Đằng sau sự hứng khởi của TPP
Có vẻ như đã có quá nhiều hứng khởi sau khi 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tìm được tiếng nói chung. Thế nhưng, rủi ro từ hiệp định này là không hề nhỏ và đó thực sự là điều đáng lo.
Thị trường sẽ mở rộng ra tới các quốc gia hiện đang nắm giữ 30% thương mại hàng hóa toàn cầu
Dù đã thành công trong đàm phán, nhưng vẫn còn một bước đi cuối cùng nữa để biến TPP thành hiện thực, đó là sự thông qua của Quốc hội 12 quốc gia thành viên, trong đó nỗi lo lớn nhất nằm ở phía Quốc hội Mỹ, bởi có khá nhiều ý kiến phản đối hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này, cả từ phía các nghị sĩ đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa. Mặc dù vậy, chuyện thông qua thực chất chỉ là thủ tục, cho dù có thể mất khá nhiều thời gian. Điều đáng nói là, có nên quá hứng khởi với TPP đến như vậy không?
Chớ vội mừng!
Về lý thuyết, sự hứng khởi ban đầu là dễ hiểu. Bởi việc gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại và đầu tư, khi mà thị trường sẽ không bị bó hẹp nữa mà mở rộng ra tới các quốc gia hiện đang nắm giữ 40% GDP và 30% thương mại hàng hóa toàn cầu. Nhưng không chỉ là thương mại và đầu tư, những lợi ích mà Việt Nam có thể có được từ TPP còn lớn hơn thế. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng, TPP còn là cơ hội để Việt Nam cải cách thể chế, bởi TPP sẽ định ra một luật chơi chung và để có thể tham gia vào sân chơi đó, Việt Nam không có cách nào khác là phải thực hiện cải cách mọi mặt.
Nếu điều này thực sự xảy ra, đó mới chính là điều mà người Việt Nam nên hứng khởi. Bởi sau những bước đi chậm lại của nền kinh tế những năm gần đây và nỗi lo sập bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu, thì đứng trước một cơ hội cải cách lần hai, với không gian kinh tế rộng lớn đang được mở ra, TPP đang được kỳ vọng tạo cú hích để Việt Nam bước lên một giai đoạn phát triển mới, cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có thể tận dụng được điều đó hay không?
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Trần Quốc Khánh có vẻ khá lạc quan, bởi ông đã khẳng định với báo giới tại cuộc họp báo thông báo kết quả đàm phán TPP rằng, vào TPP “thuận lợi là chủ yếu, rủi ro có thể kiểm soát được”. Còn nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì nhận định: “Chúng ta đã có những ngày quá nhiều cảm xúc, giống như ngày xưa khi gia nhập WTO cũng cảm xúc đến nỗi có những cuộc đi bộ để ăn mừng”.
Nhưng cảm xúc thì không có ý nghĩa trong câu chuyện phát triển kinh tế. Bởi suy cho cùng, để biến cơ hội thành hiện thực thì cả nhà nước, doanh nghiệp và thậm chí là toàn xã hội phải cùng quyết liệt hành động, và hành động thật nhanh, chứ không thể “đi bộ” được.
Video đang HOT
Từ góc nhìn này, rõ ràng, chưa thể vội mừng với TPP!
Rủi ro rình rập
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người Mỹ không hề thích thú với TPP. Thậm chí ngay cả nhà kinh tế học sừng sỏ Paul Krugman cũng phản đối hiệp định này. Ông cho rằng, TPP không thực sự là một hiệp định về thương mại mà giống như việc củng cố sự độc quyền sở hữu trí tuệ và quyền lực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp hơn. “Mà hai điều này dĩ nhiên là không tốt, kể cả đứng trên quan điểm hiệu quả”, Paul Krugman bình luận.
Cũng cần phải lưu ý rằng, Paul Krugman đã đứng từ góc nhìn của Mỹ để bày tỏ quan điểm nói trên. Vậy nếu nhìn từ phía Việt Nam, với hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh, cộng đồng doanh nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh để “chơi một cách sòng phẳng” trên sân chơi quốc tế, hiệu quả mà TPP mang lại đến đâu, rủi ro mà cả doanh nghiệp, Chính phủ và nền kinh tế gặp phải lớn tới mức nào?
