Đằng sau nỗ lực gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức yêu cầu gia nhập nhóm các quốc gia thị trường mới nổi BRICS trong bối cảnh nước này tìm cách củng cố sức ảnh hưởng toàn cầu và xây dựng mối quan hệ mới ngoài các đồng minh phương Tây truyền thống.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara. Ảnh: AFP/TTXVN
Dẫn lời một số nguồn tin thân cận giấu tên, tờ Bloomberg đưa tin động thái ngoại giao mới của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh nguyện vọng vun đắp mối quan hệ với mọi bên trong một thế giới đa cực, đồng thời vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Vài tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập BRICS khi thất vọng vì không đạt được tiến triển trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để gia nhập Liên minh châu Âu. Nỗ lực này một phần cũng là kết quả của sự rạn nứt với các thành viên NATO khác sau khi Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga sau khi xung đột với Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Bộ Ngoại giao và Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối bình luận về lý do nước này xin gia nhập BRICS.
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng, uy tín và hiệu quả nếu cải thiện quan hệ với cả phương Đông và phương Tây cùng lúc. Những phương pháp nằm ngoài phương pháp này đều không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ mà còn gây hại cho quốc gia”, Tổng thống Recep Erdogan phát biểu tại Istanbul vào cuối tuần.
Nhóm BRICS, được đặt theo tên của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, bao gồm một số nền kinh tế mới nổi lớn nhất. Đầu năm nay, BRICS có thêm bốn thành viên mới khi Iran, Các Tiểu vương quốc ArabThống nhất, Ethiopia và Ai Cập gia nhập.
Nguồn tin cho biết việc mở rộng hơn nữa của nhóm có thể được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh tại Kazan, Nga, từ ngày 22-24/10. Malaysia, Thái Lan và đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ là Azerbaijan nằm trong số các quốc gia khác muốn tham gia.
BRICS luôn tự coi mình là một giải pháp thay thế cho các tổ chức do phương Tây thống trị như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các thành viên mới có khả năng tiếp cận nguồn tài chính thông qua ngân hàng phát triển cũng như mở rộng các mối quan hệ chính trị và thương mại.
Video đang HOT
Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Tổng thống Erdogan từ lâu cáo buộc các quốc gia phương Tây cản trở ước mơ của Thổ Nhĩ Kỳ về một ngành công nghiệp quốc phòng tự cung tự cấp và nền kinh tế mạnh mẽ. Nhà lãnh đạo cũng thường xuyên bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc gia nhập BRICS có thể giúp nước này cải thiện hợp tác kinh tế với Nga và Trung Quốc, và trở thành cầu nối thương mại giữa EU và châu Á. Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt từ Nga và Trung Á.
Chính quyền của Tổng thống Erdogan cũng tìm cách cố gắng thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc – những công ty có khả năng tận dụng liên minh hải quan của Thổ Nhĩ Kỳ với EU để thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường của họ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán để gia nhập EU từ năm 2005, nhưng gặp phải một loạt trở ngại. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nỗ lực song song để khôi phục các cuộc đàm phán gia nhập với EU. Đây vẫn là “mục tiêu chiến lược” sau khi nhà chức trách tham dự các cuộc đàm phán không chính thức với các đối tác EU lần đầu tiên sau 5 năm.
Lý do một thành viên NATO đột nhiên muốn gia nhập BRICS
Có những lợi ích và thách thức khi thành viên NATO này gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.
(Từ trái sang): Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 23/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Giảng viên tại Đại học HSE (Moskva), tin tức mới đây về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu. Thông báo này được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây. "Tất nhiên, chúng tôi muốn trở thành thành viên của BRICS. Hãy xem chúng ta có thể đạt được gì trong năm nay", Bộ trưởng Fidan được tờ South China Morning Post trích dẫn nói.
Vấn đề này cũng đã được thảo luận trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao BRICS tại Nizhny Novgorod, có sự tham dự của nhà ngoại giao hành đầu Thổ Nhĩ Kỳ. Mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn toàn mới.
Trong hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2018, nơi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tham dự, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ankara có thể gia nhập vào năm 2022. Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo trên trường thế giới dường như đã trì hoãn tham vọng đó, và Ankara chỉ mới thể hiện lại sự quan tâm này.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS
Ông Sadygzade cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, coi đây là bước đi quan trọng hướng tới việc tăng cường ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế của mình. Khát vọng này được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính liên quan đến các khía cạnh kinh tế, chính trị và địa chiến lược.
Là một trong những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ hướng đến mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển nhanh. Việc gia nhập BRICS sẽ giúp Ankara tiếp cận được một thị trường rộng lớn và có cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư với các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu của thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thách thức và bất ổn kinh tế toàn cầu, nơi mà việc đa dạng hóa các đối tác trở thành yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và các hạn chế do các tổ chức tài chính phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới áp đặt. Việc gia nhập BRICS sẽ giúp Ankara tiếp cận được Ngân hàng Phát triển Mới và Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng, cho phép nước này đảm bảo nguồn tài trợ theo các điều khoản thuận lợi hơn và ít cam kết chính trị hơn. Điều này đặc biệt có liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tìm cách duy trì sự độc lập về kinh tế và giảm thiểu áp lực bên ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ tích cực ủng hộ ý tưởng về một thế giới đa cực, nơi cán cân quyền lực được phân bổ đều hơn giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. BRICS, ủng hộ đa cực và quản trị toàn cầu công bằng, đại diện cho một nền tảng hấp dẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang nỗ lực tăng cường sự độc lập chính trị của mình khỏi các quốc gia và khối phương Tây như EU và NATO.
