cũng đang giúp Moskva vượt qua các lệnh trừng phạt bằng cách mua dầu, khí đốt và lúa mì. Trung Quốc dường như theo đuổi đồng thời ba mục tiêu: quan hệ đối tác chiến lược với Nga, giảm thiểu thiệt hại của các lệnh trừng phạt từ EU và Mỹ đối với Nga, nhưng cũng kêu gọi bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp.
Thứ ba, các quốc gia trung lập, có nghĩa là không đứng về phía bên này hay bên kia, chẳng hạn như Ấn Độ và Pakistan. Có vẻ như Ấn Độ đang thực hiện chính sách cân bằng. Nước này tuyên bố sẽ duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột khi quan tâm đến quan hệ đối tác chiến lược với cả Moskva và Washington.
Tác động về chính trị, kinh tế và xã hội
Theo dõi các phản ứng toàn cầu đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, chúng ta có thể rút ra một số tác động xã hội, chính trị và kinh tế đối với thế giới. Một trong những hệ lụy chính trị của cuộc xung đột là nó đang tạo ra “ Chiến tranh Lạnh 2.0″ và thế giới một lần nữa sẽ trở thành nạn nhân giữa hai khối với mức độ cạnh tranh ngày càng leo thang. Do đó, xung đột đã tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh giữa các quốc gia và nhiều nước đang tăng ngân sách quốc phòng sau cuộc khủng hoảng.
Hơn nữa, cuộc xung đột đã khiến nhiều nước phải đối mặt với những thách thức kinh tế liên quan, cùng với đó là nhiều cuộc biểu tình, tạo ra bất ổn chính trị và kinh tế, khiến các chính phủ càng khó khăng trong giải quyết các vấn đề trong nước.
Hệ lụy kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraine rõ ràng đang làm tổn thương tất cả. Giá dầu, giá các mặt hàng lương thực đều tăng cao. Lạm phát đang ở mức đỉnh điểm vì gián đoạn chuỗi cung ứng.
Video đang HOT
Về mặt xã hội, cuộc xung đột đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Nhiều người đã thiệt mạng, mất việc làm, nhà cửa bị phá hủy. Phân biệt chủng tộc cũng nổi lên liên quan đến việc tiếp nhận người tị nạn và sơ tán.
Bất chấp hậu quả, cả Nga và Ukraine đều có những yêu cầu nhất định trước khi chấm dứt xung đột. Nga đã minh bạch về các điều kiện của mình khi đưa ra 4 yêu cầu đối với Ukraine để chấm dứt xung đột: phi quân sự hóa hoàn toàn, có nghĩa là Ukraine cần dừng bất kỳ loại hành động quân sự nào; sửa đổi hiến pháp của mình theo hướng trung lập (điều này sẽ ngăn cản nước này gia nhập NATO); công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, đồng thời công nhận Donetsk và Luhansk là độc lập.
Tuy nhiên, Ukraine cũng kiên quyết trong các yêu cầu của mình đối với Nga: ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ nước này.
Nga dự đoán Ukraine sẽ đàm phán hòa bình vào mùa Đông
Một số nguồn tin cho rằng Moskva đang đặt cược việc thiếu khí đốt vào mùa Đông sẽ tạo cơ hội cho hòa bình ở Ukraine.
Nga và Ukraine vẫn rơi vào thế bế tắc khi không bên nào chịu nhượng bộ. Ảnh: Reuters
Trong lịch sử, mùa Đông lạnh giá đã giúp Moskva đánh bại cả Napoléon và Hitler. Vì vậy, theo hãng tin Reuters ngày 24/8, có suy đoán cho rằng Nga đang đặt cược rằng giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trong mùa Đông này sẽ thuyết phục châu Âu kéo Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với một thỏa thuận ngừng bắn - theo các điều kiện của Nga.
Reuters dẫn lời hai nguồn tin Nga gần gũi với điện Kremlin cho biết, đó là "con đường duy nhất dẫn đến hòa bình mà Moskva nhìn thấy, vì Kiev tuyên bố rằng họ sẽ không đàm phán cho đến khi các lực lượng Nga rút toàn bộ khỏi Ukraine".
Một nguồn tin thân cận với các nhà chức trách Nga cho biết: "Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể chờ đợi. Sẽ là một mùa Đông khó khăn đối với người châu Âu. Các cuộc biểu tình, bất ổn có thể xuất hiện. Một số nhà lãnh đạo châu Âu có khả năng sẽ suy nghĩ kỹ về việc liệu có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng đã đến lúc phải đạt được một thỏa thuận".
Một nguồn tin thứ hai thân cận với Điện Kremlin cho biết Moskva nghĩ rằng họ có thể thấy "sự thống nhất của châu Âu đang lung lay" và hy vọng quá trình đó sẽ tăng tốc trong bối cảnh mùa Đông khó khăn. "Sẽ thực sự khó khăn nếu nó (xung đột) kéo dài vào mùa Thu và mùa Đông tới. Vì vậy, có hy vọng họ (Ukraine) sẽ đề nghị hòa bình", nguồn tin cho biết.
Không có phản hồi ngay lập tức từ Điện Kremlin, vốn phủ nhận Nga sử dụng năng lượng như một "vũ khí chính trị", đối với đề nghị bình luận về vấn đề trên.
Thế bế tắc địa chính trị
Trong khi đó, Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ mạnh mẽ nhất của Kiev nói rằng họ không có kế hoạch gấp và các quan chức Mỹ cho biết cho đến nay họ không thấy dấu hiệu vấn đề ủng hộ Ukraine bị dao động.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong một dòng tweet gửi tới người Ukraine vào ngày quốc khánh của họ (24/8), cho biết: "EU đã đồng hành cùng các bạn trong cuộc xung đột này ngay từ đầu. Và chúng tôi sẽ vẫn như vậy khi cần thiết".
