Dang vòng tay với trẻ mồ côi vì COVID-19
“Cơn bão” COVID-19 mấy tháng qua đã khiến hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM bỗng chốc mồ côi. Em mất cha, em mất mẹ, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Đau thương, khó khăn chồng chất trên con đường học tập và tương lai của các em.
Những ngày qua, danh sách trẻ em có cha, mẹ mất do COVID-19 liên tục được các cơ quan chức năng TP.HCM cập nhật và với sự đồng hành của cộng đồng đang dang rộng vòng tay chia sẻ, chăm lo.
“Mẹ con đi bệnh viện chưa về”
Ngày thường, ba anh em Lến (11 tuổi), Phến (5 tuổi), Thảo (3 tuổi) còn vui vẻ quây quần bên cha mẹ trong căn gác trọ ở con hẻm đường Lương Thế Vinh, quận Tân Phú.
Một tháng trước, cha mẹ các em mắc COVID-19 phải nhập viện. Lúc đó, khi chúng tôi đến chỉ có ba đứa trẻ ở nhà. Hỏi mẹ đâu, bé Thảo trả lời: “Mẹ con đi bệnh viện chưa về”. Em không hề biết lúc đó mẹ đã mất gần một tuần.
Cha các em là anh Thạch Ủ (33 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết lúc vợ mất anh ở bệnh viện, ngày nào cũng gọi điện về nhưng nói dối con là mẹ chưa khỏe và khi anh về vẫn nói với con là mẹ đang ở bệnh viện.
“Nhà còn có bà ngoại lớn tuổi, đang ở dưới quê một mình. Tôi muốn khi nào hết dịch, cả nhà về dưới rồi nói cho bà với các con hay”, anh Thạch Ủ giải thích.
Gần đây khi anh định gói ghém đồ đạc đưa con về quê để đứa lớn đi học, vô tình đứa con nhìn thấy hũ tro cốt của mẹ nên anh phải nói thật với con. “Mới hôm rồi, tôi định xin chuyến xe về Sóc Trăng quê vợ nhưng không về được”, anh Ủ kể.
Bốn chị em cô bé Nguyễn Lâm Yến Hoàng (11 tuổi, đang học lớp 6) còn bi đát hơn khi mất cả cha lẫn mẹ. Buổi cơm trưa trong căn nhà trọ ở con hẻm nhỏ quận 12 chỉ còn bốn chị em.
“Mẹ bị ung thư giai đoạn cuối nên khi phát hiện mắc COVID-19 mẹ qua đời chỉ vài ngày sau đó trong bệnh viện. Ba em cũng mắc nhưng ban đầu không bị nặng. Thế mà nghe tin mẹ em mất, ba em đã trở nặng, vào bệnh viện rồi cũng không qua khỏi”, Yến Nhi (22 tuổi, chị cả) rơm rớm kể lại.
Cha mẹ mất, Nhi trở thành mẹ của ba đứa em nhỏ. “Cha em làm phụ hồ, mẹ em làm may gia công ở nhà, em và em gái thứ 2 đã nghỉ học, đi bán hàng, phụ quán cà phê. Hai em còn lại đang học lớp 5 và lớp 6.
Bình thường bé út cũng biết làm tất cả mọi thứ. Trước mắt chưa biết thế nào nhưng em sẽ cố gắng thực hiện tâm nguyện của mẹ để nuôi hai em ăn học. Đó cũng là ước nguyện của mẹ em trước khi mất”, Yến Nhi bộc bạch.
Video đang HOT
Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận hàng tiếp tế. Anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con khi vợ mất do COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Không để các em dở dang việc học
Chị Nguyễn Ngọc Nhung – phó trưởng ban thiếu nhi Thành đoàn, phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM – cho biết ngay khi nhận thông tin về những trường hợp thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Đội TP.HCM đã tính câu chuyện lâu dài là lo cho việc học của các em.
Hội đồng Đội đã phát động chương trình kết nối học bổng bảo trợ học tập cho các em đến hết cấp III.
Chương trình sẽ hỗ trợ học bổng với mức 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19, các em đang sống với ông bà hoặc người giám hộ mà hiện nay ông bà hoặc người giám hộ mất hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do COVID-19; các em thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, ưu tiên cho con của lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng chống dịch bệnh.
Hơn một tháng qua chương trình đã nhận được đăng ký của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với hơn 400 suất học bổng cho đội viên, học sinh với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng. Không ít các anh chị văn nghệ sĩ, các anh chị kiều bào, du học sinh ở nước ngoài… đã cùng chung tay chia sẻ với các gia đình và các em thiếu nhi trong thời điểm khó khăn này.
