Đánh đồng đột quỵ với trúng gió, nhiều bệnh nhân bị tước mất cơ hội sống
Khi bị đột quỵ, bệnh nhân thường nghĩ “trúng gió” nên nhập viện chậm trễ, dẫn đến mất thời gian vàng điều trị.
Bệnh nhân L. đang được bác sĩ kiểm tra trước khi xuất viện
Bệnh nhân 21 tuổi đã 5 lần đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cảnh báo: Trước đây, đột quỵ xảy ra chủ yếu ở người lớn (60 – 70 tuổi); nhưng gần đây bệnh tấn công cả người trẻ, khi mới 30 – 40 tuổi. Thậm chí, có bệnh nhân mới 18 tuổi đến 2 lần đột quỵ.
“Chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân nữ mới 18 tuổi, nhà ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị cường giáp gây ra rối loạn nhịp (rung nhĩ) và xảy ra cơn đột quỵ. Lần đầu bị đột quỵ, bệnh nhân ngỡ trúng gió nên để yếu nửa người mới nhập viện. Lần thứ 2, bệnh nhân bị đột quỵ khi đang nằm ở một bệnh viện để chữa bệnh cường giáp. Nhưng bác sĩ điều trị lại không phát hiện sớm cơn đột quỵ nên các biện pháp can thiệp trong khung giờ vàng bị vô hiệu. Cuối cùng, bệnh nhân sống quãng đời còn lại của tuổi trẻ với tình trạng yếu liệt nửa người” – bác sĩ Quang nhớ lại.
Mới 21 tuổi, Bùi Tấn L. (nhà ở phường Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai) đã 5 lần xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua. Lần gần đây nhất, em phải nhập viện cấp cứu.
L. kể, khi đang ngồi trong lớp học, bỗng nhiên em bị tê nửa người, tay không điều khiển được và miệng nói đớ, cảm giác như bị trúng gió. Nhanh trí phát hiện cơ thể không bình thường; L. nhờ bạn bè đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu.
Các bác sĩ vội vã cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhưng có khả năng tự tái thông sau khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tương tự hoặc nặng hơn, em phải uống thuốc thường xuyên để phòng ngừa căn bệnh này.
L. nhớ lại, vào năm 2017, khi đang học lớp 12, L. bị cao huyết áp. Sau đó, em xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua lần đầu vào khoảng giữa năm 2018 sau giấc ngủ trưa.
“Khi ngủ dậy, em không nói được, tê nửa người và té ngã. Nhưng chỉ một lúc sau, em lại tỉnh táo bình thường nên chủ quan không đến bệnh viện khám. Sau đó, 3 lần tiếp theo, khi đang đi xe máy, em cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự (tê người, không nói được) và cũng tự khỏi khi em tấp xe vào lề nghỉ ngơi một lúc. Còn lần này là nặng nhất, em mới nhập viện” – L. kể.
Đừng đánh đồng bệnh đột quỵ với “trúng gió”
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành – Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếc nuối: “Nhiều người dân khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ não lại nghĩ do trúng gió. Thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức, họ lại cạo gió, bấm huyệt.
Chỉ khi bệnh nhân nặng hơn, họ mới đưa đi cấp cứu. Có ngày, chúng tôi cấp cứu tới 4 ca đột quỵ não nhưng đều sau 6 tiếng, quá thời gian vàng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Hậu quả, bệnh nhân không thể hồi phục, bị liệt hoàn toàn”.
Video đang HOT
Theo các bác sĩ, trúng gió là cách gọi dân gian dành cho người bị chóng mặt, xây xẩm, mệt mỏi, thậm chí lăn ra ngất xỉu nhưng sau khi nghỉ ngơi sẽ tỉnh lại. Còn đột quỵ sẽ dẫn tới liệt yếu người, nói đớ…
Bác sĩ Thành cho biết, các khảo sát gần đây cho thấy, người bị đột quỵ ngày càng trẻ và số lượng tăng lên không ngừng. Nguyên nhân do đời sống vật chất tăng cao, nhiều người sử dụng thức ăn có chất dinh dưỡng cao nhưng không có chế độ tập luyện thể dục. Hơn nữa, người trẻ còn sử dụng rượu, bia hoặc bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường sớm mà không phát hiện, chữa trị.