Trong bối cảnh này, điều đáng chú ý là Ankara coi mong muốn gia nhập BRICS như một cử chỉ nhằm vào EU, khối mà Ankara từng tìm cách gia nhập. Điều này được xác nhận qua phát biểu của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông lưu ý rằng một số nước châu Âu phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, và do đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi BRICS là một nền tảng thay thế để hội nhập. "Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng BRICS, với tư cách là một nền tảng hợp tác quan trọng, mang lại cho một số quốc gia khác một giải pháp thay thế tốt. ... Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng ở BRICS", ông Fidan giải thích.
Vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến nước này trở thành mối liên kết quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông. Việc gia nhập BRICS sẽ củng cố vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép nước này sử dụng hiệu quả vị trí chiến lược của mình để thúc đẩy lợi ích và tăng cường quan hệ với các nước thành viên khác. Điều này cũng sẽ góp phần nâng cao vai trò của Ankara trong an ninh khu vực và toàn cầu.
Việc trở thành thành viên BRICS sẽ tăng cường đáng kể ảnh hưởng và uy tín quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể tham gia vào việc phát triển các chiến lược kinh tế và chính trị toàn cầu, đưa ra các ý tưởng và giải pháp của mình để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Điều này sẽ củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường thế giới và tạo điều kiện cho nước này tham gia tích cực hơn vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế.
Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS vì nhiều lý do, bao gồm phát triển kinh tế, tiếp cận các tổ chức tài chính thay thế, độc lập chính trị, lợi ích địa chiến lược và tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Việc gia nhập BRICS sẽ mở ra những cơ hội mới cho Ankara, củng cố vị thế của nước này trên trường quốc tế và đảm bảo sự tham gia cân bằng và công bằng hơn vào các vấn đề thế giới. Việc trở thành thành viên BRICS sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế và đóng góp vào việc tạo ra một hệ thống toàn cầu cân bằng hơn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại một sự kiện ở Istanbul. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Rào cản đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS
Mặc dù việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Ankara, nhưng vẫn có những rào cản nghiêm trọng làm phức tạp quá trình này. Những rào cản này bao gồm thực tế chính trị trong nước, thách thức kinh tế và áp lực bên ngoài từ phương Tây.
Tình hình chính trị trong nước ở Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra những trở ngại đáng kể cho việc gia nhập BRICS. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền do Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan lãnh đạo, lần đầu tiên sau 22 năm đã thua phe đối lập trong cuộc bầu cử cấp thành phố được tổ chức vào ngày 31/3 năm nay. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), vốn có truyền thống ủng hộ các quan điểm thân phương Tây, đã giành được quyền kiểm soát 35 thành phố, trong khi đảng của ông Erdoğan chỉ thành công ở 24 thành phố.
Chiến thắng của CHP trong cuộc bầu cử cấp thành phố cho thấy sự thay đổi trong định hướng chính trị của Ankara hướng tới phương Tây. Ngay cả trong AKP, cũng có những người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, làm phức tạp thêm quyết định gia nhập BRICS. Phó Chủ tịch đảng VATAN ("Quê hương" của Thổ Nhĩ Kỳ), Hakan Topkurulu, lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên gia nhập BRICS nhưng cũng thừa nhận sự hiện diện của một nhóm ủng hộ phương Tây mạnh mẽ ở nước này, có liên quan đến tư cách thành viên NATO.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với các nước phương Tây, khiến vấn đề gia nhập BRICS càng trở nên phức tạp hơn. Quyết định trở thành thành viên BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, những người coi BRICS là mối đe dọa đối với sự thống trị của họ trên trường quốc tế. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng các biện pháp trừng phạt, hạn chế kinh tế và áp lực chính trị, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và các mối quan hệ quốc tế của nước này.
Tình hình kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là rào cản nghiêm trọng đối với việc gia nhập BRICS. Nền kinh tế nước này đang trong tình trạng tồi tệ và lạm phát cao buộc các nhà hoạch định kinh tế phải tìm kiếm đầu tư. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nhiều hơn vào phương Tây về mặt này, vì các nước BRICS chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển và không thể cung cấp các khoản đầu tư đáng kể như vậy.
Mặc dù các nước BRICS có tiềm năng kinh tế lớn, họ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế nội bộ của riêng mình và có thể không phải lúc nào cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này làm cho việc gia nhập BRICS trở nên kém hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Do đó, bất chấp những lợi ích tiềm tàng khi gia nhập BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số rào cản nghiêm trọng. Thực tế chính trị trong nước, bao gồm ảnh hưởng của các lực lượng thân phương Tây và bất đồng nội bộ, tạo ra những trở ngại đáng kể cho quyết định gia nhập BRICS. Áp lực bên ngoài từ phương Tây và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước phương Tây càng làm phức tạp thêm quá trình này. Cuối cùng, những thách thức kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt khiến việc tìm kiếm đầu tư ở phương Tây trở nên hấp dẫn hơn khả năng gia nhập BRICS. Tất cả những yếu tố này cùng nhau tạo nên một bức tranh phức tạp và nhiều lớp cản trở ý định trở thành một phần trong BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại sao Tổng thống Syria đến thăm Nga? Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Syria đang phục hồi sau nội chiến và nỗ lực bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab. Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Getty Images/TTXVN Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã có cuộc hội đàm với người đồng...