Đằng sau sự hồi sinh của Man Utd
Ole Solskjaer đang khiến người hâm mộ Man Utd vui mừng khi đội bóng của họ là ứng viên cho các danh hiệu mùa này.
Man Utd đã góp mặt trong 3 trận bán kết, nhưng không giành được danh hiệu nào ở mùa giải trước. Họ thậm chí không thể vào đến trận đấu cuối cùng. Ole Solskjaer, với việc đưa Man Utd cán đích thứ 3 tại Premier League 2019/20, được ca ngợi hết lời. Tuy nhiên, điều đó chỉ đến khi người ta nhìn vào xuất phát điểm của “Quỷ đỏ” ở mùa vừa qua. Với Man Utd thời đỉnh cao, ví trí thứ 3 được coi như thất bại. Mọi chuyện giờ khác xưa.
Đã 8 năm kể từ khi Man Utd thể hiện vị thế của đội bóng hay nhất nước Anh. Đó cũng là khoảng thời gian họ không còn là kẻ thách thức danh hiệu. Sau 16 trận mùa trước, Man Utd đứng thứ 5, kém đội đầu bảng Liverpool 22 điểm. Sau 16 trận mùa này, họ bằng điểm với đối thủ truyền kiếp của mình.
Viễn cảnh về một cuộc tranh đua danh hiệu giữa 2 CLB lớn hàng đầu nước Anh khiến người hâm mộ trở nên kích thích, đặc biệt khi Liverpool đang nhắm tới mục tiêu san bằng kỷ lục 20 chức vô địch của Man Utd. Không nhiều người lạc quan về khả năng xưng vương của “Quỷ đỏ” thành Manchester, nhưng họ hài lòng với sự tiến bộ dưới thời Solskjaer.
Phong độ ấn tượng trong thời điểm các đối thủ liên tiếp sảy chân giúp Man Utd cân bằng số điểm của đội dẫn đầu Liverpool tại Premier League. Ảnh: Reuters.
Chứng minh bằng danh hiệu
Bảng xếp hạng tính theo năm, thay vì mùa giải, từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020 là thước đo cho sự cải thiện của Man Utd. Đội chủ sân Old Trafford đứng thứ 3, sau Liverpool và Man City. Họ kém Man City 1 điểm, kém Liverpool 12 điểm nhưng đá ít hơn nhà đương kim vô địch 2 trận. Trong giai đoạn 2013-2019, tính từ thời điểm Sir Alex Ferguson rời đi và đội bóng bắt đầu sa sút, Man Utd chỉ có một lần đứng thứ 3 (năm 2016), còn lại đều xếp ở các vị trí thứ 4 và thứ 5.
Trước khi Bruno Fernandes ký hợp đồng với Man Utd, đội chủ sân Old Trafford đã thua 3 trận tại Premier League vào tháng 1/2020. Điều đó khiến những con số thống kê của tiền vệ người Bồ Đào Nha trở nên ấn tượng hơn cả. Anh đã đưa CLB lột xác và góp phần đánh thức các cầu thủ còn lại trong đội, rằng họ không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế nếu không muốn ngụp lặn dưới đáy vực sâu.
Một số ngôi sao bị loại khỏi đội hình chính và phải chiến đấu để giành lại vị trí. Jose Mourinho cảm thấy áp lực khi phải sử dụng Paul Pogba, còn Solskjaer tuyên bố chỉ cho cầu thủ người Pháp cơ hội nếu anh xứng đáng. Trận đấu với Aston Villa là ví dụ. Pogba đã có màn trình diễn xuất sắc.
Mùa 2019/20, Man Utd kém nhà vô địch Liverpool 33 điểm. Trước đó một năm, họ xếp dưới quán quân Man City với khoảng cách 32 điểm. Song, với sự thiếu ổn định của 2 CLB này, kết hợp cùng sự tiến bộ của thầy trò Solskjaer, khoảng cách đó đã được thu hẹp. “Quỷ đỏ” đang dẫn trước Man City trên bảng xếp hạng. Đó chắc chắn không phải vị trí được hầu hết người hâm mộ trông đợi khi mùa giải khởi tranh.