Ở thời điểm này, chi tiết các cam kết TPP chưa được tiết lộ, song những thông tin sơ bộ mà Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, TPP đúng là không chỉ liên quan đến thương mại, với một trong những yếu tố được giới truyền thông Việt Nam nói tới nhiều nhất trong thời gian gần đây là bãi bỏ hàng rào thuế quan, thuế suất nhiều mặt hàng xuống bằng 0%, mà còn là hàng loạt cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhà đầu tư…
Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) trong cuộc trao đổi với báo giới sau khi TPP hoàn tất đàm phán đã cảnh báo rằng, nguy cơ bị kiện của Chính phủ Việt Nam sẽ cao hơn trước đây rất nhiều. Lý do là vì, TPP là cơ chế cho phép sử dụng các vấn đề về cơ chế dân chủ, nhà nước và doanh nghiệp có thể kiện lẫn nhau.
Lâu nay ở Việt Nam, các vụ kiện như vậy là rất hiếm. Vụ nhà đầu tư South Fork kiện tỉnh Bình Thuận trong các tranh chấp liên quan đến một dự án du lịch và một dự án khai thác titan gần như là điển hình duy nhất. Thêm vào đó, trong các cam kết về bảo hộ đầu tư, nguyên tắc không phân biệt đối xử cũng đã được nhấn mạnh. Vào TPP sẽ không có chuyện đặt ra các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, nghiêm cấm các hành vi thu hồi tài sản không phục vụ cho mục đích công… Những cam kết này có thể sẽ dẫn tới một sự thay đổi đáng kể các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay.
Tương tự như vậy, các cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với Việt Nam, dù trên thực tế việc thực thi quyền này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Không thực thi được các cam kết này, các vụ kiện có thể sẽ xảy ra liên miên, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Chính phủ…
Ông Andrew Wells-Dang, cố vấn cấp cao của Tổ chức Oxfam Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam thậm chí còn nhắc tới tình huống các công ty dược phẩm tư nhân của Mỹ được phép bán “sở hữu trí tuệ” của họ với giá cao trong thời gian từ 5-8 năm trước khi các nước khác được phép sản xuất dược phẩm cùng chủng loại với giá rẻ hơn. Nhưng nếu một công ty Việt Nam muốn xuất khẩu dược phẩm mới đến Mỹ, họ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ và nếu vượt qua rào cản này thì chắc các công ty Mỹ sẽ kêu là… “bán phá giá”.
“Đấy là cách các nước giàu bảo vệ thị trường của họ, trong khi kinh tế Việt Nam phải mở toàn bộ cho hàng hóa nhập ngoại”, ông Andrew Wells-Dang nhận định. Đây là rủi ro xuất phát từ TPP. Và như thế đâu thể vội mừng!
Giả dụ, TPP được quốc hội của tất cả các quốc gia thành viên thông qua vào năm tới thì cũng còn một khoảng thời gian nữa các cam kết mới được thực thi và phát huy hiệu quả trên thực tế. Nhưng như thế có khi lại là may cho Việt Nam, bởi chúng ta sẽ có thêm thời gian, dù không nhiều, để chuẩn bị. Quá trình chuẩn bị này thực sự là một thách thức lớn đối với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Rõ ràng là sự hào hứng quá mức về TPP trong thời điểm này không có nhiều ý nghĩa. Quan trọng là phải chuẩn bị để sẵn sàng nhập cuộc, mà điều này thì Việt Nam dường như lại quá yếu và quá thiếu. Bài học WTO vẫn còn nguyên giá trị!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Xóa bỏ định kiến về hàng Việt Nam
Không ít ý kiến cho rằng, hàng Việt Nam luôn ở thế yếu, khó cạnh tranh ngay cả với hàng của Trung Quốc, Thái Lan và càng không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Thế nên trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng Việt đứng trước nguy cơ bị thua ngay trên 'sân nhà'. Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm đó!
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
Khẳng định vị trí trên bản đồ phân phối thế giới
Sau 6 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người tiêu dùng được hỏi biết đến hàng Việt từ 30% đã tăng lên đến 90%. Bộ Công Thương cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.
Đối với các doanh nghiệp, việc ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất cũng được quan tâm, thay thế hàng nhập khẩu. Đi đầu trong việc này là các tập đoàn lớn như: Dệt may; Điện lực; Dầu khí; Hóa chất; Xăng dầu và Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Giấy Việt Nam... Hàng năm, các doanh nghiệp đầu ngành này đều xây dựng kế hoạch để sử dụng sản phẩm trong nội bộ tập đoàn hoặc sử dụng sản phẩm trong nước đã sản xuất được.