Chưa kể, phụ nữ hiện nay sử dụng thuốc tránh thai lâu dài cũng có nguy cơ tạo huyết khối, dẫn đến cơn đột quỵ. Người bị đột quỵ nếu không điều trị kịp thời sẽ đối mặt với nhiều biến chứng: ăn qua ống sonde gây ra viêm phổi; liệt nửa người lâu ngày dẫn đến lở loét; suy dinh dưỡng và trầm cảm. Có đến hơn 50% bệnh nhân bị biến chứng do căn bệnh này đều mắc thêm trầm cảm.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang cũng cho rằng, bệnh đột quỵ là hậu quả của các bệnh khác đưa tới chứ nó không tự xảy ra. Bệnh cạnh đó, nhiều người vẫn còn quan niệm bệnh đột quỵ chính là trúng gió. Từ đó, họ thực hiện những cách sơ cứu sai như: châm vào đầu ngón tay để nặn máu, cạo gió… Điều này làm giảm cơ hội phục hồi cho người bệnh vì thời gian là yếu tố quyết định sự sống còn của bệnh nhân.
Một số biểu hiện của bệnh đột quỵ
- Gương mặt: Đột ngột mất cân đối, méo
- Cánh tay: Yếu hơn; không cầm, nắm được
- Ngôn ngữ: Giọng nói khác thường, nói ngọng, nói đớ hoặc không nói được
- Thời gian: Xác định thời gian bệnh nhân bị bệnh và thời gian sớm nhất để cứu bệnh nhân
Ngay khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, nếu bệnh nhân còn tỉnh cần đưa ngay tới cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ. Nếu bệnh nhân trong tình trạng nặng: ngưng tim, ngưng thở cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Rung nhĩ - mối nguy cơ đột quỵ ít người được biết đến
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim hay gặp nhất. Rung nhĩ làm tăng tỷ lệ tử vong và biến chứng do tim mạch.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, cùng với suy tim, rung nhĩ là một bệnh lý quan trọng mới nổi lên trong các bệnh tim mạch, do tuổi thọ của người dân ngày càng tăng cao. Rung nhĩ làm tăng 3-5 lần nguy cơ đột qụy, 3 lần nguy cơ bị suy tim và tăng có nguy cơ tử vong từ 1,5-3 lần.
Nguy cơ đột quỵ do rung nhĩ luôn cao ở mọi lứa tuổi.
Rung nhĩ có thể xuất hiện mà không do bất kỳ một bệnh lý tim mạch thực tổn nào. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở bệnh nhân mắc một bệnh lý tim mạch nào đó như bệnh van tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim,... Có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh đái tháo đường, cường giáp hoặc bệnh tim bẩm sinh.
PGS Phạm Mạnh Hùng cho biết, rung nhĩ hiểu nôm na là tâm nhĩ không đập theo nhịp thông thường mà là hỗn loạn. Bình thường, tim chúng ta đập nốt xoang phát ra một nhịp nhất định truyền xuống nút nhĩ thất sau đó xuống quả tim để tim chúng ta đập điều hòa đều đặn khoảng 60-70 chu kỳ/phút... Đầu tiên tâm nhĩ bóp, sau đó đến tâm thất bóp, nhưng vì lý do nào đó tâm nhĩ bị thoái hóa có thể do bệnh lý van tim, bệnh lý hẹp mạch vành...làm cho tim sinh ra ổ loạn nhịp, tim đập liên hồi, thậm chí từ 400-600 lần/phút. Các ổ hỗn loạn như vậy, lúc ấy nhĩ không co bóp đều đặn mà nó rung lên, nên người ta gọi là rung nhĩ.
Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và người cao tuổi có nguy cơ cao bị rung nhĩ hơn. Bởi, với người cao tuổi thì bản thân cơ nhĩ bị thoái hóa theo độ tuổi, làm cho cơ nhĩ đạp hỗn loạn dẫn tới rung nhĩ. Đồng thời mắc thêm các bệnh lý nền thì nguy cơ sẽ cao hơn, vì các đường dẫn truyền trong tâm nhĩ bị tích tụ lâu ngày do ảnh hưởng của bệnh, cũng dẫn đến nhịp đập bị loạn.
Theo thống kê trên thế giới, càng nhiều tuổi thì tỷ lệ mắc rung nhĩ càng cao. Đến 80 tuổi, tỷ lệ tăng người bị rung nhĩ tầm 20 -25%. Theo thống kê của hội Tim mạch Châu Âu, năm 2016 có 43,6 triệu người bị rung nhĩ.
Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa
Khi rung tim đập bóp đều máu ở tâm nhĩ được hút xuống tâm thất đi nuôi cơ thể, nhĩ bóp có vai trò tống nốt khoảng 30%-40% lượng máu ở tâm nhĩ xuống tâm thất. Đến khi tâm nhĩ không bóp nữa thì lượng máu này sẽ quẩn lại trong tâm nhĩ, máu không lưu thông được.
Đây chính là cơ chế hình thành cục máu đông khi bị rung nhĩ. Mặt khác, khi cục máu đông hình thành nó sẽ bắn đi các nơi trong cơ thể dẫn đến tắc mạch. Ví dụ, bắn lên não gây ra tai biến mạch máu não, bắn vào tạng trong cơ thể thì tắc tạng đó. Rung nhĩ gây ra tắc mạch nuôi thận gây ra tắc mạch thận, tắc mạch nuôi ruột gây ra hoại tử ruột, tắc mạch chi dưới gây ra cho chi dưới. Thậm chí tắc mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim. Vì thế rung nhĩ rất nguy hiểm.
PGS Hùng cũng thông tin thêm, khi bị rung nhĩ làm tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong so với người không bị rung nhĩ từ 1,5-3,5 lần. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên 30% và tăng10% nguy cơ đột quỵ, tăng tỷ lệ suy tim 20-30%. Lý giải về điều này, PGS Hùng cho hay, bình thường tim phải co bóp nhưng khi rung nhĩ thì tim đập hỗn loạn đập nhanh không đủ thời gian để bơm máu về tim, nên rất dễ suy tim.
Bên cạnh đó, rung nhĩ còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nó làm tăng tỷ lệ trầm cảm từ 16-20%. Trên 60% bệnh nhân có cuộc sống bị ảnh hưởng rõ rệt bởi rung nhĩ.
PGS Hùng ghi nhận: Với những người ít có yếu tố nguy chúng ta có thể ngăn ngừa được, đặc biệt với người bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường thì chúng ta cần tuân thủ điều trị. Bỏ thói quen có hại như hút thuốc, uống rượu, thực hiện chế độ ăn lành mạnh thì tỷ lệ biến thành rung nhĩ sẽ chậm hơn.
Điều quan trọng là phải phát hiện sớm bệnh để ngăn ngừa các biến chứng.
- Rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên 30% và tăng10% nguy cơ đột quỵ, tăng tỷ lệ suy tim 20-30%.
- Rung nhĩ tăng tỷ lệ trầm cảm từ 16-20%. Trên 60% bệnh nhân có cuộc sống bị ảnh hưởng rõ rệt bởi rung nhĩ.
Bác sĩ có thể dùng điện tâm đồ để phát hiện có rung nhĩ hay không
Các dấu hiệu của bệnh
Khi bệnh nhân thấy rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, hồi hộp cần phải đi khám và sàng lọc ngay. Bác sĩ có thể dùng điện tâm đồ để phát hiện có rung nhĩ hay không. Việc này, bác sĩ ở tuyến dưới cũng có thể giúp bệnh nhân nhận biết.
Trong trường hợp người bệnh đã phát hiện rung nhĩ, cần phải tìm đến bác sĩ để tư vấn xem tình trạng rung nhĩ đang ở mức độ nào, đã cần phải dùng thuốc chống đông hay không.
"Có một thực tế hiện nay, bệnh nhân bị rung nhĩ lo sợ dùng thuốc chống đông gây chảy máu. Nên nhiều người lại bỏ thuốc không điều trị. Điều này lại dẫn đến hệ quả đáng tiếc là bệnh nhân bị tai biến nhiều hơn. Bác sỹ sẽ biết cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ cho người bệnh, vì thế hãy tuân thủ theo khuyến cáo của thầy thuốc; dùng thuốc đều đặn và đúng chỉ định để tránh các biến chứng đáng tiếc", PGS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
YẾU TỐ NGUY CƠ CHÍNH CỦA RUNG NHĨ
- Tuổi trên 60.
- Tăng huyết áp.
- Bệnh động mạch vành.
- Suy tim.
- Bệnh lý van tim.
- Tiền sử phẫu thuật tim mở.
- Ngừng thở khi ngủ.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Đái tháo đường.
- Bệnh phổi mạn tính.
- Lạm dụng rượu/sử dụng chất kích thích.
- Nhiễm trùng/bệnh lý nội ngoại khoa nặng.
Căn bệnh khiến người phụ nữ đột ngột liệt nửa người Sau khi ngưng thuốc kháng đông để đi nhổ răng, người phụ nữ bất ngờ bị méo miệng, liệt nửa người, phải nhập viện cấp cứu. Giáo sư Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.T.M. (52 tuổi, ngụ tại Long An)....