Trở về khoảng thời gian tháng 9/2020, thời điểm người hâm mộ bắt đầu không được tới sân vận động. Man Utd vừa trải qua kỳ chuyển nhượng tồi tệ, nơi Chelsea chi hơn 200 triệu bảng một cách quyết đoán để cải tổ đội hình. Tâm trạng của các cổ động viên “Quỷ đỏ” càng tệ hơn khi CLB có thành tích kém cỏi ở giải đoạn đầu mùa. Họ thất bại trước Crystal Palace, suýt thua Brighton và bị Tottenham Hotspur hủy diệt bằng trận thua 1-6.
Trong khi những lời đồn về tương lai của Solskjaer xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, chính chiến lược gia người Na Uy lại chưa từng mất niềm tin vào sự tiến bộ của Man Utd sau đó. Đội chủ sân Old Trafford thiết lập chuỗi 10 trận bất bại tại Premier League và đang là CLB có phong độ sân khách vượt trội.
Man Utd đã lội ngược dòng để giành chiến thắng mọi trận đấu trên sân khách trước cuộc chạm trán Leicester tại “Boxing Day”. Điều này khiến người hâm mộ bối rối, nhưng nó đánh dấu cho sự trở lại của thứ bóng đá mang đậm tính giải trí nhất của “Quỷ đỏ” kể từ lần cuối họ giành chức vô địch. Đây chẳng phải điều người hâm mộ mong muốn sau những năm tháng hỗn loạn dưới thời Louis van Gaal và Mourinho?
Lội ngược dòng trở thành công thức chiến thắng của thầy trò Solskjaer. Ảnh: Reuters.
Man Utd từng vươn lên đầu bảng vào tháng 11/2015 dưới thời Van Gaal. Chỉ một tuần sau, họ để thua Wolfsburg, bị loại khỏi Champions League trước khi thua 3 trận liên tiếp. Đó là sự khởi đầu cho dấu chấm hết của chiến lược gia người Hà Lan ở Old Trafford. Khi Man Utd rời Champions League tại Đức với kịch bản tương tự vào tháng 12/2020, đội bóng của Solskjaer đáp trả bằng chuỗi 5 trận bất bại, với 3 chiến thắng và 2 kết quả hòa.
Man Utd chưa vươn tới đẳng cấp của Liverpool hiện tại. Song, thành tích của Solskjaer lúc này có thể so sánh với 2 năm đầu của Jurgen Klopp ở Anfield. Klopp cần 2-3 năm, với khoản tiền bán Philippe Coutinho được chi tiêu hợp lý, để được như ngày hôm nay. Một đội bóng vĩ đại như Man Utd cũng cần có thời gian để xây dựng.
Trận đấu với Liverpool ngày 17/1 trên sân Anfield sẽ là tham chiếu khác về sự tiến bộ của Man Utd. Song, họ đang cải thiện kết quả bằng việc ghi trung bình 2,06 điểm/trận và hướng đến mục tiêu giành 78 điểm mùa này.
Con số đó có thể không giúp họ giành chức vô địch, nhưng “Quỷ đỏ” đang trên đà tăng hơn 10 điểm so với mùa trước. Nếu duy trì tốc độ này, họ sẽ vào nhóm giành trên 80 điểm vào mùa tới. Tất nhiên, điều đó có thể vẫn chưa đủ.
Thành công phải được đo lường bằng danh hiệu thay vì điểm số khi giải đấu hạ màn. Solskjaer cần và muốn một chiếc cúp ở mùa giải này, không quan trọng đó là đấu trường nào. Cúp Liên đoàn Anh không có ý nghĩa lớn với những nhà phê bình, nhưng ít nhất có thể khiến họ yên lòng và gia tăng niềm tin với đội bóng. Thách thức trước mắt với thầy trò Solskjaer là Man City.
Video đang HOT
Kể từ khi lên nắm quyền, đội bóng của ông chỉ thực hiện những ngón đòn phản công sở trường trước những đại diện cửa trên chơi tấn công với hiệu suất cao. Man City giờ đã khác. Trong trận derby Manchester gần nhất, Man Utd có tới 46% thời lượng kiểm soát bóng. Không nhiều đội làm được điều đó trước các học trò của HLV Pep Guardiola. Và trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0.
“Sir Alex Ferguson sẽ cảnh báo các cầu thủ của họ về việc phải tôn trọng mọi danh hiệu. Nó không liên quan đến việc chiếc cúp lớn đến đâu, mà là cảm xúc khi giành được chúng. Bạn vào chung kết để chiến thắng. Các danh hiệu là minh chứng củng cố cho việc những gì bạn đang làm là hiệu quả. Một chiếc cúp sẽ làm dịu mọi thứ xung quanh CLB, đặc biệt vào lúc này”, Rene Muelesteen, cựu trợ lý của Sir Alex, chia sẻ với Athletic .
Man Utd đang sống trên hơi thở của Bruno Fernandes, bản hợp đồng thành công nhất của Solskjaer tính đến nay. Ảnh: Reuters.
Tương lai của Solskjaer
Man Utd của Mourinho đã giành 81 điểm ở mùa giải 2017/18. Sau đó, chiến lược gia người Bồ Đào Nha thừa nhận ông muốn có nhiều sự hậu thuẫn hơn trên thị trường chuyển nhượng. Khi không có được điều đó, Mourinho bắt đầu gặp khó khăn và đội bóng của ông cũng vậy.
Mourinho xây dựng đội bóng dựa trên các cái tên ưu tú, còn Solskjaer giống mẫu HLV tin dùng những sản phẩm “cây nhà lá vườn” nhiều hơn. Man Utd của Solskjaer tấn công nhiều hơn, giải trí hơn và tiến gần đỉnh cao hơn.
Khi Ed Woodward nói về việc tìm lại bản sắc của CLB vào mùa giải trước, không mấy ai lắng nghe lời ông. Man Utd khi đó đang gặp khó khăn, trong khi Woodward và nhà Glazer chưa bao giờ là những người được cổ động viên “Quỷ đỏ” yêu mến. Dù vậy, việc tìm lại bản sắc vẫn là nền tảng cho sự tái thiết lâu dài, vượt xa cả việc ký hợp đồng với những ngôi sao, kể cả khi thành tích của Solskjaer trên thị trường chuyển nhượng là rất ấn tượng.
Solskjaer vẫn là trung tâm của chiến dịch này, và ông đang quản lý một CLB có quy mô lớn hơn nhiều so với thời đỉnh cao của Sir Alex. Solskjaer có thể trở thành vật tế thần ở bất cứ trận thua nào. Song, không thể phủ nhận, Marcus Rashford, Luke Shaw, Harry Maguire, Victor Lindelof, Scott McTominay, Dean Henderson hay Mason Greenwood đều tiến bộ vượt bậc dưới bàn tay nhào nặn của ông.
Solskjaer mắc sai lầm trong một số trận đấu, chẳng hạn như không rút Fred ra sân trước PSG. Song, ông cảm thấy hàng tiền vệ cơ động của đội bóng nước Pháp sẽ chơi hiệu quả và nguy hiểm hơn trước Nemanja Matic thay vì Fred.
Tuy nhiên, ông cũng thực hiện những thay đổi mang về chiến thắng, ví như các quyết định thay người ở trận gặp West Ham. Solskjaer ý thức được việc các cầu thủ sẽ kiệt sức với mật độ thi đấu khoảng 3 ngày/trận hiện tại.
Solskjaer đang từng bước thay đổi Man Utd. Ảnh: Reuters.
Chiến lược gia người Na Uy đang nỗ lực từng ngày. Khi các cầu thủ, nhân viên rời đi trong kỳ nghỉ lễ, và gia đình ông trở về quê nhà Na Uy, Solskjaer chọn ở lại Manchester để gặp những thành viên có liên quan đến công tác đào tạo trẻ của CLB.
Khoản đầu tư của Man Utd cho đội trẻ đã tăng gấp 4 lần so với năm 2015, thời điểm Man City và Chelsea đánh bại Man Utd để giành chữ ký của những sao trẻ hay nhất. Đội chủ sân Old Trafford vẫn chưa có những cầu thủ trẻ tốt như mong muốn. Họ bỏ lỡ Jude Bellingham dù theo dõi cầu thủ này thi đấu hơn 60 trận kể từ năm 12 tuổi và đưa Sir Alex đến gặp gia đình anh.
Tuy nhiên, Man Utd cũng không phải một đội sẽ chi 100 triệu bảng để mang về Jadon Sancho trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế. Thời gian sẽ trả lời liệu họ có đúng khi từ chối cầu thủ trẻ của Dortmund, người ghi 1 bàn tại Bundesliga mùa này, hay không.
Solskjaer cảm thấy ông có thể thay đổi khoảng 20% của đội bóng mỗi mùa. Chiến lược gia người Na Uy sẽ cần nhiều kỳ chuyển nhượng để làm điều này, nhưng ông đang làm tốt. Man Utd đang cải thiện, nhưng Solskjaer khẳng định ông vẫn cần 2-3 cầu thủ hàng đầu nữa để có thể thách thức danh hiệu.
Sẽ có thêm những thất bại, nhiều phản ứng tiêu cực hơn trên mạng xã hội khi thành tích của CLB đi xuống. Tuy nhiên, ngay cả Man Utd tốt nhất trong lịch sử cũng phải trải qua những giai đoạn như vậy. “Quỷ đỏ” của Solskjaer chưa giành được danh hiệu nào, nhưng họ vẫn đang cải thiện từng ngày. Và đó là nền tảng để xây dựng nên một Man Utd vững chắc hơn.
Man Utd vô địch Premier League nổi không?
Man Utd lên ngôi nhì bảng sau chiến thắng 1-0 trước Wolverhampton ở vòng 16 Premier League để khép lại năm 2020.
Và câu hỏi đặt ra lúc này là đoàn quân của Ole Solskjaer có vô địch nổi ở mùa giải bất trắc này không?
Một tháng 12 kỳ dị
Man Utd chuẩn bị cho tháng 12 của họ bằng một chiến thắng nghẹt thở đêm 29/11 ở sân St Mary's của Southampton. Trong chiến thắng đó, Edinson Cavani nổi lên sau khi vào sân từ băng ghế dự bị. Một kiến tạo, 2 bàn thắng, và Edinson Cavani khiến nhiều người nghĩ anh sẽ là cứu tinh, là người dẫn dắt hàng công Man Utd vào một cuộc chinh phục lớn.
Tuy nhiên, mọi sự không như trí tưởng tượng phong phú của con người. Bóng đá là một môi trường rất khắc nghiệt mà Man Utd đã phải trải nghiệm sự khắc nghiệt ấy ở ngay đầu tháng 12. Chỉ trong 10 ngày kể từ sau chiến thắng 3-2 ở St Mary's, Man Utd phải nếm trải hai thất bại tại Champions League, đủ biến họ từ đội đầu bảng trở thành kẻ bị loại xuống sân chơi Europa League.
Và tròn một tháng sau đêm St Mary's kia, Man Utd kết thúc năm 2020 bằng việc đánh chiếm thành công vị trí thứ nhì trên bảng xếp hạng Premier League. Trong trận thắng nghẹt thở Wolverhampton bằng bàn thắng ở phút bù giờ áp chót, Cavani mờ nhạt vô cùng. Anh thậm chí bị đánh giá là cầu thủ chơi tệ nhất bên phía Man Utd khi cả trận anh chỉ có 2 cơ hội nhưng đều bỏ lỡ. Cavani đã mất tích. Vị cứu tinh mất tích.
Bruno Fernandes tạo ra sự khác biệt cho MU. Ảnh: Getty.
30 ngày cuối cùng của năm với Man Utd là 30 ngày nghịch lý. Có 2 Man Utd tồn tại ở đó. Một Man Utd thất bại, ngờ nghệch, vô định hướng ở Champions League và một Man Utd bất bại ở Premier League. 6 trận Premier League trong tháng 12 đầy khắc nghiệt, họ lấy được 14 điểm, ghi 15 bàn với sự lập công của 8 cầu thủ. Đó là một con số ấn tượng, con số vốn dĩ chỉ thuộc về những nhà vô địch.
Kỳ lạ thay, họ kết tháng 11 để chuẩn bị cho tháng 12 bằng bàn thắng phút cuối, thì họ cũng kết tháng 12 cùng năm đầy tranh cãi bằng bàn thắng phút cuối. Hai bàn thắng kiểu ấy được người hâm mộ nhắc đến bằng một thuật ngữ cũ là "Fergie's time". Và thuật ngữ đó vốn mang hàm ý chơi chữ riêng của nó. Fergie's time có thể là khoảng thời gian bù giờ mà Man Utd quật khởi của Ferguson thường rất bùng nổ để quyết không thỏa hiệp.
Tuy nhiên, Fergie's time cũng nên được hiểu là "Thời đại Fergie". Và ở hai khoảnh khắc ghi bàn của Cavani (trước Southampton) và Rashford (trước Wolverhampton), người ta chỉ thấy được một nửa. Đó là vế đầu. Còn thời đại của Fergie thì đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở lại.
Kể cả là sau này, Ole Solskjaer hay bất kỳ HLV nào đi nữa có đưa Man Utd đến mọi vinh quang chói lọi nhất thì cũng không thể còn cái màu sắc của thời đại Fergie ở đó nữa. Dễ hiểu, thời đại Fergie chỉ thuộc về Fergie mà thôi. Ông ra đi, cái tinh thần ấy cũng ra đi theo, nhất là khi các cầu thủ thời của ông cũng dần dần giải nghệ.
Không có một kết nối nào cho thứ tinh thần vĩ đại ấy tồn tại trên sân bóng. Chúng chỉ còn tồn tại trong các bình luận, chỉ trích của chính thế hệ vàng 1992 vốn bây giờ đi làm bình luận viên nhiều hơn là làm công tác huấn luyện.
Bởi thế, trong cả chuỗi ngày Solskjaer làm việc tại Old Trafford vừa rồi, gần như không nhiều người thỏa mãn với những gì mà Solsa và Man Utd có được với nhau. Thất bại ư? Không Solsa thì Pogba, không Pogba thì Maguire, không Maguire thì De Gea..., luôn luôn sẽ có một ai đó để người ta trút lên mọi tội lỗi.
Còn thắng lợi ư? Ngoại trừ người ghi bàn và một Bruno Fernandes đã trở nên bất khả xâm phạm, phần còn lại, cả thầy lẫn trò, đều rất ít nhận được khen ngợi. Cơ bản, người ta đã quá quen với một Man Utd vừa thắng vừa dạt dào cảm xúc mấy chục năm nay rồi. Thế nên, thắng bằng phòng ngự phản công làm sao có thể khiến người ta thỏa mãn.
Cứ thế, cứ thế, Man Utd hôm nay trở thành một đề tài tranh cãi liên tu bất tận. Và lúc này, ở ngôi nhì bảng, ít hơn Liverpool chỉ 2 điểm, tranh cãi lại nổ ra xoay quanh một câu hỏi duy nhất: Man Utd có vô địch Premier League được không?
Man Utd có điều kiện để vô địch Premier League
Về lý thuyết, một đội bóng kết thúc giai đoạn mùa Đông với vị trí nhì bảng và chỉ thua đội dẫn đầu đúng 2 điểm hoàn toàn có cơ hội để lên ngôi vô địch ở cuối mùa. Thêm vào đó, hiện Man Utd đã có 30 điểm trong tay và số điểm "tương đối" đủ để một đội bóng vô địch Premier League thường là 90 điểm trở lên. Còn 23 vòng đấu nữa để kiếm 60 điểm, đó không phải là nhiệm vụ bất khả.
Hơn nữa, với bối cảnh Premier League hiện tại, khả năng mùa giải này kết thúc với điểm số của quán quân dưới 90 điểm là hoàn toàn có thể xảy ra. Và lịch sử Premier League cũng chứng minh rồi, thường thì điểm vô địch sẽ rất cao khi cuộc đua chỉ là song mã bứt tốp từ sớm. Còn khi số lượng ngựa đua vẫn giữ từ 3 trở lên cho đến khoảng thời gian tháng 3, tháng 4, điểm số quán quân sẽ không quá cao.
Nếu nhìn lại các mùa 2013/14 hay 2014/15, chúng ta sẽ thấy rõ đặc điểm này. Và với cái cách các đội đang so kè nhau như hôm nay, với kịch bản kiểu như Tottenham mới vừa đầu bảng đã rơi ngay xuống top dưới, chúng ta đủ hiểu năm nay sẽ là một cuộc tranh giành khốc liệt để cuối cùng, đội đăng quang cũng sẽ phải trầy trụa rất nhiều.