Là một trong những nghệ sĩ đóng góp học bổng cho các bé mồ côi cha mẹ vì COVID-19, ca sĩ Ngô Kiến Huy chia sẻ: “Mình muốn chia sẻ với các em, cùng mong muốn các em được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn, đau thương này. Bởi lẽ liều thuốc tinh thần rất quan trọng với các em lúc này. Các em rồi sẽ có một tương lai tốt hơn”.
Bà Huỳnh Thị Kim Ân – chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bình Chánh – cho biết tới thời điểm này huyện đã ghi nhận hơn 100 trẻ em mất cha, mẹ vì COVID-19. Ban thường vụ Huyện ủy đã huy động tất cả các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đồng hành thực hiện mô hình “Trao gửi yêu thương” chăm sóc cho các em.
“Chương trình sẽ vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm lo cho trẻ từ nay đến khi các em tròn 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, có thể là hoàn thành chương trình đại học, giáo dục nghề nghiệp tùy vào hoàn cảnh của từng em.
Ngoài ra có thể mở sổ tiết kiệm cho từng em, có ủy thác sử dụng theo từng năm hoặc đóng góp trực tiếp cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện để quản lý và chi hỗ trợ từng năm”, bà Ân nói.
Mai Hân và em trai Thành Danh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bên bàn học, hai em đã phải sớm chịu cảnh mồ côi cha do dịch COVID-19 – Ảnh: TỰ TRUNG
Sẽ trợ cấp đến 22 tuổi
Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM cho hay theo nghị định 20 của Chính phủ, từ ngày 1-7-2021 trẻ em mồ côi cả cha mẹ được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng với mức 900.000 đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên.
Các em cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Ngoài ra, theo các quy định của Luật trẻ em 2016, nghị định 56/2017 và nghị định 20/2021, trẻ mồ côi cả cha mẹ được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân, cá nhân, cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ, nhận nuôi con nuôi, đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.
* Ông Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội):
Thống kê đầy đủ để chăm sóc, hỗ trợ các em
Trong đại dịch COVID-19, đối tượng bị ảnh hưởng lớn và dễ tổn thương nhất là trẻ em. Ngoài những em mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, các em còn có thể bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần và bị lây nhiễm trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
Nhiều trẻ mồ côi thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, người thân có thể bị những đe dọa khác như đối diện với việc thiếu ăn, gián đoạn học tập, thậm chí bị xâm hại, bạo lực… ảnh hưởng đến sự phát triển, an sinh của các em.
Các tổ chức chính trị, xã hội cơ sở, chính quyền các cấp, ngành lao động và y tế cần phải khẩn trương thống kê đầy đủ, không bỏ sót em nào để có chính sách tích cực, khẩn cấp hỗ trợ, chăm sóc cho từng nhóm trẻ.
Chính phủ đã có nghị quyết số 68 và Thủ tướng có quyết định 23, trong đó có đề cập việc hỗ trợ trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế. Vấn đề quan trọng là phải khẩn trương áp dụng các chính sách hỗ trợ này để đảm bảo trẻ em không bị đói khát, thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt, học tập.
Phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các em trước mắt và lâu dài, nghiên cứu tiêm vắc xin để bảo vệ các em. Trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc các trẻ không có người thân.
TIẾN LONG
Quỹ bảo trợ trẻ em hỗ trợ 2 triệu đồng/em
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoa Nam – cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) – cho hay hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi nói chung và trẻ mồ côi do COVID-19 nói riêng.
“Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19 từ ngày 27-4 đến 31-12-2021. Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra từ ngày 27-4 đến 31-12-2021 cũng được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi trẻ. Nguồn từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam” – ông Nam nói.
Theo ông Nam, các địa phương cần lập ngay danh sách đề nghị Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam chuyển tiền hỗ trợ khẩn cấp và thủ tục hoàn toàn có thể hoàn thành sau. Về lâu dài, các địa phương cần có chính sách đặc thù hoặc triển khai hỗ trợ trẻ mồ côi cha mẹ như đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại nghị định 20.
Với trẻ mồ côi cha mẹ, ông Nam lưu ý ưu tiên số 1 là giao người thân thích hoặc họ hàng chăm sóc, nếu không có thì cần tìm các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, đỡ đầu. Trường hợp không có nơi nương tựa, không còn thành viên trong gia đình hoặc cộng đồng nhận thì đưa các em vào trung tâm bảo trợ xã hội để được nuôi dưỡng, tiếp tục đi học theo nghị định 56 hướng dẫn thi hành Luật trẻ em.
HÀ QUÂN
Nguồn: Sở GD-ĐT TP.HCM – Đồ họa: TUẤN ANH
Xót xa em nhỏ rơi vào cảnh 'mồ côi đến 2 lần'
1.517 trẻ mồ côi do cha, mẹ mất vì COVID-19 là cũng chừng ấy những hoàn cảnh đau lòng. Nhiều trẻ đang tuổi đến trường mà không có cha, mẹ bên cạnh.
Trao học bổng bảo trợ học tập cho các em học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: C.K.
Đầu năm học, các thầy cô giáo ở Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ và xót xa với trường hợp một học sinh lớp 8A3 khi em rơi vào cảnh mồ côi đến 2 lần: "Em N.N.A.Q. mồ côi ba mẹ từ khi mới 1 tuổi nên sống với ông bà nội. Đầu tháng 8 vừa rồi, ông nội em mất vì COVID-19. Giờ nhà chỉ còn em Q. và bà nội đã hơn 60 tuổi. Thường ngày bà đi làm giúp việc theo giờ để lấy tiền nuôi cháu. Nhưng từ bữa dịch bùng phát thì bà cũng không thể đi làm" - cô Nguyễn Thị Việt Hân, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A3, chia sẻ.
Cô Hân kể: "Đầu năm học, khi tôi mới nhận lớp, em Q. đã nhắn tin cho tôi: "Cô ơi, cô có thể cho con vào group phụ huynh để con nắm thông tin được không, vì bà nội con không biết dùng Zalo". Tôi gọi điện cho bà của em thì được biết hoàn cảnh của em thật đặc biệt. Giờ hai bà cháu đang sống nhờ trợ cấp của phường và sự giúp đỡ của hàng xóm. Mấy hôm nay, em được người anh họ cho mượn điện thoại để học trực tuyến".
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, anh Phan Thanh Châu, nhà ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân), không giấu được giọng nghẹn ngào: "Vợ tôi mất đã hơn 3 tuần nhưng cả gia đình vẫn giấu hai đứa nhỏ. Mỗi lần các con thắc mắc sao mẹ đi chữa bệnh lâu quá, tôi lại an ủi: "Mai mốt mẹ về" chứ sợ nói sự thật con tôi sẽ sốc".
Vợ chồng anh Châu có hai con trai, một bé học lớp 5/5 Trường tiểu học Bình Tân, một bé học lớp 7/2 Trường THCS Tân Tạo A, quận Bình Tân. Cuộc sống không khấm khá nhưng hạnh phúc tròn đầy khi con cái ngoan ngoãn, anh Châu làm việc tại một công ty bảo vệ, còn vợ anh bán tạp hóa ở gần nhà.
Nghịch cảnh xảy ra khi anh Châu bị nhiễm COVID-19: "Tôi làm bảo vệ cho một kho hàng ở quận Tân Bình theo phương thức "3 tại chỗ". Rồi một ngày, nhóm bảo vệ test định kỳ và phát hiện có hai người dương tính với COVID-19. Thế là kho đóng cửa. Kết quả xét nghiệm của tôi âm tính nên được về nhà. Mấy bữa sau thì cả nhóm F1 trở thành F0, trong đó có tôi. Rồi bà xã và đứa út cũng bị lây nhiễm từ tôi. Bà xã tôi trở nặng, có nhập viện để điều trị mà cũng không qua khỏi".
Anh Châu tâm sự: "Điều tôi lo lắng nhất bây giờ là khi hai con của tôi biết tin mẹ đã mất. Bé lớp 7 chắc không đến nỗi nhưng bé út thì bình thường nó rất quấn mẹ và sống rất tình cảm. Ba cha con tôi hiện ở nhờ nhà bà ngoại của các cháu. Mấy bữa nay, mẹ vợ tôi thường quan tâm, hỏi tôi rằng mới bình phục sau khi nhiễm COVID-19 mà sao ăn ít quá. Cháu nhỏ trả lời thay ba rằng: Mẹ đi lâu quá, ba nhớ mẹ nên ba buồn, ăn không nổi", giọng anh Châu nghẹn ngào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: "Việc đầu tiên là sở và các phòng GD-ĐT lưu ý giáo viên chủ nhiệm có sự hỗ trợ về tinh thần đối với các em học sinh bị mất người thân do COVID-19. Một số trường hợp nếu cần thì nhà trường phải nhờ đến giáo viên tâm lý hoặc chuyên viên tham vấn tâm lý hỗ trợ, giúp các em lấy lại tinh thần, nguôi ngoai nỗi buồn và bước vào năm học mới. Hiện sở, phòng GD-ĐT, các trường phổ thông và các tổ chức đoàn thể cũng đã và đang có sự hỗ trợ về sách giáo khoa, phương tiện học trực tuyến... cho những học sinh thuộc diện trên".
Nước mắt mồ côi vì dịch Thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ đặt tại phòng trọ chật hẹp, rồi bé Khánh ra trước cửa nhà ngồi nhìn vào khoảng không. Chốc chốc bé lại quay lên, chảy nước mắt nhìn hai tấm ảnh thờ ba và mẹ bé. Bé Châu và anh em bé Khánh - Ảnh: D.QUÝ - T.KIÊN Cảnh đời hai anh em bé Nguyễn Hữu...