Không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận, hàng Việt đang được thị trường nhiều nước "mở lối". Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hiên nay tai Hàn Quôc có 114 siêu thị của Lotte đang bán hàng Việt Nam. Năm 2015, 200 sản phâm của các doanh nghiệp Việt Nam đươc Lotte Việt Nam mua với giá trị hàng hóa khoảng 1 triêu USD đê đưa sang bán tại Hàn Quôc. Một loạt hệ thống phân phối khác ở nước ngoài của Metro, Big C, AEON... cũng đang phân phối hàng Việt trong hệ thống tại nước ngoài.
Bộ Công Thương cũng cho biết, tính đến hết tháng 8-2015, hàng Việt Nam đã xuất khẩu sang 111 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sản phẩm thế mạnh là nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày, sản phẩm điện tử và linh kiện... trong đó có những thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có uy tín và chất lượng mới giúp hàng Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trên bản đồ phân phối của thế giới.
Càng trong hội nhập càng phải cạnh tranh
Thị trường tiêu thụ rất rộng lớn nhưng hội nhập cũng là sân chơi đầy thách thức, liệu hàng Việt có đủ sức đương đầu với hàng hóa nước ngoài trong hội nhập? Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận đây là một câu hỏi lớn và không dễ có lời giải. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Quyền, hội nhập là xu hướng tất yếu.
"Không nên nhìn về hội nhập chỉ trong một thời điểm, một lát cắt mà đó là cả quá trình. Năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO, đến nay tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do - FTA khác, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trưởng thành, ngày càng lớn mạnh, có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Chỉ có cạnh tranh mới làm doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển, vì vậy càng trong hội nhập, càng phải cạnh tranh, không thể dừng lại"- đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Những năm gần đây, Việt Nam đã được biết đến nhiều hơn thông qua các sản phẩm, dịch vụ uy tín như: Viettel, bia Sài Gòn, sữa Vinamilk... Các sản phẩm này không chỉ phục vụ người tiêu dùng Việt Nam mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hội nhập với sức ép cạnh tranh đã góp phần khiến doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, để hàng Việt đứng vững trong hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trên "sân nhà" và tích cực, chủ động tranh thủ cơ hội trên "sân khách".
Không nên tự "lấy đá ghè chân mình"
Câu chuyện về chiếc điện thoại smartphone - Bphone của Tập đoàn Công nghệ Bkav ra mắt cuối tháng 5-2015 là một ví dụ sinh động về định kiến của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng Việt. Bkav đã mất 4 năm và tốn nhiều tiền của, huy động trí lực để thiết kế, chế tạo ra chiếc điện thoại này, tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 70% nhưng nhiều người Việt thẳng thắn chê bai, dù chưa được sờ tận tay hay dùng thử.
Ông Bạch Thành Lê - Phó Chủ tịch Bkav chia sẻ: "Đợt mở bán đầu tiên được hơn 12.000 chiếc Bphone đã vượt qua kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam khắt khe khi nhìn nhận về sản phẩm Việt. Người tiêu dùng các nước phát triển thường xem xét sản phẩm có tốt không, có đáp ứng được nhu cầu của họ không, thay vì quan tâm đến xuất xứ". Vậy nên, với chiến lược đưa Bphone đi Mỹ và Ấn Độ, nhiều dự báo cho rằng chiếc điện thoại "made in Việt Nam" này sẽ dễ được đón nhận hơn cả trong nước.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng nêu lên một thực tế là không ít doanh nghiệp thẳng tay "loại" hàng Việt ngay từ khâu duyệt kế hoạch hồ sơ mời thầu. Dẫu rằng sản phẩm, máy móc Việt Nam còn có những nhược điểm từ chủ quan nhà sản xuất, nhưng với thái độ "sính ngoại" thiếu cơ sở như vậy thì hàng Việt dù có được đón nhận, dù có lớn mạnh vươn ra thế giới, nhưng vẫn luôn "chông chênh" ở trong nước.
Theo An ninh thủ đô
Thị trường tài chính Việt sau 10 năm gia nhập WTO: Được và mất? Bộ ba thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm đã bị tác động như thế nào sau gần 10 năm gia nhập WTO? Ảnh minh họa. Câu trả lời phần nào được giải đáp trong báo cáo giám sát "Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ...