Danh ca Lê Uyên khóc khi được hát ở Hà Nội sau 60 năm
Giọng ca gắn liền với các sáng tác của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương không kìm được xúc động trong lần đầu tiên trở lại Hà Nội sau tròn 60 năm xa cách.
Đêm nhạc Dạ khúc cho tình nhân với các sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương diễn ra vào tối 4/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đêm nhạc có sự góp mặt của những giọng ca hàng đầu Lệ Thu, Ánh Tuyết và đặc biệt là sự xuất hiện của Lê Uyên.
Lê Uyên gắn liền với các sáng tác của chồng là nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Trong đêm nhạc, bà thể hiện một loạt ca khúc vang bóng một thời như Vũng lầy của chúng ta, Tình khúc cho em, Uống nước bên bờ suối và đặc biệt là ca khúc chủ đề Dạ khúc cho tình nhân.
Trong phần chia sẻ, nữ ca sĩ sinh năm 1952 rơi nước mắt cho biết bà sinh ra tại Hà Nội nhưng 3 tuổi đã di cư cùng bố mẹ vào Nam. Đây là lần đầu tiên nữ danh ca trở lại thủ đô sau 60 năm và may mắn được đứng trên sân khấu “thánh đường” Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi bà luôn khao khát được biểu diễn.
Đêm nhạc còn có sự góp mặt của “giọng ca vàng mười” Lệ Thu. Bà là ca sĩ hát đinh các sáng tác của Phạm Duy trong chương trình như Dạ khúc, Mùa thu chết, Nước mắt mùa thu,…
Bên cạnh đó, nữ danh ca còn nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả khi thể hiện những sáng tác của Trịnh Công Sơn là Hạ trắng, Ru em từng ngón xuân nồng.
Video đang HOT
Lệ Thu vừa từ Mỹ trở về nên không có điều kiện tập luyện với ban nhạc. Trong chương trình, hơn một lần bà chia sẻ về việc không thực sự hài lòng với tiết mục biểu diễn của mình. Thực tế, nữ danh ca hát vẫn khắc khoải, da diết, như thể lần cuối được hát nhưng ban nhạc lại tỏ ra non tay và vụng về trong những ca khúc quen thuộc và bản phối không mới.
Ánh Tuyết là một trong ba ca sĩ tham gia trong đêm nhạc. Phần đầu, nữ ca sĩ hát những sáng tác của Trịnh Công Sơn như Lặng lẽ nơi này, Phúc âm buồn,…
Sau đó, giọng ca gạo cội thể hiện những tuyệt phẩm của Phạm Duy là Hẹn hò, Nếu một mai em sẽ qua đời và Tình hoài hương.
Ánh Tuyết có cách hát khác với mọi khi. Nữ ca sĩ chuộng những nốt trầm thay vì khoe những nốt cao như trước. Lý giải về sự thay đổi này, giọng ca sinh năm 1961 cho biết “Đôi khi thay đổi để mới mẻ”. Nhưng khán giả không khó để nhận ra đây là sự thay đổi “bất đắc dĩ”, một trong những nguyên nhân có thể xuất phát từ cách chơi của ban nhạc.
Theo Zing
Lệ Thu: 'Tôi mong muốn được chết sớm...'
"Giọng ca vàng mười" của tân nhạc Việt Nam muốn được ra đi sớm để hình ảnh và giọng hát còn mãi nguyên vẹn trong lòng khán giả.
Lệ Thu khác với các nữ danh ca cùng thời ở chỗ tên tuổi của bà không gắn với bất cứ một nhạc sĩ nào. Lệ Thu là hình mẫu của sự đa dạng trong âm nhạc và chỉ ghi dấu ấn với tác phẩm chứ không phải với vai trò "bóng hồng" dù cho đó là người viết nhạc hào hoa như: Phạm Duy, Ngô Thụy Miên hay Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương.
Trước năm 1975, Lệ Thu được mệnh danh là "giọng ca vàng ròng" hay "vàng mười". Nhiều người cho rằng sở dĩ Lệ Thu có danh xưng đó là vì bà chỉ hát ở các phòng trà độc quyền với giá cát-sê ở mức ngất ngưởng.
Nhưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên Zing.vn, giọng ca Mùa thu chết bảo đó là sự mến mộ của một nhạc sĩ dành tặng cho bà. Khi nghe album Lệ Thu hát, vị nhạc sĩ đó nhận xét bà là "giọng ca vàng mười", nghĩa là vàng nguyên chất, không pha tạp.
Danh ca Lệ Thu.
"Nếu tôi ra hồi ký, e làm mất lòng nhiều người"
- Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm theo đuổi nghệ thuật, bà thấy mình được mất những gì?
- Tôi được nhiều chứ. Trước hết là được lòng yêu thương của khán giả, sau nữa là được hát, tức là được nói lên cảm xúc của mình qua âm nhạc. Với tôi, âm nhạc là một phần không thể thiếu của đời sống. Tôi luôn tự hỏi nếu một ngày không có âm nhạc thì tôi sẽ như thế nào. Và tôi không trả lời được.
- Có bao giờ bà nhớ lại thời kỳ hoàng kim của mình. Và hối tiếc?
- Không, hoàn toàn không. Tôi tâm niệm thời nào cũng thế tôi, quan trọng tôi là tôi, không phải là ai khác. Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn ca hát, rong chơi như thế này.
- Nhiều nghệ sĩ thành danh viết hồi ký để ghi lại những thăng trầm trong cuộc sống và nghệ thuật. Bà thì sao?
- Tôi có nghĩ đến điều đó chứ. Chính thế, tôi luôn mang một máy ghi âm bên mình. Khi nào nhớ ra hoặc muốn chia sẻ điều gì, tôi sẽ nói và thu lại. Nhưng thời điểm hiện tại, tôi chưa muốn ra hồi ký vì e nếu ra sách sẽ làm mất lòng nhiều người.
Đời tôi may nhiều hơi rủi. Nhưng va chạm, tỵ hiềm, yêu ghét cũng vô cùng nhiều. Do vậy, ra hồi ký cũng phải cân nhắc, đó không còn là câu chuyện của riêng mình.
- Thời gian gần đây, bà tham gia một số chương trình âm nhạc và có điều kiện làm việc cùng nhiều nghệ sĩ trẻ. Bà đánh giá như thế nào về thế hệ trẻ theo đuổi nghệ thuật hiện nay?
- Vấn đề này tế nhị lắm. Nhiều khi nhận xét của mình lại làm buồn lòng người khác. Người mình thích chưa chắc đã hay, còn người hay chưa chắc mình đã thích. Do vậy, tôi xin phép không có ý kiến về lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay.
Lệ Thu biểu diễn trong đêm nhạc Nhớ mùa thu Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng
"Tôi muốn giọng hát và hình ảnh của mình nguyên vẹn mãi"
- Ở tuổi 74, bà quan niệm thế nào về tình yêu?
- Tình yêu từ ngàn xưa đến bây giờ vẫn không ai có thể định nghĩa được. Tình yêu có thể là hai người hợp nhau, về tư tưởng, cách sống, lời nói và săn sóc nhau. Song song với tình cảm còn là tình thương.
Với tôi, tình yêu bây giờ không còn như thời trẻ. Tình yêu thời trẻ, thời học trò có thể chỉ có sự lãng mạn. Lúc đó, sự trải nghiệm chưa có thì làm sao có thể có tình thương, sự nhường nhịn và chia sẻ. Còn ở tuổi của tôi bây giờ nếu nghĩ về một ai đó thì đó sẽ là tình thương. Tôi quan niệm tình yêu sẽ phai nhạt nhưng tình thương thì mãi mãi.
- Ngoài ca hát, bà tìm niềm vui như thế nào trong cuộc sống?
- Tôi đọc sách, tất cả mọi loại sạch. Thứ nhất, đọc sách để học hỏi kiến thức, mở mang đầu óc. Thứ hai, tôi thích vùi đầu vào sách vở và kiến thức, chắc kiếp trước tôi là con mọt sạch. Thứ ba, việc đọc sách phục vụ rất nhiều cho công việc nghệ thuật của tôi.
- Bà có dự định tổ chức một đêm nhạc riêng để tổng kết con đường âm nhạc?
- Nếu ai muốn tổ chức, tôi rất sẵn lòng. Còn bảo tôi đứng ra tổ chức thì tôi không có can đảm. Một đêm nhạc thực sự rất nhiêu khê, phải có người làm cái này, người làm cái kia, chứ một mình mình hoặc vài người thân thiết không thể làm được. Hơn nữa, tính tôi không thích nhờ vả.
- Ở thời điểm hiện tại, bà còn mong muốn gì?
- Tôi mong được đi sớm, tức là mong được chết sớm. Tôi muốn giọng hát và hình ảnh của mình được giữ mãi trong lòng khán giả. Chết là cái không thoát được, vậy tại sao lại không muốn đi sớm hơn.
Theo Zing
Khánh Ly lần đầu song ca cùng Hồng Nhung tại Hà Nội "Nhớ mùa thu Hà Nội" là đêm nhạc đầu tiên Khánh Ly, Lệ Thu và Hồng Nhung cùng đứng trên sân khấu và hòa giọng trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn. Nhớ mùa thu Hà Nội là chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra vào ngày 26, 27/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của 3...