Được hỗ trợ bởi hàng tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ và các nước phương Tây khác, huấn luyện và chia sẻ thông tin tình báo, và với một loạt các cuộc tấn công thúc đẩy tinh thần vào các mục tiêu có giá trị của Nga, Kiev muốn thể hiện rằng họ có cơ hội thay đổi cán cân lực lượng trên thực địa.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với Reuters: "Để các cuộc đàm phán với Nga trở nên khả thi, cần phải thay đổi hiện trạng trên mặt trận có lợi cho lực lượng vũ trang Ukraine. Điều cần thiết là quân đội Nga phải chịu những thất bại chiến thuật đáng kể".
Đến nay, các lực lượng Ukraine ngăn cản các nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv; thường xuyên phá hủy và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của Nga, đánh chìm tàu Moskva, chiến hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga, cũng như gây thiệt hại lớn cho một căn cứ không quân của Nga ở Crimea.
Kiev từ lâu cũng tuyên bố về một cuộc phản công lớn ở khu vực miền Nam, nhưng không rõ liệu điều đó có thành hiện thực hay không.
Sự bế tắc về địa chính trị giữa Nga và Ukraine, cùng các bên liên quan đã khiến giá năng lượng lên mức cao kỷ lục. EU cấm than đá của Nga và thông qua lệnh cấm một phần nhập khẩu dầu thô của Nga để trừng phạt Moskva vì "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà nước này phát động cách đây đúng 6 tháng vào ngày 24/2.
Nga đã đáp trả bằng một đòn lớn, cắt giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Các chính phủ châu Âu đã tìm cách tăng khả năng chống chịu với áp lực năng lượng trong mùa Đông này bằng cách tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế và thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng rất ít chuyên gia năng lượng tin rằng họ sẽ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của mình.
Nga đã cắt giảm nguồn cung năng lượng cho EU nhằm phản ứng với các lệnh trừng phạt. Ảnh: Reuters
Điện Kremlin đã nêu lý do cho việc giảm lượng khí đốt do các vấn đề kỹ thuật, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc một số nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Trong khi đó, doanh thu từ dầu và khí đốt của Moskva vẫn đạt mức kỷ lục, tiếp tục củng cố sức mạnh của Nga.
"Điện Kremlin tất nhiên đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ bị chi phối vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Anh đang tìm kiếm thủ tướng mới, Đức lo lắng về khí đốt và dòng sông Rhine đang khô cạn", Tướng Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu, bình luận.
Phép thử về ý chí
Ông Hodges nói: "Xung đột là một bài kiểm tra về hậu cần và đó là phép thử ý chí. Bài kiểm tra sẽ là phương Tây có ý chí vượt trội so với Điện Kremlin không? Tôi nghĩ đây sẽ là một thử thách".
Nguồn tin đầu tiên thân cận với chính quyền Nga cho biết, Moskva trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào trong tương lai đều muốn đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu vực Donbass và Kiev cam kết trung lập về quân sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23/8 tuyên bố Kiev sẽ không đồng ý với bất kỳ đề xuất nào về việc đóng băng giới tuyến hiện tại để "xoa dịu" Moskva. Ông Podolyak, cố vấn của ông Zelensky, cho biết phương Tây đang cung cấp cho Kiev đủ vũ khí để "không gục ngã" nhưng không đủ để giành chiến thắng, thêm rằng cần phải có sự hỗ trợ lớn hơn nữa.
Các quốc gia phương Tây đã từ chối đưa quân tham gia xung đột và hạn chế cung cấp một số khí tài quân sự vì họ muốn tránh một cuộc chiến tranh rộng hơn với Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), nhận định hiện không có bên nào chịu nhượng bộ trước. Ông nói: "Cả hai bên đều tin rằng theo thời gian, vị thế của họ có thể trở nên vững chắc hơn. Thực tế, rất khó để tưởng tượng rằng chúng ta có thể sớm đạt được một thỏa thuận chính trị".
Về phần mình, Neil Melvin, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Anh (RUSI), cho biết hoạt động trên chiến trường của Ukraine từ nay đến mùa Đông có thể xác định hướng đi của cuộc xung đột.
"Ukraine cần thuyết phục những người ủng hộ phương Tây nhằm tạo động lực. Nếu họ thể hiện được trong giai đoạn này rằng có thể đẩy lùi các lực lượng Nga và duy trì đà đó, đó sẽ là một chiến thắng", ông Neil Melvin nêu quan điểm.
Phương Tây đã không gửi quân trực tiếp đến Ukraine do lo ngại xung đột với Nga lan rộng. Ảnh: Reuters
Nhưng cuộc xung đột càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ của phương Tây đối với Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.
"Tất cả các chỉ số kinh tế hiện đang chuyển sang tiêu cực. Sẽ khó hơn để kêu gọi sự ủng hộ khi mọi người run rẩy trong căn hộ của họ (chấp nhận khó khăn) nếu Ukraine không thể hiện được ưu thế", chuyên gia Melvin nói, lưu ý rằng áp lực cho một cuộc dàn xếp chính trị sau đó có thể tăng lên, chia rẽ cả EU và NATO.
Đồng quan điểm trên, Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga, cho biết phương Tây "vào một thời điểm nào đó" có thể phải "đẩy người Ukraine vào một số thỏa hiệp khá khó chịu" trừ khi Kiev đạt được một số bước đột phá.
3 lý do Mỹ có thể chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine Theo tờ Economist mới đây, việc Mỹ chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ xảy ra vì một số yếu tố. Quân nhân Ukraine duyệt binh ở Kiev với tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp. Ảnh: Reuters Sau gần sáu tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, lạm phát và giá nhiên liệu cao...