Đó là nói về bối cảnh, về trạng thái xuất phát sau kỳ Giáng sinh. Còn nói về con người, thực sự chúng ta phải thừa nhận con người Man Utd không hề kém cỏi so với các đối thủ lớn khác. Có thể, ở họ vẫn còn thiếu một chút gì đó để đạt đến điểm bùng nổ, nhưng chẳng có đội bóng nào là không thiếu một chút gì bao giờ. Hai đối thủ lớn nhất là Man City và Liverpool thực tế cũng đang không đạt được điểm bùng nổ ấy. Cũng chính vì thế mà cuộc đua lúc này luôn ở vào thế giằng co đầy bất trắc.
Một điểm đáng lưu ý của Man Utd mà chúng ta dường như quên chưa nhắc tới chính là sự ổn định của các cầu thủ tiền vệ đã bắt đầu hình thành trong tháng 12 vừa rồi. Không thấy một lời chê nào cho Paul Pogba nữa. McTominay, Fred và Matic cũng không phạm sai lầm như trước đó. Bởi thế, truyền thông cũng bắt đầu để yên cho họ hơn. Mà một khi họ được bình yên tập trung vào chuyên môn, họ sẽ chơi rất khác.
Thực tế, suốt tháng 12 rồi, ở Premier League Man Utd chơi tốt là nhờ rất nhiều vào sự ổn định ấy của tuyến dưới. Pogba, McTominay, Lindelof cũng đã ghi bàn. Mason Greenwood, Martial cũng nổ súng trở lại. Sự tự tin là thứ cần được nuôi dưỡng và nếu nó được nuôi dưỡng tốt như hoàn cảnh hiện thời, khả năng bứt tốc của Man Utd là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực sự là khá tiếc cho Man Utd vì thời điểm quyết định vòng bảng Champions League của họ không diễn ra vào đúng lúc họ có được sự tự tin và ổn định cần thiết kia. Những xáo động lớn của giai đoạn tháng 11 đã khiến họ phải trả giá trước PSG và Leipzig.
Tuy nhiên, cũng không thể loại bỏ khả năng chính thất bại ấy đụng chạm đến niềm kiêu hãnh của các cầu thủ và khiến họ phản ứng lại. Dù muộn, đó cũng là một phản ứng cần thiết để Man Utd đi qua một tháng 12 ngoạn mục như thế.
MU có quyền mơ vô địch. Ảnh: Getty.
Nhưng Man Utd cũng khó có cửa vô địch Premier League
Nếu chỉ tính và đoán một cách đầy lạc quan, bóng đá sẽ không còn là bóng đá nữa. Mọi tính toán đều có thể đổ vỡ hết chỉ vì một tình huống nhỏ trên sân. Man Utd vẫn còn đầy những trở ngại thực sự cả trên lý thuyết lẫn trên thực tế. Và khả năng lên ngôi vô địch của họ thực ra là rất nhỏ, nếu không nói là bất khả.
Về lý thuyết, quay trở lại với mức điểm cần để vô địch mà ta nói ở trên, tức là 60 điểm cho 23 vòng đấu còn lại, chúng ta có ai dám chắc Man United sẽ làm được điều đó hay không? 60 điểm nghĩa là 20 trận thắng. Như vậy, Man Utd sẽ chỉ còn "quỹ thất bại" nằm trong 3 trận mà thôi. Một trận thất bại sẽ tước bớt đi cơ hội của họ nhiều hơn bởi khi đó áp lực chiến thắng các trận còn lại sẽ còn lớn hơn nữa.
Tất nhiên, như chúng ta cũng nói ở trên về bối cảnh Premier League hôm nay, chưa chắc Man Utd đã phải cần tới 60 điểm nữa để đăng quang. Có thể chỉ là khoảng 55-57 điểm nữa là đủ. Điều đó không khiến "quỹ thất bại" của họ nới rộng thêm ra mà nó chỉ cho phép họ có thể hòa một hai trận nào đó.
Như vậy, cái tôn chỉ "không được thua" sẽ luôn ám ảnh theo họ cũng như các đối thủ của họ. Mà về đua đường dài với áp lực kiểu này, đội bóng của Solsa không trội hơn, nếu không nói là thua sút, so với Man City và Liverpool.
Trở lại với tháng 12 vừa qua, chúng ta cũng cần nhận ra một sự thật khá khắc nghiệt để sự lạc quan thái quá về Man Utd được tiết chế lại một phần. Đúng là Man Utd kiếm nhiều điểm nhất Premier League ở tháng 12 (14 điểm) nhưng không phải họ là duy nhất.
Aston Villa, Liverpool, Man City hoàn toàn có thể kiếm được 14 điểm ngang bằng họ nếu như họ không có 1 trận bị hoãn lại. Trong khi đó, Everton dù đá ít hơn Man Utd 1 trận (do bị hoãn), họ cũng kiếm được 13 điểm.
Nếu trận gặp Man City không bị hoãn, chắc chắn Man Utd đã có thêm những đối thủ bám riết gay gắt hơn. Nên nhớ, dưới Man Utd, Aston Villa và Man City vẫn còn đá ít hơn họ một trận. Nếu họ kiếm được 3 điểm ở những trận đấu bù này, nhóm đua tranh sẽ còn chật chội hơn nhiều.
Về thực tế, hàng thủ Man Utd không phải là hàng thủ tốt nhất, an toàn nhất trong nhóm đua tranh chức vô địch. Trận đấu nào họ cũng có những tình huống khiến người hâm mộ "giật mình". Sự thiếu vững chãi của hàng thủ này không chỉ đến từ cá nhân mà nó còn là hệ quả của việc tổ chức kém.
Chính những sự mất bình tĩnh của các cá nhân phòng ngự của Man Utd ở nhiều tình huống đến từ sự thiếu tổ chức này. Họ không tìm thấy mình ở trong đó chứ không phải họ không đủ chất lượng để chơi cho Man Utd.
Một điểm đáng lưu ý nữa là 2 hậu vệ biên. Thực tế đây là điểm mà Man Utd yếu nhất. Ở thời đại này, chưa đội bóng nào lên ngôi vô địch mà không có 2 hành lang mạnh. Man City sa sút cũng vì biên của họ không còn được như thời kỳ đầu Pep lên nắm quyền nữa.
Còn Liverpool, chính nhờ 2 biên mạnh mà tính cơ động của đội hình mới có thể phát huy được. Man Utd thiếu những cá nhân kiểu như Robertson, Alexander-Arnold hay Joao Cancelo. Thậm chí, nếu so với tất cả các đội bóng chen chân trên top trên của bảng xếp hạng, hậu vệ biên của Man Utd có thể bị xem là yếu nhất.
Tuy nhiên, cái đáng ngại hơn cả là khả năng ứng biến của Solsa. Solsa không có nhiều phương án trong cả một trận đấu lẫn một chuỗi trận. Bóng đá hôm nay đã khác rất nhiều, và một HLV luôn phải lao tâm khổ tứ để tìm cách đối phó với mỗi đối thủ cụ thể bằng một phương án khác nhau. Bắt bài và bị bắt bài là chuyện thường ngày.
Nhiều người từng khen Solsa thay người hay khi đưa Cavani vào sân và bùng nổ ở trận gặp Southampton hôm 29/11. Thực sự, đó là một màn tỏa sáng cá nhân hơn là màn lật ngược nhờ chiến thuật được điều chỉnh. Sau lần ấy, có lần nào Solsa thay người tạo hiệu ứng khác biệt lớn về chiến thuật hay không? Khác biệt nhỏ thì có nhưng chủ yếu do lối đá của cầu thủ được thay vào khác lối đá của người bị lôi ra mà thôi.
Giờ thì quay về với tháng 12 để chốt lại câu chuyện Man Utd. Nếu Everton không bị hoãn trận và họ có 3 điểm khi tiếp Man City trên sân nhà ở lượt đấu đêm 29/12 vừa rồi, họ mới là đội bóng đứng nhì bảng chứ không phải Man Utd. Giả thuyết ấy mà tồn tại, có ai nhắc tới câu hỏi "Man Utd có vô địch được Premier League?" lúc này không?
Đứng thứ ba, ít ai dám hỏi câu ấy lắm.
Van Gaal lại chê MU, dự ngày Solskjaer bị sa thải Trong một diễn biến mới đây, HLV Van Gaal đã lên tiếng chê bai lối chơi của MU, đồng thời cũng cho rằng người đồng nghiệp trẻ Ole Solskjaer sẽ sớm phải ra đi. Quỷ đỏ đang thi đấu khá ổn định trong thời gian gần đây với mạch 6 trận bất bại tại Premier League. Tuy vậy, lối chơi mà Quỷ đỏ...